Nỗi Buồn Chiến Tranh

(5 đánh giá của khách hàng)

Nỗi buồn chiến tranh là tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Bảo Ninh và cũng rất tiêu biểu cho một văn học nền văn học nói lên sự thật sau năm 1975. Tác phẩm đã khắc họa một cách chân thực về chiến tranh, không ảo tưởng và không thi vị hóa chiến tranh một chút nào. Chiến tranh Việt Nam hiện ra với những sự thật trần trụi đến khủng khiếp. Nó nhắc chúng ta về một thời mất mát đã qua mà nay vẫn còn âm ỉ nỗi đau không bao giờ dứt.

Danh mục:

Nỗi Buồn Chiến Tranh là một tác phẩm dễ làm người đọc ám ảnh vì câu chữ sâu xa, đau đớn, tàn khốc của một đời chiến binh với từng đoạn hồi ức đứt đoạn bởi cảm xúc, bởi những đoạn đời ngắn ngủi mà cho dù cố ghép lại cũng không thể liền mạch.

Kiên – người kể chuyện, trong mười năm chiến tranh và mười năm hoà bình với gia đình lạc loài không hoàn hảo, với tình yêu mãnh liệt, điên cuồng, với hiện thực chẳng thanh cao mà chỉ nhuốm đầy ti tiện của con người. Trong thế giới ấy, Kiên sống mà như đang mộng, mộng trên chiến trường đầy máu, mộng trong cuộc đời liều lĩnh và theo đuổi sự tự do vĩnh cửu.

Nỗi Buồn Chiến Tranh day dứt nhiều hơn buồn. Người đọc lạc vào những trang sách như đang cất bước trong mê cung tâm tưởng với đủ loại người, đủ loại tính cách, đủ loại quan điểm sống mà ít nhiều đều mang tính huỷ diệt. Nhận diện chiến tranh dưới góc nhìn bi quan và tiêu cực, Nỗi Buồn Chiến Tranh khắc hoạ cái định nghĩa bi thảm về chiến tranh, rằng “Chiến tranh là cõi không nhà không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới thảm sầu, vô cảm, là tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người.” Trong cái cõi ấy, có hàng ngàn thanh niên, như Kiên, dù đã tự hỏi mình nhưng vẫn nhiệt tình cống hiến, để rồi khi nó qua đi, cả cuộc đời đã không còn lại gì nữa.

Trang sách khép lại, khó có ai còn thấy bình thường sau những gì đã đọc. Hoang mang, tiếc nuối, tuyệt vọng… với những câu hỏi về đời, về người, về lý tưởng sống mà có lẽ vĩnh viễn, dù con người có cố công tìm kiếm bằng cách nào, cũng không ra lời đáp.

©

Tác phẩm là dòng hồi ức của người lính về chiến tranh và thời tuổi trẻ đã trải qua trong bom đạn. Đó là lòng tiếc thương vô hạn đối với những người cùng thế hệ với mình đã nằm xuống, là ám ảnh về thân phận con người trong thời buổi loạn ly, và thông qua thân phận là sự tái hiện đầy xót xa về quá khứ, những suy tư nghiền ngẫm về con đường dấn thân của cả một thế hệ sinh ra trong chiến tranh. Bao trùm lên tất cả, là nỗi buồn sâu xa gắn với từng mảnh đời riêng.

Tác phẩm đã bước ra khỏi lối mòn về lòng tự hào dân tộc cùng những chiến công và vinh quang tập thể để nêu lên thông điệp về sự ghê tởm, về tính chất hủy diệt của chiến tranh đối với con người. Vào thời điểm ra đời cuối thập niên 1980, “Nỗi buồn chiến tranh” có thể được xem là tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại đầu tiên viết về chiến tranh có cái nhìn khác với quan niệm truyền thống, khẳng định mạnh mẽ vai trò cá nhân trong xã hội, quyền sống, hạnh phúc và đau khổ của con người với tư cách một cá thể độc lập. Tiểu thuyết nhận được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991.

5 đánh giá cho Nỗi Buồn Chiến Tranh

  1. Lê Võ Thảo Uyên

    Bảo Ninh đã mượn hình tượng nhân vật Kiên để thuật lại những tháng năm chinh chiến gian khổ ấy của dân tộc mà chính Kiên là nhân vật sử thi đại diện cho cả một tầng lớp bộ đội xưa. Trong truyện, có những con người vì sợ hãi mà đào ngũ, có những tình yêu day dứt mãi sau thời chiến, có những nỗi nhớ và ám ảnh khôn nguôi về một thời đã vãng…
    Đọc xong, nghĩ đến những dòng thơ của Quang Dũng:
    “….Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
    Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
    Có nhớ dáng người trên độc mộc
    Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa…”

  2. Nguyen Ha Thao

    cuốn này nếu muốn tìm hiểu về chiến tranh và cuộc sống hậu chiến, sách đã được giới thiệu và chuyển ngữ tại 18 quốc gia khác nhau.
    Bác Bảo Ninh – tác giả nhập ngũ từ năm 17 tuổi (1969) trải qua cuộc chiến đến năm 1975 nên nguyên cả cuốn sách như viết về cuộc đời của tác giả, 1 trong số ít những người may mắn sống sót mà “giá của sự may mắn ấy là anh đã lần lượt mất hết những người bạn, người anh em, người đồng chí thân thiết nhất”. Must read book nếu bạn muốn xem tiếng Việt giàu và đẹp như thế nào, tìm hiểu về chủ đề chiến tranh. Cuốn truyện nổi tiếng trên goodreads với rate 4/5, dịch ra bản Tiếng Anh trước khi được xuất bản bằng Tiếng Việt sau đó 10 năm.

    Cuốn sách buồn nhất từ trước đến giờ đọc, buồn da diết đến từng chữ về chiến tranh và cuộc sống hậu chiến của những người lính, gia đình và người thân, điển hình là nhân vật Kiên.
    Những hồi ức và ám ảnh của cuộc chiến đeo theo người sống thời bình. Kiên trở về cuộc sống nhưng vĩnh viễn sống trong quá khứ những ngày bất hạnh, đau thương.

  3. Nguyen Nam Hai

    Tác phẩm với giọng văn lành lạnh, giản đơn nhưng ám ảnh người đọc. “Chiến tranh là cõi không nhà không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới thảm sầu, vô cảm, là tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người”, nó phá nát những thứ hữu hình và cả những thứ vô hình trong ta. Cuộc sống sau ngày Hòa bình của Kiên và những người đã đi qua chiến tranh trở nên vô định, vô hồn. Tác phẩm đề cập đến mưu cầu cụ thể trong mỗi người lính, vững vàng trước địch, đôi khi xem thường cái chết và thèm khát những nhu cầu bình thường của con người. Hãy trân trọng hòa bình, trân trọng quá khứ bi tráng đã qua, trân trọng những hi sinh thể xác tinh thần của người lính để sống tốt hơn cho chính mình, để yêu thương nhiều hơn, đừng hằn thù nhau nữa. Chiến tranh là thế, chỉ khi Tổ quốc cần, chứ có ai muốn đâu!

  4. Nhật Minh

    Được đánh giá là “Chiến tranh và hòa bình” của Việt Nam, “Nỗi buồn chiến tranh” là tác phẩm kinh điển của dòng văn học chiến tranh. Tầm vóc của cuốn sách không chỉ gói gọn trong số lượng trang giấy ít ỏi mà vươn tầm mang tính lịch sử: đó là đời người gắn liền với thời đại và vận mệnh dân tộc.
    Đặc biệt hơn, nếu như các tác phẩm chiến tranh chủ yếu làm nhiệm vụ chính trị, ca ngợi sử thi anh hùng cách mạng… thì tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” cũng viết về thời chiến nhưng lại khai thác theo một hướng khác: không phân chia ta- địch, có một cái nhìn trung thực và đúng đắn hơn, mang chủ nghĩa nhân văn nhân bản sâu sắc, đề cao con người…
    Mấy dòng nhận xét mang tính cá nhân không thể gói gọn nổi quy mô của cuốn sách. Lật giở từng trang sách, người đọc như bị những con chữ lôi cuốn vào, vừa mê đắm, hào hùng, đau khổ, bi ai… sẽ thấy tâm hồn mở rộng hơn, trái tim có lúc quặn thắt vì đau lúc lại giần giật máu nóng. Có lẽ cả đời tác giả Bảo Ninh và sẽ còn rất lâu nữa văn đàn Việt Nam có một tác phẩm kỳ vĩ như vậy.

  5. Nguyen Ngoc

    ”Một hôm, Thịnh “con” ở tiểu đoàn một đã liều mò tới đấy và giữa tro tàn của ngôi làng cậu ta đã bắn chết một con vượn rất to, phải bốn người kéo ra mới khiêng nổi con thú về chỗ lán của đội trinh sát. Nhưng, lạy Chúa tôi, đến khi ngả nó ra, cạo sạch được bộ lông thì ôi giời đất ôi, con vật hiện nguyên hình một mụ đàn bà béo xệ, da sùi lở nửa xám nửa trắng hếu, cặp mắt trợn ngược. Cả lũ bọn Kiên thất kinh, rú lên, ù té quẳng tiệt nồi niêu dao thớt. ở trung đoàn chẳng ai người ta tin chuyện đó, nhưng chuyện đó là có thật. Bọn Kiên đã chôn cất, đắp điếm tử tế mồ mả cho “người ấy”, nhưng sự báo oán vẫn chẳng tránh được. Một thời gian sau, Thịnh “con” bị giết. Và lần lượt, kế tiếp nhau hầu hết trung đội đã bỏ mình. Còn sót lại có mình Kiên, như vậy đấy…”

    “Hát đi em! – Một anh lính thủy nói, giọng buồn buồn khang khác – hát để giã từ mà. Từ giã bọn anh. Từ giã biển. Ngày mai… Chẳng giấu các bạn làm gì: Chiến tranh rồi! Chiến tranh với Mỹ.”
    Cả 2 đoạn trên mình đều trích từ Nỗi Buồn Chiến Tranh ( Bảo Ninh). Đây là quyển sách khá đặc biệt vì nó không hề viết theo một mạch truyện nào cả, trang nào cũng có thể là trang đầu, trang nào cũng có thể là trang cuối! Xuyên suốt tác phẩm là một không khí u ám, nặng trĩu đầy rối bời của người lính thời chiến, họ tham gia chiến trường rồi liệt oanh ngã xuống, linh hồn, máu, xương và thịt hòa quyện vào mùi thuốc súng bay khắp chiến trường, bay qua những khu rừng cháy trụi, bay qua những ngôi làng không một bóng người dù bếp vẫn đang nấu, phản vẫn còn ấm hơi người.
    Nỗi buồn chiến tranh còn gắn với tình yêu, những người yêu nhau bị chia cách vì bom đạn và những thứ họ mang bên mình trong suốt cuộc chiến chỉ là những kí ức trong sang về nhau.
    Nỗi buồn chiến tranh không chỉ xuất hiện thời chiến, nó còn ám ảnh cả thời hậu chiến. Những người trở về không bị tàn tật thì cũng ám ảnh cả phần đời còn lại, họ trở nên vô phương hướng, khó hòa nhập được với cuộc sống nữa.
    Tóm lại đây là một quyển rất ám ảnh, nhưng nó lột tả rất chân thực về sự khốc liệt của chiến tranh, về tâm trạng của những người lính cả thời chiến và hậu chiến. Nếu các bạn muốn tìm hiểu về chiến tranh ( Việt Nam ) ,về những thứ nó mang đến, về chính những gì mà những con người của tổ quốc thân yêu đã gánh chịu để có được ngày nay, hãy đọc nó!
    Không dài dòng nữa, tóm lại đọc những quyển sách như thế này các bạn sẽ hiểu được chiến tranh là gì, một tấc đất, một ngọn đồi đã nhuốm bao nhiêu lần máu, bao nhiêu lần xương đã hóa bụi, đọc để biết màu cờ tổ quốc được nhuộm bởi thứ gì?
    Và hơn hết, đọc để biết Hòa Bình Là Vô Giá!

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button