Ông Già Khottabych

(5 đánh giá của khách hàng)

Ông già Khottabych của tác giả Lazar Laghin được mệnh danh là truyện Nghìn lẻ một đêm của văn học thiếu nhi Nga, rất hài hước hấp dẫn, được cực kỳ yêu thích của nhiều thế hệ bạn đọc Nga cũng như nước ngoài, trong đó có cả Việt Nam. Xoay quanh các nhân vật chính là những mẩu chuyện ngộ nghĩnh, cảm động, đem lại những bài học hay về lối sống trung thực, về tình bạn, tình yêu thương gia đình và nhiều điều cần thiết để phát triển nhân cách cho bạn đọc trẻ tuổi, cũng như những bất ngờ thú vị cho cả người đọc trưởng thành.

Danh mục:

Giới thiệu

Một ông thần kỳ khôi

Già hơn ba nghìn tuổi

Cả đời nằm buồn rũ,

Ở trong một cái hũ.

Nước da ông ngăm ngăm,

Mình gầy ngang que tăm

Đầu ông đội khăn xếp

Râu ông dài cả mét

Tên thì rõ là dị

Song ai cũng nhớ kĩ

Vì ông rất hồn nhiên

Y như một cô tiên

Lúc nào cũng tự đắc

Nghĩ mình làm việc tốt

Mặc dù mấy phép lạ

Gây không ít tai vạ

Nhưng ai mà không thích

Ông già Khottabych?

Ông già Khottabych của tác giả Lazar Laghin được mệnh danh là truyện Nghìn lẻ một đêm của văn học thiếu nhi Nga, rất hài hước hấp dẫn, được cực kỳ yêu thích của nhiều thế hệ bạn đọc Nga cũng như nước ngoài, trong đó có cả Việt Nam. Xoay quanh các nhân vật chính là những mẩu chuyện ngộ nghĩnh, cảm động, đem lại những bài học hay về lối sống trung thực, về tình bạn, tình yêu thương gia đình và nhiều điều cần thiết để phát triển nhân cách cho bạn đọc trẻ tuổi, cũng như những bất ngờ thú vị cho cả người đọc trưởng thành.

Năm 1956, Ông già Khottabych được chuyển thể thành bộ phim cùng tên – và là bộ phim được đánh giá cao suốt nhiều thập kỷ qua của điện ảnh Nga.

Đọc thử

Buổi sáng bất thường

Bảy giờ ba mươi phút sáng, một tia nắng rực rỡ chui qua cái lỗ nhỏ xíu ở tấm mành và rọi vào đúng mũi cậu học sinh lớp 6 Vônca Côxtưncốp. Vônca hắt xì hơi và thức dậy.

Đúng lúc ấy, từ buồng gần buồng Vônca vọng đến tiếng nói của mẹ:

– Chẳng cần gì phải vội, anh Aliôsa ạ. Cứ để cho cu con ngủ thêm chút nữa đã. Hôm nay, con nó phải đi thi đấy.

Vônca nhăn mặt.

Đến bao giờ mẹ mới thôi gọi nó là “cu con” đây!

– Em nói vớ vẩn gì thế? – Bố đáp lại ở bên kia bức tường ngăn – Chàng trai của chúng ta đã sắp 13 tuổi rồi. Cứ để cho con nó dậy và giúp thu xếp đồ đạc… Con nó sắp mọc râu đến nơi rồi mà em vẫn cứ “cu con”, “cu con”…

Thu xếp đồ đạc! Làm sao Vônca lại có thể quên bẵng mất chuyện đó nhỉ!

Vônca liền tung chăn và vội vã mặc quần dài. Làm sao lại có thể quên được! Một cái ngày như thế mà lại quên!

Hôm nay, gia đình Côxtưncốp dọn đến căn nhà mới ở một ngôi nhà 5 tầng mới xây. Ngay từ hôm trước, gần như tất cả đồ đạc đã được đóng gói, chằng buộc. Mẹ và bà nội đã xếp bát đĩa vào cái chậu tắm mà xưa kia họ đã từng tắm cho bé Vônca. Còn bố, sau khi xắn tay áo và ngậm đầy một mồm đinh như ông thợ giày, đã đóng chặt những thùng đựng sách. Sau đó, cả nhà bàn xem nên chất đồ đạc ở đâu để sáng mai đưa ra xe cho tiện. Rồi mọi người uống trà theo kiểu dã chiến, bên chiếc bàn không trải khăn. Cuối cùng, họ quyết định rằng buổi sáng sẽ sáng suốt hơn buổi tối và đi ngủ.

Nói tóm lại, không tài nào hiểu nổi làm sao Vônca lại có thể quên mất chuyện sáng hôm nay sẽ dọn đến căn nhà mới…

Chưa kịp uống xong nước trà thì các bác công nhân khuân vác đã bước thình thịch vào. Việc đầu tiên là họ mở toang cả hai cánh cửa và với giọng oang oang hỏi:

– Có thể bắt đầu được chưa?

– Xin cứ việc! – Mẹ và bà cùng trả lời một lúc rồi cuống cả lên.

Vônca thận trọng khuân cái gối dài và cái tựa lưng ở đivăng ra chiếc xe tải 3 tấn có mui đang đậu ngoài đường.

– Nhà cậu dọn đi à? – Một chú bé hàng xóm hỏi Vônca.

– Dọn qua đi chứ! – Vônca khinh khỉnh trả lời, làm ra vẻ như tuần nào nó cũng dọn nhà và đối với nó chuyện đó chẳng có gì là lạ cả.

Bác quét sân Xtêpanứt bước đến gần, trầm ngâm vấn một điếu thuốc và bác bắt chuyện nghiêm chỉnh với Vônca như với một người ngang hàng. Chú bé hơi choáng váng vì kiêu hãnh và sung sướng. Nó thu hết can đảm và mời bác Xtêpanứt đến thăm nhà mới của mình. Bác quét sân nói: “Tôi rất lấy làm vui lòng”. Nói tóm lại, cuộc nói chuyện nghiêm chỉnh và tốt đẹp giữa hai người đàn ông đang tiếp diễn thì từ trong căn nhà bỗng vang lên tiếng gọi của mẹ:

– Vônca! Vônca! … Thằng cu con khó chịu ấy đã biến đâu mất rồi?

Vônca chạy vội vào căn nhà trống rỗng, rộng rãi một cách lạ thường, trong đó nằm bừa bộn trợ trọi những mảnh báo cũ và những chai đựng thuốc trống không.

– Có thế chứ! – Mẹ nói – Con bê cái bể nuôi cá trứ danh của con đi và trèo ngay lên xe. Con sẽ ngồi ở chiếc đivăng trên ấy và ôm lấy cái bể. Chẳng còn chỗ nào mà để cái bể ấy cả. Nhưng coi chừng, đừng để nước sánh ra đivăng đấy nhé!

Chẳng hiểu tại sao bố mẹ lại cứ cuống lên như thế lúc dọn đến nhà mới

Cái bình bí mật

Cuối cùng Vônca đã thu xếp được một chỗ ngồi tương đối tốt.

Bóng tối lờ mờ mát mẻ và bí ẩn bao trùm trong xe. Nếu nheo mắt lại, có thể tưởng tượng bạn đang đi không phải ở Ngõ Ba Ao mà bạn đã sống cả đời mình, mà ở một nơi nào đó tại vùng Xibia mênh mông xa lắc, nơi bạn phải chiến đấu khốc liệt với thiên nhiên để xây dựng một nhà máy mới khổng lồ của nền công nghiệp Xôviết. Và dĩ nhiên, Vônca Côxtưncốp sẽ đứng ở hàng đầu những người xuất sắc trên công trường ấy. Nó là người đầu tiên nhảy xuống xe khi đoàn xe tải đến nơi đã định. Nó là người đầu tiên dựng lều bạt của mình và nhường ngay cái lều ấy cho những người bị bệnh dọc đường, còn nó thì vừa nói đùa với các bạn cùng công trường, vừa ngồi sưởi bên đống lửa mà chính nó đã nhóm lên một cách nhanh nhẹn và khéo léo. Còn lúc giữa những cơn băng giá dữ dội hoặc những trận bão tuyết điên cuồng, một người nào đó tính giảm bớt nhịp độ lao động thì người ta sẽ nói ngay với anh ta: “Anh thật đáng xấu hổ! Hãy noi gương đội lao động kiểu mẫu của Vônca Côxtưncốp (1)…”

Đằng sau chiếc đivăng nhô lên cái bàn ăn chổng ngược bốn chân, nó bỗng trở nên hết sức lý thú và khác thường. Bên trong cái bàn, chiếc xô chất đủ thứ chai lọ kêu loảng xoảng. Chiếc giường mạ kềnh ánh lên lờ mờ ở bên thành thùng xe. Cái thùng tônô cũ kỹ mà bà vẫn thường dùng để muối dưa bắp cải vào mùa đông bỗng có cái vẻ bí ẩn và nghiêm trang đến nỗi Vônca chẳng hề ngạc nhiên tí nào, nếu nó biết rằng xưa kia chính nhà triết học Điôgien – người được nói đến trong môn lịch sử Hy Lạp cổ đại – đã từng ở trong một cái thùng như vậy.

Những tia nắng mỏng manh lọt qua các lỗ thủng nhỏ xíu ở thành xe làm bằng vải bạt. Vônca ghé mắt nhìn qua một cái lỗ thủng ấy. Trước mắt nó vùn vụt chạy qua như trên màn ảnh ở rạp chiếu bóng những đường phố vui vẻ và ồn ào; những ngõ hẻm yên tĩnh và râm mát; những quảng trường rộng lớn, trên đó các ngưòi đi bộ xếp hàng hai khắp tứ phía. Tiếp theo các người đi bộ là những cửa hiệu với các tủ kính lớn sáng loáng chứa đầy hàng hóa, trong đó là những người bán và những người mua có vẻ mặt băn khoăn; là những trường học và những sân trường đã thấy nhiều bóng áo trắng và khăn quàng đỏ của các học sinh nôn nóng nhất, thường đến trường rất sớm trong ngày thi; và những nhà hát, những câu lạc bộ, những nhà máy, những tòa nhà đồ sộ tươi màu gạch đỏ đang xây dựng, được ngăn cách với các người qua đường bằng những hàng rào ván ghép cao và bằng những vỉa hè lát gỗ hẹp.

Thế rồi chiếc xe tải của Vônca từ từ đi ngang qua rạp xiếc, một tòa nhà bí ẩn không cao lắm, có mái vòm hình tròn màu gạch. Trên tường rạp xiếc bây giờ không có những tấm bảng quảng cáo hấp dẫn với hình các con sư tử màu vàng tươi và các cô gái đẹp đứng duyên dáng một chân trên lưng những con ngựa đẹp không thể tả được. Trong dịp hè, đoàn xiếc chuyển đến Công viên Văn hóa và nghỉ ngơi, biểu diễn trong cái nhà bạt khổng lồ. Cạnh cái rạp xiếc bỏ trống không xa, chiếc xe tải vượt qua chiếc ôtô buýt màu xanh da trời chở những khách tham quan. Ba chục em nhỏ xếp hàng hai, nắm tay nhau đi trên vỉa hè và dõng dạc hát đồng ca, giọng lanh lảnh nhưng chẳng đều: “Chúng ta đâu cần bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ! ..”. Có lẽ đây là các em ở vườn trẻ đang dạo chơi trên đại lộ… Trước mắt Vônca lại chạy qua những trường học, những hiệu bánh mì, những cửa hàng, những câu lạc bộ, những nhà máy, những rạp chiếu bóng, những thư viện, những khu nhà mới…

Thế rồi chiếc xe tải, xịt khói và thở phì phò mệt mỏi, đã đỗ lại trước cổng khu nhà mới của Vônca. Mấy bác công nhân khuân vác khéo léo chuyển đồ đạc vào nhà, rồi lên xe đi.

Sau khi mở một cách vất vả những thùng đựng các thứ cần thiết nhất, bố nói:

– Những thứ còn lại, chúng ta sẽ xếp đặt nốt khi đi làm về.

Và bố đến nhà máy.

Mẹ cùng với bà bắt đầu lấy nồi niêu bát đĩa ra, còn Vônca thì quyết định chạy ra sông một lát. Quả là bố đã cấm Vônca không được ra sông tắm mà không có bố đi cùng vì sông ở đây rất sâu, nhưng Vônca đã nhanh chóng tìm được cách bào chữa cho mình:

“Ta cần phải đi tắm để cho đầu óc được thảnh thơi. Làm sao ta lại có thể đi thi với cái đầu óc bí rì rì được! ”

Thật là lạ, bao giờ Vônca cũng biết nghĩ ra cách bào chữa khi cu cậu định làm những việc bị cấm đoán! …

Có một con sông ở gần nhà quả là hết sức tiện lợi. Vônca nói với mẹ rằng nó đi ra bờ sông để học bài địa lý, và quả thực nó đã định lật các trang sách giáo khoa chừng mươi phút. Nhưng lúc chạy đến bờ sông, không chậm một phút, Vônca đã cởi quần áo và lao xuống nước. Trên bờ không có một bóng người. Điều này vừa hay lại vừa dở. Hay vì chẳng ai có thể ngăn cản Vônca tha hồ vùng vẫy. Dở là vì không ai có dịp thích thú xem nó bơi đẹp, nhẹ nhàng ra sao và đặc biệt nó lặn giỏi như thế nào.

Vônca bơi và lặn cho đến khi mệt lả. Bấy giờ, nó quyết định rằng thế là đủ, đã trèo hẳn lên bờ rồi, nhưng nó nghĩ lại và cuối cùng lại lặn thêm một lần nữa, xuống chỗ nước trong veo mát rượi, ánh nắng ban trưa rực rỡ rọi tới tận đáy.

Đúng vào lúc Vônca đã tính ngoi lên mặt nước, tay nó bỗng chạm phải một vật gì đó thuồng thuồng ở dưới đáy sông. Vônca vớ luôn vật ấy và ngoi lên ở ngay cạnh bờ. Trong tay nó là một cái bình gốm phủ rêu nhầy nhụa, hình thù nom rất lạ. Có lẽ Vônca đã mò được một cái bình cổ. Miệng bình được trám chặt bằng một chất nhựa màu xanh lá cây, trên đó có đóng một cái gì trông tựa như dấu ấn.

Vônca ước lượng sức nặng của cái bình. Cái bình khá nặng, và Vônca đứng ngây người.

Một kho báu! Một kho báu chứa những vật cổ xưa có ý nghĩa lớn lao về mặt khoa học!… Tuyệt quá!

Mặc vội quần áo, Vônca lao nhanh về nhà để mở bình ra ở một cái xó vắng vẻ.

Trên đuờng chạy về nhà, trong đầu Vônca đã kịp hình thành một cái tin sáng mai nhất định sẽ xuất hiện trên tất cả các báo. Thậm chí, nó còn nghĩ cho cái tin đó một đầu đề: “Em thiếu niên tiền phong giúp ích cho khoa học”. Nội dung tin đó như sau:

“Hôm qua, em thiếu niên tiền phong Vlađimia Côxtưncốp đã đến đồn công an N. và trao cho người trực ban một kho báu gồm những vật hiếm cổ xưa bằng vàng mà em đã tìm thấy dưới đáy sông, tại một nơi rất sâu. Kho báu đã được các đồng chí công an chuyển cho Viện Bảo tàng Lịch sử. Theo những nguồn tin đáng tin cậy, Vlađimia Côxtưncốp là một tay lặn tài ba”.

Lén qua nhà bếp, nơi mẹ dang chuẩn bị bữa ăn trưa, Vônca lao vào phòng nhanh đến nỗi suýt nữa thì gãy cả chân: nó vấp phải cây đèn chùm chưa kịp treo lên. Đó là cây đèn chùm trứ danh của bà. Xưa kia, từ hồi trước cách mạng, ông nội quá cố đã tự tay sửa chiếc đèn dầu thành cây đèn chùm. Đó là vật kỷ niệm của ông mà không bao giờ bà rời xa nó. Vì treo nó ở phòng ăn không được đẹp lắm nên mới dự định treo nó ở chính cái phòng mà Vônca vừa lẻn vào. Một cái móc sắt to tiếng đã được đóng trên trần để treo cây đèn chùm đó.

Vừa xoa chỗ đầu gối bị bầm, Vônca vừa khóa trái cửa lại. Sau đó, nó móc trong túi ra một con dao nhíp và run run vì hồi hộp, nó cạy cái dấu ấn ở miệng bình.

Đúng lúc ấy, cả căn phòng bỗng mịt mù khói đen hăng hắc, rồi một cái gì đó tựa một vụ nổ không phát ra tiếng đã hất tung Vônca lên trần nhà và nó bị mắc quần vào đúng cái móc định dùng để treo cây đèn chùm của bà nội.

Trích dẫn

Đang cập nhật..

Thể loại

12 tựa sách văn học Nga hay bạn không nên bỏ lỡ - Những tác phẩm văn học Nga vừa hiện thực vừa trữ tình, chất thơ trong văn xuôi cùng lối kể chuyện nhẹ nhàng đặc trưng như đánh thức những rung động mỏng manh, khẽ khàng của tâm hồn, mở ra chiều sâu thăm thẳm của ẩn giấu sau những điều bình dị, giản đơn trong… Đọc thêm
20 cuốn sách văn học nước ngoài hay không nên bỏ qua trong đời - Văn học nước ngoài là một trong những dòng sách có lượng đọc giả và giải thưởng văn chương nhiều nhất trên thế giới, điều đó chứng tỏ giá trị và sức truyền tải của thể loại này là vô cùng to lớn. Hãy cùng Vnwriter điểm qua 20 cuốn sách văn học nước ngoài hay… Đọc thêm
19 sách kinh điển hay đọc rồi cứ muốn đọc lại mãi - Sách luôn là món quà tuyệt vời dành cho mỗi chúng ta, Vnwriter gợi ý 19 cuốn sách kinh điển hay mà nhiều người đọc rồi muốn đọc lại, là những cuốn sách gối đầu giường không thể bỏ qua. Bố Già Thế giới ngầm được phản ánh trong tiểu thuyết Bố già là sự… Đọc thêm

Nơi bán

 

Nhận hàng ngay chỉ trong vài giờ với gói TIKINOW tại TP.HCM, HN, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy

Tới nơi bán

 

FREESHIP cho đơn hàng từ 140k tại TP.HCM và Hà Nội, từ 250k tại các tỉnh thành khác, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy.

Tới nơi bán

5 đánh giá cho Ông Già Khottabych

  1. Đỗ Lan

    Cuốn sách kể về một ông thần được cậu bé Volka giải thoát khỏi cái bình và ông thần quyết định trả ơn cậu bé bằng lòng nhiệt tình nhưng lạc hậu của ông khiến cậu bé lâm vào nhiều tình cảnh dở khóc dở cười. Truyện khá khá giống Aladin và cây đèn thần nhưng ông thần trong truyện này dễ thương và hồn nhiên quá mức, cùng cách nói chuyện rõ buồn cười của ông, khi lúc nào ông cũng nói kiểu như: “Hỡi cậu Volka vô giá con trai của Aliosa, cậu thiếu niên đẹp trai nhất trong những cậu thiếu niên,…”. Kết thúc cũng được, dù mình hơi sốc vì không ngờ e trai ông thần Khottabych là Omar Yusuf lại xấu tính đến vậy. Sách có thêm những trang màu rất phù hợp với nội dung truyện, khiến truyện dễ hình dung hơn, nhưng có điều những trang màu gắn không đúng vị trí lắm. Và một điều rất mong được khắc phục ở những lần tái bản sau đó là từ ngữ thường hay xuống hàng một cách kỳ cục. Ví dụ từ Khottabych đáng lẽ viết liền lại bị viết thành “Khot-” xong xuống hàng “tabych”. Về bìa sách, rất cổ tích, mình rất thích bìa này, màu hồng rất dễ thương dù không khớp lắm, vì ông Khottabych trong truyện mặc áo màu vàng, chỉ có đôi giày là màu hồng thôi. Bìa sau là bài thơ ngắn gọn, xúc tích và hài hước như nội dung truyện, chất lượng giấy vàng đẹp, chia làm nhiều truyện đọc rất vui, phù ợp với cả thiếu nhi lẫn người lớn.

  2. Hoàng Xuân Hiệp

    Ở những chương đầu, mình chưa thích truyện lắm vì mô típ truyện đã cũ, ông thần ở những chương đầu cũng khá vô dụng, nhưng về sau thì truyện cực hay. Một tác phẩm tầm cỡ và phù hợp cho mọi người, thiếu nhi đọc lại càng hay.

    Ông già về sau hiển lộ một thân phép thuật rất kinh người, khác xa mấy ông thần trong truyện cổ tích mà hồi xưa chúng ta hay đọc, ông Khottabych hầu như làm được tất cả, cái gì cũng dám làm, kể cả giết người (nhưng mà cậu bé Volka lúc nào cũng kịp ngăn lại.)

    Ông già tuy hơi nóng tính nhưng mà lại là người cực kỳ trung thực, thân thiện, thật thà, ngây thơ và rất chất phác. Chính sự vô tư của ông đã tạo nên những tình huống khôi hài trong truyện.

    Mọi người thường nghĩ thần thánh là do cha truyền con nối hoặc đùng một cái, đêm nay còn là người nhưng sáng hôm sau là thần. Còn ông Khottabych thực sự xứng đáng là thần vì ông già rất thông minh, trí nhớ siêu tốt, ham học và học hỏi cực nhanh, chỉ cần 15 phút là ông biết đọc làu làu, một đêm là rành địa lý hiện đại. Thậm chí vì ham học nên ông còn định học luôn toán, đại số, vật lý… để tự làm cho mình 1 cái radio!

  3. Đỗ Trần Anh Quyên

    Tôi đọc một phần cuốn sách này lần đầu tiên vào giờ nghỉ trưa trong kỳ thi Đại học 2007, và sau đó tôi đã phải rất khó khăn tìm lại quyển sách này để đọc cho hết. Không uổng công tìm kiếm, đây quả là một câu chuyện thần tiên thú vị, một ông thần xịn trăm phần trăm lạc vào thế giới hiện đại. Một ông thần hùng mạnh với đầy đủ các phép thuật mà phải sợ hãi, hoảng hốt rồi dần đến thích thú, say mê, ngưỡng mộ các thành tựu kỹ thuật hiện đại và đến lời hứa sẽ không bao giờ dùng đến phép thuật ở cuối truyện. Một chú bé con tốt bụng, hào hiệp nhưng nông nổi, nóng vội và vô tâm đã dần học được cách nhẫn nại chăm sóc và yêu thương. Sự kết hợp ấy khiến người đọc không thể nhịn cười trước những tình huống oái ăm của một ông thần lạc hậu, nhưng cũng đầy cảm xúc với tình cảm chân thành mà hai ông cháu dành cho nhau. Mặc dù tư tưởng của truyện đã cũ, nhưng tôi tin những giá trị nhân văn về cách sống, cách chấp nhận sự khác biệt, cách xây dựng và hoàn thành giấc mơ… sẽ vẫn mãi trong tâm trí người đọc

  4. Nguyên Nguyên

    Thuở bé, tôi thường nghe người ta gọi đến cái tên Ông già Khốt ta bít. Sự tò mò khiến tôi tìm đọc tác phẩm ấy và tôi thích câu chuyện nhỏ của nước Nga. Câu chuyện đan xen giữa ông già thần tiên và cậu bé người phàm. Nhiều chuyện rắc rối xảy ra nhưng cũng có không ít niềm vui, sự cảm thông, chia sẻ và sữa chữa khiếm khuyết của cả ông già và chú bé. Có lẽ cuộc phiêu lưu từ vài chục năm trước của 1 cuốn sách thiếu nhi sẽ không còn hấp dẫn bạn trẻ nữa nhưng tôi nghĩ những bài học nhỏ về lối sống, về cách ứng xử, về lòng yêu thương, niềm tin, hi vọng, … thì chẳng bao giờ là lỗi thời. Cá nhân tôi thích cái kết của câu chuyện khi mà cả hai nhân vật chính cùng cam kết cố gắng : ông già thì học cách thích nghi thời đại mới và biết lắng nghe ý kiến của người khác, đứa trẻ thì học tập để có thể giải đáp các câu hỏi của ông thần hay thắc mắc.

  5. Huynh Truc

    Mình nghe tên của ông già Khottabych từ hồi nhỏ cơ, nhưng chỉ nghe nghe rồi thôi chứ không biết ông ý là ai, ở đâu hay tính tình như thế nào cả. Mãi đến khi chợt nhìn thấy quyển sách này mình mới nhớ lại, mới quyết định mua. Thực sự không phụ lòng mong đợi, sách viết vừa hài hước, lại chứa đựng rất rất nhiều bài học. Từ một ông già khó tính, cổ hủ, gây ra không biết bao nhiêu rắc rối cho Voca ông lão Khottabych lại có thể tiếp thu, thay đổi rồi đồng hành bên cậu bé qua bao nhiêu chuyện. Không chỉ cười cho vui mà có nhiều vấn đề về tình cảm gia đình, bạn bè, cách sống trong sách khiến người đọc phải suy gẫm.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button