Phía Nam Biên Giới, Phía Tây Mặt Trời

(5 đánh giá của khách hàng)

Vẫn là Haruki, vẫn độc, hay và gây nghiện không tưởng. Bằng giọng trần thuật ngôi thứ nhất gần gũi, đây là câu chuyện về “tôi” như bao cái “tôi” khác chúng ta đầy biến động và cuốn hút. Đây không phải là một cuốn tiểu thuyết cảm động sâu sắc gì cả, đây là cuốn tiểu thuyết chậm, thực tế và sắc sảo. Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời, mỗi người sẽ có mỗi cách cảm nhận khác nhau. Nhưng hơn hết, đây là một cuốn sách đáng để đọc

Danh mục:

Đó là câu chuyện đau đớn, khuấy động một cách ám ảnh. Một cuốn sách đẹp, gần như là mịn màng về những tầng sâu không thể dò đến của chúng ta.

Ngay từ nhỏ, cậu bé Hajime đã nhận thức sự bối rối và mặc cảm thân phận “con một”, chẳng giống những đứa bạn cùng trang lứa. Và sau này, người bạn gái thân nhất của Hajime, Shimamoto-san cũng thuộc diện “con một” hiếm hoi. Đến người con gái mà Hajime lao vào với niềm đam mê khoái lạc không thể kiểm soát được, cũng là “con một”… Khuấy động ngay từ đầu câu chuyện là một chàng trai quá nhạy cảm với xung quanh như thế.

Năm 37 tuổi, Hajime đã có một cơ ngơi đáng để anh mỉm cười hài lòng, một công việc vừa kiếm ra tiền, vừa thỏa mãn sở thích cá nhân, một người vợ xinh đẹp mà anh hết lòng yêu mến, hai đứa con thơ lúc nào cũng quấn quít chân bố. Cũng như nhiều đàn ông khác ở lứa tuổi này, Hajime cũng có tình nhân, nhưng chỉ là thoáng qua mà không đọng lại chút dư vị nào.

Và Hajime đã yêu, yêu một người chỉ duy nhất có cái tên và tình bạn thời quá khứ hơn 20 năm. Khó mà lý giải điều gì đã khiến một người đàn ông đầy chuẩn mực với gia đình và công việc như Hajime đã lần lượt cởi trói những gì đang bó buộc mình. Phải chăng đó là sự mong manh giữa một người phụ nữ quá mơ hồ đến cùng những lời hẹn “có lẽ”, “có thể”, “một khoảng thời gian nữa”? Phải chăng anh yêu cô như muốn tìm lại quá khứ của chính mình? Phải chăng anh đang muốn kiếm tìm lời lý giải về ranh giới giữa thực và hư?

Rốt cuộc thì bao sốt ruột chờ trông mong mỏi của Hajime cũng được đền bù thoả đáng khi họ cùng trốn gia đình để đến với nhau, bất chấp chuyện gì xảy ra. Rốt cuộc thì cả hai lần đầu tiên được yêu nhau như người đàn ông yêu một người đàn bà. Rốt cuộc thì cả hai đã tìm ra sự hòa hợp hoàn hảo của cơ thể… Nhưng ngay cả ở chốn tưởng như đã là tận cùng đó, họ vẫn không thể đến được với nhau.

Không phải Hajime mà tất cả những người phụ nữ trong cuốn sách này đều bọc mình trong lớp màn bí ẩn. Đằng sau tình yêu trong veo của cô gái Izumi là một mối hận khiến cô trở thành vô cảm. Đằng sau cô vợ Yukiko ngọt ngào và xinh đẹp là một lần tự tử hụt cùng những nỗi đau dẳng dai bên mình. Còn đằng sau Shimamoto-san là một thứ gì mà không ai có thể chạm tới được…

“Có những gì?” có lẽ là câu hỏi mà cuốn sách nhỏ của Haruki Murakami đặt ra. Có những gì ở phía Nam biên giới, khi đó không chỉ là nước Mêxicô; có những gì ở phía Tây mặt trời, khi đó không chỉ là một chứng bệnh của những người nông dân Xibêri sống trong cảnh ngày đêm không phân cách; và có những gì trong những diễn tiến cuộc đời mỗi con người? Không chỉ cuộc đời ít chi tiết của Shimamoto-san mới gây băn khoăn, mà ngay cả ba giai đoạn được miêu tả hết sức rõ ràng của cuộc đời Hajime cũng không hoàn toàn làm thỏa mãn những người quen với những văn chương được tác giả chú tâm giải thích kỹ càng. Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời không yêu cầu người đọc diễn giải. Rất nhiều chi tiết trong đó thuộc về “tiểu sử ngoài đời” của Murakami, nhưng câu chuyện đơn giản được kể trên nền nhạc của Nat King Cole và Duke Ellington, với hương vị lạ lùng của những ly cocktail Daiquiri và Robin’s Nest có một khả năng đặc biệt: nó không cho phép mọi cách giải thích dễ dãi. Những câu hỏi liên tiếp hiện ra trong tâm trí Hajime, về ý nghĩa cuộc đời cũng như của từng trải nghiệm dù nhỏ đến đâu, sẽ dần truyền sang người đọc, và đến khi kết thúc, rất có thể sự hoang mang về ranh giới giữa thực và hư, chân thành và giả tạo, quy tắc và ngoại lệ sẽ là điều duy nhất mà người đọc “gặt hái” được. Điều này cũng không thật sự lạ, vì, đã trở thành quy luật, những câu trả lời thì qua đi, còn câu hỏi thì ở lại.

Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời là cuốn tiểu thuyết chứa đựng nhiều nhất con người thật của Haruki Murakami, và là câu chuyện đơn giản nhất mà Murakami từng kể. Tuy vậy, đơn giản không có nghĩa là dễ hiểu, và một lối kể chuyện giản dị không loại bỏ những nỗ lực kín đáo trong việc thoát ra khỏi những lối đi văn chương đã cũ mòn. “Sự kết nối” dễ thấy giữa Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời và những tác phẩm khác của Murakami có lẽ là năng lực đặc biệt của nhà văn Nhật Bản đối với cách tạo ra và xử lý cái bí ẩn. Không có mật độ dày đặc như trong Biên niên ký chim vặn dây cót hay Kafka bên bờ biển, cái bí ẩn ở đây giống như những đoạn nhạc jazz biến tấu ngẫu hứng trên nền của những bản nhạc cũ, và chính là cái để lại dư vị lâu nhất cho người đọc.

(Như Hà)

5 đánh giá cho Phía Nam Biên Giới, Phía Tây Mặt Trời

  1. Thanh Võ

    Câu chuyện của Haruki Murakami gửi đến đọc giả không hẳn là câu chuyện dễ đọc. Mình đã đọc và thấy hiểu về tác phẩm này – hiểu nhưng có lẽ vẫn chưa cảm nhận đầy đủ và tinh tế về nó.
    Có phải chăng tác phẩm là một bài học về buông bỏ những ám ảnh về tình yêu trong quá khứ để chấp nhận hiện tại và sống hạnh phúc với nó? Hay nó là bài học dạy ta phải sống hết mình vì tình yêu đó?
    Theo mình nghĩ nó dạy cho mình bài học số 1 – những ám ảnh đeo đuổi Hajime làm anh sống trong hư ảo, rời xa thực tế đầy tốt đẹp với con người đam mê tình yêu và tình dục như anh – một cô vợ xinh đẹp cùng 2 thiên thần nhỏ bé – đó là mái ấm mà không phải ai cũng có được. Nhưng anh lại sống trong hư ảo, sống trong những ám ảnh về quá khư – người con gái bí ẩn đem lại cho anh tình yêu và những đam mê nồng nhiệt đó, người con gái ra đi một cách bí ẩn để anh chênh vênh trong tình yêu đó.
    Với văn phong sắc bén đầy chất hiện thực – kết hợp chặt chẽ giữa tình yêu và tình dục. Trần tục mà không trần tục – đó là cái hay mà không phải tác giả nào cũng làm được. Thêm vào đó là ý nghĩa về tình yêu và cuộc đời. Sự tha thứ và sự buông bỏ quá khứ.
    Sau câu chuyện mình rút ra bài học cho riêng mình – trân trọng quá khứ nhưng không có nghĩa là suốt ngày cứ chạy theo quá khứ để làm khổ hiện tại!

  2. Trần Hoàng Phương Anh

    Giọng văn rõ ràng, hàm xúc, cô đọng. Đọc câu truyện, tính thực tế luôn đi theo tạo thành một mạch, nhưng nhà văn vẫn có thể đan xen trên nền cái thực đó với một chút ảo nhưng không hề làm câu truyện đứt quãng hay nhàm chán. Nói chính xác hơn, người đọc không thể đánh lỗi tác giả mà phải ngồi tự hỏi bản thân mình, mình có đang mơ không, có đang ở một chiều không gian ảo nào đó không. Đây là câu truyện giống với chính tác giả nhất, có lẽ cũng là câu chuyện mình sẽ nhớ nhất vào những năm tháng sau này.

  3. Trần Thanh Tân

    Thật sự cảm xúc của mình sau khi đọc xong cuốn này là, có cái gì đó nghẹn ứ ở cổ và không thở được, nhiều câu hỏi quẩn quanh khiến mình đọc xong phải lên tìm lại tất cả review đọc cho tường tận, và đến giờ vẫn là một dấu hỏi mù mờ, không thể nào hiểu hết được những tầng nghĩa sâu xa mà tác giả gửi gắm nhưng những gì đọng lại thì thật sự đẹp-mịn-màng. Một cuốn sách đối với mình là dịu dạng đến từng câu chữ, không hề khó đoc mà cảm xúc của nó mang lại lại sâu sắc và không hề dễ dãi chút nào. Miêu tả tâm lí nhân vật, đi sâu vào từng ngóc ngách sâu kín nhất của nội tâm nhân vật chính, mình bất giác giật mình, cảm giác này mình đã gặp ở đâu đó, hình như là nhân vật trong Nhà giả kim, hai nhân vật, hai hoàn cảnh khác nhau mà lại giống nhau đến lạ kì: bản thân vẫn cố kiếm tìm mảnh ghép còn thiếu sót , một mảnh ghép hoàn hảo, vừa khít đủ đầy trái tim mình, dù đã có một cuộc sống viên mãn mà mọi người xung quanh cho đó là “hoàn hảo”. Liệu đâu mới thực sự là đủ, đâu mới thực sự là đích đến cuối cùng, không ai biết được cả, bởi chừng nào con tim còn rung động, còn không ngừng tìm kiếm thì khi đó bản thân vẫn không thôi dằn vặt. Đã bao nhiêu cô gái bước vào hay thậm chí là chỉ đi qua đời của hajime, là cô bạn “con một”, tình yêu đầu đời mà anh ngày đêm mong nhớ, là tình cảm “vụng trộm” với izumi để rồi để lại cho cô một vết thương không thể chữa lành, là người vợ anh yêu thương nhưng “vẫn là không đủ” đối với anh. Dù biết thế nào thì Hajime vẫn luôn trong chuyến hành trình đi tìm ra câu hỏi muôn thuở “như thế nào là hạnh phúc trọn vẹn”, như thế nào mới là đúng, và liệu rằng điều đó có chính đáng không, có làm tổn thương ai đó không ????
    Mình là fan bự của Murakami, giờ còn thích cuốn này hơn cả rừng Nauy mất rồi !!!!!!

  4. Uông Thùy Linh

    cuốn sách có nội dung rất “hút”, khiến người đọc bị ảo giác như thể mình là một linh hồn bám vào nhân vật chính trải qua bao thăng trầm của cuộc đời ngay cả khi đọc xong cuốn sách, nhìn xung quanh cảm thấy thực giả lẫn lộn, vì từng mùi, vị, trí nhớ, âm thanh, cảm xúc rất rõ ràng chi tiết và thực tế hơn cả khi mình đang ngồi ở nơi đông người cầm cuốn sách bằng 2 tay nữa. Cái nhìn của tác giả rất trần thuật, rất “đời”. Mới chỉ đọc cuốn này sau Rừng Na Uy và thật sự, cuốn sách này đã soán ngôi ám ảnh trong lòng mình. thực sự biến thành fan của Haruki Murakami mất rồi.
    Bìa sách thật sự phá đi cái ý của người thiết kế khi in bằng giấy bìa mềm thường. lúc đầu vì cái bìa chất quá chán nên mình đã không đọc ngay. May là đã có duyên đọc và cảm nhận.

  5. Mộng Thiệp

    cực kì hay và cực kì ám ảnh. mình vừa đọc xong cuốn này và cứ nghĩ mãi về nó. cuốn sách cho ta hiểu sâu hơn về những bí ẩn sâu nhất nơi tâm hồn. Trước đây mình có đọc qua một cuốn sách tâm lí tên là “Get the love you want” và nội dung cũng có phần giống như vậy. Nhưng những diễn giải của Haruki Murakami thơ hơn, bay bổng hơn, và mơ hồ hơn. nếu bạn cần hiểu thêm về nội tâm của 1 chàng trai hay bản chất của tình yêu, hay đọc cuốn này . và đọc thêm cuốn sách tâm lý kia để tìm ra giải pháp.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button