Phúc Ông Tự Truyện

(5 đánh giá của khách hàng)

Cuốn tự truyện còn tái hiện bối cảnh phức tạp của xã hội Nhật Bản với những chuyển biến dữ dội vào nửa cuối thế kỷ XIX qua những trải nghiệm thực tế và con mắt phân tích sắc sảo của một người đương thời. Con đường chông gai của Nhật Bản trong tiếp thu nền văn minh của phương Tây để tăng cường nội lực văn hóa đã và sẽ còn để lại nhiều bài học quý giá cho nhiều quốc gia có những điểm tương đồng, trong đó có Việt Nam..

Danh mục:

Cuốn tự truyện kể về những bước thăng trầm của cuộc đời Fukuzawa Yukichi từ khi sinh ra cho đến những năm tháng tuổi già. Qua từng chi tiết nhỏ, từng vấp váp trong đời sống thường nhật hiện lên chân dung một con người kiên nghị, quyết đoán, luôn độc lập trong suy nghĩ, sắc sảo trong phê phán nhưng về mặt tâm tư, tình cảm lại không kém phần trầm lắng, sâu sắc.

Cuốn tự truyện còn tái hiện bối cảnh phức tạp của xã hội Nhật Bản với những chuyển biến dữ dội vào nửa cuối thế kỷ XIX qua những trải nghiệm thực tế và con mắt phân tích sắc sảo của một người đương thời. Con đường chông gai của Nhật Bản trong tiếp thu nền văn minh của phương Tây để tăng cường nội lực văn hóa đã và sẽ còn để lại nhiều bài học quý giá cho nhiều quốc gia có những điểm tương đồng, trong đó có Việt Nam.

Có thể nói, chưa đọc Phúc ông tự truyện thì chưa thể hiểu nhân cách cũng như tư tưởng của Fukuzawa Yukichi. Cuốn tự truyện không chỉ là lời tự thuật chân thực về những thăng trầm trong cuộc đời của riêng Fukuzawa mà còn tái hiện được cả bối cảnh phức tạp của xã hội Nhật Bản trong thời kỳ chuyển biến dữ dội vào nửa cuối thế kỷ XIX. Và một điều cần nói thêm rằng, tất cả những biến động lớn lao đó của lịch sử Nhật Bản được phản ánh qua những trải nghiệm thực tế, sự phân tích sắc sảo với tư cách người đương thời và bằng giọng kể chân thành, ngôn ngữ giàu nhạc điệu của Fukuzawa, nghĩa là những gì được tái hiện lại trong cuốn tự truyện khác xa với sự tường thuật khuôn mẫu ở bất kỳ một cuốn sách về lịch sử nào khác.

5 đánh giá cho Phúc Ông Tự Truyện

  1. Huy Trọng

    Tác phẩm cung cấp cho độc giả cái nhìn toàn diện về nhân cách và con người của Fukuzawa Yukichi, từ đó phần nào hiểu được lý do người Nhật Bản lại kính trọng Ông đến như vậy. Ai yêu thích lịch sử, văn hóa Nhật Bản sẽ tìm thấy nhiều thông tin bổ ích về bối cảnh kinh tế, xã hội, chính trị, tư tưởng … ở Nhật Bản trong thế ký XIX – một thế kỷ với nhiều biến động trước và sau cuộc cải cách Minh Trị, sự ảnh hưởng của các nước phương Tây và cách Nhật Bản chủ động tích cực tiếp thu, hội nhập với thế giới.

  2. David Trần

    Lần đầu tiên mình biết đến cái tên Fukuzawa Yukichi là khi mình đọc cuốn Nhật Bản Duy Tân 30 Năm của cụ Đào Trinh Nhất, thì mình mới hiểu thêm về thời Minh Trị Duy Tân ở Nhật Bản, và Fukuzawa là nhân vật nổi tiếng nhất thời đó, tuy không phải là người trực tiếp thúc đẩy khởi đầu sự duy tân, nhưng là một người đi đầu trong phong trào này, giúp nước Nhật tự cường thoát khỏi nạn thuộc địa. Cuốn tự truyện này nói về ông và do chính ông cùng với một người bạn tốc ký. Lý do mà các bạn nên đọc quyển sách này là nó thể hiện các tư tưởng chính trị, xã hội của Fukuzawa, những tư tưởng đó đã trở thành nền tảng dựng xây nước Nhật Bản, mình tin rằng chúng ta có thể học hởi các tư tưởng đó để kiến quốc nước Việt Nam, mình đặc biệt thích tư tưởng nổi trội nhất của ông:”Độc lập quốc gia thông qua độc lập cá nhân”, các bạn nên tìm hiểu tư tưởng này xem. Còn thì cuốn sách này cho chúng ta biết giai đoạn lịch sử Nhật Bản trong cuộc đời Fukuzawa, kể ra cũng thú vị, thực ra nước Nhật cũng đã phải trải qua các biến động không nhỏ thì mới chịu mở cửa. Các bạn cũng nên đọc chung với cuốn Khuyến học do chính Fukuzawa trước tác, hay lắm đấy.

  3. Hùng Nhân

    Cuốn sách viết về cuộc đời của ông Fukuzawa Yukichi từ lúc bé cho tới lúc chết đi. Cuộc đời của ông gắn liền với những chuyến biến về chính trị của xã hội Nhật Bản thời bấy giờ. Bằng lối kể chuyện chân thật, rõ ràng cuốn sách cho người đọc nhìn nhận một cách chân thật về xã hội Nhật Bản lúc bấy giờ từ thời Mạc Phủ (phong kiến) cho đến thể chế cộng hoà. Ngoài ra, cuốn sách còn cho người đọc thấy được một tinh thần quật cường về tinh thần học tập và tự chủ của Fukuzawa trong xã hội đầy rối loạn đó. Sau khi đọc xong cuốn sách các bạn sẽ hiểu được vì sao nước Nhật lại hùng mạnh như ngày hôm nay. Qua cuốn sách đó chúng ta cũng có thể rút ra những bài học cho nước Việt Nam chúng ta.

  4. Vĩnh Phúc

    Cuốn sách chủ yếu xoay quanh cuộc đời của người có công rất lớn trong công cuộc Duy Tân của Nhật Bản nửa cuối thê kỷ 19. Một con người hết sức bình thường nhưng lại rất phi thường. Qua ông ta thấy được hình ảnh con người Nhật Bản rất rõ nét, và cả những sóng gió, khó khăn của những con người tiên phong trong việc đổi mới. Cuốn sách này nếu được đọc chung với cuốn “Nhật Bản Duy Tân 30 Năm” của cụ Đào Trinh Nhất sẽ là sự kết hợp tuyệt vời để nhìn rõ quang cảnh thay đổi mạnh mẽ của nước Nhật giai đoạn này.
    Ps: Điểm trừ cho cuốn sách này là các chú thích hơi lộn xộn, khi chú thích từ này thì dẫn chiếu lại điểm chú thích trước đây nhưng lại không đúng. ^^

  5. Huy Linh

    Cuốn sách này hoàn toàn không nằm trong danh sách những cuốn tôi dự định đọc trong tháng 1. Tuy nhiên do 1 hôm tò mò đọc thử khuyến học, tôi cảm thấy rất ngưỡng mộ tầm nhìn xa của tác giả nên muốn tìm hiểu thêm cuộc đời ông và lịch sử nước Nhật giai đoạn này, vì vậy tôi lập tức tìm đọc “Phúc ông tự truyện”. Hiện rõ qua tác phẩm là hình ảnh 1 Yukichi Fukuzawa ngang tàng, chính trực, biết định hướng, tự do trong tư tưởng và luôn tin vào bản thân mình.

    Yukichi Fukuzawa ngang tàng
    Nghịch như quỷ, phá làng phá xóm, chắc chắn những từ này không sai khi nói về giai đoạn học sinh ở Osaka của tác giả. Đọc những dòng tác giả viết về chuyện cả lũ kéo nhau đi rượu chè phá phách, ném đồ chảy máu đầu người lạ, bày trò đánh nhau, kéo nhau cãi lý khi cảm thấy bị coi thường, tôi thấy cuộc đời học sinh ngắn ngủi của tác giả (tầm 3, 4 năm) dài như cả thập kỷ vậy. Có lẽ giai đoạn tuổi trẻ ngang tàng đã tôi luyện nên 1 Yukichi Fukuzawa bản lĩnh để đương đầu với bao nhiêu bão táp cuộc đời về sau.

    Chuyện định hướng của Yukichi Fukuzawa
    Tác giả là người có định hướng rất tốt. Nói rõ hơn, tác giả là người biết định hướng và tin tưởng dứt khoát vào định hướng của mình. Năm 18 tuổi, ông định học về súng thuật, và đã có định hướng rằng: muốn học tới nơi tới chốn, phải đọc sách gốc mới bắt bắt được tinh hoa, tư tưởng của nó, vì vậy ông học tiếng Hà Lan. Rồi khi ông thấy nhiều người nước ngoài tới Nhật Bản là dân Anh, Mỹ, Pháp, ông quyết tâm bỏ Hà Lan học để tự học tiếng anh. Không thầy, chỉ 1 cuốn ngữ pháp, không từ điển, vậy mà ông vẫn xoay xở đến mức 1 năm sau có thể theo tàu sang Hoa Kỳ. Tác giả không hề nhấn mạnh chuyện định hướng của ông, nhưng nếu tinh ý, thì bạn sẽ thấy tác giả định hướng và chuyên tâm tốt như thế nào.

    Tự do trong tư tưởng
    Càng về cuối tác phẩm, tác giả càng thiên về việc thể hiện tư tưởng của mình hơn là kể chuyện. Tác giả là người có lối sống khá thú vị: không ra làm quan, sống cuộc đời vừa phải, không ham mê giàu sang hay quyền lực. Ngay từ khi còn trẻ, ông đã có lối suy nghĩ rất độc lập và tự do. Nghĩ tới ngày nay, truyền thông đang hàng ngày hàng giờ ra rả về “hình-mẫu-cho-thanh-niên” là những con người giàu có, hướng ngoại, giao thiệp rộng. Không, dĩ nhiên rồi. Thời kỳ lạc hậu thế kỷ 19 mà tác giả vẫn biết tự tìm và lựa chọn 1 lối đi riêng, đủ để thấy bản lĩnh và nét đẹp về sự tự do trong tư tưởng của ông.

    Về cuốn Khuyến học
    Một điểm mà tôi không ngờ tới là tác giả không hề nhắc tới cuốn Khuyến học trong tự truyện của mình. Tác giả có nhắc qua 1 tác phẩm khác là “Tây dương ký sự”, vài tờ báo in, nhưng hoàn toàn không đả động gì tới cuốn Khuyến học. Có chút giật mình, check lại thời gian thì cuốn “Khuyến học” ra đời khá sớm, và sau hơn 20 năm cuốn “Phúc ông tự truyện” này mới ra đời. Như vậy, thật sự việc không nhắc tới cuốn khuyến học là dấu hỏi rất lớn. Tôi đồ rằng phần tác giả tự mua giấy, kiếm thợ để in sách chính là để in quyển khuyến học mà ra. Về số lượng in, tôi có check lại 1 số tài liệu thì họ cũng ghi bản đầu tiên in được 200,000 cuốn, và in tổng cộng khoảng 3,400,000 trong thời gian tác giả còn sống. Có lẽ tác giả tự cho rằng tư tưởng trong quyển sách cũng chỉ sàng sàng như tư tưởng trong các cuốn khác, nên không đặc biệt nhắc tới chăng?

    Lẽ tất nhiên, tác giả không phải là thánh nhân, bạn sẽ bất đồng ý kiến với ông trong rất nhiều chuyện. Thuở còn trẻ, ông cũng là con người không hề vẹn toàn, nếu tôi gặp hẳn có lẽ tôi sẽ xếp ông vào loại phá phách. Ngay cả như khuyến học, vẫn có rất nhiều điểm thiếu sót. Nhưng như lời 1 nhà văn từng nói, đại ý: Khi nói về một con người, nên nhắc đến tầm cao mà họ đã đạt được, chứ không phải hố sâu mà họ đã có lúc rơi vào; càng hiểu rõ về cuộc đời ông, tư tưởng của ông, chúng ta càng rút ra được những bài học cho bản thân mình.

    Tựu trung lại, đây là cuốn sách nói về tư tưởng của Yukichi Fukuzawa và những điều tạo nên tư tưởng ấy. Tuy cả đời ông chống lại Hán học, nhưng tinh thần cốt cách của ông chính là kiểu mẫu: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button