Scaramouche – Kiếm Sĩ Không Trái Tim

(5 đánh giá của khách hàng)

Được viết bằng thứ văn chương phong phú, giàu hình ảnh, đầy những đối thoại sắc sảo, những quan sát tinh tế, cuốn tiểu thuyết ra đời từ năm 1921 này vẫn chưa bao giờ đánh mất đi sức hấp dẫn của nó. Ở nhiều nơi, nó đã được xếp vào hàng kinh điển. Một dấu son trong sự nghiệp chói sáng của Rafael Sabatini.

Danh mục:

“Người ta tự hỏi liệu còn người kể chuyện nào khác có thể khéo léo đến thế trong việc phủ kín các trang viết của mình với những âm mưu đối đầu với âm mưu, với hiểm nguy xen cài lãng mạn, trên một tấm phông nền đầy những màu sắc sống động, với lụa là và nhung phục, đao kiếm và trang sức.”

Scaramouche – Kiếm sĩ không trái tim là câu chuyện về André-Louis Moreau. André-Louis Moreau chào đời mang theo khiếu hài hước cùng cảm giác thế giới thật điên rồ. Nhưng khi chứng kiến người bạn thân thiết bị Hầu tước de La Tour d’ Azyr sát hại, André-Louis cảm thấy mình buộc phải dấn thân vào sự điên rồ của thế giới để xác lập lại công lý và tạo cơ hội cho những tư tưởng của bạn mình tìm thấy tiếng nói của chúng trên đầu lưỡi anh.

Từ một luật sư, anh trở thành một nhà diễn thuyết, một anh hề, một kiếm sĩ, rồi một chính trị gia. Ở mỗi ngã rẽ của đời mình, anh đều chạm mặt với Hầu tước một cách đầy bi kịch. Nhưng đợi anh ở cuối con đường gian truân ấy lại chẳng phải là công lý như anh hằng mong đợi mà là một sự thật tréo ngoe và buốt giá.

Được viết bằng thứ văn chương phong phú, giàu hình ảnh, đầy những đối thoại sắc sảo, những quan sát tinh tế, cuốn tiểu thuyết ra đời từ năm 1921 này vẫn chưa bao giờ đánh mất đi sức hấp dẫn của nó. Ở nhiều nơi, nó đã được xếp vào hàng kinh điển. Một dấu son trong sự nghiệp chói sáng của Rafael Sabatini.

Rafael Sabatini (1875 – 1950) được coi là chàng hiệp sĩ cuối cùng của thể loại tiểu thuyết “áo choàng và thanh kiếm”. Ông mang trong mình hai dòng máu Anh và Italia. Thành danh với những câu chuyện phiêu lưu đầy kịch tính và lãng mạn, ông là một trong những nhà văn nổi tiếng và được hâm mộ nhất khi còn sinh thời.

Những cuộc phiêu lưu dưới ngòi bút của ông không chỉ làm say mê bạn đọc mà còn tạo cảm hứng cho sự ra đời của hàng loạt phim điện ảnh. Ảnh hưởng của ông thậm chí còn kéo dài đến sau này. Ba cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của ông The Sea Hawk, The Black Swan và Scaramouche – Kiếm sĩ không trái tim đã được chuyển thể thành những bộ phim khá nổi danh của Hollywood những năm 1940.

5 đánh giá cho Scaramouche – Kiếm Sĩ Không Trái Tim

  1. Nguyễn Ngọc Bảo Châu

    So với Này Chiến Trận, Này Cuồng Si thì Kiếm Sĩ Không Trái Tim quả là một sự nâng cấp. Quá hay, câu hỏi xuyên suốt về công lý, từ một luật sư bợ đỡ tôn sùng giới quý tộc, Andre-Louis, một luật sư đã sáng mắt khi trông thấy một bất công khủng khiếp, sau cái chết của người bạn anh quyết định thừa hưởng nhiệt huyết của cậu ta bằng cách canh tân nước nhà. Từ luật sư anh anh trở thành nhà diễn thuyết, với tài hùng biện anh kêu gọi lòng dân, khiến họ từ những con sói già cô độc thành một thể thống nhất. Nhưng rồi sự điên rồ của thế giới lại biến anh thành một gã hề mua vui. Công lý trở nên rất xa vời, khác với Này Chiến Trận, Này Cuồng Si – Kiếm Sĩ Không Trái Tim dữ dội với các âm mưu chính trường hơn rất nhiều, với sự phê phán mạnh mẽ nước Pháp thời Louis 16. Nó là một chặn đường dai dẳng mà công lý không phải là đích đến.
    Phải thừa nhận tôi đã bị câu chữ của Rafael Sabatini thuyết phục, các câu thoại sắc xảo và đầy thông minh. Chân dung nước Pháp được diễn tả phong phú, các âm mưu đều được lý giải rõ ràng, chặt chẽ. Tôi thấy rõ một bức tranh bất công về giới quý tộc khi ấy, họ không nhìn vào luật pháp để vinh danh. Theo họ, luật là của nhà vua, nhà vua là quý tộc nên hiển nhiên quý tộc cai trị nước Pháp. Andre có tài nhưng sau cùng anh nhận ra mình bất lực đến đâu, không có công lý để được tìm. Chỉ có người tạo ra công lý. Bất công khi một người tài giỏi biến thành gã hề. Nhưng biết sao được khi đó là cuộc đời.

    Tôi thật sự thích cuốn sách này, nốt nhạc thăng trầm vừa bi tráng, vừa da diết. Đúng là dấu son chói sáng trong sự nghiệp văn chương của Rafael Sabatini.

    Tôi muốn dành lời khen tặng cho bìa sách, bìa sách phản ánh rất đúng với nội dung. Nhất là khi nhìn kỹ Andre, gương mặt anh đang rất buồn và cô đơn sau lớp mặt nạ.

  2. Võ Thị Huyền

    Cảm giác đầu tiên khi đọc lời giới thiệu tác phẩm: “Andre Louis chào đời mang theo khiếu hài hước cùng cảm giác thế giới thật điên rồ” đã thôi thúc mình mua cuốn sách này, thực sự mình thích cảm giác nhân vật chính của mình nhìn cuộc đời theo hướng hài hước, mỉa mai một chút, mà theo chính nhân vật tự nhận xét là anh ta mang hơi hướng “khắc kỷ” . Câu chuyện thật sự không làm mình thất vọng.
    Thời đại diễn ra câu chuyện kỳ thú của Andre Louis là thời đại của cách mạng, của cải cách, của tư tưởng khai sáng… nó làm người đọc trăn trở suy nghĩ theo những quan điểm đối lập giữa các bên mà có lẽ triết lý thực sự tác giả muốn hướng tới đã nằm ngay chính suy nghĩ của nhân vật chính ngay đầu truyện và được đúc kết rõ ràng ở cuối truyện. Tổng quan thì câu chuyện vẽ ra cho người đọc bức tranh sinh động về hình ảnh cuộc cách mạng vĩ đại, những bước đi riêng của các thế lực đối lập trong thời kỳ đó…
    Nói về cách viết của tác giả, mình nghĩ rằng tác phẩm này là một vở kịch thì hay hơn.
    VÌ: lời thoại của các nhân vật rất trau chuốt, âm hưởng hùng hồn, lối hùng biện của từng nhân vật, đặc biệt là nhân vật chính rất hấp dẫn, lôi cuốn… Nhưng lối dẫn chuyện của tác giả không đạt, dường như tác giả bất lực trong việc diễn đạt để người đọc cảm nhận được tính cách, thần thái, tác phong của nhân vật, là tác giả sợ người đọc không thể hình dung đúng về nhân vật hay vì không thể diễn tả để người đọc hình dung đúng nhân vật mà tác giả cho nhân vật cứ tự nhận xét về mình, buộc người đọc phải cảm nhận theo như thế…
    Đây là cảm nhận của mình, còn các bạn hãy tìm đọc và tự cảm nhận về cuốn sách thú vị này nhé.

  3. Đoàn Hồng Thủy

    So với Này Chiến Trận, Này Cuồng Si thì Kiếm Sĩ Không Trái Tim của tác giả Rafael Sabatini quả là đã đem tới cho tôi một sự ngạc nhiên không nhỏ. Tôi cứ tưởng tác giả là người theo đuổi dòng love story chứ? Tác giả đã biến cuốn tiểu thuyết trở thành một bữa tiệc xa hoa của chính trị, triết học và cả văn học với vô số những chiêm nghiệm, triết lý, ẩn dụ. Nhân vật chính đưa chúng ta đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác và kết thúc quả là một cú nổ. Thế mới biết hiện thực và lý tưởng quả là khác xa nhau quá nhiều và con người đôi khi chỉ là thằng hề của cuộc đời.

  4. Nguyễn Vân

    đọc cứ như tiểu thuyết hiệp sĩ thời trung cổ với những màn đấu kiếm, đấu trí căng thẳng nhưng cũng rất hào hoa lãng mạn… anh chàng andre vì tin rằng công lý luôn được thực thi, tin vào khả năng luật sư của mình nên đã vô cùng thất vọng khi thấy bạn mình chết vô lý dưới tay tên úy tộc độc ác, sau đó để báo thù thì anh phải trải qua nhiều nghề, là chú hề, làm kiếm sĩ… người anh yêu cũng gặp nguy hiểm và sự đấu trí diễn ra về tình cảm, về lý trí khiến cho người đọc cảm thấy giống thời xưa hơn là thời kì cách mạng đang lên cao trào..

  5. Luong Le

    Đây là một cuốn sách về cuộc cách mạng Pháp mà mình thấy được viết rất hay. Xuyên suốt cuộc đời của André-Louis Moreau dù là một nhà diễn thuyết, một anh hề, một kiếm sĩ hay một chính trị gia thì lúc nào anh cũng liên quan đến cuộc cách mạng- tôi đánh giá cao ở điều này vì đây là cuộc cách mạng không chỉ ảnh hưởng đến tất cả nhân dân Pháp mà là toàn thế giới. Giọng văn tuy hơi cầu kỳ nhưng diễn biến lại không quá rắc rối, phức tạp đưa người đọc vào một câu chuyện rõ rang hơn về một thời kỳ điên loạn của cuộc cách mạng. Một tác phẩm rất hay nữa là Những hung thần lên cơn khát cho những bạn nào muốn tìm hiểu thêm về cách mạng Pháp.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button