Siddhartha – Câu chuyện dòng sông

(4 đánh giá của khách hàng)

Hermann Hesse cho ta thấy muốn thấu hiểu bản chất của đời sống, con người cần phải trải nghiệm tận cùng mọi ngõ ngách của nó. Sự sống đang diễn ra trong mọi hình thái trong vũ trụ cũng chỉ vì nó cần trải nghiệm hết chính bản thân mình. “Sự sống” đó là “dòng sông” của Siddhartha mà chàng đã biết lắng nghe.

Danh mục:

Trong các tác phẩm của Hermann Hesse, có lẽ Siddhartha là tác phẩm nổi tiếng nhất. Câu chuyện lấy thời điểm Đức Phật còn tại thế, nói về một chàng thanh niên rời gia đình đi tìm giác ngộ. Dù được gặp Phật, dù bạn đồng hành đã gia nhập tăng đoàn, nhưng chàng thanh niên Siddhartha nhất quyết đi theo con đường của mình.

Cuối cùng, sau khi trải nghiệm hết tất cả niềm vui và nỗi khổ của cuộc sống thế gian, chàng thanh niên Siddhartha đã giác ngộ được chân lý bên cạnh một dòng sông. Chàng đã lắng nghe dòng sông và tìm thấy ở nơi đó mọi dạng hình của đời sống. Chàng đã thấy “pháp giới” trong dòng sông và ngộ được tính nhất thể của vạn sự.

Hermann Hesse cho ta thấy muốn thấu hiểu bản chất của đời sống, con người cần phải trải nghiệm tận cùng mọi ngõ ngách của nó. Sự sống đang diễn ra trong mọi hình thái trong vũ trụ cũng chỉ vì nó cần trải nghiệm hết chính bản thân mình. “Sự sống” đó là “dòng sông” của Siddhartha mà chàng đã biết lắng nghe.

Cuối cùng Siddhartha đã ngộ ra rằng “sự thật nào cũng có đối nghịch của nó và điều đối nghịch này cũng thật không kém”. Khi đã trải nghiệm và biết lắng nghe mọi hình thái của sự sống, chàng đã tự siêu việt chính mình, vượt lên thiện – ác, tốt – xấu. Đó là tư tưởng Bát nhã, nói theo cách của Hermann Hesse.

Nguyễn Tường Bạch – (Báo Tuổi trẻ)

4 đánh giá cho Siddhartha – Câu chuyện dòng sông

  1. Nguyễn Trang

    Tìm mua cuốn sách khi đã nghe qua lời giới thiệu và khen ngợi của rất nhiều người.
    Siddhathar là một cuộc hành trình tìm kiếm để rồi trải qua những hương vị của cuộc sống con người nhận ra rằng trên tất thảy thì mọi người luôn tìm kiếm sự thanh thản, bình yên trong tâm hồn.
    Siddhartha là một tác phẩm xuất sắc về Phật Giáo, về niềm tin, về hành trình cuộc sống, và xứng đáng là tác phẩm kinh điển đạt giải Nobel văn chương. Một tác phẩm mà bạn cần phải đọc đi đọc lại nhiều lần.

  2. Nguyen Duc Sam

    Mỗi chúng ta rồi sẽ trải qua hết những thăng trầm tốt xấu trong đời. Không có con đường nào là con đường được giai cấp, cha mẹ, thầy cô ta vẽ cho sẵn, chỉ có con đường trải nghiệm và chứng ngộ. Hình tướng chỉ là nhất thời, và muôn vàn khuôn mặt, muôn vàn hình tướng hiện diện nơi mỗi người.
    Thế nên, ông giáo sư và kẻ nghiện ngập suy cho cùng là không thể so sánh, đều đang đi trên con đường tiến đến sự nhất thể, chỉ là anh có ngộ được ở kiếp này hay không thôi!

  3. Nguyễn Vỹ

    Qua cuộc hành trình đi tìm sự giác ngộ của Tất Đạt Đa(Siddhartha) qua các các tôn giáo, các quan niệm sống và những cám dỗ của cuộc đời. Yếu tố tôn giáo chỉ làm nền cho tác phẩm này, không có việc quan điểm của tôn giáo này đúng hay sai so với tôn giáo khác, mà các tôn giáo đều có chung một đích đến chỉ khác nhau ở con đường thôi mà nhiều người không nhận ra. Qua ẩn dụ nhân vật chính Siddhartha cùng tên, sống cùng thời với đức Phật Như Lai và anh còn từng trò chuyện với Phật, đến cuối truyện khi Tất Đạt Đa ngộ ra chân lý, tuy cách diễn giải của anh khác với đạo Phật nhưng anh biết ngôn từ chỉ là cái vỏ bề ngoài, còn bên trong anh đã hoàn toàn giác ngộ như đức Phật. Mà điều Siddhartha ngộ ra hết sức đơn giản nhưng lại vô vàn sâu sắc rằng mọi vật đều có linh hồn, rằng còn người là một tiểu vụ trụ, ai hiểu được tâm hồn mình hiểu được cảm xúc của mình thì hiểu được vụ trụ. Và các vị thánh nhân đã từng ngộ ra chân lý này như đức Phật, Lão Tử, Trang Tử đều có nhắc đến điều này nhưng với ngôn ngữ và cách thể hiện khác nhau. Vì chủ đề tôn giáo chỉ làm nền nên cuốn sách này không hề có chút nặng nề hay tranh cãi tôn giáo nếu bạn đã say mê “Nhà giả kim” thì cũng nên đọc thêm tác phẩm này.

  4. Minh Huỳnh

    Con người luôn luôn tìm kiếm. Chúng ta phải kiếm cái ăn, cái mặc, sự giàu sang, sự kính trọng, sự thõa mản… hằng hà sa số mong muốn. Trên con đường tìm kiếm đó, con sông trước mặt là một chướng ngại và chúng ta cần vượt qua nó. Khách đi thuyền trên sông chỉ chăm chăm đích đến là bờ bên kia, họ qua sông rồi lại vội vả chạy theo những mục tiêu đã định sẵn, chỉ có người lái đò ở lại, quay lại bến và tiếp tục đưa khách sang sông. Ông lái đò có thể cũng đã chạy theo những mục đích đời thường như bao nhiêu người khác, loay hoay trong vòng tục lụy nếu không đủ duyên để lắng nghe con sông trước mặt, đủ duyên để lắng nghe tiếng lòng mình, rọi vào đó để thấy cái Khổ, cái Luân Hồi, thấy Niết Bàn để từ đó tìm ra con đường Giải Thoát. Dòng sông chính là sự sống, chứa đựng hàng vạn âm thanh, chứa đựng sự vẹn nguyên trong vô lượng và vô ngã. Chính bởi thế nó cần phải chảy qua mọi thác ghềnh, mọi cửa bể, mọi địa hình, trải qua hết thảy những đau thương, vui thú, dục lạc và bi ai để trở về với Đại Ngã sau khi đã lìa xa và dứt bỏ tiểu ngã của mình. Mọi ngôn từ đều vô nghĩa nếu dùng để truyền đạt trí huệ của một người thế nên chúng ta hãy cảm thọ và thu nhận trí huệ bằng chính sự sống của mình.
    “Siddhartha” là một tác phẩm xuất sắc về Phật Giáo. Ngay khi gấp sách lại mình biết cần phải đọc đi đọc lại nhiều lần nữa mới mong hiểu được những huyền diệu mà nhà văn Hermann Hesse đã nói đến, cũng như sự huyền diệu của sự chứng ngộ.
    Mong rằng các bạn trẻ hãy đọc quyển sách này vì sự đơn giản mà vi diệu, nhẹ nhàng mà âm vang, sẽ đưa bạn bước gần hơn đến với Phật, đến với sự Toàn Thiện mà vốn đã ở sẵn tự bên trong bạn từ lâu lắm rồi.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button