Sức Mạnh Của Thói Quen

(8 đánh giá của khách hàng)

Đây không chỉ là cuốn sách mà Business Insider khuyên đọc mà còn là cuốn sách mà rất nhiều tỉ phú nổi tiếng đã từng đọc từ khi họ còn rất trẻ. Thiết nghĩ thói quen cũng làm nên cuộc đời mỗi người, có những điều đơn giản diễn ra hằng ngày xung quanh bản thân mà ta không để ý đến. Tất cả những điều đó đều có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống mỗi người. Chính vì vậy, cuốn sách này cho ta nhìn nhận lại bản thân, những thói quen mà ta cần thay đổi để trở nên tốt hơn, ít ra là chiến thắng chính bản thân mình.

Danh mục:

Giới thiệu

Về cơ bản, người lớn và trẻ em không khác nhau là mấy. Bởi hầu hết những hành động hàng ngày của chúng ta đều là sản phẩm của thói quen vô thức. Thế nhưng không phải cá nhân, tổ chức nào cũng có được thành công. Đó là vì mỗi người có những thói quen riêng. Vậy thói quen nào mới giúp bạn thành công? Trong cuốn sách “Sức mạnh của thói quen”, Charles Duhigg sẽ giải đáp thắc mắc ấy.

Chìa khoá quan trọng nhất để mở cánh cửa thành công chính là sự kết hợp nhuần nhuyễn những thói quen tốt với nhau. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để phân biệt thói quen tốt và thói quen xấu? Thói quen có nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta hay không? Với ba phần khá đầy đặn, “Sức mạnh của thói quen” cho bạn cái nhìn toàn diện không chỉ về thói quen cá nhân, của tổ chức mà còn là của toàn xã hội, cùng với lời khuyên để vận dụng các thói quen đó. Muốn thay đổi thói quen, bạn phải phá vỡ những việc làm tuỳ hứng hàng ngày – câu “thần chú” này chỉ đường cho bạn tới thành công.

Sức mạnh của thói quen sẽ làm bạn say mê bởi những ý tưởng thú vị, những nghiên cứu ấn tượng, những phân tích thông minh và những lời khuyên thiết thực. Những độc giả đưa cuốn sách này vào danh sách bestseller của Thời báo New York suốt 40 tuần đã kiểm chứng điều đó.

“Một thăm dò thú vụ về những thói quen bệnh hoạn của chúng ta – chúng ta hút thuốc, chúng ta không ngừng kiểm tra điện thoại, liên tục chọn lựa người tình tồi, chúng ta thường xuyên (hoặc không bao giờ) thu dọn phòng ốc. Duhigg đào sâu vào tìm ra nguyên do tại sao chúng ta làm như vậy, và chúng ta có thể thay đổi chúng ra sao, với cả cá nhân và tổ chức”

The Daily

“Cuốn sách của Charles Duhigg đầy sức mạnh trong chính sự giản dị của nó: đối đầu với những yếu tố gốc rễ trong hành vi con người, chấp nhận chúng như những căn bệnh thâm căn cố đế, rồi sau đó hướng người đọc tới khát khao đổi thay. Cái nhìn của anh thật sâu sắc, hữu ích và cũng đầy khiêu khích”

Jim Collins, tác giả những cuốn sách kinh doanh Good to Great (Từ tốt đến vĩ đại) và Built to Last (Xây dựng để trường tồn) bán chạy nhất thế giới.

Thông tin tác giả:

Charles Duhigg là phóng viên của thời báo New York từ năm 2006, là cây bút trụ cột của thời báo Los Angeles. Từ năm 2007 tới nay, anh liên tục nhận được những giải thưởng lớn cho các bài báo và cuốn sách viết về kinh tế và doanh nghiệp. Một thập kỷ trước, khi làm phóng viên tại Irac, anh đã bắt đầu quan tâm tới thói quen khi được nghe một thiếu tá quân đội kể về ảnh hưởng của thói quen tới thành công của ông. Anh chính là tác giả của cuốn sách The Power of Habit (Sức mạnh của thói quen) được trích đăng trên Thời báo New York. Cuốn sách nằm trong danh sách best-seller suốt 40 tuần trên Thời báo New York và cho đến nay vẫn là một trong số những cuốn sách hay nhất về thay đổi hành vi con người và tổ chức.

Đọc thử

Mùa thu năm 1993, một người đàn ông lo lắng về việc chúng ta biết gì về thói quen bước vào phòng thí nghiệm ở San Diego cho một cuộc gặp đã hẹn trước. Ông đã lớn tuổi, cao hơn 1m8 và ăn mặc gọn gàng với một cái áo sơ mi cài kín cổ. Mái tóc trắng mỏng của ông sẽ khiến mọi người ghen tị trong bất kỳ cuộc họp lớp phổ thông lần thứ 50 nào. Chứng viêm khớp làm ông đi hơi khập khiễng khi đi qua tiền sảnh phòng thí nghiệm, ông nắm tay vợ, đi chầm chậm như thể không chắc chắn bước đi tiếp sẽ dẫn đến đâu.

Khoảng một năm trước đó, Eugene Pauly, hay “E.P”, người được biết đến trong các tài liệu y học, đã về nhà ở Playa del Rey, chuẩn bị bữa tối và vợ ông nói rằng con trai họ, Michael, đang đến nhà.

“Ai là Michael?”, Eugene hỏi

“Con của chúng ta,” Beverly, vợ ông trả lời. “Ông biết mà, đứa con chúng ta đã nuôi lớn.”

Eugene ngây ra nhìn vợ mình. “Đó là ai?” ông hỏi.

Ngày tiếp theo, Eugene bắt đầu nôn mửa và đau quằn quại vì chứng co thắt dạ dày. Trong vòng 24 giờ, sự mất nước càng nghiêm trọng nên Beverly vì hoảng sợ đã đưa ông đến phòng cấp cứu. Thân nhiệt bắt đầu tăng, lên đến hơn 40 độ C, người ông ướt đẫm mồ hôi, thấm trên ga trải giường của bệnh viện. Ông bắt đầu mê sảng rồi trở nên hung dữ, la hét đẩy y tá khi họ đang cố gắng đặt ống truyền vào tay ông. Sau khi thuốc giảm đau có tác dụng, bác sĩ mới có thể đưa kim vào giữa hai đốt sống chỗ thắt lưng của ông và lấy một vài giọt dịch tủy.

Người bác sĩ tiến hành thủ tục ngay lập tức cảm thấy có vấn đề. Máu quanh não và dây thần kinh cột sống ngăn chặn sự nhiễm trùng và tổn thương. Với những người khỏe mạnh, dịch tủy di chuyển và chảy nhanh, rõ ràng theo dòng rất mượt qua cây kim. Mẫu lấy từ xương sống của Eugene vẩn đục và nhỏ giọt một cách chậm chạp như thể nó có rất nhiều hạt cát cực nhỏ. Khi có kết quả từ phòng thí nghiệm, bác sĩ của Eugene đã hiểu được tại sao ông mắc bệnh, ông bị nhiễm vi rút viêm não, gây ra bệnh rộp môi và nhiễm trùng nhẹ trên da. Tuy nhiên trong một số trường hợp hiếm, vi rút có thể lên não, gây ra tổn thương lớn như nó gặm nhấm qua những nếp gấp của mô nơi chúng ta suy nghĩ và mơ tưởng.

Bác sĩ của Eugene báo với Beverly họ không thể làm gì để chống lại tổn thương đã hình thành nhưng một liều thuốc mạnh chống vi rút sẽ hạn chế nó lây lan. Eugene rơi vào tình trạng hôn mê khoảng 10 ngày và đang cận kề với cái chết. Dần dần, thuốc phát huy tác dụng, cơn sốt giảm dần và vi rút biến mất. Khi tỉnh lại, ông rất yếu, mất phương hướng và không thể ăn uống bình thường. Ông không thể nói thành câu và thỉnh thoảng thở một cách khó nhọc như thể có lúc ông đã quên cách thở. Nhưng ông vẫn còn sống.

Cuối cùng, Eugene đã đủ khỏe để tham gia một loạt kiểm tra. Bác sĩ rất ngạc nhiên khi cơ thể ông, trong đó có hệ thần kinh, không có tổn thương nào lớn. Bản chụp cắt lớp não của ông cho thấy một dấu vết đáng lo ngại gần trung tâm não. Vi rút đã phá hủy một mô hình bầu dục gần hộp sọ và cột sống. “Ông ấy có thể không nhớ cô,” một bác sĩ cảnh báo với Beverly. “Cô cần chuẩn bị tinh thần nếu ông ấy ra đi.”

Eugene được chuyển đến một khoa khác trong bệnh viện. Trong vòng một tuần, ông nuốt thức ăn dễ dàng. Tuần tiếp theo, ông bắt đầu nói chuyện bình thường, yêu cầu món tráng miệng Jell-O và muối, lướt nhanh các kênh ti vi và phàn nàn về một vở kịch nhiều kỳ buồn chán. Khi ông được chuyển đến trung tâm phục hồi chức năng 5 tuần sau đó, Eugene đi xuống tiền sảnh và cho các y tá lời khuyên cho kế hoạch cuối tuần.

“Tôi chưa từng thấy ai hồi sinh thế này,” một bác sĩ nói với Beverly. “Tôi thực sự không muốn gieo hy vọng cho cô, nhưng điều này thật tuyệt vời.”

Tuy nhiên, Beverly vẫn còn lo lắng. Ở bệnh viện phục hồi chức năng, rõ ràng căn bệnh đã thay đổi chồng bà theo hướng đáng lo ngại. Eugene không thể nhớ đó là ngày nào trong tuần, hay như tên của những bác sĩ và y tá chữa trị mặc dù họ đã tự giới thiệu rất nhiều lần. “Tại sao họ vẫn lặp lại những câu hỏi đó với tôi?” ông hỏi Beverly sau khi một bác sĩ ra khỏi phòng ông. Khi ông trở về nhà, mọi thứ còn trở nên lạ lùng hơn. Eugene có vẻ không nhớ gì bạn bè. Ông gặp khó khăn trong các cuộc hội thoại. Có những buổi sáng, ông bước ra khỏi giường, vào bếp, tự nấu thịt lợn muối xông khói và trứng, rồi leo lên giường và bật đài. 40 phút sau, ông lại làm những việc giống như thế: thức dậy, nấu thịt lợn xông khói và trứng, trở lại giường và nghịch cái đài. Rồi ông lại làm lại những việc đó.

Lo sợ, Beverly tìm đến các chuyên gia, có cả một nhà nghiên cứu ở đại học Carlifornia, San Diego với chuyên ngành về mất trí nhớ. Vào một ngày thu nắng đẹp, Beverly cùng Eugene đến một tòa nhà không có gì nổi bật trong khuôn viên trường đại học, nắm tay nhau và bước chậm rãi qua tiền sảnh. Họ được đưa tới một căn phòng kiểm tra nhỏ. Eugene bắt đầu nói chuyện với một người phụ nữ trẻ đang sử dụng máy vi tính.

“Làm việc trong ngành điện tử nhiều năm, điều làm tôi ngạc nhiên nhất là nó,” ông nói và chỉ vào cái máy mà cô ta đang gõ chữ. “Khi tôi còn trẻ tuổi, cái vật đó nằm trên hai cái giá gác cao khoảng 2 mét và chiếm toàn bộ căn phòng.”

Người phụ nữ tiếp tục gõ bàn phím. Eugene cười thầm.

“Thật là kỳ lạ,” ông nói. “Những thứ mạch in, ống hai cực và ống ba cực này. Khi tôi còn làm điện tử, hai cái giá đỡ cao 2 mét giữ những thứ đó.”

Một nhà khoa học vào phòng và tự giới thiệu mình. Ông hỏi Eugene bao nhiêu tuổi rồi.

“Ồ, xem nào, 59 hay 60?” Eugene đáp lời. Thực sự ông đã 71 tuổi rồi.

Nhà khoa học bắt đầu gõ máy vi tính. Eugene mỉm cười và chỉ vào nó. “Nó thật sự là cái gì đó,” ông nói. “Ông biết đấy, khi tôi còn làm điện tử, hai cái giá đỡ cao 2 mét giữ thứ này.”

Nhà khoa học Larry Squire, 52 tuổi, là một giáo sư đã dành 30 năm nghiên cứu cấu trúc hệ thần kinh của trí nhớ. Chuyên ngành của ông là khám phá cách bộ não lưu giữ các sự kiện. Tuy nhiên, công trình của ông với Eugene sẽ nhanh chóng mở ra một thế giới mới cho ông và hàng trăm nhà nghiên cứu khác, nó đã phục hồi những hiểu biết của chúng ta về cách thói quen hoạt động. Nghiên cứu của Squire sẽ chỉ ra rằng những người dù không thể nhớ tuổi của mình hay hầu như mọi thứ vẫn có thể phát triển những thói quen cực kỳ phức tạp, cho đến khi bạn nhận ra rằng ai cũng dựa vào những quá trình thần kinh giống nhau mỗi ngày. Nghiên cứu của ông và những người khác sẽ tiết lộ, cơ chế thuộc về tiềm thức con người ảnh hưởng đến vô số lựa chọn như thể nó là sản phẩm của những suy nghĩ rất hợp lý nhưng thực tế lại bị ảnh hưởng bởi những tác động mà chúng ta ít nhận ra hay hiểu được.

Ngay lúc Squire gặp Eugene, ông đã nghiên cứu hình ảnh não của Eugene hàng tuần. Bản chụp cắt lớp chỉ ra, hầu như mọi tổn thương trong hộp sọ của Eugene bị giới hạn trong một khu vực rộng 5cm gần trung tâm não. Con vi rút phá hủy gần như toàn bộ thùy thái dương trung gian, một mảnh của những tế bào mà các nhà khoa học nghi ngờ là quan trọng với các chức năng nhận thức như gợi lại quá khứ và điều chỉnh một vài cảm xúc. Squire không ngạc nhiên trước sự phá hủy hoàn toàn đó, viêm não do vi rút phá hủy mô liên tục và chính xác như phẫu thuật. Nhưng điều làm ông bất ngờ là mức độ giống nhau của các hình ảnh đó.

30 năm trước, là một học viên học bằng tiến sĩ ở MIT, Squire đã làm việc cùng một nhóm nghiên cứu một người đàn ông được biết đến là “H.M”, một trong những bệnh nhân nổi tiếng trong lịch sử y học. Khi H.M, tên thật là Henry Molaison nhưng các nhà khoa học đã che giấu căn cước của ông suốt đời, được 7 tuổi, ông bị xe đạp tông phải và đập mạnh đầu xuống đường. Không lâu sau đó, ông mắc chứng co giật và bắt đầu bất tỉnh. Vào năm 16 tuổi, chứng động kinh nặng của ông lần đầu tiên phát lộ và nó ảnh hưởng đến toàn bộ não, sau đó, ông bất tỉnh khoảng 10 lần một ngày.

Khi bước sang tuổi 27, H.M không còn hy vọng chữa khỏi. Thuốc chống co giật không còn tác dụng. Ông thông minh nhưng không thể làm việc gì. Ông vẫn còn sống chung với bố mẹ. H.M mong muốn một sự tồn tại bình thường. Vì thế ông đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ một bác sĩ mà sự ham muốn thí nghiệm đã vượt xa nỗi sợ về sai sót y học. Nghiên cứu đã cho thấy một khu vực trong não bộ gọi là hồi hải mã có thể có vai trò quan trọng trong sự co giật. Khi bác sĩ đề nghị can thiệp vào đầu của H.M, nâng phần trước của não và dùng một ống nhỏ hút phần hồi hải mã và một vài mô xung quanh ra từ bên trong não của ông, H.M đồng ý.

Cuộc phẫu thuật diễn ra vào năm 1953 và vì H.M được chữa khỏi, cơn co giật của ông bị làm chậm lại. Tuy nhiên, gần như lập tức, não của ông rõ ràng đã bị biến đổi hoàn toàn. H.M biết tên của mình và mẹ ông đến từ Ireland. Ông có thể nhớ thị trường chứng khoán 1929 sụp đổ và tường thuật mới về cuộc xâm lược ở Normandy. Nhưng gần như mọi thứ xảy ra sau đó, mọi ký ức, kinh nghiệm và cố gắng từ hàng chục năm trước phẫu thuật, đã bị xóa bỏ. Khi một bác sĩ bắt đầu kiểm tra trí nhớ của H.M bằng việc hướng dẫn ông cách chơi bài và các dãy số, ông nhận ra H.M không thể nhớ được bất cứ thông tin mới nào hơn 20 giây.

Từ ngày phẫu thuật đến ngày mất vào năm 2008, mọi người H.M gặp, mọi bài hát ông nghe, mọi căn phòng ông vào đều hoàn toàn là những trải nghiệm mới. Não của ông đã bị đóng băng. Mỗi ngày, việc ai đó có thể chuyển kênh ti vi bằng cách chỉ vào một nút nhựa màu đen trên màn hình làm ông bối rối. Ông tự giới thiệu mình với các bác sĩ và y tá hết lần này đến lần khác, hàng chục lần mỗi ngày.

“Tôi thích tìm hiểu H.M, vì trí nhớ có vẻ là một cách thú vị và rõ ràng để tìm hiểu não bộ,” Squire nói với tôi. “Tôi lớn lên ở Ohio, và tôi có thể nhớ năm lớp Một, khi cô giáo tôi cầm bút màu của tất cả mọi người và tôi bắt đầu trộn các màu để xem chúng có thành màu đen không. Tại sao tôi có thể nhớ điều đó nhưng không thể nhớ cô giáo tôi trông như thế nào? Tại sao não của tôi lại quyết định ký ức này quan trọng hơn ký ức khác?”

Khi Squire nhận được hình ảnh não của Eugene, ông kinh ngạc khi thấy nó có vẻ giống với hình ảnh của H.M. Có một khoảng trống cỡ quả hồ đào trong đầu hai người. Trí nhớ của Eugene cũng như của H.M đều đã bị mất đi.

Squire bắt đầu kiểm tra Eugene, ông nhận thấy bệnh nhân này khác với H.M ở một vài điểm cần nghiên cứu thêm. Trong khi lúc gặp H.M, gần như mọi người đều biết có điều gì đó sai sót, thì Eugene có thể nói chuyện và làm những việc mà người bình thường sẽ không nhận ra sai sót. Cuộc phẫu thuật của H.M gây suy nhược nặng nên ông được đưa vào cơ sở từ thiện để được chăm sóc trong thời gian còn lại. Ngược lại, Eugene sống tại nhà cùng vợ. H.M còn không thể nói chuyện bình thường. Eugene trái lại có sự thông thạo đáng kinh ngạc trong việc dẫn dắt bất kỳ cuộc thảo luận nào về vấn đề ông cảm thấy thoải mái khi trò chuyện trong thời gian dài như chủ đề vệ tinh nhân tạo vì ông đã làm kỹ thuật viên cho một công ty hàng không hay chủ đề thời tiết.

Squire hỏi về thời thanh niên của Eugene để bắt đầu bài kiểm tra. Eugene nói về thị trấn ở trung tâm California nơi ông lớn lên, thời gian ông ở trong đội thương thuyền, một chuyến đi đến Australia như một người đàn ông trẻ. Ông gần như có thể nhớ mọi sự kiện xảy ra trước năm 1960. Khi Squire hỏi về những năm sau đó, Eugene chuyển chủ đề một cách lịch sự và thừa nhận ông gặp rắc rối trong việc nhớ lại những sự kiện gần đây.

Squire tiến hành một vài bài kiểm tra trí thông minh và nhận ra trí thông minh của Eugene vẫn rất sắc bén đối với một người đàn ông không thể nhớ được 30 năm trước. Hơn nữa, Eugene vẫn còn những thói quen từ thời thanh niên nên mỗi lần Squire đưa ông một tách nước hay khen ngợi một câu trả lời chi tiết, Eugene sẽ cảm ơn và đáp lại lời khen đó. Mỗi khi ai đó vào phòng, Eugene sẽ tự giới thiệu và hỏi về ngày hôm đó của họ.

Nhưng khi Squire yêu cầu Eugene nhớ lại một dãy số hay mô tả tiền sảnh bên ngoài phòng thí nghiệm, người bác sĩ nhận ra bệnh nhân của mình không thể gợi lại bất kỳ thông tin nào hơn một phút trước. Khi một người đưa cho Eugene bức ảnh cháu của ông, ông không nhận ra chúng là ai. Khi Squire hỏi liệu ông có nhớ mình đã từng mắc bệnh, Eugene trả lời ông không hề nhớ mình đã có bệnh hay từng ở trong bệnh viện. Thực tế, Eugene chưa bao giờ nhớ mình mắc chứng quên. Hình ảnh thần kinh của Eugene không thể hiện chứng mất trí nhớ và bởi vì ông không nhớ tai nạn đó nên ông không hiểu được có điều gì sai.

Vài tháng sau khi gặp Eugene, Squire tiến hành thí nghiệm để kiểm tra giới hạn của trí nhớ. Kể từ khi đó, Eugene và Beverly chuyển từ Playa del Rey đến San Diego để sống gần con gái hơn và Squire thường xuyên đến nhà họ để tiến hành cuộc kiểm tra. Một ngày nọ, Squire yêu cầu Eugene phác thảo bản thiết kế nhà ông. Eugene không thể vẽ một bản đồ sơ bộ chỉ ra vị trí của nhà bếp hay phòng ngủ. “Khi ông thức dậy vào buổi sáng, ông rời khỏi phòng như thế nào?” Squire hỏi.

“Ông biết đấy,” Eugene trả lời. “Tôi cũng không chắc nữa.”

Squire ghi chú trên máy tính cá nhân và khi nhà khoa học đánh máy, Eugene bắt đầu lơ đãng. Ông liếc qua căn phòng, rồi đứng lên, đi về phía phòng trước và mở cửa phòng tắm. Vài phút sau, nhà vệ sinh có tiếng dội nước, vòi nước thì chảy và Eugene lau tay mình trên quần, trở lại phòng khách và lại ngồi xuống ghế đối diện Squire. Ông kiên nhẫn chờ câu hỏi tiếp theo.

Lúc đó, không ai tự hỏi làm sao một người đàn ông không thể vẽ bản đồ nhà mình lại có thể tìm được phòng tắm không hề do dự. Nhưng câu hỏi đó và những câu khác kiểu như thế, cuối cùng dẫn đến những khám phá đã thay đổi sự hiểu biết của chúng ta về sức mạnh của thói quen. Nó sẽ tạo ra một cuộc cách mạng khoa học tác động đến hàng trăm nhà nghiên cứu hiện nay đang xem xét lần đầu tiên để hiểu được mọi thói quen ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta thế nào.

Khi Eugene ngồi ở bàn, ông nhìn vào máy tính của Squire.

“Điều đó thật tuyệt vời,” ông nói và chỉ vào cái máy tính. “Ông biết đấy, khi tôi còn làm điện tử, hai cái giá đỡ cao chừng hơn 2 mét giữ thứ này.”

Trích dẫn

Đang cập nhật..

Thể loại

5 sách hay về tính kỷ luật giúp bạn tiến xa hơn - 5 sách hay về tính kỷ luật dành cho những người mong muốn được làm nhiều hơn, đạt được nhiều hơn và trở nên tuyệt vời hơn chính bản thân họ trước đây. Ngừng Viện Cớ "Có vô vàn cái cớ biện hộ cho sự thất bại, nhưng không có cái cớ nào là chính… Đọc thêm
11 quyển sách hay rèn luyện bản thân giúp khai mở trí óc và tâm hồn - “Thông tin sẽ là kiến thức khi bạn vận dụng nó vào cuộc sống hiệu quả còn không thì nó chỉ là bề rộng chứ không phải là bề sâu”. 11 quyển sách hay rèn luyện bản thân giúp người đọc tự suy nghĩ về việc cập nhật kiến thức của mình và thay đổi một… Đọc thêm
7 quyển sách hay về quản lý thời gian giúp bạn sống trọn vẹn 24 giờ một ngày - Thời gian theo định nghĩa của Wikipedia thì chỉ có một chiều duy nhất và là hữu hạn đối với mỗi con người . Có thể sự quý giá của thời gian là như thế nào thế nhưng không phải ai cũng hiểu và sử dụng thời gian một cách đúng đắn và tối ưu… Đọc thêm

Nơi bán

 

Nhận hàng ngay chỉ trong vài giờ với gói TIKINOW tại TP.HCM, HN, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy

Tới nơi bán

 

FREESHIP cho đơn hàng từ 140k tại TP.HCM và Hà Nội, từ 250k tại các tỉnh thành khác, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy.

Tới nơi bán

8 đánh giá cho Sức Mạnh Của Thói Quen

  1. Phạm Minh Toại

    Minh có tình cờ biết bản gốc Tiếng Anh của cuốn sách trước khi nó xuất bản bằng tiếng Việt. Theo mình thấy nhận xét chung về sách khá tốt và các trang ebook nước ngoài đều có giới thiệu qua cuốn này như một cuốn sách hay để đọc. Tất nhiên là với những lời giới thiệu có cánh thì ngay khi có bản tiếng Việt ra mắt, mình đã mua ngay. Tuy nhiên, khi đọc xong thì mình nhận thấy có một số vấn đề sau:
    – Nội dung hay, thiết thực được dẫn dắt bằng nhiều câu chuyện. Chính cách viết này khiến sách đỡ khô khi đọc và tiếp cận vấn đề nhưng lại khiến sách rơi vào cảnh viết lan man. “Vòng lặp thói quen” bị lặp đi lặp lại khá nhiều lần, tuy lần nhắc lại sau có bổ sung thêm vài ý nhưng nhìn chung phần lớn nội dung bị lặp lại và quá dàn trải. Mình nghĩ nếu không có thời gian bạn chỉ cần đọc chương cuối phần 1 là cũng đã đủ nắm 70% ý của tác giả.
    – Sách viết làm 3 phần; cá nhân, tổ chức và cộng đồng. Mình thấy 2 phần sau viết quá dài, chiếm phần lớn nội dung sách nhưng cũng lại rơi vào cảnh viết lan man và chỉ nêu bật thêm vài ý nữa thôi.
    – Cuối cùng là phần biên tập sách. Bề ngoài, sách được design khá sát bản tiếng Anh, nhưng nội dung thì bị lược bỏ một số phần. Thêm vào đó, văn phong dịch không được hay, nhiều đoạn đọc lủng củng và tối nghĩa. Ngoài ra, mình đánh giá cao tư tưởng cũng như kiến thức mà tác giả chắt lọc mang lại. Không phải đơn giản mà cuốn sách lại được nhiều đánh giá tích cực. Tuy nhiên giá tiền sách so với nội dung thu được từ nó chưa thật sự hợp lý (nhất là đối với các bạn học sinh, sinh viên).

  2. Nguyễn Văn Quân

    Khi mua cuốn sách này mình đã nghĩ nó sẽ cho mình biết thêm nhiều thứ về thói quen cũng như cách để tạo lập/ thay đổi thói quen. Quả thật cuốn sách đã đáp ứng được điều đó nhưng không nhiều như mình nghĩ. Những thông tin hữu ích dường như chỉ tập trung trong vài chương đầu trong khi phần lớn quyển sách khá lan man, quá nhiều ví dụ, câu chuyện mà chẳng làm rõ thêm được vấn đề. Thiết nghĩ độ dày cũng như giá tiền của quyển sách nên giảm đi khoảng 1 nửa thì sẽ phù hợp hơn với lượng thông tin nó mang lại

  3. Nguyen Ly Ai Vy

    Sách viết dựa trên các nghiên cứu khoa học để từ đó đưa ra cách thức hoạt động của thói quen con người, cơ cấu hoạt động để từ đó giúp người đọc hiểu rõ & tự tạo thói quen tốt cho mình hoặc thay đổi thói quen xấu
    Bố cục sách chặt chẽ, logic tuy nhiên vì đưa ra nhiều nghiên cứu nên đôi lúc đọc hơi hoang mang. Ví dụ tác giả đưa ra 3 bước để hình thành thói quen nhưng dựa trên nghiên cứu 1 thì chỉ thấy 2 bước đầu, để biết được bước thứ 3 phải đọc tiếp qua 1 nghiên cứu khác nên đôi lúc khiến người đọc quên mất phần nội dụng cốt lõi đã đọc trước đó
    Nếu sách có thêm phần tóm tắt ở mỗi cuối chương thì sẽ tiện hơn cho người đọc cũng như ghi nhớ. Như đã nói ở trên, tác giả không đưa ra 1 cách thức để tạo ra 1 thói quen cụ thể nào mà chỉ đưa ra cách thức hình thành thói quen tổng quát của con người, việc vận dung để tạo thành thói quen là dựa trên sự đúc kết & hành động của mỗi người sau khi đọc và hiểu sách này.

  4. Huỳnh Tiên

    Một cuốn sách hay cho tất cả những người trẻ tuổi đang loay hoay tìm một lối thoát cho cuộc sống đơn điệu, cá nhân và lòng vị kỷ của bản thân mình. bạn sẽ tìm thấy được phần lớn các tính xấu của mình được miêu tả một cách khá là tường tận và “thực tế một cách đau lòng” đến mức bạn chỉ muốn đọc ngay cho xong quyển sách và bắt tay vào thay đổi cuộc đời mình! Rất lâu rồi mình không đọc được một quyển sách có sức bật như vậy đến tâm hồn nên có thể đánh giá đây là một cuốn sách rất đáng cho các bạn trẻ đọc, nhất là các bạn sinh viên hằng ngày đang tự giết thời gian và chính mình bằng những thói quen xấu

  5. Thuy M

    Đây không chỉ là cuốn sách mà Business Insider khuyên đọc mà còn là cuốn sách mà rất nhiều tỉ phú nổi tiếng đã từng đọc từ khi họ còn rất trẻ. Thiết nghĩ thói quen cũng làm nên cuộc đời mỗi người, có những điều đơn giản diễn ra hằng ngày xung quanh bản thân mà ta không để ý đến. Tất cả những điều đó đều có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống mỗi người.
    Chính vì vậy, cuốn sách này cho ta nhìn nhận lại bản thân, những thói quen mà ta cần thay đổi để trở nên tốt hơn, ít ra là chiến thắng chính bản thân mình.

  6. Nghiêm Thế Vĩnh

    Ai trong chúng ta cũng đều có những thói quen. Và chúng ta để nó hiện hữu như một điều hiển nhiên trong cuộc sống của mình. Chúng ta không hề biết rằng, nó có một sức mạnh khủng khiếp. Nhưng thói uen mang lại hiêu quả tốt xấu như thế nào còn phụ thuộc bản chất và hành vi của từng người. Thông qua tác phẩm, chúng ta biết được ảnh hưởng của một số thói quen đến chính mình, và điều quan trọng hơn, chúng ta biết được giá tri và sức mạnh vô hình của nó để tạo động lực cho bản thân điều chỉnh theo một hướng tích cực hơn.

  7. Tran Dinh An

    Tôi nghiện game hơn 10 năm nay, tôi cố gắng bỏ nhiều lần nhưng thói quen này quay lại thường xuyên. Tôi tìm kiếm các quyển sách có thể giúp mình với các từ khóa như: kỹ luật cá nhân, ý chí..vv…Nhưng không tìm thấy. Tới khi search bằng tiếng Anh thì ra một danh sách dài, và đây là cuốn nằm ở đầu danh sách.
    Nội dung quyển sách thật sự trên cả tuyệt vời, không những giúp tôi tìm ra giải pháp để cai nghiện game mà còn hình thành ý tưởng tạo một vài thói quen mới.
    Tuy nhiên, phần dịch thật sự đã khiến cuốn sách không hoàn hỏa.
    Dịch giả rõ ràng đã sai một số cặp từ giống nhau như: Major (thiếu tá) và Mayor (thị trưởng) trong phần nói về viên thiếu tá tại Kufa, Thin (mỏng) và Thick (dày) trong phần nói về sách chiến thuật của các huấn luyện viên bóng bầu dục…vv…
    Bạn ấy cũng dịch rất thiếu tinh tế một số từ như: “12 ông tổ truyền đạo” thay vì “12 tông đồ”, “sắp qua đời” thay vì “đang hấp hối” (bối cảnh của Travis lúc đó, dùng từ “sắp qua đời hoàn toàn bất hợp lý)
    Bạn cũng thường xuyên dịch sai từ “We” khi dùng “chúng tôi” trong ngữ cảnh đáng lẽ nên dùng “chúng ta”
    Các lỗi nêu trên nhìn chung có thể đoán được và chấp nhận được. Nhưng bên cạnh đó, nhiều phần dịch tối nghĩa như: đoạn hội thoại của các thành viên trong nhóm Stimson, đoạn hội thội của Dungy với Brooks (sau đoạn này thì tần suất tối nghĩa cứ tăng dần lên khiến tôi không muốn liệt kê nữa)…vvv….
    Thông qua các chương đầu, tôi khá chắc chắn rằng tác giả viết rất cảm xúc vày rung động về những câu chuyện, những nhân vật mà ông đưa vào sách. Nhưng phần dịch, vô hình chung, đã làm giảm những trải nghiệm này khi đọc. Nó hoàn toàn không ảnh hưởng tới nội dung chính của quyển sách, nhưng không thể thể hiện được phần nghệ thuật nhất, văn học nhất mà quyển sách này đem lại, mặc dù đây là quyển sách thiên về rèn luyện bản thân.
    Tôi không cho là dịch một tác phẩm là việc đơn giản. Nhưng hy vọng những góp ý nhỏ này có thể giúp dịch giả hoàn thiện hơn quyển sách! Đây là một quyển sách hay và cần thiết, chính bạn đã góp phần đưa nó đến bạn đọc Việt Nam, hãy tự hào vì điều đó và tôi cảm ơn bạn rất nhiều!

  8. Thu Trâm

    Thói quen xấu rất dễ hình thành, bỏ được rất khó. Thói quen tốt rất khó hình thành nhưng bỏ được rất dễ. Muốn bỏ cái gì cũng cần có sự đánh đổi qua lại để bản thân tự cảm thấy cân bằng mà chấp nhận điều đó. Quyển sách này đối với mình rất hay. Nhưng điều quan trọng nhất đối với một người vẫn là chiến thắng chính bản thân mình, tự mình phải quyết tâm

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button