Sức Mạnh Lòng Kiên Nhẫn

(1 đánh giá của khách hàng)

“Chỉ cần kiên nhẫn rồi mọi thứ đều sẽ trôi qua, khó khăn thử thách chỉ là tạm thời, ánh bình minh của ngày mai vẫn sẽ mọc, dù cho đêm nay là một đêm đầy giông bão.”

Danh mục:

Giới thiệu

Dường như thế giới chúng ta đang sống ngày càng bị cuốn vào vòng xoáy không ngừng của sự bận bịu hối hả, chứa đựng bao hệ luỵ của đời sống công nghiệp hiện đại. Công việc chất chồng, ra đường thì kẹt xe và khói bụi, điện thoại kêu inh ỏi cả trong giấc ngủ….. Tất cả những điều này có vẻ đã trở thành một phần không thể chối bỏ của cuộc sống ngày nay. Hơn lúc nào hết, con người cảm thấy mình cần một trạng thái bình yên, một cảm nhận hạnh phúc – một hạnh phúc không mâu thuẫn với sự thành đạt đòi hỏi sự nỗ lực hằng ngày trong cuộc sống của chúng ta.

Sức mạnh của lòng kiên nhẫn của M.J.Ryan sẽ mang đến giải pháp cho những vấn đề trên. Tác giả nhận thấy rằng những đức tính cao đẹp muôn thuở luôn có sức mạnh đem lại ánh sáng và tình yêu cho cuộc đời chúng ta. Trong cuốn sách này, Ryan sẽ tiết lộ cho chúng ta thấy bằng cách nào mà lòng kiên nhẫn có thể giúp ta làm chậm lại nhịp sống và ngày càng có những cảm nhận tốt đẹp hơn về chính mình. Sự kiên nhẫn sẽ giúp chúng ta phát huy tối đa năng lực bản thân, cho ta khả năng chiến thắng những cơn nóng giận khiến ta phải hối tiếc sau này, giúp ta có sức mạnh theo đuổi và đạt được những điều lớn lao tưởng chừng vượt ngoài tầm với.

Ryan biết rất rõ nếu chỉ cố gắng kiên nhẫn thôi thì chưa đủ. Bà còn chia sẻ với chúng ta một thái độ cần có để giúp ta luôn có thể duy trì và củng cố lòng kiên nhẫn. Nếu bạn mong đợi bản thân tiến dần đến sự hoàn thiện và luôn luôn học hỏi, nếu bạn nhận thấy giá trị của việc kiên trì gỡ rối một vấn đề thay vì chỉ đơn giản né tránh nó, và nếu bạn ý thức rằng còn có nhiều cách giải quyết khác nhau cho cùng một sự việc thì lòng kiên nhẫn của bạn sẽ tăng dần theo thời gian cùng với hạnh phúc thật sự trong hiện tại. Và cao hơn hết là cảm giác mãn nguyện, hài lòng với chính mình.

Đọc thử

NHỮNG MÓN QUÀ VÔ GIÁ CỦA LÒNG KIÊN NHẪN

Bí mật của các bậc vĩ nhân lưu danh tên tuổi xưa nay – những người đã làm nên những điều vĩ đại, đã truyền cảm hứng và cứu rỗi không biết bao nhiêu linh hồn – là gì? – Đó là lòng kiên nhẫn.

– Inayat Khan

Rất tự nhiên, trước khi bắt đầu học một điều gì đó, ta luôn tự hỏi tại sao ta phải học nó. Đó không phải là câu hỏi nhất định cần có câu trả lời hợp lý, mà nó nảy sinh từ bản tính hiếu kỳ của con người. Học hỏi bất cứ điều gì cũng cần phải có một niềm đam mê và yêu thích nhất định, vì vậy chúng ta phải biết tại sao ta nên rèn luyện nó, vì sao nó xứng đáng với công sức chúng ta bỏ ra. Đó là lý do chúng ta sẽ bắt đầu tìm hiểu xem ta sẽ được những ích lợi gì cho sự cố gắng của bản thân. Phần thưởng của việc trở nên kiên nhẫn hơn là gì?

KIÊN NHẪN TẠO NÊN SỰ XUẤT SẮC

Tài năng đến từ một quá trình kiên nhẫn lâu dài.

– Gustave Flaubert

Bạn chắc hẳn biết qua câu chuyện về nhà khoa học Thomas Edison, ông không những phát minh ra bóng đèn mà còn sáng chế ra hàng loạt những máy móc khác như máy điện báo, máy điện tín tự động, đèn điện an toàn dùng trong hầm mỏ, đèn huỳnh quang, máy quay phim, máy chụp ảnh…

Trong quá trình miệt mài thử nghiệm để tìm ra vật liệu làm dây tóc bóng đèn, ông đã đúc kết kinh nghiệm như sau: “Tôi đã trải qua 2000 lần thử nghiệm khác nhau mới tìm ra được kết quả cuối cùng, nhưng tôi không nghĩ rằng mình đã thất bại 2000 lần. Tôi không hề thất bại lần nào. Tôi đã thành công trong việc chứng minh rằng có gần 2000 chất liệu không thể dùng để chế tạo dây tóc bóng đèn. Và một khi đã loại bỏ dần những chất không phù hợp, tôi cuối cùng cũng tìm ra nó!”.

Tôi đã bắt đầu nghiên cứu về lòng kiên nhẫn trong nhiều năm, nhưng cách đây vài tháng tôi mới bắt đầu xem xét đến mối liên hệ giữa lòng kiên nhẫn và sự trau dồi tài năng. Eric Hoffer phát biểu về mối quan hệ này như sau: “Điều cốt lõi của một tài năng thật sự là người đó phải nhận thức được rằng bất kỳ thành tựu dù lớn hay bé cũng luôn gắn liền với những khó khăn nhất định. Và chính nhờ sự kiên trì theo đuổi mục tiêu đến cùng mà họ vượt qua tất cả trở ngại và đạt được thành công cuối cùng. Do đó tài năng là một dạng của sự kiên trì”. George Louis Leclerc de Buffon cũng nhận xét tương tự: “Bản thân thiên tài không là gì cả, thiên tài là người dồi dào khả năng kiên nhẫn”.

Những nhà tư tưởng này nhắc cho chúng ta nhớ rằng tài năng phải được trau dồi thường xuyên. Cũng giống như viên ngọc muốn sáng đẹp cần qua quá trình mài giũa, tài năng thiên phú, “sơ khai” còn cách tài năng đích thực rất xa. Vì vậy chúng ta phải làm việc và làm việc không ngừng để có thể có được phần thưởng đó. Mọi tiềm năng của chúng ta đều đòi hỏi sự nỗ lực trong một thời gian dài trước khi trở thành tài năng thật sự. Điều này chỉ có thể đạt được khi chúng ta kiên trì thực hiện mục tiêu của mình, dù có mất bao lâu đi chăng nữa.

Những nghiên cứu gần đây đã chứng minh điều này. Một nhà nghiên cứu của trường Đại học Florida đã khám phá ra rằng phải mất khoảng mười năm để có thể đạt đến mức độ tinh thông của một chuyên gia. Điều này quả thật đòi hỏi lòng kiên nhẫn cao độ!

Cách đây vài năm, tổ chức Gallup đã tiến hành một nghiên cứu trên quy mô lớn về sự xuất sắc. Nghiên cứu trên hai triệu người tình nguyện, họ đã khám phá ra rằng những người nổi trội hơn người khác là những người biết rõ những thế mạnh của mình và tập trung phát triển thế mạnh đó. Không lo lắng về những điểm yếu của bản thân, thay vào đó, họ biết kết hợp những thế mạnh của mình lại với nhau theo một cách nào đó và tối ưu hóa chúng. (Cũng theo kết quả nghiên cứu này, có đến 33 triệu khả năng kết hợp của những thế mạnh này, có nghĩa là kết hợp của bạn chỉ là một trong con số 33 triệu. Do đó với sức mạnh của tính kiên định, bạn có thể trở thành một thiên tài với sự kết hợp độc đáo của riêng bạn.)

Rượu ủ càng lâu càng thơm nồng. Cũng như vậy, bằng lòng kiên nhẫn, ta sẽ có đủ tự tin để phát huy hết tiềm năng của bản thân, để ta có thể tự hào là đang cống hiến những điều tốt đẹp nhất của mình cho thế giới.

KIÊN NHẪN GIÚP TA VƯỢT QUA ĐƯỢC MỌI THĂNG TRẦM CỦA CUỘC SỐNG

Kiên nhẫn chờ đợi có lẽ là điều khôn ngoan nhất trên đời: sự khôn ngoan của người gieo hạt và chờ đến ngày cây đơm hoa kết trái.

– John MacEnulty

Tôi có một chị bạn tên Meredith, chị ấy là một mẫu người Mỹ đầy tài năng và thành đạt. Chị được học ở những trường đại học nổi tiếng của miền Đông nước Mỹ, kiếm được công việc với mức lương hàng trăm ngàn đô-la, leo lên đến vị trí lãnh đạo cao nhất của công ty. Nhưng điều đáng nói là sau những thành công ít người đạt được ấy, ở độ tuổi bốn mươi, nhìn lại những thành quả mình đã tạo dựng, chị lại cảm thấy chúng dường như vô nghĩa, ngoại trừ vai trò làm mẹ và làm vợ. Chị đã quyết định từ bỏ công việc đáng mơ ước hiện tại và đến gặp tôi với hy vọng thấy được định hướng tương lai của mình.

Một trong những điều đầu tiên tôi giúp chị hiểu là, giống như vạn vật, con người cũng phải trải qua các giai đoạn trong cuộc đời mình – như các mùa trong năm: Mùa xuân là mùa của những triển vọng mới, khi mọi thứ đều thú vị và tươi vui; mùa hè là mùa của sự khai hoa kết trái, khi bạn đang hứa hẹn tràn đầy sinh lực và sức sáng tạo; mùa thu là mùa của sự thoái trào, khi bạn bắt đầu mất dần sự hứng thú; và mùa đông là mùa của sự bất mãn, khi bạn cảm thấy trống rỗng và trở nên nghi ngờ mọi giá trị của cuộc sống. Chị ấy đang ở vào giai đoạn mùa đông của cuộc đời. Đây là một quá trình tự nhiên mà tất cả chúng ta ai cũng phải trải qua, nhưng vì ta không biết đến quy luật tuần hoàn này, hoặc giả, nếu có biết thì ta cũng ảo tưởng tự lừa dối bản thân mình rằng nó không ảnh hưởng gì đến ta, và ta đứng ngoài quy luật tự nhiên đó. Vì vậy chúng ta có xu hướng cố gắng níu kéo một cách tuyệt vọng để được ở lại mùa hè, hoặc tìm mọi cách để có thể trì hoãn hay thậm chí ngăn cản quá trình đi đến mùa thu và mùa đông của đời mình.

Vòng tuần hoàn này chính là quá trình phát triển của con người cũng như vạn vật. Nếu không đặt mình thuận theo chu trình tự nhiên, chúng ta sẽ chẳng bao giờ trưởng thành được. Cách duy nhất để chấp nhận được điều này là rời bỏ quan điểm sống cũ, can đảm thoát ly khỏi những ưu tiên và những mối quan tâm cũ để dọn chỗ cho những tư tưởng mới.

Bất cứ người làm vườn nào cũng có thể bảo đảm với bạn rằng chu kỳ của thiên nhiên đòi hỏi sự kiên nhẫn – kiên nhẫn thật sự. Bạn không thể hôm nay gieo một hạt giống và mong đợi ngày hôm sau nó sẽ nở hoa. Bạn cũng không thể kéo cái chồi cho nó nhanh ra lá hay thổi vào cây thân để nó lớn nhanh hơn. Thậm chí loài cây có thể mọc rất nhanh như củ cải cũng cần phải có thời gian lớn lên và tích tụ chất dinh dưỡng trong rễ để tạo thành củ.

Chúng ta cũng vậy! Khi luyện tập tính kiên nhẫn, chúng ta có thể kết hợp chặt chẽ và hài hòa với nhịp điệu tự nhiên của cuộc sống. Chúng ta phải nhớ rằng: “Mọi thứ đều có thời điểm thích hợp của nó”, và đừng cố đi ngược lại quy luật bất biến đó của cuộc sống. Mùa đông thì rất dài nhưng rồi nó cũng sẽ phải kết thúc, và mùa hè cũng vậy. Đó là quy luật của tự nhiên.

Đó là những gì tôi đã phân tích cho Meredith vào cái ngày chị cảm thấy chán chường và hỏi tôi rằng khi nào thì mùa đông trong tâm trí chị sẽ chấm dứt. Tôi trả lời tôi không biết, nhưng tôi chắc rằng nó sẽ phải kết thúc, vì vậy, hãy giống như những người làm vườn, chị có thể làm một số việc để chuẩn bị cho mùa xuân ngay từ bây giờ: “Hãy nghĩ đến những việc như: tìm hiểu xem điều gì thực sự quan trọng đối với chị, chị muốn nhận được những gì và muốn bỏ lại cái gì”. Mùa đông là thời gian lý tưởng để chuẩn bị cho những điều sắp đến, thậm chí ngay cả khi bạn không biết điều sắp đến có làm cho bạn cảm thấy tốt hơn hay không.

Meredith và tôi đã làm việc với nhau trong khoảng một năm. Chị đã chăm chỉ thực hành và chuyên tâm trau dồi tính kiên nhẫn. Rồi cũng đến một ngày trên môi chị nởnụ cười thật tươi, vui mừng báo cho tôi biết tin chị đang cảm thấy rất phấn khích trước một cơ hội làm ăn mới vàquyết định theo đuổi nó. Không lâu sau đótôi nhận được một tấm bưu thiếp gửi bằng đường bưu điện. Đó là một tấm thiệp chúc mừng cógắn những hạt giống hoa, kèm theo đó là lời nhắn: “Cám ơn em vì đãtiếp tục tin tưởng rằng mùa xuân sẽquay trở lại với chị ngay cả khi chính bản thân chị cũng không còn tin được nữa. Những hạt giống này tượng trưng cho những gì mà em đã giúp chị tìm lại được khi chị cảm thấy mọi thứ dường như không còn ý nghĩa”.

Bản thân chúng ta là một bộ máy hoàn hảo, sống động, là một phần của tự nhiên và ta phải chịu tác động rất nhiều từ những chu kỳ của nó. Từ cây sồi to lớn đến chú ếch nhỏ bé đều phải tuân thủ quy luật này. Lòng kiên nhẫn cùng sức mạnh vô biên của nó sẽ giúp chúng ta cảm nhận được mối liên hệ huyền diệu đó.

KIÊN NHẪN GIÚP TA CÓ ĐƯỢC NHỮNG QUYẾT ĐỊNH SÁNG SUỐT

Một chút kiên nhẫn có giá trị gấp nhiều lần sự thông minh.

– Thành ngữ Hà Lan

Tôi nhớ có một lần, Ana, cô con gái hai tuổi của tôi bị sốt cao lúc giữa đêm. Tôi và Don, chồng tôi, đã cho bé uống thuốc hạ sốt và đặt bé nằm ngủ cùng chúng tôi. Bỗng nửa tiếng sau, bé thức dậy và bắt đầu gào khóc bấn loạn. Tôi cảm thấy bối rối và hốt hoảng thật sự. Không làm chủ được mình, tôi hét to lên giục Don chạy đi lấy nhiệt kế trong phòng tắm, dù anh ấy đang ở ngay bên cạnh và phòng tắm chỉ cách chúng tôi có năm bước chân! Trái với mong đợi của tôi, Don từ tốn đi vào nhà tắm và khi quay trở lại, anh điềm tĩnh đo nhiệt độ của con bé. Nhiệt độ không tăng, thật là may mắn! Nhưng tôi lại tức điên lên vì thái độ của anh ấy.

Đợi con ngủ yên trở lại, tôi liền lớn tiếng với Don: “Em không hiểu sao anh lại chậm chạp đến như vậy. Đây là trường hợp khẩn cấp! Anh không thể nhanh hơn khi mà sự an toàn của con gái anh phụ thuộc vào điều đó sao?”.

Im lặng một lúc, anh ấy trả lời: “Con đang bị kích động còn em thì lại hoảng hốt. Điều tốt nhất mà anh có thể làm là càng bình tĩnh càng tốt. Nếu chạy thì anh cũng không thể lấy cái nhiệt kế nhanh hơn bao nhiêu, mà trái lại còn làm cho mọi người lo lắng thêm. Trong khi thời gian anh đi lấy nhiệt kế lúc nãy cũng chưa tới một phút”.

Tôi nhìn anh. Anh điềm tĩnh nhìn thẳng vào mắt tôi. Còn tôi, tim đập mạnh, người toát mồ hôi và rồi tôi bật khóc nức nở. Mỉa mai thay, một điều hiển nhiên như vậy mà ngay cả đối với một chuyên gia về lòng kiên nhẫn như tôi lại không thể thực hiện được. Với trạng thái bị kích động như của tôi lúc đó, thì rõ ràng giữa hai chúng tôi, Don là người được trang bị tốt hơn nhiều để đương đầu với những tình huống khẩn cấp. Hồi còn tham gia hội chữ thập đỏ, tôi cũng đã được dạy cách giữ bình tĩnh thay vì hoảng loạn và làm mọi thứ rối tung lên khi phải xử lý những tai nạn máu me! Nếu không thì cảm giác có thể lấn át lý trí của bạn, nhất là khi bạn cần phải ra một quyết định sáng suốt.

Lúc đó, nếu tôi giữ bình tĩnh và không bị rơi vào trạng thái hoảng hốt, thì tôi đã có thể giúp Ana được nhiều hơn, có thể đưa ra những quyết định chính xác hơn như đưa bé đến bệnh viện hay dỗ cho bé ngủ lại. Thay vì đợi sáu mươi giây để biết một sự thật là nhiệt độ của bé không tăng, tôi đã tự nghĩ ra những tình huống khủng khiếp và bắt đầu cơn khủng hoảng của mình!

Điềm tĩnh giúp chúng ta đưa ra những quyết định đúng đắn hơn vì nó giữ cho óc phán đoán của chúng ta không bị chi phối bởi sự hoảng sợ. Phần cuối bộ phim nổi tiếng Amelie có một cảnh hài hước, đó là khi nhân vật nữ chính cuối cùng cũng tìm được người đàn ông mà cô yêu, cô đã gửi cho anh một mẩu tin, hẹn gặp anh tại một thời điểm cụ thể. Nhưng anh đã không đến. Amelie liền nghĩ ra hai giả thuyết, một là, anh đã không nhận được tin nhắn của cô, hai là, anh bị tai nạn xe hơi, hoặc bị bắn, bị bắt cóc và gửi sang Afghanistan, và cuối cùng là cô đơn trên một đỉnh núi nào đó. Đó thực sự là khoảnh khắc đáng sợ! Trong lúc chờ đợi, chúng ta có thể tưởng tượng ra mọi chuyện khủng khiếp. Người ta thường tự mình làm cho tình thế trở nên căng thẳng khi tưởng tượng ra những tình huống thảm khốc, và cũng vì thế làm hạn chế khả năng đưa ra một quyết định đúng đắn.

Điềm tĩnh suy nghĩ, ta sẽ nhận thấy cuộc sống luôn tồn tại hai mặt: tích cực và tiêu cực. Tương tự, khi điều gì đó xảy ra thì đều tồn tại hai khả năng: hoặc tốt hoặc xấu. Nhưng dù thế nào, trước sau gì ta cũng phải đối diện với nó. Buồn phiền, lo lắng, than trách chỉ làm tình hình tồi tệ thêm mà thôi. Tôi muốn khuyên bạn hãy tự tin như Mark Twain: “Điều tồi tệ nhất trong cuộc đời của tôi chưa bao giờ đến”. Thật vậy, bất cứ khó khăn, thử thách nào cũng có giải pháp của nó. Làm chủ cảm xúc của bản thân, giữ cho trí óc luôn ở trạng thái điềm tĩnh cân bằng, bạn nhất định sẽ tìm ra những giải pháp sáng suốt nhất!

Tôi đã lãng phí quá nhiều thời gian quý báu của mình để suy diễn, tự đặt ra hàng vạn giả thuyết và tự làm khổ mình chỉ vì tôi không đủ kiên nhẫn để chờ đợi kết quả của nó ra sao. Điều tuyệt vời nhất là khi tôi nhận ra càng kiên nhẫn, mình càng bình tĩnh. Và càng bình tĩnh, tôi càng có nhiều khả năng thu nhận và phân tích, đánh giá thông tin, chứ không dễ dàng bị rơi vào vòng xoáy lo lắng và căng thẳng không cần thiết như trước nữa.

Thực hành rèn luyện tính kiên nhẫn sẽ đem đến cho bạn khả năng ra quyết định đúng đắn, đặc biệt trong những tình huống khẩn cấp. Vì vậy, hãy bắt đầu rèn luyện ngay từ bây giờ để cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn với những lựa chọn sáng suốt nhất.

KIÊN NHẪN DƯỠNG NUÔI NIỀM HY VỌNG

Kiên nhẫn là nghệ thuật dưỡng nuôi niềm hy vọng.

– Luc de Vauvenargues

Nelson Mandela là một tấm gương sáng về lòng kiên nhẫn. Hy sinh cho sự nghiệp chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, ông đã trải qua ròng rã hai mươi bảy năm trong nhà tù Nam Phi, nếm đủ tất cả mọi đắng cay, tủi nhục, từ bị hành hạ thân xác đến xúc phạm nhân phẩm. Có lần ông bị cai ngục ở nhà tù khét tiếng Robbins Island tiểu lên người và đe dọa: “Ở đây mày sẽ chết!”. Tuy thế, ông vẫn chưa bao giờ có ý định đầu hàng, chưa bao giờngừng đấu tranh cho ước mơ của mình – ước mơ về một xã hội mà người da trắng và người da màu có thể sống tự do, bình đẳng và hòa hợp với nhau. Không một lời thóa mạ người da trắng, không một lần than oán và Nelson cũng không bao giờ thôi hy vọng sẽ có một ngày được giải thoát khỏi ngục tù.

Trong hồi ký viết lại khoảng thời gian khốc liệt ở tù, ông tin rằng: “Một ngày nào đó, tôi sẽ lại được cảm nhận sự mềm mại của cây cỏ dưới chân và tiếp tục dạo bước trong ánh mặt trời của một người tự do”. Đối với ông, hy vọng có nghĩa là “giữ cho đầu hướng về phía mặt trời và chân luôn tiến về phía trước. Có nhiều khoảnh khắc đen tối trong cuộc đời mà niềm tin của tôi vào con người bị thử thách nghiệt ngã, nhưng tôi đã không và cũng không bao giờ cho phép mình tuyệt vọng”.

Theo tục lệ của bộ tộc nơi ông sinh ra, người ông sẽ đặt tên cho cháu mình, vì vậy khi người con gái lớn nhất mà gần hai thập kỷ ông không được gặp mặt sinh một bé gái, Nelson Mandela đã đặt tên cho nó là Azwie – có nghĩa là Hy vọng. “Cái tên này có một ý nghĩa đặc biệt đối với tôi”, ông viết trong cuốn tự truyện Cuộc hành trình đi đến tự do, “Trong suốt những năm bị tù đày, hy vọng đã không rời bỏ tôi – và bây giờ cũng sẽ không bao giờ rời bỏ. Tôi tin rằng đứa bé này sẽ là một phần của thế hệ trẻ Nam Phi, thế hệ mà đối với chúng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc chỉ là một ký ức đã xa”.

Sau hơn mười ngàn ngày bị cầm tù, vào tuổi 71, Nelson Mandela cuối cùng cũng được tự do và ông đã tiếp tục dẫn dắt Nam Phi đi đến một nền dân chủ thực sự mà không cần đến bạo lực hay một cuộc tàn sát hàng loạt của người da đen đối với người da trắng như một số người da trắng đã lo ngại. “Tôi đã không đánh mất niềm hy vọng rằng sự thay đổi có tính bước ngoặt của thời đại này rồi sẽ xảy ra”, Mandela nói. “Tôi luôn tin rằng tận trong sâu thẳm trái tim mỗi người đều ẩn chứa lòng tốt và sự khoan dung… Lòng tốt là ngọn lửa đôi khi bị che khuất nhưng không bao giờ bị dập tắt.”

Cuộc đời của Nelson Mandela là một minh chứng vĩ đại cho sức mạnh của lòng kiên nhẫn. Bằng sự nhẫn nại to lớn của mình, ông đã mang lại điều kỳ diệu không chỉ cho bản thân mình mà còn cho 43 triệu người da đen và da trắng sống ở Nam Phi. Trong bài diễn văn nhậm chức tổng thống của mình, ông đã kêu gọi: “Hỡi những người dân bình thường, nhỏ bé! Các bạn hãy thể hiện lòng kiên nhẫn và quyết tâm cải tạo đất nước này vì nó chính là gia đình của bạn!” Và ông hẳn cũng đang tự nói với chính bản thân mình!

Có thể nói, trong thời gian bị cầm tù cực khổ, Nelson Mandela đã nhận thức được một số vấn đề ẩn khuất trong tâm hồn con người, đó là niềm tin và hy vọng có thể giúp chúng ta kiên nhẫn làm việc, tiếp tục hướng về mục tiêu mà có khi ta cũng chưa hình dung rõ.

“Nếu chúng ta đang hy vọng về những gì mà mình chưa từng tận mắt chứng kiến, thì hãy kiên nhẫn chờ đợi”. Tôi đọc được điều đó trong Kinh Thánh Roman, chương 8, điều thứ 25. Với niềm hy vọng, chúng ta kiên trì làm việc để đạt được những điều mà mình mong muốn trong cuộc đời: học tập để vượt qua các kỳ thi, viết sách, thu thập tài liệu, trồng vườn… Chúng ta cố gắng vì chúng ta tin vào một kết quả tốt đẹp. Không có hy vọng, chúng ta sẽ không thể làm được gì, vì ta không có đủ cảm xúc và tinh thần để tạo dựng một động lực cần thiết để khởi động mọi việc cho đến ngày đơm hoa kết trái.

Nhiều nghiên cứu khoa học đã xác nhận mối liên hệ giữa hy vọng và lòng kiên nhẫn. Những sinh viên có chỉ số hy vọng cao thì kết quả làm việc tốt hơn những sinh viên cùng lứa có chỉ số hy vọng thấp, mặc dù họ có cùng mức độ về chỉ số thông minh. Lý do là làm việc với sự kiên trì và niềm hy vọng mang lại cho họ thái độ luôn sẵn sàng để tiếp tục cố gắng, cố gắng hơn nữa. Ở một nghiên cứu khác, một tình huống giả định được đặt ra cho những sinh viên có chỉ số hy vọng cao và thấp như sau: Bạn đang nhắm tới mục tiêu là đạt điểm A cho học kỳ này. Ở bài kiểm tra đầu tiên, vốn chiếm 30% tổng số điểm cả học kỳ, bạn chỉ đạt điểm D. Bây giờ bạn làm gì? Nhóm có chỉ số hy vọng cao nghĩ ra mọi ý tưởng để nâng điểm số của họ lên, trong khi nhóm có chỉ số hy vọng thấp thì nhanh chóng đầu hàng!

Học giả Iyanla Vanzant khuyên chúng ta nên cổ vũ bản thân bằng cách tự nhủ rằng: “Đó chỉ là sự trì hoãn chứ không phải là sự phủ nhận”. Niềm ao ước trong trái tim bạn là gì? Nó có đáng để bạn hy vọng hay không? Với lòng kiên nhẫn, chúng ta luôn có thể nuôi dưỡng hy vọng ngay trong những giờ khắc đen tối nhất và biết chắc chắn rằng một ngày nào đó niềm mong ước của ta sẽ trở thành hiện thực.

KIÊN NHẪN GIÚP TA KÉO DÀI TUỔI THỌ VÀ ÍT BỊ CĂNG THẲNG

Thiên nhiên, thời gian và kiên nhẫn là ba ông thầy thuốc vĩ đại.

– H. G. Bohhe

Có lần, một người bạn là cố vấn cho giám đốc điều hành của một công ty lớn đến thăm chúng tôi. Tâm sự về những căng thẳng gặp phải trong công việc, anh thổ lộ: “Nó đang giết tôi dần, huyết áp tôi gần như tăng đến mức cao nhất và làm tôi kiệt sức. Tôi đã không hề quan tâm đến sức khỏe mình cho đến khi bác sĩ cảnh báo tôi có nguy cơ bị đau tim. Công việc của tôi là tranh luận thường xuyên với giám đốc, bằng những kiến thức và luận cứ của mình, thuyết phục ông ấy kinh doanh theo những gì tôi cho là đúng. Và những khi giám đốc phớt lờ những đề xuất của tôi thì tôi hoàn toàn không thể chịu đựng được”.

Chưa có nghiên cứu nào đề cập đến ảnh hưởng sinh lý của tính kiên nhẫn, nhưng có rất nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của việc thiếu kiên nhẫn, đặc biệt là về tác động của chứng căng thẳng thần kinh (stress) và những cơn nóng giận. Những nghiên cứu đó đã chứng minh rằng những người hay giận dữ có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao gấp 1,5 lần so với người khác và có nguy cơ mắc các bệnh về tim cao gấp bốn hay năm lần. Khi bạn giận dữ hay căng thẳng thần kinh thì cho dù bạn kìm nén hay bộc lộ cảm xúc, bạn vẫn phải chịu những ảnh hưởng về mặt sinh học như: tăng nhịp tim, tăng huyết áp, dư axít trong dạ dày… Khi giận dữ, não bạn sẽ phải làm việc nhiều hơn khiến tăng nồng độ chất andrenaline và cortisol – các loại hormone làm căng thẳng thần kinh – trong máu. Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng những chất này sẽ làm suy giảm hệ thống miễn dịch của bạn, đặc biệt là làm suy giảm mật độ bạch cầu T – loại bạch cầu chính giúp cơ thể chống lại sự nhiễm trùng. Cơ bắp, mạch máu bị co thắt lại, do đó tim phải hoạt động nhiều hơn để giúp máu lưu thông. Đó là lý do tại sao khi giận dữ, bạn thấy tim đập mạnh và cảm thấy hồi hộp, thậm chí khó thở.

Ngược lại, khi điềm tĩnh, “hệ thống sẵn sàng tấn công – phòng vệ” của bạn sẽ tắt. Các cơ bắp được thả lỏng, mạch máu giãn nở, huyết áp ổn định, nhịp tim bình thường. Hệ thống miễn dịch lại hoạt động tốt, máu lại sản sinh ra số lượng bạch cầu cần thiết giúp bạn tránh được nguy cơ nhiễm bệnh, nhờ đó giúp bạn khỏe mạnh và sống lâu hơn.

Kiên nhẫn cho phép chúng ta kiểm soát được sự căng thẳng thần kinh, cho dù đó là những căng thẳng khách quan do cuộc sống bận rộn gây ra, hay những căng thẳng chủ quan nội tại, xuất phát từ những cơn giận dữ của bạn. Nó cũng làm ngừng những tín hiệu cảnh báo căng thẳng trong hệ thống thần kinh và cho phép bạn nghỉ ngơi. Trong tác phẩm Why Zebras Dont Get Ulcers Robert Sapolsky đã chỉ ra rằng: phản ứng tấn công – phòng vệ là rất quan trọng cho sự tồn tại của chúng ta, chẳng hạn nó giúp ta bỏ chạy khi gặp nguy hiểm. Nhưng đó chỉ là những phản xạ tức thời, không phải là một cơ chế được thiết lập lâu dài.

Trong cuộc sống hiện tại, chúng ta có rất nhiều cơ hội để thử nghiệm tác dụng của cơ chế tấn công – phòng vệ như: lúc kẹt xe, áp lực nặng nề về thời hạn cho phép hoàn thành công việc, cãi nhau với người yêu… Những áp lực này làm cho cơ thể chúng ta căng thẳng, mệt mỏi. Đó là lý do tại sao rèn luyện để trở nên kiên nhẫn hơn lại là việc tốt nhất mà chúng ta có thể làm vì sức khỏe của chính bản thân mình. Càng dễ dàng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và khoan dung với những điểm yếu của người khác, chúng ta càng đỡ bị căng thẳng. Và nếu chúng ta có thể rèn luyện tính kiên nhẫn thường xuyên, đều đặn như việc tập thể dục giữ gìn sức khỏe thì đó chẳng phải là điều tuyệt vời lắm sao!

KIÊN NHẪN GIÚP TIẾT KIỆM THỜI GIAN, SỨC LỰC VÀ TIỀN BẠC

Thời gian và lòng kiên nhẫn sẽ biến lá dâu thành lụa.

– Thành ngữ Trung Hoa

Cách đây nhiều năm, vợ chồng tôi quyết định xây nhà trên một mảnh đất nằm trên sườn dốc cao. Vì phải làm nhanh trước khi mùa mưa đến, những nhà thầu mà chúng tôi thuê làm phần móng, do tốc độ thi công vội vã, đã không làm đúng như thiết kế. Và cũng muốn nhanh chóng kết thúc trước mùa mưa, chúng tôi đã không kiểm tra.

Nếu bây giờ đến thăm chúng tôi, bạn sẽ thấy một bức tường của ngôi nhà nhô lên trời cả thước với những bậc thang khấp khểnh. Sai lầm đó không những làm mất thẩm mỹ căn nhà mà chúng tôi còn gặp rắc rối với những người hàng xóm vì một phần căn nhà đã bị xê dịch theo phần móng, không còn ở trên mảnh đất đã thỏa thuận ban đầu nữa. Mọi chuyện đau đầu cuối cùng cũng được giải quyết sau những cuộc tranh cãi kéo dài nhiều năm làm chúng tôi tốn không biết bao nhiêu thời gian, tiền bạc và sức lực.

Sai lầm lớn này xảy ra chỉ vì chúng tôi thiếu kiên nhẫn. Và tôi vẫn thường gặp phải những rắc rối nhỏ hơn (nhưng hậu quả lại không nhỏ chút nào!) kiểu đó. Tôi làm việc vội vã, rút ngắn công đoạn, và hậu quả tất yếu là tôi mắc sai lầm và lại phải bắt đầu lại.

Tối qua, điều đó lại xảy ra. Vẫn vội vã như thường lệ, tôi làm nước xốt xoài cho bữa tối. Thành phần cuối cùng là muối. Và vì không để ý, tôi đã cho quá nhiều muối. Thế là cuối cùng tôi phải bỏ tất cả đi và làm lại từ đầu.

Khi đó tôi đã rất bực mình vì bị mất thời gian và tệ hơn, tôi cứ trách móc mình sao lại vội vã, bất cẩn như thế.

Lỗi lầm nhỏ đó đã làm tôi tốn mất 10 phút và một đô-la. Nhưng nếu làm một phép tính tổng hợp thì chúng ta đã mất bao nhiêu tiền bạc và thời gian do thiếu kiên nhẫn? Thử nghĩ đến NASA. Nếu vội vã hoàn thành một dự án, chỉ cần một phép tính toán sai lệch, chẳng hạn dùng cm thay vì inch (= 2,54cm), cũng đủ để một vệ tinh giá trị hàng triệu đô-la đi chệch mục tiêu.

Ngày nay chúng ta quá coi trọng tốc độ, và đó là một sai lầm lớn. Hãy nghĩ về những phương tiện truyền thông hiện đại. Bạn có thấy là họ rất hay vội đưa ra kết luận về một sự kiện nào đó trước khi mọi việc ngã ngũ không? Chắc bạn còn nhớ sự cố nổi tiếng “Dewey chiến thắng!” chứ? Hệ thống các kênh truyền hình đã không thể đợi cho đến giây phút cuối cùng mà họ vội vã công bố người chiến thắng trong cuộc tranh cử chức tổng thống Mỹ năm 2000. Còn các công ty sản xuất phần mềm thì sao? Trong thực tế, họ thường đưa ra những chương trình đầy lỗi, và sau đó bỏ công sức và thời gian để giải đáp những phàn nàn của khách hàng thay vì giải quyết những lỗi đó trước khi tung sản phẩm ra thị trường. Tại sao lại như vậy? Vì họ sợ rằng nếu không sản xuất kịp tiến độ thì những nhà đầu tư thiếu kiên nhẫn sẽ bán cổ phiếu của công ty họ, làm cho giá cổ phiếu giảm mạnh, gây ảnh hưởng xấu đến lợi ích kinh doanh của họ.

Việc thiếu kiên nhẫn cũng có thể gây thương tích cho cơ thể. Tôi còn nhớ một phụ nữ viết thư cho tôi tâm sự như thế này: “Mỗi khi tôi bị thương do lỗi của chính mình, tôi luôn nhìn lại vấn đề để rút kinh nghiệm và nhận ra rằng tất cả mọi tình huống đều xảy ra trong lúc tôi vội vã. Tôi bị trật mắt cá chân khi muốn đuổi kịp chuyến xe buýt. Tôi bị giãn dây chằng lưng trong lúc luyện tập căng thẳng, tất cả chỉ để cố gắng tập cho xong và đến văn phòng sớm hơn 10 phút. Cả hai lần bị thương đó đã làm tôi mất rất nhiều thời gian chỉ vì muốn cố gắng tiết kiệm vài phút!”.

Thật không dễ dàng chút nào khi cố gắng cưỡng lại khuynh hướng vội vã chung của thời đại ngày nay. Vì thế chúng ta cần trang bị cho mình một ý thức sâu sắc về vấn đề này trước khi để nó gây ra những hậu quả không mong muốn. Như minh chứng cho câu ngạn ngữ “Dục tốc bất đạt”, rất nhiều bức thư tôi nhận được của độc giả đã thuật lại những trường hợp mà họ phải gánh chịu những hậu quả không hay chỉ vì tính thiếu kiên nhẫn. Tất cả đều có cùng quan điểm: “Sự vội vã cuối cùng lại làm ta, bằng cách này hay cách khác, mất nhiều thời gian và công sức hơn để khắc phục, sửa chữa những lỗi lầm mà lẽ ra ta đã không gặp phải nếu chịu bình tĩnh hơn một chút”.

Hãy thay đổi cách sống vội vã! Chúng ta đều biết rằng “Dục tốc bất đạt”, vậy tại sao cứ phải mắc mãi một sai lầm mà ta có thể tránh được? Bằng việc rèn luyện lòng kiên nhẫn, ta “Hãy làm cho việc vội vã chậm lại” như một lời khuyên khá sâu sắc mà tôi học được từ một phụ nữ thông minh khi chúng tôi cùng chia sẻ về vấn đề này.

Trích dẫn

Đang cập nhật..

Thể loại

12 cuốn sách hay về phát triển bản thân nên đọc - Tài năng và đạo đức luôn là hai yếu tố song hành. Có tài mà không có đức sớm hay muộn cũng gặp bất trắc, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó khăn. Để vẹn tròn về tài lẫn đức, Vnwriter giới thiệu đến bạn đọc sách 12 tựa sách… Đọc thêm

Nơi bán

 

Nhận hàng ngay chỉ trong vài giờ với gói TIKINOW tại TP.HCM, HN, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy

Tới nơi bán

 

FREESHIP cho đơn hàng từ 140k tại TP.HCM và Hà Nội, từ 250k tại các tỉnh thành khác, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy.

Tới nơi bán

1 đánh giá cho Sức Mạnh Lòng Kiên Nhẫn

  1. Tau Leos

    “Sức mạnh lòng kiên nhẫn” là cuốn sách rất hay, chắc chắn sẽ không làm bạn hối hận khi mua nó. Cuốn sách có bìa ngoài đơn giản mà đẹp, nội dung tuy không mới nhưng bằng lý lẽ sâu sắc, lối dẫn dắt thú vị đã lôi cuốn người đọc từ trang đầu tiên cho đến trang cuối cùng. Bằng những nghiên cứu, khảo sát và kinh nghiệm thực tế, tác giả đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm mang tính triết lý được tổng hợp trong cuốn sách này. Qua cuốn sách, người đọc sẽ ngộ ra giá trị của lòng kiên nhẫn, và những phương pháp đơn giản mà vô cùng hiệu quả giúp bạn luyện tập lòng kiên nhẫn một cách nhanh chóng. Cuốn sách thực sự rất hay, mang tính thực tế cao, phù hợp với nhiều lứa tuổi và là người bạn đồng hành tin cậy của chúng ta trên con đường đến thành công

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button