Sức Mạnh Tình Bạn

(4 đánh giá của khách hàng)

Mỗi chúng ta có đáng yêu, có nhận được nhiều sự yêu thương hay không là điều mà bản thân mỗi người phải tạo dựng, và nếu làm theo những hướng dẫn cơ bản trong cuốn sách này, bạn sẽ có được những mối quan hệ tuyệt vời.

Danh mục:

Giới thiệu

Mỗi một con người tuy là một cá thể tuy độc lập nhưng vẫn có sự gắn kết với xã hội với những người xung quanh thông qua các mối quan hệ. Đó là sự giao lưu, quen biết, kết thân với bạn bè, đồng nghiệp hay sự gắn kết trong phạm vi gia đình với vợ chồng, con cái… Trong đó có lẽ yếu tố tình bạn chính là điều tích cực nhất, hiển hiện và bao quát trong tất cả các mối quan hệ; là đại diện của sự yêu thương, thấu hiểu và những tình cảm cao đẹp.

Sức Mạnh Tình Bạn được ra đời với mục đích giúp bạn có được những hiểu biết thiết thực nhất để sống gần gũi hơn với những người mình yêu quý. Nó cũng sẽ đóng vai trò là đòn bẩy, là động lực kích thích tính sáng tạo, xây dựng cuộc sống của chúng ta ngày một trọn vẹn và hạnh phúc hơn. Cuốn sách chia sẻ những quy tắc để có được một tình cảm, một tình bạn tốt đẹp làm nền tảng cho tất cả các mối quan hệ khác. Bất kỳ ai dám thử những quy tắc tình bạn, và áp dụng chúng vào các mối quan hệ sẽ đều cảm nhận được sức mạnh của sự tự tin. Sự tự tin này sẽ tiếp tục cho phép bạn tạo dựng thành công những mối quan hệ tiếp theo.

Với chương mở đầu bàn về giá trị của tình bạn và năm chương tiếp theo phân tích các mức độ quan tâm, cách thể hiện tình yêu thương và nuôi dưỡng mối quan hệ với bạn bè, người thân; cuốn sách là một cẩm nang cần thiết cho tất cả mọi người. Nhờ thế chúng ta thấu hiểu được cách sống tình cảm, hòa đồng và cởi mở. Mỗi chúng ta có đáng yêu, có nhận được nhiều sự yêu thương hay không là điều mà bản thân mỗi người phải tạo dựng, và nếu làm theo những hướng dẫn cơ bản trong cuốn sách này, bạn sẽ có được những mối quan hệ tuyệt vời.

Đó là những quy tắc nhỏ, ngắn gọn, dễ nhớ được chuyển tải trong cuốn sách thông qua những câu chuyện thật, những phân tích tâm lý sâu sắc. Bạn sẽ thật sự rung động với những bài học về cách thể hiện tình cảm giản dị nhưng đầy chân thành trong cuốn sách.

Đọc thử

5 CÁCH THỨC CỦNG CỐ MỐI QUAN HỆ

Chúng ta chăm sóc cho sức khỏe của mình;

chúng ta tích lũy tài sản, mua sắm đủ mọi vật dụng;

cuộc sống của chúng ta đầy đủ hơn và cũng chật chội hơn;

nhưng chúng ta sẽ chẳng bao giờ giàu có nếu không sở hữu thứ tài sản quý giá nhất, đó chính là bạn bè.

ĐẶT NHỮNG MỐI QUAN HỆ LÊN TRÊN HẾT

“Tình yêu luôn cần được học hỏi, và thậm chí học đi học lại nhiều lần; đây là một quá trình không có điểm dừng. Còn thù hận thì không cần bất cứ lời hướng dẫn nào; nó chỉ chực chờ bùng nổ mà thôi.”

– Katherine Anne Porter

Howard Hughes(1)là một bí ẩn tối thượng của thế giới – ông sống ẩn dật và kỳ lạ đến nỗi trong suốt hơn 15 năm cuối đời, không ai biết diện mạo ông ra sao, đang làm gì, còn sống hay đã chết.

(1) Howard Hughes (1905 – 1976) là nhà công nghiệp Mỹ, nhà sản xuất phim ảnh, phi công, nhà từ thiện, một trong những người giàu nhất thế giới thời đại ông.

Hughes là một trong những người giàu nhất thế giới. Mặc dù nắm trong tay vận mệnh của hàng ngàn người, thậm chí ngay cả vận mệnh của một chính quyền, nhưng trong những năm tháng cuối đời, ông vẫn sống một cuộc sống không biết đến ánh sáng mặt trời, không một niềm vui, nửa mê nửa tỉnh.

Hughes đã kết hôn với Jean Peters, một trong những phụ nữ đẹp nhất thế giới. Nhưng cuộc hôn nhân chỉ kéo dài trong 13 năm, và suốt khoảng thời gian đó, người ta chưa bao giờ thấy họ bên nhau trước công chúng, thậm chí cũng chưa ai thấy tấm ảnh chụp chung nào của họ. Đôi vợ chồng ấy dường như sống tách biệt ở hai căn nhà gỗ một tầng thuộc khách sạn Beverly Hills.

Họ ly hôn vào năm 1970.

Một lần, người bạn của Hughes kể:

– Theo như tôi biết, ông ta không yêu bất kỳ một phụ nữ nào. Ông chỉ xem họ như đối tượng để thỏa mãn tình dục, hoặc có khi đơn thuần chỉ là một thư ký tốt.

Và ngay chính Hughes vẫn thường nói: “Mỗi người đều có một cuộc sống riêng và có cái giá phải trả để tồn tại”.

Những ai đã từng tiếp xúc với ông đều không thể hiểu nổi tại sao ông có thể sống một cuộc đời vô vị như vậy. Hầu hết những ai dám lên tiếng đều bày tỏ sự ghê tởm đối với ông.

Tại sao Hughes lại bị cô lập và sống cuộc đời cô độc đến vậy? Tại sao với một tài sản kếch xù, với hàng trăm người để ông sai khiến, và biết bao phụ nữ xinh đẹp vây quanh, ông vẫn không được yêu thương?

Đơn giản vì ông đã chọn cách sống đó.

Có một chân lý từ xa xưa rằng: Tạo hóa ban cho chúng ta vạn vật để sử dụng, và con người để tận hưởng. Hughes không bao giờ học cách thu phục lòng người. Sở thích của ông chỉ là tiền, và chính điều này đã chi phối toàn bộ cuộc sống cũng như tình cảm, đến mức chúng loại trừ dần các mối quan hệ của ông với xung quanh.

Ưu tiên cho tình yêu

Những người đang say đắm trong tình yêu luôn cảm nhận được ngọn nguồn của hạnh phúc. Người yêu rất quan trọng đối với họ, và bất kể công việc có bận rộn ra sao, họ vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để giữ mối quan hệ đó.

Mặt khác, những người sống cô độc luôn than vãn cho sự thiếu thốn tình cảm của mình, nhưng họ lại không thật sự xem trọng việc tìm kiếm một tình bạn hoặc một chỗ dựa tinh thần nào khác.

Cũng giống như Howard Hughes, những con người ấy quá bận rộn với việc kiếm tiền, vươn tới đỉnh cao sự nghiệp mà lãng quên đi thời gian cần có để dành cho người mình yêu thương.

Tôi còn nhớ một câu nói rất ý nghĩa: “Chúng ta chăm sóc cho sức khỏe của mình; chúng ta tích lũy tài sản, mua sắm đủ mọi vật dụng; cuộc sống của chúng ta đầy đủ hơn và cũng chật chội hơn; nhưng chúng ta sẽ chẳng bao giờ giàu có nếu không sở hữu thứ tài sản quý giá nhất, đó chính là bạn bè”.

Yêu thương và mất mát

Những người bị tổn thương sau ly hôn thường hay lo sợ rằng, chấp nhận yêu một lần nữa thì sẽ phải đau đớn thêm một lần nữa. Sau hàng tá lần thất bại trong tình yêu, vợ cũ của một nhà quản trị cấp cao đã giải thích:

– Tôi phát hiện ra rằng, để tránh nỗi đau khi phải nói lời chia tay, tôi sẽ không bao giờ nhận lời chào đón nào nữa.

Những người như vậy chắc chắn sẽ không bao giờ biết đến một tình yêu sâu sắc. Đến đây, chúng ta phải suy nghĩ lại chân lý của các nhà thơ, rằng tình yêu là điều tuyệt diệu nhất. Khi người bạn đời A. H. Hallam mất đi, Alfred Lord Tennyson đã nói một câu nổi tiếng rằng: “Thà chấp nhận yêu thương để mất mát, còn hơn là chưa bao giờ biết yêu thương”.

Tình yêu dẫu có ngắn ngủi và khổ đau đến đâu chăng nữa thì khi nó đi qua, chúng ta vẫn cảm thấy mình từng được hạnh phúc. Những cảm xúc ấy có lẽ sẽ không bao giờ mất đi mà còn mãi với thời gian. Chúng ta có thể nuối tiếc cho tình yêu chứ không thể chối bỏ tình yêu. Đó vẫn là thứ tình cảm thiêng liêng mà con người hằng mong đợi.

Bên cạnh tình yêu là tình bạn. Nếu có một người bạn phải đi xa, bạn không còn được gần gũi bên họ nữa, thì hẳn bạn sẽ thấy nhẹ nhõm và được an ủi phần nào khi biết rằng ở nơi xa ấy, họ đang sống bình yên, hạnh phúc và vẫn luôn nhớ về bạn.

Tình thương yêu còn bao gồm cả tình yêu gia đình. Cha mẹ tôi hiện sống ở Texas, còn tôi, khi lớn lên đã sống cách xa nhà hàng ngàn cây số. Tôi nhớ lúc còn bé, cha mẹ đã cho tôi một cuộc sống đầy tình yêu thương, cho đến khi tôi trưởng thành, cha mẹ vẫn luôn quan tâm đến cuộc sống riêng của tôi. Vì vậy, mỗi khi nghĩ về cha mẹ, tôi luôn có cảm giác ấm áp, hạnh phúc và bình yên. Đơn giản vì tôi yêu họ và tôi biết rằng ở nơi xa, cha mẹ cũng đang nhớ về tôi.

Helen Keller từng nói: “Khi người bạn mà tôi yêu thương qua đời… thì một phần tâm hồn tôi như cũng bị chôn theo. Nhưng nhờ họ mà tôi biết mình là ai, mình cần gì để sống hạnh phúc, tự tin hơn và luôn đứng vững trong mọi hoàn cảnh”.

Một nhóm các nhà khoa học đã bắt đầu một nghiên cứu đối với 268 sinh viên cao đẳng trong suốt 60 năm qua. Giờ đây họ đã ở tuổi 80, khác nhau về chỗ đứng trong xã hội cũng như thái độ sống. Một số người trở thành chủ tịch tập đoàn, một số khác bị đình trệ trong độ tuổi trung niên, và một số khác nữa chết vì nghiện rượu hay tự sát. Những gì được thể hiện từ thời trai trẻ liệu có thể báo trước thành công hay thất bại trong tương lai của một người hay không? Các nhà khoa học đã ngạc nhiên nhận thấy rằng, thành tích học tập trong trường ít có mối liên hệ đến khả năng phát triển công việc tương lai của một người, mà các phẩm chất khác đóng vai trò quan trọng hơn nhiều. Tiến sĩ George E. Vaillant – chuyên gia tâm thần học của Đại học Harvard, người chỉ đạo cuộc nghiên cứu này – đã quan sát cuộc sống của những người thất bại trong công việc, và nhận thấy rằng:Trong số họ, không ai có được mối quan hệ thân thiết và vững chắc nào quanh mình.

Người ta có thể khẳng định rằng, những người thất bại trong tình bạn, hôn nhân hay quan hệ gia đình thường cũng sẽ thất bại trong kinh doanh vì một lý do: thiếu kỹ năng xã hội. Khi bạn có chỗ dựa là một tình yêu, khi bạn có bạn bè và gia đình để quay về sau một ngày làm việc căng thẳng, những điều đó sẽ trở thành bánh lái đưa con tàu của bạn trở lại đúng hải trình. Mặc dù thế giới vẫn tồn tại những ngoại lệ, như Howard Hughes chẳng hạn. Tức là cũng sẽ có những người tìm cách vươn đến thành công trong kinh doanh để bù đắp cho thất bại trong đời sống tình cảm. Nhưng đó chỉ là trường hợp hiếm hoi, còn nhìn chung, vẫn tồn tại một mối tương quan trực tiếp giữa tình yêu và thành công mà con người đạt được trong cuộc sống.

Có quá ít hoặc quá nhiều bạn

Tiến sĩ Stephen Johnson khuyên mỗi người tự đặt ra những câu hỏi sau để kiểm tra xem mối quan hệ của mình đang ở mức nào:

– Bạn có ít nhất một người ở bên cạnh để có thể chia sẻ khi gặp một vấn đề cá nhân hay không?

– Bạn có vài người bạn – ít có ảnh hưởng đến bạn – để thăm hỏi không?

– Bạn có bạn bè để cùng tham gia các hoạt động vui chơi giải trí không?

– Bạn có những người bạn sẵn sàng giúp đỡ bạn bằng những cách thiết thực khi cần thiết không?

Nếu câu trả lời phần lớn là không, thì hãy dành ra cho mình một ít thời gian để chiêm nghiệm lại quãng đời mà bạn đã sống. Có thể là những tình bạn của bạn đang bị cản trở bởi xã hội. Một số người chôn vùi bản thân vào các mối quan hệ xã giao đến nỗi không có thời gian để xây dựng cho mình những tình bạn thân thiết. Và vì thế, họ không có ai để sẻ chia và cảm thông trong những hoàn cảnh khó khăn. Một tình bạn sâu đậm thật sự cần được vun đắp trong thời gian dài, quãng thời gian mà những người trong cuộc được ở bên nhau, gần gũi, cùng vui chơi, trò chuyện, bộc bạch cảm xúc cá nhân để lắng nghe và thấu hiểu lẫn nhau.Hạnh phúc đích thực không phải là có thật nhiều bạn bè, mà là giá trị của những tình bạn ấy.

Tình yêu – con đường dẫn đến hạnh phúc

George Bernard Shaw đã nói: “Con đường chắc chắn nhất để trở thành một người đáng thương hại là có thời gian rỗi để tự hỏi xem mình có hạnh phúc hay không”.

Chúng ta thường không tìm được hạnh phúc khi cố theo đuổi để đạt được nó, nhưng khi ta biết sống cho người khác thì hạnh phúc sẽ tự tìm đến bên ta, rất nhẹ nhàng.

Một phụ nữ trẻ đã bày tỏ quan điểm về ý nghĩa của những mối quan hệ thân thiết trong cuộc sống đối với bản thân cô ấy:

– Với những tình bạn thân, chúng ta phải cố gắng thật sự, phá vỡ mọi rào cản để tiến xa hơn. Thật là một điều kỳ diệu! Tôi về nhà và nằm trằn trọc vì gánh nặng công việc cứ đè lên tâm trí, nhưng mỗi khi nghĩ đến một người bạn thân thiết, tâm hồn tôi như được khai sáng. Và sáng hôm sau khi thức dậy, tôi thấy mình mạnh mẽ và lạc quan hơn. Tại sao chúng ta hiếm khi có được một mối quan hệ gắn bó đến mức như vậy? Lý do thật đơn giản: chúng ta không dành đủ thời gian cho nó. Nếu các mối quan hệ của ta là thứ hàng hóa có giá trị nhất mà ta có trên đời này, thì có lẽ nó sẽ có nhiều người theo đuổi. Nhưng nhiều người lại nghĩ rằng, sẽ chẳng được gì cả nếu cứ chạy theo mục tiêu điên rồ ấy, và thế là họ thản nhiên gạch chúng ra khỏi danh sách những điều cần vươn đến. Bạn có thể đạt được tất cả những gì mình muốn, nếu đủ khát khao. Nếu bạn muốn có một triệu đô-la, chắc chắn bạn sẽ có. Nếu bạn muốn chạy trong cuộc thi Boston Marathon(2), chắc chắn bạn có thể. Và nếu bạn khao khát một tình yêu, bạn cũng sẽ đạt được nó.

(2) Boston Marathon là giải Marathon lâu đời nhất trên thế giới được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1897 tại thành phố Boston, bang Massachusetts, Mỹ.

Thế nên, quy tắc thứ nhất là:

Đặt những mối quan hệ của bạn lên trên hết.

NGHỆ THUẬT TỰ BỘC LỘ BẢN THÂN

“Tình yêu tồn tại trong hai nỗi cô đơn – chúng bảo vệ và va chạm lẫn nhau.”

– Rainer Maria Rilke

Những người có được một tình bạn sâu đậm, bền chặt có thể là những người hướng nội, hướng ngoại, trẻ, già, tối dạ, thông minh, thô kệch, dễ nhìn… Song, họ luôn có một đặc điểm chung, đó là không có lớp vỏ bọc bên ngoài. Họ hiện lên như một tấm kính trong suốt – bạn có thể nhìn thấu tâm can họ.

Khi Betty Ford(3)trở thành Đệ nhất phu nhân nước Mỹ, bà nhanh chóng được công chúng chú ý bởi tính cách thân thiện và bộc trực. Khi phóng viên hỏi ý kiến của bà về một sự kiện, một đề tài nào đó, bà luôn trả lời một cách thẳng thắn. Một lần, anh phóng viên nọ đi xa giới hạn đến mức hỏi bà ngủ với chồng thường xuyên đến độ nào, bà đã dí dỏm trả lời: “Thường xuyên nhất có thể”. Bà còn không ngại khi nói về chứng suy nhược thần kinh mình từng trải qua trước đó, hay cuộc đấu tranh của bà để từ bỏ rượu và ma túy.

(3) Betty Ford: Phu nhân của cố Tổng thống Gerald Ford – tổng thống thứ 38 của nước Mỹ.

Những người thẳng thắn ngay cả với các khuyết điểm của mình như bà Ford luôn có được những tình bạn đầy ý nghĩa. Tuy nhiên, không phải bất cứ sự cởi mở nào cũng được tán đồng; bà đã phải hứng chịu búa rìu dư luận từ những nhóm người phản đối cách suy nghĩ quá bộc trực của bà. Nhưng nếu bạn sẵn sàng mở lòng mình thì sẽ có những người không thể không yêu thương bạn.

Trong quyển sách có nhan đề The Transparent Self (Bản ngã trong sáng), nhà tâm lý học Sidney Jourard đã làm sáng tỏ khái niệm tự bộc lộ bản thân là thế nào. Phát hiện chủ đạo của ông là: Bản tính con người có một khuynh hướng tự nhiên là muốn bộc lộ bản thân; khi khuynh hướng đó bị ngăn cản và con người thu mình vào vỏ ốc, họ sẽ gặp những trở ngại về mặt tình cảm.

Tiến sĩ Jourard bắt gặp tư tưởng này khi đang bối rối với điều mà các bệnh nhân thường xuyên nói với ông: “Ông là người đầu tiên mà tôi có thể tâm sự một cách hoàn toàn thành thật”.

Jourard viết: “Tôi tự hỏi bị hiểu rõ một cách miễn cưỡng bởi người bạn đời, gia đình, bạn bè và nhu cầu tham khảo ý kiến một bác sĩ tâm lý có khác gì nhau không?”. Rồi ông kết luận: Chính sự che giấu và thu mình theo thói quen đã dẫn đến sự hao mòn của tính cách; mặt khác, sự thành thật đúng nghĩa có thể là con đường bảo đảm cho sức khỏe, phòng tránh được các căn bệnh về thần kinh cũng như về thể chất.

Dù giả thuyết của tiến sĩ Jourard về việc “sự thành thật góp phần cải thiện sức khỏe” có đúng đắn đến mức nào chăng nữa thì chúng ta vẫn không nghi ngờ gì việc “sự thành thật góp phần củng cố tình bạn”. Chúng ta luôn thích trò chuyện và ở bên cạnh những người cởi mở với mình. Đó cũng chính là sức mạnh vô hình nối kết bạn và tôi.

Những tấm mặt nạ

Tại sao chúng ta lại hay giấu mình đằng sau những tấm mặt nạ? Đây quả là một câu hỏi hóc búa. Chúng ta do dự giữa thôi thúc muốn bày tỏ mình và thôi thúc phải tự bảo vệ mình bằng một lớp vỏ bọc để đảm bảo sự riêng tư. Chúng ta vừa muốn trốn tránh, lại vừa muốn được người khác quan tâm.

Chúng ta dựng nên bức tường xung quanh mình vì một số lý do nhất định. Một mặt do nền văn hóa và trào lưu xã hội. Chúng ta có vẻ ngưỡng mộ những hình mẫu anh hùng như James Bond – một người sức khỏe dẻo dai, sống độc lập, không biểu lộ cảm xúc, không hề vướng bận những mối quan hệ cá nhân, và đặc biệt có thể kiểm soát mọi tình huống. Chúng ta bắt chước hình mẫu đó mà không suy nghĩ về những vấn đề mang tính thực tế trong đời sống chúng ta đang tồn tại, cùng những mối quan hệ khác. Một lý do quan trọng hơn để những “tấm mặt nạ” tồn tại trong chúng ta là nỗi sợ bị từ chối. Từ nỗi sợ này, nhiều người đã dựng nên một lớp vỏ bọc để tự bảo vệ mình. Tuy nhiên, một sự thật chúng ta dễ nhận ra là sự tự bộc lộ bản thân lại có tác dụng ngược lại hoàn toàn với suy nghĩ trên. Khi người ta gỡ bỏ tấm mặt nạ của mình thì người khác cũng xích lại gần họ hơn.

Tại sao ta không thành thật với chính mình trong khi điều này có thể xóa bỏ rào cản với những người xung quanh và lôi kéo họ vào một mối quan hệ thân thiết hơn. Sol Hurok, ông bầu tổ chức các buổi hòa nhạc lớn, từng nói rằng Marian Anderson(4)không đơn giản là trưởng thành một cách vĩ đại, mà bà ấy đã trưởng thành và trở nên vĩ đại một cách đơn giản. Ông kể lại như sau:

(4) Marian Anderson (1897 – 1993): Ca sĩ nhạc thính phòng nổi tiếng người Mỹ.

“Vài năm trước, một phóng viên đã phỏng vấn Marian và hỏi bà về khoảnh khắc tuyệt nhất trong cuộc đời mình. Bà đã từng được Toscanini(5)ca ngợi là người có giọng hát hay nhất thế kỷ. Bà cũng đã có một buổi hòa nhạc cá nhân tại Nhà Trắng để phục vụ gia đình Tổng thống Roosevelt cũng như Vua và Hoàng hậu nước Anh. Bà đã nhận được giải thưởng Bok với tư cách là người cống hiến nhiều nhất cho thành phố Philadelphia quê hương. Hơn hết, đã có một ngày Chủ nhật Phục sinh ở Washington, bà đứng bên dưới tượng Lincoln và hát cho một đám đông 75.000 người, bao gồm cả các thành viên Nội các, Tòa án tối cao, và hầu hết các thành viên của Quốc hội nghe.

(5) Arturo Toscanini (1867 – 1957): Nhà chỉ huy dàn nhạc vĩ đại nhất mọi thời đại người Ý. Một người có cá tính khác thường, theo chủ nghĩa cầu toàn không giới hạn, với đôi tai sinh ra cho âm nhạc và một trí nhớ như được chụp ảnh.

Nhưng cuối cùng, bà đã chọn khoảnh khắc nào?

Không khoảnh khắc nào cả. Mà bà đã kể cho người phóng viên kia nghe một điều hết sức bình dị, rằng khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong đời bà là khi bà trở về nhà và nói với mẹ rằng bây giờ bà không còn phải giặt giũ nữa.”

Nếu thành thật hơn với chính mình, chúng ta sẽ tận hưởng được những khoảnh khắc tuyệt vời nhất của bản thân; nếu xây nhiều cửa sổ hơn và hạ bớt những bức tường xuống, chúng ta sẽ có nhiều bạn bè.

“Tôi thấy mình như bị bỏ quên…”

Một phụ nữ đã kể với tôi thế này:

– Cuộc sống đâu chỉ có thế, chúng tôi đã lấy nhau được 23 năm, nhưng nếu không có gì tốt đẹp hơn ở phía trước trong cuộc hôn nhân này, thì tôi nghĩ mình đã sẵn sàng để bỏ cuộc.

Chồng cô là một người đàn ông trầm tính, cẩn thận và khá điềm tĩnh. Nhưng người vợ lại không xem đây là những đức tính tốt. Cô ta phàn nàn:

– Tôi không bao giờ biết được anh ấy nghĩ gì và tôi thấy mình như bị bỏ quên trong cuộc đời anh.

Thường thì các ông chồng sẽ rất ngại khi đến văn phòng tâm lý để được tư vấn theo đề nghị của vợ mình. Nhưng Joel, chồng người phụ nữ ấy thì sẵn sàng làm việc đó. Và tôi đã khám phá ra những bức tường anh tự dựng nên đã che giấu vô số nỗi sợ hãi, ám ảnh và bất an. Anh cảm thấy không thoải mái khi phải nói về những khía cạnh đó của mình, vì ngại vợ mình sẽ xem thường khi biết mình là một người yếu đuối. Đáng buồn thay, cô ta lại sắp rời bỏ anh bởi chính những bức tường do anh tự tạo ra. Khi bắt đầu hiểu được điều ấy, anh dần hé lộ sự bất an của mình, vợ anh bắt đầu hiểu hơn về những gì đang đè nặng tâm trí chồng và biết rằng anh cần cô như thế nào. Việc cư xử hòa hợp, thấu hiểu tâm trạng của nhau đã giúp họ lấy lại sự thoải mái và cân bằng, giúp cho cuộc sống hạnh phúc trở lại.

“Mặt trái” của mỗi người

Carl Jung – chuyên gia lão luyện người Thụy Sĩ về tâm thần học – đã khuyên con người nên làm quen với cái mà ông gọi là “mặt trái của bản thân”. Thật vậy, trong bản thân mỗi người luôn có một phần tâm hồn ẩn giấu những quá khứ làm chúng ta day dứt. Vì vậy, chúng ta luôn cố giải thích và bỏ qua cái-phần-bên- trong đó của mình bằng nhiều cách.

Chúng ta thường miễn cưỡng bày tỏ khía cạnh này cho người khác biết, mà không nghĩ rằng mọi người sẽ khoan dung hơn cả cách chúng ta đối xử với chính mình. Và một phản ứng mang tính tất yếu sẽ xảy ra là: Một khi đã kể cho người khác bí mật của riêng mình, ta cũng bắt đầu hiểu bản thân một cách rõ ràng hơn.

Chúng ta không bao giờ thật sự hiểu hết về bản thân, trừ phi tự bộc lộ cho người khác thấy. Khi mở lòng với người khác chính là lúc bạn hiểu rõ tâm hồn mình hơn. Vậy nên, bạn sẽ có thể định hướng cho tương lai của mình một cách cụ thể và rõ ràng dựa trên nền tảng của những hiểu biết này. Lời sấm Delphic đã khuyên con người “Hãy hiểu rõ bản thân”, và chúng ta có thể giải thích lời khuyên này như sau: Hãy bộc lộ bản thân một cách rõ ràng, rồi bạn sẽ hiểu được chính mình.

Việc tự bộc lộ bản thân giúp chúng ta nhìn nhận, cảm giác, tưởng tượng và hy vọng về những thứ mà ta có thể không bao giờ nghĩ là chúng tồn tại. Nó giúp chúng ta sống thật với lòng mình và sẵn sàng đối mặt với những góc khuất nơi tâm hồn.

Người thẳng thắn luôn có sức cuốn hút?

Tiến sĩ Bruce Larson thường nhắc rằng, chúng ta nên có ít nhất một người bạn mà ta có thể giãi bày với họ mọi thứ. Ngay cả bản thân tôi khi mới nghe điều này cũng cảm thấy hết sức bối rối, vì chưa bao giờ tôi tâm sự những điều sâu kín với bất kỳ ai, dù đó là người thân nhất. Tôi sẵn sàng chia sẻ và cởi mở với mọi người, nhưng phơi bày hoàn toàn bản thân thì thật quá liều lĩnh.

Tuy nhiên, một vài năm sau, điều này đã thấm nhuần trong tôi và người bạn Markus Svensson đã giúp tôi làm điều đó. Kết quả thật không ngờ, tôi bắt đầu cảm nhận được cảm giác an toàn, dễ chịu và tự tin hơn khi có người hiểu rõ về mình, chấp nhận mình với tất cả những gì vốn có, không hề giấu giếm, che đậy. Tuy Mark và tôi có nhiều điểm khác biệt cả về ngoại hình lẫn tuổi tác – ông có vóc người thấp bé với bộ râu đen, tôi thì cao và tóc vàng; ông là một nhà quản trị tài ba, tôi thì đi theo con đường học vấn; ông là dân nhập cư Thụy Điển trong khi tôi là người Texas chính gốc; và thêm một điều nữa là Mark hơn tôi 15 tuổi – nhưng những điểm khác biệt ấy không thể ngăn cách tình bạn của chúng tôi.

Tôi có thể hoàn toàn là chính mình khi ở bên Mark. Ông không bận tâm đến sự thất thường trong tâm trạng của tôi, và tôi cũng cảm thấy như vậy với ông. Không phải lúc nào cũng chấp nhận những suy nghĩ hay hành động của tôi, nhưng Mark chưa bao giờ chế giễu con người tôi. Đôi khi chúng tôi nổi giận với nhau, nhưng điều đó không làm lung lay tình bạn mà ngược lại, giúp chúng tôi hiểu nhau và trân trọng nhau hơn.

“Ôi sự thoải mái, sự thoải mái không lời nào diễn tả được của việc cảm thấy an toàn khi ở bên cạnh một người bạn. Không việc gì phải đắn đo suy nghĩ hay câu nệ, khách sáo mà cứ việc trút hết ra, như nó vẫn vậy, gạo và trấu lẫn lộn, rồi sẽ có bàn tay hứng lấy và sàng lọc chúng, khi ấy hơi thở của sự ân cần sẽ thổi những thứ vướng bận bay đi”.

Để mọi người đến gần bạn hơn

Một chuyên gia tâm thần học nổi tiếng đã khởi xướng một buổi hội nghị chuyên đề về các phương pháp giúp con người cởi mở hơn. Chuyên gia này đã tuyên bố một cách hùng hồn rằng: “Tôi cược rằng bằng kỹ thuật của mình, tôi sẽ khiến mọi người nói về những điều riêng tư của họ mà không cần phải hỏi họ một câu nào”. Công thức thần kỳ của ông là gì? Đơn giản chỉ là: Ông bắt đầu câu chuyện bằng việc sẻ chia những bí mật riêng tư của chính mình. Điều này đã kết nối sợi dây cảm xúc giữa ông với người đối diện, giúp họ tin tưởng để có thể tâm sự với ông nhiều hơn.

Quy tắc này cũng được áp dụng cho tất cả các mối quan hệ của con người. Nếu bạn dám khởi đầu bằng việc bộc lộ bản thân, người khác cũng sẽ sẵn sàng bộc lộ những điều thầm kín của họ với bạn. Ánh sáng trong suốt tỏa ra từ bạn sẽ thu hút người khác đến gần bạn hơn.

Tôi có biết một bác sĩ tâm lý – tiến sĩ Paul Tournier – và câu chuyện về bước ngoặt sự nghiệp của ông ấy.

Khi còn thực tập ở Geneva với vai trò là bác sĩ nội khoa, ông đã đi dự một buổi họp mặt nhỏ được tổ chức trong một căn nhà ấm cúng. Ở đó, mọi người được khuyến khích là chính họ, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, tội lỗi, sự bất an, và tất cả những gì bản thân họ đã trải nghiệm. Vốn là một người sùng đạo nhưng Tournier nói rằng, trong bầu không khí đó, ông đã thay đổi hoàn toàn quan điểm về mặt tâm linh của mình. Sau thời gian đó, khi trở về với công việc thường ngày, ông nhận ra mọi người bắt đầu cởi mở với ông hơn. Trước đây, các đồng nghiệp chỉ nói với ông về người bệnh, căn bệnh, triệu chứng… Còn bây giờ, họ đã có thể mở rộng đề tài nói chuyện về cuộc đời của chính họ. Họ cởi mở với ông bởi bản thân ông đã trở thành một con người thân thiện, dễ gần. Không ai thật sự thích việc đeo một tấm “mặt nạ” cả. Được thấu hiểu và được chấp nhận là một trải nghiệm có khả năng mang đến cho bạn sự thanh thản và chữa lành mọi vết thương.

Khi nào thì nên hoàn toàn thành thật?

Có ba điều bạn cần lưu ý.

Thứ nhất, một số người luôn cố gắng nói suy nghĩ của họ cho người khác biết một cách “hoàn toàn thành thật” trong bất cứ chủ đề nào của câu chuyện. Nhưng nếu bạn bày tỏ ý kiến không tương đồng với quan điểm của họ, họ sẽ phản bác lại ngay.

Đó là một cách sống không được sáng suốt cho lắm. Đôi khi, bạn sẽ là một người khôn ngoan cũng như lịch sự hơn khi biết giữ ý kiến cho riêng mình. Thứ hai, tôi chắc chắn không tán thành khi đời sống riêng tư của mình trở thành một cuốn sách rộng mở mà bất cứ ai cũng có thể đọc được.

Hầu hết chúng ta đều tỏ ra nghi ngại trước những người “ruột để ngoài da”, sẵn sàng kể lể chi tiết về bản thân với người khác chỉ sau vài giờ quen biết. Thật là vô lý khi cố gắng tỏ bày bản thân cho tất cả mọi người, hay thậm chí với bất kỳ ai. Tất cả chúng ta đều có quyền giữ im lặng và phải quyết định nên bày tỏ về bản thân trong những lúc cần thiết ở mức nào. Đó mới là cách cư xử khéo léo nhất. Điều cảnh báo cuối cùng: Chúng ta sẽ phải thận trong trong việc bày tỏ cảm xúc hay sự thật nào đó mà nó có thể làm tổn thương đến người khác. Đối với những vấn đề như thế, đòi hỏi chúng ta phải cân nhắc một cách kỹ lưỡng, cả mặt tốt cũng như mặt hạn chế để có cách xử lý phù hợp và có lợi nhất.

Nếu bạn muốn các mối quan hệ của mình trở nên sâu đậm hơn thì quy tắc thứ hai cần ghi nhớ là:

Biết cách tự bộc lộ bản thân.

NÓI LÊN TÌNH CẢM CỦA MÌNH

“Quan điểm của chúng ta về người khác ít khi dựa vào những gì ta nhận thấy bên trong họ mà thường xuất phát từ những gì họ làm ta nhận thấy ở bản thân mình.”

– Sara Grand

Vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, khi thảm họa ở tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới xảy ra, hàng trăm người sống sót đã bị mắc kẹt trong đống đổ nát. Tuy nhiên, họ vẫn có thể sử dụng điện thoại di động để liên lạc với gia đình. Trong giây phút ấy, họ đã nói gì? Đó có phải là những chỉ dẫn để người thân có thể tìm thấy giấy tờ bảo hiểm hay di chúc không? Hay họ bảo chồng hoặc vợ mình phải làm gì khi bán căn nhà đi?

Không, những thứ đó bấy giờ đối với họ và cả người thân của họ chẳng còn quan trọng nữa. Thông điệp mà họ lặp đi lặp lại nhiều nhất là: “Em yêu, hãy nhớ rằng anh luôn yêu em”, “Hãy nhắc với lũ trẻ là em yêu chúng rất nhiều”, và họ nói trong gấp gáp: “Hãy gọi cho mẹ và bảo rằng anh yêu mẹ nhiều lắm”…

Bản chất ý nghĩa sự tồn tại của chúng ta không phải là những giá trị vật chất như tiền bạc, tài sản… mà trên tất cả là tình yêu. Có thể vì nhiều lý do khác nhau, chúng ta rất ít khi bày tỏ tình cảm của mình đến những người thân yêu. Nhưng một khi phải xa họ, ta sẽ nhận ra giá trị đích thực của tình yêu.

Khi Gale Sayers và Brian Piccolo cùng quay về Chicago Bears, bắt đầu ở chung phòng với nhau vào năm 1967, đó là cột mốc đầu tiên phá vỡ định kiến về sắc tộc trong một đội bóng bầu dục. Nó cũng là trải nghiệm đầu tiên của cả hai: Sayers chưa bao giờ có một tình bạn thân thiết với một người da trắng nào trước đây, còn Piccolo thì chưa bao giờ quen biết một người Mỹ gốc Phi nào. Một bí mật làm nên tình bạn của hai người là cả hai đều có tính hài hước. Trước một trận đấu giao hữu vào năm 1969 tại Washington, một phóng viên trẻ đã táo bạo đột nhập vào phòng khách sạn của họ để phỏng vấn.

– Mối quan hệ giữa hai người thế nào? – Phóng viên hỏi.

– Chúng tôi rất hòa thuận với nhau, cho đến khi nào mà anh ta không dùng nhà tắm – Piccolo nói.

– Các bạn thường nói về chuyện gì? – Phóng viên lại hỏi tiếp, không chú ý đến những tiếng cười tán thưởng.

– Hầu hết là quan hệ sắc tộc. – Gale đáp. – Không có gì khác ngoài sự phân biệt chủng tộc. – Piccolo thêm vào.

– Nếu được chọn, các bạn sẽ chọn ai là bạn cùng phòng với mình?

– Nếu anh hỏi chúng tôi rằng ai là hậu vệ da trắng người Ý đến từ Wake Forest, tôi sẽ trả lời rằng đó là Pick (Piccolo). – Sayers trả lời. Nhưng ẩn sau những câu đùa vui vẻ ấy là một tình bạn khắng khít mà họ dành cho nhau. Và như trong bộ phim Brian’s song (Tiếng hát của Brian) đã mô tả một cách sâu sắc, tình bạn giữa Sayers và Piccolo sâu đậm đến mức nó đã trở thành một trong những mối quan hệ tốt đẹp nhất hình thành trong lịch sử các môn thể thao.

Sau đó không lâu, suốt mùa giải năm 1969, căn bệnh ung thư đã đánh gục dần Piccolo. Anh đã rất cố gắng để chơi hết giải nhưng thời gian nằm trong bệnh viện nhiều hơn là ở ngoài sân đấu. Gale Sayers đến thăm anh thường xuyên nhất có thể.

Trong lễ trao giải thưởng thường niên George S. Halas Award dành cho vận động viên can đảm nhất do Hội Bóng bầu dục nhà nghề Mỹ tổ chức, Gale Sayers đã được bước lên bục vinh danh, trong khi Brian Piccolo đang nằm trên giường bệnh. Khi lên nhận phần thưởng, Sayers đã khóc. Anh đã có một bài phát biểu ngắn đầy xúc động:

“Các bạn đã tôn vinh tôi bằng cách trao cho tôi phần thưởng này. Nhưng ngay lúc này đây, tôi phải nói với các bạn rằng, tôi đang nhận nó thay cho bạn của tôi – Brian Piccolo. Piccolo là một người can đảm, anh xứng đáng được nhận giải thưởng George S. Halas Award hơn ai hết. Tôi yêu quý Brian Piccolo, và tôi muốn các bạn cũng yêu quý anh ấy.”

Cuộc sống của chúng ta có thể trở nên thú vị hơn nhiều, nếu chúng ta dám thổ lộ tình cảm của mình như những gì Sayers đã làm đêm đó ở New York.

Sự thân mật

Vì không muốn tỏ ra quá yếu đuối, nhiều người trong chúng ta đã kìm nén những hành động thể hiện tình cảm thật của mình. Thay vì nói “Chúc bạn mọi điều tốt lành”, chúng ta chỉ có thể nói “Cảm ơn”, và chỉ nói “Tạm biệt” khi muốn nói rằng “Tôi sẽ nhớ bạn rất nhiều”. G. K. Chesteron từng nói, đại ý: Nỗi sợ hãi tầm thường nhất là nỗi sợ sự yếu mềm. Ta sẽ có những tình yêu lớn, nếu có thể thoải mái hơn trong việc thổ lộ cảm xúc yêu thương của mình.

Tại sao chúng ta lại quá miễn cưỡng để nói một cách thẳng thắn rằng chúng ta quan tâm đến người khác? Có một vài lý do giải thích cho điều này, đó là nỗi e sợ lời đề nghị của ta sẽ bị từ chối. Hay thậm chí còn tệ hơn, đặc biệt là đối với nam giới, chúng ta lo ngại bị chê cười vì tính đa cảm của mình. Ít có cảm xúc nào đáng sợ hơn là sự hổ thẹn, và vì thế, chưa bao giờ chúng ta dám đối mặt để nói lên tình cảm thật xuất phát tự đáy lòng. Nhưng người được nhiều người yêu mến lại thường là người biết gạt bỏ sự rụt rè, thận trọng để thổ lộ tình cảm chân thật của mình. Thomas Jefferson(6)là một người đàn ông lý tưởng nhưng cũng khá nhạy cảm với việc nói lên cảm xúc của mình. Có một thời gian trong sự nghiệp, vì quá muộn phiền với chiến thắng của Hamilton tại Washington, ông đã từ bỏ tất cả để đến Monticello, cắt đứt các mối quan hệ, và trong suốt 37 tháng, ông không đi xa nhà quá mười cây số. Jefferson quả thật là một người yếu đuối đến đáng ngạc nhiên.

(6) Thomas Jefferson (1743 – 1826): Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ (nhiệm kỳ 1801 – 1809).

Nhưng liệu nỗi xấu hổ có ngăn ông thể hiện tình yêu của mình khi thật sự cảm nhận được nó không? Fawn M. Brodie, người viết tiểu sử về Jefferson đã kể: “Những lá thư ông gửi cho hai người con gái là Martha và Maria chan chứa tình thương, cuốn hút như khung trời rộng mở”. Và khi viết cho người bạn yêu dấu của mình, John Adams, ông đã nhắc đến 1.819 lần những câu “ủy mị” như: “Hãy giữ gìn sức khỏe và tin rằng anh là người tôi yêu quý nhất”. Một chuyện cảm động khác cũng về Jefferson như sau.

Ông có người bạn là đại tướng Pháp Lafayette. Hai người vẫn trao đổi thư từ với nhau thường xuyên nhưng không hề gặp nhau trong suốt 35 năm, cho đến năm 1824, khi Tổng thống Monroe mời ngài đại tướng Pháp đến thăm nước Mỹ. Lúc đó, Lafayette 67 tuổi và Jefferson đã 81 tuổi. Dù chỉ ở một ngày tại Quincy, Massachusetts, Lafayette đã nhanh chóng đi về phía Nam để tìm gặp Jefferson.

Vào một buổi sáng tháng 11, khi xe của Lafayette vừa đến Monticello, một đám đông đã chứng kiến cuộc hội ngộ đó. Họ kể lại như sau: “Khi Lafayette xuống xe, cả ông và Jefferson đều rảo bước nhanh hơn, cho đến khi ôm chầm lấy nhau trong những giọt nước mắt hạnh phúc”.

Khi làm việc với những cặp vợ chồng đã ly hôn, tôi thường ước mong họ có thể học được một bài học yêu thương nào đó từ những người như Gale Sayers, Thomas Jefferson – những người dám bày tỏ tình yêu của mình. Nhiều phụ nữ độc thân cho rằng họ phải tỏ ra lạnh nhạt trong những buổi hẹn hò nếu không muốn làm cánh đàn ông chán ngấy và bỏ đi. Mặc dù, người phụ nữ có thể bị cuốn hút bởi đối tượng của mình nhưng cô vẫn phải giữ kín cảm xúc đó trong lòng. Và cô đã sai lầm vì thái độ xa cách như vậy thật sự đã làm cho buổi hẹn hò thất bại.

Thật buồn khi hai người đến với nhau và cảm thấy rất hợp nhau, nhưng vì e thẹn, họ không dám thổ lộ tình cảm. Và thế là, mối quan hệ đó dần phai nhạt rồi kết thúc. Bi kịch ở chỗ: Tình yêu ấy không được đáp lại chỉ vì nó không được thổ lộ..

Trích dẫn

Đang cập nhật..

Thể loại

7 quyển sách hay về tình bạn khuyên đọc trong đời - Tìm được một người bạn tri kỷ trong đời đã là việc khó, giữ được tình bạn đó bền vững lại là việc khó gấp ngàn lần. Vnwriter mong rằng 7 quyển sách hay về tình bạn được giới thiệu trong bài viết này sẽ cho bạn một góc nhìn mới về tình bạn để từ… Đọc thêm

Nơi bán

 

Nhận hàng ngay chỉ trong vài giờ với gói TIKINOW tại TP.HCM, HN, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy

Tới nơi bán

 

FREESHIP cho đơn hàng từ 140k tại TP.HCM và Hà Nội, từ 250k tại các tỉnh thành khác, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy.

Tới nơi bán

4 đánh giá cho Sức Mạnh Tình Bạn

  1. Tau Leos

    Trước đây mình cứ nghĩ, tình bạn cũng chỉ là tình cảm giữa những người học cùng lớp với nhau, nó chỉ bình thường là tình cảm gọi tên cho những người hay chơi với nhau. Nhưng Mình được một người bạn tặng cho cuốn “Sức mạnh tình bạn” trong lần sinh nhật thứ 17. Quả thực, đây là món quà vô cùng có ý nghĩa với mình. Cuốn sách đã giúp mình hiểu thế nào là một tình bạn đúng nghĩa: tình phải dựa trên sự cho đi không điều kiện từ hai phía, sự vị tha, thấu hiểu và trải qua sự tôi luyện bền bỉ của thời quan. Giá trị quan trọng của tình bạn, và cách tìm kiếm và xây đắp một mối quan hệ bạn bền vững với thời gian. Cuốn sách đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, tư duy và thái độ của mình về tình bạn, là cơ sở để mình có được những mối quan hệ bền vững dẫn mình đến thành công.

  2. Nguyen Leleli

    Khi tình yêu của tôi ra đi, khi cuộc sống như hòn đá nặng đè nén lên vai tôi, khi gia đình bỏ rơi tôi lac lõng,……Tất cả những khi đó tôi cần có được một cái vỗ vai và nói” mày hãy cố lên”. Đó là tiếng nói chân thành của một người bạn. Cho dù tình yêu có ra đi nhưng tình bạn vẫn là vẫn tồn tại lâu nhất, nó xoa dụi nỗi đau của con người, tìm đến một động lực nào đó để đứng lên. Và tôi sẽ cố tìm gặp một cuốn sách dạy tôi cách tim được một tình bạn chân chính, cuốn sách này không dạy tôi biết bạn nhưng nó dạy tôi cách để tìm được bạn. Ởđó tôi học được cách ứng xử đúng mực để có thể tìm được những người bạn và tôi luôn quý, và có thể một ngày nào đó bạn sẽ tìm đến tôi và chúng ta sẽ làm nên một đôi bạn thân

  3. Khanh Bao

    Đối với cuộc đời tôi, tình bạn là một trong những món quà quý giá nhất mà Thượng đế đã ưu ái ban tặng! Tìm được một tình bạn chân thành đã khó, giữ được nó lại càng không dễ dàng hơn. Trước giờ tôi đều có quan niệm như thế! Thế nhưng, chỉ khi tôi đọc quyển sách “Sức mạnh tình bạn”, tôi chợt nhận ko cần phải là những thứ quá xa vời mà thực ra có những điều quá đỗi quen thuộc để thể hiện tình cảm của mình đối với họ không màu mè nhưng đều toát lên sự chân thành, trân trọng. Cũng nhờ học hỏi các bí quyết từ quyển sách này mà bây giờ tôi không ngừng cảm thấy hạnh phúc khi chúng tôi vẫn thân thiết với nhau như xưa mặc dù tôi đã ra nước ngoài học gần hai năm rồi! Cảm ơn Thượng đế, cảm ơn cuộc sống, và đặc biệt là “Sức mạnh tình bạn”!

  4. Dương Hoài

    Tôi rất tích những cuốn sách viết về tình bạn và cuốn này này đã không làm tôi thất vọng. Thật tuyệt vời, cuốn sách ấy đã giúp tôi rất nhiều và rất nhiều. Nó cho tôi thấy rằng tôi là một con người may mắn khi có bạn bè, tôi không bao giờ cô đơn, tôi luôn có một sức mạnh phi thường bởi tôi có bạn. Chính cuốn sách này khiến tôi biết điều chỉnh tư duy, thái độ để gìn giữ những mối quan hệ bạn bè, giúp tôi gắn kết hơn với mọi người. Chính cuốn sách này đã khiến tôi luôn được vui vẻ, được cười, được sống những giây phút đầy hạnh phúc bên những “tình yêu” của tôi!
    Cảm ơn cuốn sách ấy, cảm ơn tiki, cảm ơn tất cả vì tất cả!

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button