Suối Nguồn

(9 đánh giá của khách hàng)

“Suối nguồn” dựng lên một xã hội đầy thị phi và mưu mô cũng như ý chí bất diệt của một bộ phận những con người-tiêu biểu là Howard Roark. Cuốn sách mang đến những thay đổi rất lớn cho người đọc đặt biệt là những người đang lo lắng cho tương lai của mình, những người ngại phải thử một cái gì đó. Bảo đảm với bạn đọc cuốn này không phí một khắc thời gian nào của bạn đâu, nó quá hay…

Danh mục: Từ khóa:

Giới thiệu

Tác phẩm đứng đầu bảng xếp hạng những tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20 do độc giả bình chọn (theo điều tra của New York Time)

– Đã bán được 6 triệu bản trong hơn 60 năm qua kể từ khi xuất bản lần đầu (năm 1943).

– Được dịch ra nhiều thứ tiếng và vẫn liên tục được tái bản hàng năm.

– Một tiểu thuyết kinh điển cần đọc nay đã có mặt tại Việt Nam với bản dịch tiếng Việt.

“Một tiểu thuyết tràn đầy sức sống và sự thú vị … mạnh mẽ, kịch tính, mãnh liệt và rành mạch từ đầu đến cuối … một tác phẩm tuyệt vời đáng để đọc.”

Saturday Review of Literature

“Tôi có thể ca ngợi tiểu thuyết này ở nhiều khía cạnh… sự kiện hấp dẫn…những nhân vật đầy màu sắc… táo bạo… thông minh phi thường.” – New York Herald Tribune

“Bạn không thể đọc tác phẩm tuyệt vời này mà không liên tưởng đến một số tư tưởng cơ bản của thời đại chúng ta… Bạn sẽ nghĩ đến The Magic Mountain và The Master Builder khi bạn nghĩ đến The Fountainhead (Suối nguồn).” – New York Times

“… Trong lịch sử nhân loại, hiếm thấy ai phát biểu quan điểm này về con người. Ngày nay, quan điểm này hầu như không tồn tại. Tuy nhiên, chính quan điểm này – dù tồn tại ở các cấp độ khác nhau của sự khao khát, ao ước, đam mê và hoang mang đau khổ – là quan điểm khởi đầu cuộc sống của những người ưu tú nhất của nhân loại. Đối với đa số họ, đây thậm chí không phải là một quan điểm rõ ràng mà chỉ là một cảm giác mơ hồ, khó nắm bắt, nó được tạo thành từ những nỗi đau trần trụi và từ niềm hạnh phúc không thể diễn tả nổi. Nó là cảm giác về một kỳ vọng lớn, rằng cuộc sống của một người là quan trọng, rằng những thành tựu lớn lao có thể nằm trong khả năng, và rằng những điều vĩ đại còn nằm phía trước.

Bản chất của con người – và của bất cứ sinh vật nào – không phải là đầu hàng, hoặc phỉ nhổ và nguyền rủa sự tồn tại của mình; điều ấy thực ra đòi hỏi cả một quá trình suy đồi mà tốc độ của nó tuỳ thuộc mỗi người. Một vài người đầu hàng vào lần đầu tiên tiếp xúc với áp lực; một vài người mặc nhiên đầu hàng; một số khác đi xuống từ từ và cứ thế mất dần ngọn lửa mà chính họ cũng không hề nhận ra nó đã tàn lụi như thế nào. Sau đó, tất cả biến mất trong cái đầm lầy khổng lồ gồm những người già cỗi, những người rao giảng rằng trưởng thành bao hàm việc chối bỏ chính kiến, rằng sự ổn định bao hàm việc chối bỏ những giá trị riêng, và rằng sống thực tế có nghĩa là phải gạt bỏ sự tồn tại. Chỉ một số ít người kiên quyết không đầu hàng và tiếp tục tiến lên; họ biết rằng không thể phản bội ngọn lửa kia; họ học cách nuôi dưỡng nó, cho nó hình hài, mục đích và sự sống… Tóm lại, dù tương lai mỗi người khác nhau, ở vào thời điểm bắt đầu cuộc sống, nhân loại luôn tìm kiếm một hình ảnh cao cả về bản chất con người cũng như về cuộc sống.

Có rất ít cột chỉ đường trong cuộc tìm kiếm này. Suối nguồn là một trong những cột chỉ đường đó. Đây chính là một trong những lý do cơ bản nhất khiến cho suối nguồn có sức hấp dẫn lâu dài; nó tái khẳng định tinh thần của tuổi trẻ, nó tuyên bố về chiến thắng của con người, nó chỉ ra người ta có thể làm được những gì…”.

Đọc thử

Howard Roak cười vang.

Anh đứng trần truồng trên một mỏm đá. Hồ nước nằm sâu dưới chân anh. Phía trên mặt nước tĩnh lặng, những khối đá granit sừng sững vươn thẳng lên trời. Dường như mặt nước nằm bất động trong khi các khối đá cứ từ dưới nước vươn lên cao. Những khối đá mang sự bất động vẫn thấy ở một trận chiến khi vũ khí hai bên xô vào nhau; trong khoảnh khắc ấy, mọi thứ chững lại trong một trạng thái tĩnh còn sôi sục hơn mọi chuyển động. Những phiến đá lấp lánh, sũng ánh mặt trời.

Hồ nước bên dưới chỉ còn như một vòng thép mỏng cắt đôi các khối đá. Những tảng đá cứ thế cắt xuyên xuống dưới mặt nước sâu, không hề thay đổi. Chúng bắt đầu với bầu trời trên cao rồi lại kết thúc với bầu trời khác phía dưới mặt nước. Như thế, cả thế giới trở nên lơ lửng trong không trung – một hòn đảo bồng bềnh trôi trong hư không và chỉ được neo vào bàn chân của người đang đứng trên mỏm đá.

Cơ thể anh tựa vào bầu trời. Đấy là một cơ thể gồm toàn đường thẳng và góc nhọn, mỗi một đường uốn đều bị bẻ vỡ thành những mặt phẳng. Anh đứng đó, bất động, hai tay buông dọc hai bên sườn, lòng bàn tay mở. Anh cảm thấy bả vai mình căng lên; anh cảm thấy rõ đường lượn trên cổ và máu dồn nặng xuống hai bàn tay. Anh cảm thấy gió ở sau lưng, luồn qua cái hốc lõm ở gáy. Gió thổi tóc anh vẫy trên nền trời. Đó là một mái tóc không vàng cũng không đỏ, mà chính xác là màu vỏ cam chín.

Anh cười vào cái điều đã xảy ra với anh vào sáng hôm đó và vào những thứ sắp đến.

Anh cố thử cân nhắc. Nhưng rồi anh lại quên. Anh đang nhìn vào những khối đá granit.

Anh không cười nữa khi mắt anh chững lại trong nhận thức về mặt đất xung quanh. Khuôn mặt anh giống như một quy luật của tự nhiên – một thứ mà người ta không thể chất vấn, thay đổi hoặc van xin. Đó là một khuôn mặt với xương gò má cao, nhô lên trên hai hõm má gầy, trũng; đôi mắt xám, lạnh và kiên định; cái miệng khinh khỉnh, mím chặt – miệng của một tên đao phủ hoặc một vị thánh.

Anh nhìn những khối đá granit. Chúng sẽ được cắt để làm thành những bức tường. Anh nhìn một cái cây. Nó sẽ được xẻ lấy gỗ làm xà nhà. Anh nhìn một vệt gỉ sắt trên đá và nghĩ đến quặng sắt dưới lòng đất. Chúng sẽ được nấu chảy và luyện thành những trụ sắt vươn thẳng lên trời.

Những tảng đá này – anh nghĩ – chúng nằm đây cho ta; chúng chờ đợi mũi khoan, thuốc nổ và hiệu lệnh của ta; chúng chờ được cắt, xẻ, nghiền và tái sinh; chúng mong ngóng cái hình hài mà bàn tay ta sẽ mang lại cho chúng.

Sau đó anh lắc đầu vì anh nhớ đến buổi sáng hôm đó và nhớ ra rằng có rất nhiều việc phải làm. Anh bước đến mỏm đá, giơ cao hai tay và lặn vào bầu trời bên dưới.

Anh bơi thẳng qua mặt hồ để đến bờ bên kia. Anh tiến đến tảng đá nơi anh để quần áo của mình. Anh nhìn quanh mình một cách luyến tiếc. Trong suốt ba năm kể từ khi anh đến sống ở Stanton, đây là chỗ thư giãn duy nhất của anh: anh đến đây bất kỳ lúc nào anh có được một giờ nghỉ ngơi vốn rất hiếm hoi. Anh đến để bơi, để nghỉ, để nghĩ, để được một mình và để được sống. Trong sự tự do mới của mình, điều đầu tiên mà anh muốn làm là tới đây, vì anh biết rằng đây sẽ là lần cuối cùng anh đến. Buổi sáng hôm đó anh đã bị đuổi khỏi khoa Kiến trúc của Học viện Công nghệ Stanton.

Anh mặc quần áo lên người: một chiếc quần bò cũ, đôi xăng-đan, cái áo sơmi cộc tay hầu như không còn khuy. Anh nhảy xuống con đường hẹp giữa những tảng đá, bước xuống con đường mòn chạy xuyên qua một triền đồi phủ đầy cỏ xanh, rồi ra con đường cái bên dưới.

Anh bước nhanh, cử động thư thái và trễ nải. Anh đi bộ dọc theo đường cái, dưới ánh mặt trời. Phía xa, thị trấn Stanton nằm trải dài dọc theo bờ biển Massachusetts, một thị trấn nhỏ làm nền cho viên ngọc của nó – học viện (Stanton nổi tiếng trên ngọn đồi xa xa.

Thị trấn Stanton bắt đầu với một bãi rác. Một cái gò chôn chất thải xám xịt nổi lên trên mặt cỏ. Nó nhả những làn khói yếu ớt. Vỏ hộp thiếc loang loáng phản chiếu ánh nắng mặt trời. Con đường chạy ngang qua những ngôi nhà đầu tiên dẫn đến nhà thờ. Nhà thờ là một tượng đài kiểu Gothic với những tấm ván lợp sơn màu xanh da trời nhạt. Nó có những trụ tường bằng gỗ đồ sộ mà chẳng để đỡ cái gì cả. Nó có những cửa sổ kính màu với những mẫu trang trí nặng nề làm giả chất liệu đá. Nó mở ra con phố dài, hai bên là những bãi cỏ hẹp đầy phô trương. Phía sau những bãi cỏ là những khối gỗ bị tra tấn và biến thành đủ mọi hình thù: chúng bị vặn xoắn thành các đầu hồi nhà, các tháp canh, các cửa sổ mái; chúng bị bóp phình ra thành những hàng hiên; chúng bị đè nặng dưới những mái nhà dốc, kềnh càng. Những rèm cửa màu trắng bay phất phơ ở các cửa sổ. Một thùng rác bên cạnh cửa hông bị lật úp xuống. Một con chó Nhật già ngồi trên cái đệm chùi chân trước bậc cửa, miệng nhỏ đầy nước dãi. Một dãy tã trẻ con bay phấp phới trong gió giữa những hàng cột của một hiên nhà.

Mọi người quay nhìn Howard Roark khi anh đi ngang qua. Một số vẫn tiếp tục nhìn chằm chằm theo anh với một sự phẫn nộ mà họ đột ngột cảm thấy. Họ không thể giải thích được sự phẫn nộ này: nó là một thứ bản năng bị sự hiện diện của anh đánh thức. Howard Roark thì không nhìn thấy bất kỳ ai. Đối với anh, các đường phố đều trống trơn. Anh đã có thể trần truồng đi bộ trên đường mà chẳng ngại ngần.

Anh đi cắt ngang qua trung tâm thị trấn Stanton. Đó là một thảm cỏ xanh rộng với các cửa hiệu bao quanh. Cửa sổ của những cửa hiệu này trưng bày những tấm áp phích mới với dòng chữ: LỄ BẾ GIẢNG KHÓA 22! CHÚC KHÓA 22 MAY MẮN! Chiều hôm đó, khóa 22 của Học viện Công nghệ Stanton tổ chức lễ bế giảng.

Roark rẽ ngoặt vào một phố nhỏ; ở cuối dãy nhà dài, trên một cái gò nhỏ nằm cạnh một lạch nước xanh là nhà của bà Keating. Anh đã ở trọ tại căn nhà này trong ba năm qua.

Bà Keating đang đứng ở hiên trước. Bà đang cho cặp hoàng yến ăn trong một cái lồng chim được treo trên thanh rào chắn. Bàn tay mập và ngắn của bà chững lại khi bà nhìn thấy anh. Bà nhìn anh với ánh mắt tò mò. Bà cố kéo đôi môi để gương mặt bà thể hiện một sự cảm thông thích hợp; nhưng nỗ lực của bà chỉ dừng lại ở việc tỏ ra bà đã không phải cố gắng.

Anh đi qua hiên trước mà không nhận ra bà. Bà ngăn anh lại.

“Cậu Roark!”

“Vâng?”

“Cậu Roark, tôi lấy làm tiếc về chuyện…” bà ngập ngừng, “- về chuyện xảy ra sáng nay.”

“Chuyện gì ạ?” anh hỏi.

“Chuyện cậu bị đuổi khỏi Học viện. Thật khó mà nói hết là tôi thấy tiếc cho cậu thế nào. Tôi chỉ muốn cậu biết rằng tôi rất thông cảm với cậu.”

Anh đứng nhìn bà. Bà biết rằng anh không hề nhìn bà. Không, bà nghĩ, nói thế cũng không đúng. Cậu ta luôn nhìn thẳng vào người đối diện, và đôi mắt chết tiệt của cậu ta không bao giờ bỏ sót một thứ gì; có điều… cậu ta luôn làm cho người đối diện cảm thấy họ không tồn tại.

Howard vẫn đứng nhìn. Anh không trả lời.

“Nhưng điều mà tôi muốn nói là,” bà tiếp tục, “nếu một người nào đó phải chịu đau khổ trong thế giới này, thì đó là do lỗi của chính người đó mà thôi. Tất nhiên, giờ thì cậu sẽ phải từ bỏ nghề kiến trúc sư, có phải vậy không? Nhưng mà một thanh niên luôn có thể kiếm sống bằng nghề nhân viên văn phòng, hay nghề bán hàng hay một nghề nào đó.”

Anh quay người bước đi.

“À, cậu Roark!” – bà gọi anh.

“Vâng?”

“Ông Trưởng khoa gọi điện cho cậu lúc cậu ra ngoài.”

Bà mong nhìn thấy một biểu hiện cảm xúc nào đó của anh, dù chỉ một lần; nhìn thấy anh biểu hiện cảm xúc cũng tương đương với nhìn thấy anh suy sụp. Bà không biết cái gì ở anh làm cho bà luôn mong được nhìn thấy anh bị suy sụp.

“Vâng?” anh hỏi bà.

“Ông Trưởng khoa” bà nhắc lại với giọng kém tự tin, cố gắng tạo lại trọng lượng cho câu nói của mình. “Chính là ông Trưởng khoa, thông qua thư ký của ông ta.”

“Thì sao ạ?”

“Cô ta nhờ tôi nói với cậu là ông Trưởng khoa muốn gặp cậu lập tức, khi nào cậu về nhà.”

“Cảm ơn bác.”

“Cậu nghĩ giờ thì ông ta muốn gì?”

“Cháu không biết.”

Anh đã nói: “Cháu không biết.” Nhưng bà đã nghe rất rõ: “Cháu không quan tâm.”

Bà nhìn chằm chằm vào anh với vẻ hoài nghi.

“Tiện thể” bà nói, “hôm nay Petey sẽ tốt nghiệp.” Giọng của bà không để lộ bất kỳ ngụ ý nào.

“Hôm nay ạ? À, vâng.”

“Hôm nay là một ngày tuyệt vời đối với tôi. Khi tôi nghĩ đến chuyện tôi đã phải tằn tiện và khổ sở đến mức nào để có thể cho thằng bé đến trường. Không phải là tôi đang phàn nàn đâu. Tôi không phải là loại người hay kêu ca. Petey là đứa bé có tài.”

Bà căng người lên. Cơ thể thấp mập của bà bị bó chặt trong những nếp gấp được hồ cứng của cái váy sợi bông khiến cho bao nhiêu mỡ dường như phòi hết ra ở cổ tay và cổ chân bà.

“Nhưng tất nhiên là,” bà nói nhanh, đầy hứng khởi về chủ đề yêu thích của mình, “Tôi không phải là người thích khoe khoang. Có những bà mẹ may mắn và có những người khác thì không được vậy. Ai xứng đáng thế nào thì được như thế. Đấy rồi cậu cứ theo dõi thằng Petey mà xem. Tôi không phải kiểu người thích ép con trai mình chết vì làm việc; và tôi sẽ cảm tạ Chúa nếu như Chúa cho nó bất cứ thành công nhỏ nào trong sự nghiệp. Nhưng nếu thằng bé đó không trở thành kiến trúc sư nổi tiếng nhất của cái Liên bang Hoa Kỳ này, thì mẹ của nó sẽ muốn biết lý do tại sao!”

Anh dợm bước đi.

“Nhưng mà tôi đang làm gì thế này; lại cứ nói chuyện tầm phào với cậu” – bà nói một cách hào hứng. “Cậu phải khẩn trương lên; thay quần áo rồi chạy đến trường đi. Ông Trưởng khoa đang chờ cậu.”

Bà đứng nhìn anh qua cái cửa lưới, lặng lẽ theo dõi dáng người gầy guộc của anh di chuyển ngang qua căn phòng khách được sắp xếp ngăn nắp đến mức cứng nhắc. Anh luôn làm cho bà thấy không thoải mái trong ngôi nhà: một cảm giác e ngại mơ hồ, như thể bà luôn chờ anh đột ngột đu người từ đâu xuống, đập tan những cái bàn uống cà phê, những lọ hoa Trung Quốc và những bức ảnh đóng khung của mình. Anh chưa từng biểu lộ xu hướng ấy. Nhưng bà vẫn thấp thỏm chờ đợi mà không biết tại sao.

Roark đi lên cầu thang về phòng mình. Đó là một căn phòng lớn, trống rỗng. Một lớp sơn trắng sạch sẽ làm căn phòng sáng lên. Bà Keating chưa bao giờ có cảm giác Roark thực sự sống ở đây. Anh không hề bổ sung thêm bất kỳ vật dụng nào ngoài những đồ đạc tối cần thiết mà bà trang bị cho căn phòng; không tranh ảnh, không đồ trang trí, không dấu vết ấm áp nào của bàn tay con người. Anh không đem vào phòng bất kỳ thứ gì ngoại trừ quần áo và các bản vẽ: chỉ có một vài bộ quần áo và quá nhiều bản vẽ; chúng được chất cao ngất trong góc phòng. Đôi khi bà nghĩ rằng các bản vẽ, chứ không phải một con người, đang sống ở đó.

Roark tiến về phía những bản vẽ; chúng là những thứ đầu tiên phải đóng gói. Anh cầm một trong số những bản vẽ đó lên, rồi bản tiếp theo, rồi thêm một bản nữa. Anh đứng nhìn những tấm giấy lớn.

Chúng là phác thảo những tòa nhà chưa từng tồn tại trên bề mặt trái đất. Chúng như những ngôi nhà đầu tiên được xây dựng bởi người đàn ông lần đầu tiên sinh ra trên mặt đất, người chưa từng biết tới bất cứ tòa nhà nào xây dựng trước đó. Không có gì để nói về những tòa nhà này, ngoại trừ việc cấu trúc của chúng chắc chắn phải là như thế. Không phải một kiến trúc sư nào đó đã ngồi nghĩ về chúng, cân nhắc một cách tỉ mẩn, chắp nối những cửa chính, cửa sổ và cột nhà theo những ý nghĩ nảy ra bất chợt trong đầu anh ta hoặc theo những gì anh ta học từ sách vở. Trái lại, những ngôi nhà như mọc lên từ lòng đất và từ một sức mạnh sống nào đó: chúng hoàn thiện và không thể thay đổi được. Dĩ nhiên bàn tay đã vẽ những đường chì sắc nét kia vẫn còn phải học hỏi nhiều. Nhưng không có một đường chì nào là thừa thãi, cũng như không có một mặt phẳng cần thiết nào bị thiếu. Các cấu trúc trông chân phương và giản đơn; cho đến khi người ta nhìn chúng thật kỹ và nhận ra quá trình lao động, sự phức tạp về phương pháp, và sự tập trung tư tưởng mà người vẽ chúng đã phải có trước khi anh ta đạt tới sự giản đơn này. Mọi chi tiết trong các bản vẽ đều phá luật. Các tòa nhà không theo kiến trúc Cổ điển, không theo kiến trúc Gothic, mà cũng chẳng theo kiến trúc Phục hưng. Chúng là kiến trúc Howard Roark.

Anh dừng lại ngắm một phác thảo. Nó là bản vẽ mà anh chưa bao giờ thấy hài lòng. Anh đã thiết kế nó như một bài tập mà anh tự đặt ra cho chính mình, ngoài các bài tập ở trường; anh thường làm như thế này khi phát hiện ra một địa điểm nào đó và nghĩ xem miếng đất ấy sẽ phải có một tòa nhà như thế nào. Anh đã mất hàng đêm nghiên cứu bản phác thảo này, băn khoăn không biết mình đã bỏ qua cái gì. Bây giờ khi nhìn nó, anh nhận ra cái lỗi mà mình mắc phải.

Anh vung mạnh tay để trải bản phác thảo lên trên mặt bàn. Anh cúi người xuống và vạch những đường thẳng cắt ngang bản vẽ gọn gàng của mình. Thỉnh thoảng anh dừng lại để nhìn; các đầu ngón tay anh ấn lên trang giấy như thể bàn tay anh đang bám vào tòa nhà. Bàn tay anh có những ngón dài, những mạch máu to khỏe, khớp và xương cổ tay trồi hẳn lên.

Một tiếng sau anh nghe thấy tiếng gõ cửa.

“Mời vào!” anh cáu kỉnh nói, không hề ngừng vẽ.

“Cậu Roark!”, bà Keating ngạc nhiên nhìn anh từ ngưỡng cửa. “Quỷ tha ma bắt, cậu đang làm gì thế?”

Anh quay lại nhìn bà, cố nhớ xem bà là ai.

“Thế còn ông Trưởng khoa?”, bà than vãn. “Ông Trưởng khoa đang chờ cậu.”

“À,” Roark bừng tỉnh. “À, vâng. Cháu quên mất.”

“Cậu… quên mất?”

“Vâng.” Có một chút ngạc nhiên trong giọng nói của anh: ngạc nhiên trước sự ngạc nhiên của bà.

“Thế đấy, giờ thì tôi chỉ có thể nói là” – bà nghẹn lời – “nhân nào quả nấy. Đáng đời cậu lắm. Bốn rưỡi là lễ bế giảng bắt đầu; giờ thì làm sao ông Trưởng khoa có thời gian mà gặp cậu?”

“Cháu sẽ đi ngay lập tức, bác Keating.”

Bà hành động không chỉ vì sự tò mò; mà còn vì nỗi sợ hãi mơ hồ rằng hội đồng khoa sẽ hủy bỏ quyết định đuổi học với Roark.

Roark đi vào phòng tắm ở cuối hành lang; bà quan sát anh rửa tay, vuốt mái tóc thẳng và mềm của mình cho có vẻ trật tự. Anh lại bước ra. Bà chỉ nhận ra rằng anh sắp đi khi anh đã bước tới cầu thang.

“Cậu Roark!” bà há hốc miệng và chỉ vào bộ quần áo của anh. “Cậu không định ăn mặc thế này mà đi đấy chứ?”

“Sao lại không ạ?”

“Nhưng đấy là ông Trưởng khoa của cậu!”

“Cựu Trưởng khoa của cháu, bác Keating ạ.”

Bà nghĩ, quỷ tha ma bắt, cậu ta nói như thể là cậu ta vui mừng về điều đó.

Viện Công nghệ Stanton nằm trên một ngọn đồi. Những bức tường có lỗ châu mai của nó đứng như một chiếc vương miện nổi lên trên thành phố trải rộng phía dưới. Học viện trông như một pháo đài thời Trung cổ với một nhà thờ kiểu Gothic mọc ra từ lưng chừng. Công trình này sẽ là một pháo đài hoàn hảo – giả sử như một học viện thế này có lúc cần biến thành pháo đài. Nó có những bức tường gạch kiên cố và một vài ô trống đủ rộng cho lính gác. Nó có các chiến lũy cho các cung thủ đứng nấp và những tháp canh ở các góc của nó có thể dùng làm nơi đổ dầu sôi xuống đầu những kẻ tấn công pháo đài. Nhà thờ nổi lên trên pháo đài như một đường viền tráng lệ, một sự bảo vệ mỏng manh trước hai kẻ thù khổng lồ: ánh sáng và không khí.

Văn phòng Trưởng khoa trông như một nhà nguyện; tràn ngập một thứ ánh sáng nhờ nhờ chiếu xuống từ một cửa sổ kính màu cao. Cái ánh sáng nhờ nhờ ấy phải đi xuyên qua những bức trướng vẽ các vị thánh kiên nghị – tất cả đều trong tư thế khoanh tay. Hai luồng sáng nhỏ màu đỏ và tím chiếu thẳng vào hai hình đầu thú đắp nổi ở hai bên góc cái lò sưởi chưa bao giờ được sử dụng. Một luồng sáng màu xanh lá cây chiếu thẳng vào bức tranh đền Parthenon được treo ngay phía trên lò sưởi.

Khi Roark bước vào văn phòng, anh thấy bóng dáng ông Trưởng khoa hiện ra mờ mờ phía sau cái bàn làm việc được chạm trổ như một cái cửa sổ xưng tội . Ông Trưởng khoa là một người thấp, phệ với những khối thịt chảy xệ được cố che giấu bằng một vẻ nghiêm nghị cứng nhắc.

“À, phải, Roark,” ông mỉm cười. “Anh ngồi đi.”

Roark ngồi xuống. Ông Trưởng khoa đan các ngón tay trước bụng, chờ đợi những lời cầu xin. Nhưng chẳng có lời cầu xin nào cả. Ông hắng giọng.

“Tôi thấy không cần phải nói rằng tôi rất tiếc vì sự việc không may sáng nay,” ông bắt đầu, “tôi chắc anh biết là tôi thực sự quan tâm tới quyền lợi của anh.”

“Hoàn toàn không cần đâu ạ,” Roark nói.

Ông Trưởng khoa nhìn anh hồ nghi nhưng vẫn tiếp tục nói.

“Khỏi cần phải nói, tôi không bỏ phiếu chống lại anh. Tôi bỏ phiếu trắng. Nhưng có lẽ anh sẽ vui mừng nếu biết rằng có một nhóm nhỏ kiên quyết bảo vệ anh tại cuộc họp khoa. Một nhóm nhỏ nhưng rất kiên quyết. Ông giáo sư kỹ thuật kết cấu của anh đã liều chết tranh đấu cho anh. Ông giáo sư toán cũng thế. Tiếc là những người cảm thấy mình có trách nhiệm phải bỏ phiếu đuổi học anh lại nhiều hơn đáng kể so với số còn lại. Giáo sư Peterkin, người phản biện thiết kế, thậm chí đặt vấn đề khá gay gắt. Ông ấy dọa chúng tôi là sẽ từ chức nếu không đuổi học anh. Anh thấy đấy, anh thực sự đã làm cho giáo sư Peterkin rất tức giận.”

“Em biết.” Roark trả lời.

“Đấy, vấn đề là chỗ đấy. Tôi đang nói về thái độ của anh đối với môn thiết kế kiến trúc. Anh không bao giờ chú trọng đúng mức cho môn học. Thế mà anh đã học rất xuất sắc các môn kỹ thuật. Tất nhiên, không ai phủ nhận tầm quan trọng của môn kỹ thuật kết cấu đối với một kiến trúc sư tương lai, nhưng tại sao lại phải thái quá như thế? Tại sao lại lơ là mặt nghệ thuật và cảm hứng nghề nghiệp để tập trung vào những môn học tính toán, kỹ thuật và khô khan như vậy? Anh định trở thành một kiến trúc sư chứ có phải là một kỹ sư xây dựng đâu.”

“Có lẽ điều này là thừa, phải không ạ?” Roark hỏi. “Mọi việc đã qua rồi. Chúng ta đâu cần tranh luận về việc em chọn học gì.”

“Roark, tôi đang cố giúp anh. Anh phải công bằng về việc này. Không thể nói là anh đã không được cảnh báo rất nhiều lần trước khi chuyện này xảy ra.”

“Em đã được cảnh báo.”

Ông Trưởng khoa cựa mình trên ghế. Roark làm ông cảm thấy không thoải mái. Ánh mắt của Roark nhìn thẳng vào ông một cách lịch sự. Cậu ta nhìn thế chẳng có gì sai – ông Trưởng khoa nghĩ – thực ra còn đúng mực là đằng khác, thậm chí rất đúng mực; chỉ có điều… cứ như thể ta không hề có mặt ở đây vậy.

“Đối với mọi bài tập mà anh được giao,” ông Trưởng khoa tiếp tục, “mọi đề án mà anh phải thiết kế – anh đã làm gì với chúng nào? Anh xử lý chúng theo kiểu – ừm, tôi không thể gọi nó là một phong cách – theo kiểu kỳ quặc của anh. Nó đi ngược với mọi nguyên tắc mà chúng tôi đã cố dạy anh, ngược với tất cả những tiền lệ và truyền thống đã được công nhận của nghệ thuật. Anh có thể nghĩ anh sáng tác theo kiểu mà người ta gọi là chủ nghĩa hiện đại, nhưng thậm chí cũng không phải như vậy. Nếu anh không phiền… nó… nó hoàn toàn điên rồ.”

“Em không phiền.”

“Khi người ta giao cho anh các đề án mà anh được tự do lựa chọn phong cách thì anh biến chúng thành những thử nghiệm mạo hiểm của anh – ừm, thật lòng mà nói, các giáo sư đã cho anh qua vì họ cũng chẳng biết phải đánh giá những thứ đó thế nào. Nhưng, khi anh được giao một bài tập thiết kế theo phong cách truyền thống… thiết kế một nhà nguyện kiểu Tudor hoặc một nhà hát opera kiểu Pháp – và anh lại biến nó thành một cái gì đó trông như vô vàn những cái hộp chồng lên nhau một cách vô nghĩa – thì, nói cho tôi nghe xem, anh nghĩ đấy là một bài thi hay là sự chống đối?”

“Đó là sự chống đối.” Roark nói.

“Vì nghĩ đến thành tích học tập xuất sắc của anh ở các môn khác, chúng tôi đã muốn cho anh một cơ hội. Nhưng khi anh nộp cái này” – ông Trưởng khoa nện nắm tay xuống một tờ giấy trải rộng trước mặt – “cái này mà anh dám nộp làm bài thi cuối năm về biệt thự Phục hưng thì, chàng trai ơi, thật sự là không thể chấp nhận được nữa.”

Tờ giấy đó có một hình vẽ – một ngôi nhà bằng kính và bê tông. Ở góc tờ giấy có một chữ ký sắc nét và góc cạnh: Howard Roark.

Trích dẫn

Trích dẫn sách Suối Nguồn - Người sáng tạo sống với lao động của mình. Anh ta không cần ai khác. Mục đích cơ bản của anh ta là chính bản thân anh. Kẻ ăn bám sống cuộc đời thứ cấp. Anh ta cần những người khác. Những người khác trở thành động lực chính của anh ta. 1. “Anh ta… Đọc thêm

Thể loại

Những quyển sách hay nhất của Ayn Rand - Sách của Ayn Rand dành cho những con người có trái tim quyết liệt, đam mê và cháy bỏng đến tận cùng trong hành trình tự khẳng định bản thân mình, đi đến tận cùng bản ngã và hạnh phúc cá nhân. Suối Nguồn "... Trong lịch sử nhân loại, hiếm thấy ai phát biểu… Đọc thêm
20 cuốn sách văn học nước ngoài hay không nên bỏ qua trong đời - Văn học nước ngoài là một trong những dòng sách có lượng đọc giả và giải thưởng văn chương nhiều nhất trên thế giới, điều đó chứng tỏ giá trị và sức truyền tải của thể loại này là vô cùng to lớn. Hãy cùng Vnwriter điểm qua 20 cuốn sách văn học nước ngoài hay… Đọc thêm
Sách hay nên đọc trong đời dành cho mọi thế hệ độc giả - Sách hay nên đọc trong đời bao gồm nhiều chủ đề : văn học, kinh doanh, kỹ năng, khoa học,..mỗi quyển sách được giới thiệu đều chứa đựng những giá trị tuyệt vời dành cho mọi thế hệ độc giả. Văn học Bố Già Thế giới ngầm được phản ánh trong tiểu thuyết Bố già… Đọc thêm
19 sách kinh điển hay đọc rồi cứ muốn đọc lại mãi - Sách luôn là món quà tuyệt vời dành cho mỗi chúng ta, Vnwriter gợi ý 19 cuốn sách kinh điển hay mà nhiều người đọc rồi muốn đọc lại, là những cuốn sách gối đầu giường không thể bỏ qua. Bố Già Thế giới ngầm được phản ánh trong tiểu thuyết Bố già là sự… Đọc thêm

Nơi bán

 

Nhận hàng ngay chỉ trong vài giờ với gói TIKINOW tại TP.HCM, HN, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy

Tới nơi bán

 

FREESHIP cho đơn hàng từ 140k tại TP.HCM và Hà Nội, từ 250k tại các tỉnh thành khác, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy.

Tới nơi bán

Review nổi bật

Thế giới mà Ayn Rand xây dựng trong Suối Nguồn không có chỗ cho các gam màu xám, chỉ thuần túy trắng và đen. Sự đẩy đến hai đầu cực tuyệt đối này đem đến cho người đọc lăng kính độc đáo để nhìn lại chính mình và xã hội xung quanh.

Ayn Rand (1905-1982) là tiểu thuyết gia, đồng thời là nhà triết học người Mỹ gốc Nga. Từ 8 tuổi, Rand đã quyết định trở thành nhà văn. Lựa chọn này dẫn dắt bà chạy trốn khỏi nước Nga, trở thành nhà văn với hàng triệu bản được bán, thách thức dư luận chính thống khi sáng tạo một triết lý mới gọi là Chủ nghĩa Khách quan và tạo ra một di sản gây tranh cãi vẫn còn được tranh luận đến bây giờ.

Đối với Ayn Rand, triết học không chỉ là một chủ đề đặc biệt cho số ít, mà là động lực hằng ngày hình thành nên cuộc sống của những cá nhân và lịch sử loài người. Bạn phải có hình dung về thế giới bạn sống, thấu hiểu và xử lý theo cách tốt nhất và biết mục tiêu cuộc đời bạn là gì. Động lực cho những tác phẩm của bà luôn luôn là sự hiện diện của một con người lý tưởng.

Là một trong hai cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất của Ayn Rand, Suối Nguồn được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1943. Bản thảo cuốn sách đã bị 12 nhà xuất bản từ chối, một số trong đó tuyên bố rằng nó “quá triết lý”, “quá nhạy cảm” và sẽ không thể bán được vì không tồn tại độc giả cho nó.

Nhưng cuối cùng, nó lại được đón nhận nồng nhiệt. Ayn Rand trở thành tác giả có ảnh hưởng lớn nhất đến độc giả Mỹ trong thế kỷ XX và tác phẩm đã bán được 6 triệu bản trong hơn 60 năm qua kể từ khi xuất bản lần đầu (năm 1943), được dịch ra nhiều thứ tiếng và vẫn liên tục được tái bản hằng năm.

Cũng như triết học, Ayn Rand biết tác phẩm chỉ được thấu hiểu bởi một số ít người trong mỗi thời đại. “Đó cũng là đối tượng mà tôi hướng đến. Những người còn lại, tôi không quan tâm. Cái họ phản bội không phải là tôi hay là cuốn sách này. Họ phản bội chính bản thân họ”, bà viết trong lời giới thiệu nhân kỷ niệm 25 năm xuất bản cuốn sách.

Howard Roark, nhân vật chính của Suối Nguồn, sở hữu 3 đức tính đặc sắc của con người: hành động bằng lý trí, độc lập và có lòng tự trọng cao. Khi người đọc lần đầu tiên chạm trán Howard Roark, họ bị choáng ngợp bởi sự độc lập hoàn toàn của anh. Trong tất cả lĩnh vực, từ công việc cho đến cuộc sống, từ quan điểm về kiến trúc đến kế hoạch công việc đến việc lựa chọn bạn bè, anh chỉ nghĩ về mình, đánh giá bản thân mình và ra quyết định chỉ dựa trên suy nghĩ và đánh giá của chính anh.

Đối ngược với sự độc lập tự chủ của người hùng là các nhân vật khác, những biến thể muôn hình vạn trạng của ý tưởng sống thứ sinh. Những người sống thứ sinh này đều thể hiện sự phụ thuộc cơ bản vào người khác. Đó có thể là trong việc tìm kiếm sự công nhận của xã hội như thước đo giá trị của họ, hoặc đi theo ý kiến của những người khác, hoặc cố gắng thống trị người khác. Một trong những cái nhìn sâu sắc, độc đáo của Ayn Rand là ý tưởng về việc theo đuổi quyền lực chỉ là một biến thể của sự phụ thuộc của những người tìm cách cai trị.

Howard Roark thể hiện hoàn hảo tính cách của tác giả Ayn Rand. Anh không quan tâm đến việc người khác muốn gì, nghĩ gì. Là kiến trúc sư, anh biết mình muốn thiết kế “tòa nhà sẽ mọc lên từ những mảnh đất đó và hòa hợp với không gian xung quanh”, anh không khoan nhượng bất cứ điều gì can thiệp vào thiết kế của anh và hiểu cho dù có rất ít khách hàng hiểu anh, nhưng anh sẽ vẫn có khách hàng và sẽ vẫn xây nên những tòa nhà vĩ đại.

Thiết kế của anh không sao chép bất cứ trường phái truyền thống nào, chúng chỉ đơn giản là thiết kế của Howard Roark. Điều đó dẫn anh đến cuộc đấu tranh đầy đau khổ chống lại cả thế giới bị thống trị bởi những người sùng bái truyền thống, cách họ tiếp cận để thiết kế những tòa nhà là sao chép phong cách kiến trúc của quá khứ. Đây cũng chính là cuộc đấu tranh để nhìn nhận bản thân trong mỗi con người.

Bình Yên

9 đánh giá cho Suối Nguồn

  1. Nguyễn Hà

    Catherine Halsey là người yêu Peter Keating vô điều kiện và cũng là người Peter yêu chân thật, ở cạnh cô anh có thể sống đúng với suy nghĩ của mình nhất. Lạ một điều là tác giả để cho nhân vật của mình nói thật tất cả suy nghĩ của bản thân. Ẩn bên trong vẻ ngoài đẹp đẽ của Peter là bản chất tính toán, bợ đỡ, thích lợi dụng người khác – đây có thể là hình ảnh đại diện cho lối sống của ai đó trong chúng ta.
    Tôi thấy sống mũi mình cay cay khi đọc đến cuộc gặp gỡ giữa Roark và ông Austen Heller. Sau bao nhiêu cay đắng anh đã trải qua, cuối cùng cũng có người hiểu và trân trọng con người, tài năng của anh. Ngôi nhà xây trên vách đá làm tôi liên tưởng đến cảnh vách đá ở Stanrbond, ở phần đầu câu chuyện khi Roark bị đuổi khỏi Học viện kiến trúc. Sự kiên định với lý tưởng trong kiến trúc của Roark làm tôi thấy cảm phục anh. Dù anh không có nhà cửa, không công việc, không có thức ăn, không áo mặc nhưng anh vẫn giữ vững lập trường của mình. Điều này đối lập hẳn với Peter Keating. Giữa một xã hội mà người ta đua chen nhau, vào hùa với nhau trong những suy đồi của một nền kiến trúc ăn cắp thì Roark là một hiện tượng sẽ bị tẩy chay. Có gì đó rất giống nhau giữa Roark và cô con gái của Francon là Dominique – một cô gái có vẻ ngoài xinh đẹp, thông minh và dùng trí thông minh của mình để đối chọi lại với xã hội phù hoa nơi cô đang sống.
    Tôi đang đọc đến đoạn Dominique nói với Roark về việc cô lấy chồng là Peter Keating. Tôi đã khóc. Đó gần như là một lời từ biệt của hai người yêu nhau say đắm. Đó cũng là lần đầu tiên họ nói yêu nhau và cũng là lần đầu tiên hai người trải lòng với nhau bằng ngôn từ nhiều đến vậy. Tôi khóc vì tôi chợt nghĩ đến những người vì yêu nhau quá say đắm nên phải xa nhau. Có một thứ tình yêu như thế, vì yêu nhau rất nhiều đến nỗi việc ở bên cạnh nhau sẽ làm khổ cả hai. Họ chọn rời xa nhau, xa nhau nhưng càng thấy yêu nhau nhiều hơn. Không biết bao giờ hai người mới gặp lại nhau. Và tôi vẫn hi vọng họ có một kết thúc hạnh phúc vì họ sinh ra dường như là để dành cho nhau.
    Tôi để ý rằng sau mỗi lần thất bại trong một cuộc hôn nhân Dominique lại tìm đến Howard Roark. Đó là lần trên tàu đến Leon, khi kết thúc cuộc hôn nhân với Peter, cô đã gặp Roark ở một ga lẻ, cô đã cầu xin Roark từ bỏ nghề kiến trúc, cô sẽ đi theo Roark đến bất cứ nơi đâu, nhưng Roark không đồng ý. Đó là lần Gail Wynand thua hội đồng cổ đông của tập đoàn Wynand và cô đã tìm đến Roark, ở lại với anh. Tôi đã khóc. Khi hai người ở bên nhau dù có bao nhiêu biến cố xảy ra, họ vẫn yêu nhau như ngày đầu tiên họ gặp nhau ở Conecticut. Tôi ngưỡng mộ tình yêu của Roark và Dominique. Cuộc chiến đấu vì cái tôi, khẳng định cái tôi duy nhất của Roark không thể thiếu tình yêu với Dominique. Nhưng như Roark đã nói trước tòa ở vụ nổ Cocortland, tôi có thể hiểu nếu như Dominique cũng nhượng bộ, cũng cầu xin Roark từ bỏ tất cả vì tình yêu thì Roark cũng không đồng ý. Bởi tình yêu không cần cầu xin, không nhượng bộ. Thế giới của Roark chỉ có duy nhất một điều: được sống và làm việc như bản chất thật của chính mình. Có lẽ chính đây là điểm gặp gỡ giữa hai tâm hồn Roark và Dominique, và đây cũng chính là điều cả xã hội bấy giờ cố tình chôn vùi.
    Tài năng của tác giả ở chỗ đã viết một cuốn tiểu thuyết rất dài và kịch tính, hấp dẫn từ đầu đến cuối. Tác giả xây dựng 2 tuyến nhân vật Roark và những kẻ như Ellworth Toohey. Toohey có thể nói là 1 nhân vật phản diện tiêu biểu và nguy hiểm, mang đầy đủ những đặc tính trái ngược hẳn với Roark. “ Không phải hành vi mà chính là niềm tin – niềm tin chắc chắn và quan trọng nhất – sẽ mang lại cho những tín điều tôn giáo cũ một ý nghĩa mới và sâu sắc hơn: một niềm tin chắc chắn mà một tâm hồn cao thượng có đối với chính nó, cái niềm tin mà người ta không nên kiếm tìm từ bên ngoài, không thể tìm thấy ở bên ngoài và có lẽ không bao giờ nên để mất.” (Trích từ bài Tâm hồn cao thượng tự thăng hoa-Friedrich Nietzsche cuốn Bên trên cái thiện và cái ác ). Toohey với âm mưu khiến cả thế giới lệ thuộc vào những kẻ mạnh như hắn, sự lệ thuộc về tinh thần còn kinh khủng hơn rất nhiều sự lệ thuộc về vật chất. Hắn muốn không ai được có chính kiến, không ai có cái tôi riêng mà tất cả đều có 1 sự thống nhất chung, nhân danh tập thể nhưng hỡi ôi chỉ là những cái xác không hồn, luôn nêu cao khẩu hiệu trống rỗng và đạo đức giả.
    Tôi xin trích dẫn lời của tác giả cũng là nội dung truyền tải sâu sắc và ý nghĩa nhất của tác phẩm: “Bản chất của con người và của bất kỳ sinh vật nào, không phải là đầu hàng hoặc phỉ nhổ và nguyền rủa sự tồn tại của mình, điều ấy thực ra đòi hỏi cả 1 quá trình suy đồi mà tốc độ của nó tùy thuộc mỗi người. Một vài người đầu hàng vào lần đầu tiên tiếp xúc với áp lực, một vài người mặc nhiên đầu hàng, một số khác đi xuống từ từ và cứ thế mất dần ngọn lửa mà chính họ cũng không hề nhận ra nó đã tàn lụi như thế nào. Sau đó, tất cả biến mất trong cái đầm lầy khổng lồ gồm những người già cỗi, những người rao giảng rằng trưởng thành bao hàm việc chối bỏ chính kiến, rằng sự ổn định bao hàm việc chối bỏ những giá trị riêng và rằng sống thực tế có nghĩa là phải gạt bỏ sự tự tôn. Chỉ một số ít người kiên quyết không đầu hàng và tiếp tục tiến lên, họ biết rằng không thể phản bội lại ngọn lửa kia, họ học cách nuôi dưỡng nó cho nó hình hài, mục đích và sự sống… Tóm lại, dù tương lai mỗi người khác nhau, ở vào thời điểm bắt đầu cuộc sống, nhân loại luôn tìm kiếm một hình ảnh cao cả về bản chất con người cũng như về cuộc sống”.

  2. Phạm Phương Thảo

    Một cuốn tiểu thuyết vĩ đại – tôi chắc chắn là như vậy!
    Sự vĩ đại của cuốn sách không thể hiện ở việc nó dày 1119 trang, mà nó thể hiện trong hệ tư tưởng mà cuốt sách đang bao trọn lấy….. Xuất hiện từ 1943 nhưng đến tận ngày hôm nay hoặc ngày mai đi nữa thì nó vẫn mang trong nó một cách vẹn nguyên nhịp thở thời đại, nó vẫn tồn tại bền vững và thách thức với không gian – thời gian – và thậm chí với thực tại của TẤT CẢ CHÚNG TA.
    Ayn Rand và Suối nguồn thực sự không quan tâm đến thế – giới – như – nó – đang – là (things as they are), mà là thế giới như nó có thể và phải là (things as they might be and ought to be). Và chính vì thế mà trong suốt chiều dài của Suối Nguồn, Ayn Rand đã xây dựng lên một tượng đài bất tử – Howard Roark – đầy mạnh mẽ và sắc nét – như một lời tuyên ngôn của bà về lối sống “vị kỷ” – tôn thờ bản thân một cách tuyệt đối. Một Howard Roark với cái tôi vĩ đại và không chấp nhận thỏa hiệp với bất kì ai và với bất kì một lý do gì – đây chính là thế giới như nó có thể và phải là!
    Sống, sáng tạo, làm việc và không ký sinh vào đám đông (hay còn gọi là công chúng) cả về vật chất lẫn cảm xúc – theo đúng nghĩa của nó chính là nguyên tắc sống còn của Roark. Roark đã chiến đấu cả cuộc đời để bảo vệ lý tưởng và sự sáng tạo của chính mình, như cách mà Howard từng tuyên bố “Không đứng ở điểm cuối của bất cứ truyền thống nào, mà sẽ là điểm khởi đầu của một truyền thống…”
    Và nếu ai đó đã lỡ yêu Roark thì chắc chắn ta sẽ đối mặt với sự cô đơn, cô độc đến tận cùng vì:
    “Người vị kỷ theo nghĩa tuyệt đối không bao giờ bắt người khác hy sinh cho mình. Anh ta sống vượt ra ngoài nhu cầu sử dụng những người khác, dù dưới bất cứ hình thức nào – anh ta không quan tâm tới người khác. Anh ta không sống vì bất cứ ai – và anh ta không yêu cầu ai phải sống vì anh ta.”
    Ngoài Roark chúng ta còn có thể tìm thấy những mảnh ghép khác của linh hồn mình trong nhân vật Peter Keating, Ellsworth M.Toohey, Gail Wynand – Dù có thể chúng ta cùng thấy xót thương hoặc khinh bỉ biết bao những con người ấy.
    Như một lẽ hiển nhiên, cuộc sống chúng ta không thể thiếu đi nhân vật Peter Keating, Ellsworth M.Toohey….bởi đây chính là “những kẻ vô lại” nhưng lại có sứ mệnh làm bệ chống đỡ để Howard Roark nổi lên trường tồn và hiên ngang như thế. Hoặc giả sử chúng ta bỗng nhận ra mình cũng chính là Peter Keating hoặc Ellsworth M.Toohey hoặc Gail Wynand thì sao?
    Với những nút thắt mở rất nhịp nhàng, giọng văn mạnh lạc, ngôn từ gần gũi và giản dị, cùng với tính thời đại của nó thì Suối Nguồn thật sự là cuốn tiểu thuyết rất đáng để chúng ta tìm đọc. Và biết đâu khi gập lại cuốn sách 1199 trang này thì chúng ta lại có thêm nhiều sức mạnh để tiếp tục sống – vì –chính – mình với lòng tự trọng tuyệt đối của bản thân!
    Và thật hiếm ai có thể gấp lại cuốn sách mà chưa một lần nhìn lại mình, ngẫm nghĩ và cảm thấy xấu hổ vô cùng vì chính mình cũng đang sống theo lối sống “ký sinh”, để rồi sau tất cả sẽ tự nhủ bản thân mình: “Đừng sợ hãi con người nữa” và sẽ ngưng đặt câu hỏi: “mình sống vì điều gì?”, hiển nhiên là cũng sẽ tìm cách để vượt lên lối sống “ký sinh” để tỏa sáng một cách dung dị.
    Chúng ta sẽ hoàn toàn rũ bỏ được chiếc áo rộng thùng thình mà người khác trao cho chúng ta, chúng ta sẽ có thêm can đảm để mặc một chiếc áo mà chúng ta muốn mặc.
    Chúc các bạn sẽ có thể độc lập – chủ động – yêu công việc của mình và giữ vững giá trị của mình với tư cách một con người để không phải ham muốn trở thành biểu tượng của bất cứ cái gì cả mà chỉ là chính mình – chính mình mà thôi!
    P/S: Có một điều khi đọc Suối Nguồn chúng ta phải luôn nhớ đó là: các nhân vật trong Suối Nguồn đều đã được hình tượng hóa – đặc biệt là Roark, chính vì thế chúng ta đừng thắc mắc sao ta không thể tìm được Roark trong cuộc đời này? Và cũng không thể trở nên cực đoan tột đỉnh và rồi lý giải nó như một lý tưởng cao đẹp giống cuộc đời Roark trong Suối Nguồn
    TẤT CẢ CHÚNG TA RỒI SẼ NHẬN RA ĐIỀU GÌ ĐÓ KHI ĐỌC “SUỐI NGUỒN”

  3. Thu Ngân Nguyễn

    Khi nhận được sách mình hơi bị choáng ngợp vì độ dày của nó, không biết là bao h với đọc xong. Nhưng tác giả đã khiến mình hoàn toàn lôi cuốn vào câu chuyện. 1200 trang hoàn toàn không thừa không thiếu một câu chữ nào, tất cả đều vô cùng có giá trị. Howard Roark và Dominique Francon, hai con người khiến người ta luôn cảm thấy giận dữ vì sự trong sạch của họ, vì không cái gì có thể làm lung lay họ được. Tôi đã tự hỏi liệu mình có đang bị dắt mũi giống như Peter Keating hay hầu hết ngừoi khác, để rồi sống như một con rối không thể tự chủ được, hay như Gail Wynand, bị đánh bại vì ước muốn quyền lực. Toi đã luôn tự tưởng tượng ra đoạn kết, khi Dominique ngắm nhìn Roark đang đứng phía trên toà nhà của anh, chỉ có anh cùng với bầu trời- đó là một khoảnh khắc tuyệt diệu nhất.

  4. Lê Thị Anh Thư

    Nếu chỉ dùng 4000 ký tự để diễn đạt những gì tôi cảm nhận, điều đó là không thể. Tôi đã đọc Suối nguồn ở độ tuổi 30,khi đang loay hoay tìm kiếm bản thân mình, và thật sự chấn động sâu sắc. Có thể đối với 1 số người, cuốn sách đơn thuần là 1 tiểu thuyết giải trí, nhưng đối với tôi, nó như 1 sự khai sáng. Những người bất tử như Roark, nó như biểu tượng của 1 sự khẳng định. Khi chúng ta sinh ra, và được giáo dục để hoà nhập với xã hội, mà chưa kịp hình thành cái tôi, chưa thật sự là chính mình, để rồi loay hoay trong cuộc, đến khi chết đi, vẫn không thể trả lời mình là ai.

    Tôi thôi cố hiểu và làm hài lòng mọi người, tôi bắt đầu tập trung vào bản thân. Hiểu và làm hài lòng bản thân. Khó để bất tử như Roark, nhưng ít nhất, tôi không còn bị lẫn với mọi người.

    Những nhân vật trong truyện đại diện cho nhiều kiểu người trong cuộc đời, và tôi thật sự ngạc nhiên tại sao Ayn Rand lại có 1 tài năng siêu việt như vậy. Tôi đọc nó không ngừng nghỉ, và cảm thấy nghẹt thở khi gấp cuốn truyện lại. 2 ngày sau vẫn còn ngẩn ngơ

    Tôi đã không thể đọc thêm 1 cuốn tiểu thuyết nào sau đó, và sau Harry Potter, sẽ không thể có cuốn nào khiến tôi mê đắm như suối nguồn.

    Nhưng dù sao, suối nguồn sẽ mãi tuôn trào, không bao giờ ngừng nghỉ. Chắc chắn rồi

  5. Trần Phương Vi

    Mình chắc chắn rằng Suối nguồn là cuốn sách tuyệt vời nhất trog suốt khoảng thời gian mình đọc tiểu thuyết triết lí. Nó dựng lên một xã hội đầy thị phi và mưu mô cũng như ý chí bất diệt của một bộ phận những con người-tiêu biểu là Howard Roark. Cuốn sách mang đến những thay đổi rất lớn cho người đọc đặt biệt là những người đang lo lắg cho tương lai của mình, những người ngại phải thử một cái gì đó. Bảo đảm với bạn đọc cuốn này không phí một khắc thời gian nào của bạn đâu, nó quá hay…

  6. Phạm Ngọc Liên Thảo

    1119 trang dễ dàng tạo nên cảm giác “ngán ngẩm” của người nào dự tính đọc tác phẩm này. Tuy nhiên tôi rất bất ngờ khi cầm trên tay cuốn sách với trọng lượng nhẹ hơn nhiều so với bề ngoài cồng kềnh. Vừa đọc vừa cầm trên tay cây viết highlight vì bạn sẽ dễ dàng gặp một câu nói triết lý kinh điển áp dụng cho cuộc sống. Bạn có thể dễ dàng gặp được bất kỳ “dạng người nào” bạn thường gặp trong cuộc sống trong các nhân vật của câu chuyện để rồi trong cách đối thoại và ứng xử của họ, bạn rút ra được bài học cho chính mình. Một tác phẩm đáng đọc.

  7. Lam Thi Diem Kieu

    nghề nghiệp cuốn sách viết về có thể đặc thù là kiến trúc nhưng cách cuốn sách truyền ngọn lửa dũng cảm để đeo đuổi lí tưởng, dũng cảm để sống là chính mình và chẳng cần cố để làm người tử tế (vì nó vốn đã ăn sâu vào máu) thì lại dành cho tất cả mọi người. Cô bạn của mình nói cuốn này phức tạp và không muốn đọc, cũng đúng thôi bởi cả hành trình đấu tranh cho hoài bão của mình thì có bao giờ đơn giản! Thêm nữa đây là cuốn sách tuyệt vời cho người theo nghiệp điện ảnh, viết kịch bản đó. Tin mình đi

  8. Nguyễn Đình Hướng

    Tác phẩm như bức tranh với hai mảng sáng tối hoàn toàn đối lập. Bị mắc kẹt ở giữa 2 mảng đó là những con người, ngày đêm giãy dụa, đấu tranh. Có những người đã phải hy sinh, bị chôn vùi, lãng quên vì điều đó. Nhưng cái kết cuối cùng thì đã vỡ òa, cái “duy nhất”, cái “chất riêng”, “Sự khác biệt”, “cái tốt hơn” cuối cùng cũng có tiếng nói.

  9. Aon Ei

    Khi bắt đầu đọc cuốn sách này, mình rất bị lôi cuốn bởi văn phong rất có sự liên kết, lại thể hiện suy nghĩ mâu thuẫn của nhân vật một cách độc đáo. Mình bị hấp dẫn bởi tính cách nhân vật của Roark, mỗi lần đọc đến đoạn của Keating là lại tua đi, cảm giác gò bó và không chân thực giống như chính tính cách nhân vật vậy. Nhưng khi Roark xuất hiện, đó là một cảm giác nhẹ nhàng, thư thái, thoải mái – tâm hồn của Roark được bộc lộ một cách đơn giản, không gây ám ảnh, căng cứng. Nhưng tuyệt nhất phải là khi Keating và Roark gặp nhau. Hai tính cách này chạm vào nhau gây nên sự hồi hộp – trong một hoàn cảnh vô cùng bình thường…
    Đó chính là cái tài của tác giả – trong việc miêu tả tâm lí nhân vật, như kéo mình xuyên từ bức tường này qua bức tường khác – đó là cảm giác khi mình đọc sách lần đầu.
    P/S: có một số nhân vật khiến mình thấy hơi cực đoan và bảo thủ, ví dụ như Dominique – cô ta quá kiêu ngạo và cực đoan. Cả Roark cũng vậy, đôi khi sự thờ ơ của anh chính là điểm thể hiện tính cách cực đoan của anh, chỉ có điều nó bộc lộ một cách âm ỉ.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button