Tên Tôi Là Đỏ

(5 đánh giá của khách hàng)

Từ câu chuyện trinh thám ly kỳ, Tên tôi là Đỏ đưa ra một cuộc đối thoại Đông – Tây, để rồi từ đó khai phá chân dung và vẻ đẹp tinh thần ẩn chứa dưới những bức thành Istanbul, những nét đặc sắc đã đưa người Ba Tư trở thành một huyền thoại mãi mãi của thế giới. Cũng từ đó, tác phẩm khai phá một triết lý sống với những chiêm nghiệm về tình yêu, nghệ thuật, sự sống và cái chết.

Danh mục:

Ẩn dấu bên trong bức màn bí ẩn, đầy lôi cuốn của câu chuyện trinh thám với những án mạng bi thảm, Tên tôi là Đỏ đã đưa độc giả trở về 4 thế kỷ trước, giữa thành Istanbul hoa lệ, khám phá chiều sâu tâm hồn của một dân tộc.

Câu chuyện bắt đầu vào mùa đông năm 1591, trong lễ kỷ niệm một ngàn năm Hegira, Hoàng đế Thổ ra lệnh cho Enishte – một nhà tiểu họa tài ba, thực hiện một cuốn sách ca ngợi đế quốc của mình, và phải được minh hoạ theo phong cách Venice, vốn là lối vẽ của phương Tây. Trong bối cảnh lịch sử, văn hóa của Thổ Nhĩ Kỳ thế kỷ XVI, đây là một điều bị ngăn cấm, ai thực hiện có thể sẽ gặp nguy hiểm. Nhận trọng trách từ Đức vua, Enishte bí mật giao cho những nhà tiểu họa bậc thầy: Zeytin, Zarif, Leylek, Kelebek, mỗi người một phần việc riêng để hoàn thành cuốn sách mà không một ai thấy được thành phẩm hoàn chỉnh.

Thế nhưng, cuốn sách chưa kịp làm xong thì những vụ án mạng đã xảy ra. Zarif – người thợ mạ vàng tài hoa bị giết chết thảm khốc và ném xác xuống giếng hoang. Sau đó, Enishte bị hạ sát ngay tại nhà bằng chiếc bình mực cổ. Kẻ sát nhân đã để lại những vết tích kỳ lạ trên cuốn sách dang dở. Bao mối hoài nghi được đặt ra, phải chăng mục đích giết người là sự đố kỵ nghề nghiệp, lòng ghen tuông tình ái… Bức màn bí ẩn chỉ thực sự hé mở vào cuổi tác phẩm. Người đi tìm lời giải mã là chàng Siyah và sư phụ Osman – một nhà tiểu họa già. Động lực tình yêu của Siyah với Shekure, con gái của Enishte, đã đưa chàng khá phá vụ án bí ẩn đó. Chính điều này khiến Tên tôi là Đỏ đa chiều hơn, phong phú hơn, đẹp đẽ hơn.

Từ câu chuyện trinh thám ly kỳ, Tên tôi là Đỏ đưa ra một cuộc đối thoại Đông – Tây, để rồi từ đó khai phá chân dung và vẻ đẹp tinh thần ẩn chứa dưới những bức thành Istanbul, những nét đặc sắc đã đưa người Ba Tư trở thành một huyền thoại mãi mãi của thế giới. Cũng từ đó, tác phẩm khai phá một triết lý sống với những chiêm nghiệm về tình yêu, nghệ thuật, sự sống và cái chết.

5 đánh giá cho Tên Tôi Là Đỏ

  1. Lê Hoàng Hưng

    Đây là một cuốn tiểu thuyết lịch sử nghệ thuật hội họa hồi giáo trong sự giằng xé ảnh hưởng của phương Đông và phương Tây. Lấy bối cảnh cuối thế kỷ 16 ở vương quốc hồi giáo Ottoman khi mà nghệ thuật hội họa trang trí hồi giáo bước vào giai đoạn suy tàn do những ảnh hưởng của nghệ thuật Phục Hưng Venice ở phương Tây. Đây cũng là tình trạng chung do đây là những thời kỳ đầu khi những người châu Âu đã bắt đầu đạt được nhiều thành tựu về kỹ thuật, học thuật và nghệ thuật hơn hẳn phần còn lại của thế giới, nó chấn dứt thời kỳ phát triển rực rỡ nghệ thuật hội họa trang trí trên khắp thế giới hồi giáo: Ả rập, Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ và vùng trung Á rộng lớn.
    Orhan Pamuk với sự hiểu biết sâu rộng về lịch sử hội họa, sự tỉ mỉ và tài năng vô song đã viết lên một cuốn tiểu thuyết xứng đáng với mọi lời ca tụng. Tôi tin ông là tiểu thuyết gia vĩ đại nhất ở thời điểm này.

  2. Nguyễn Thị Vy

    Lúc đầu đọc những lời giới thiệu mình đã nghĩ “Tên tôi là Đỏ” hẳn phải rất hấp dẫn và dễ đọc. Nhưng không hề, nó vô cùng khó đọc và khó hiểu, cũng như khó để người đọc kiên nhẫn đến tận cùng. Phần lớn là vì lượng kiến thức quá đồ sộ được tác giả đan cài vào từng chi tiết truyện. Phần mở đầu khá hấp dẫn vì tính logic của cốt truyện, những nhà tiểu họa thực hiện cuốn sách bí mật lần lượt bị giết hại, khiến người đọc tò mò. Nhưng ngay sau đó, tác giả làm người đọc choáng ngợp trước rất nhiều những phân tích sâu về triết học và nghệ thuật, làm mọi thứ trở nên mơ hồ không rõ ràng. Mình cảm tưởng truyện vụ án không còn được trú trọng, thay vào đó lại nói quá nhiều về những kiến thức chuyên sâu không phải ai cũng có thể hiểu.
    Thực sự để đọc được tác phẩm này cần có một vốn hiểu biết nhất định về triết, để có thể kết nối với những gì tác giả kể. Hoặc là cần đọc chậm từng chương, đọc kỹ mới thấy hết những tầng sâu ý nghĩa còn ẩn giấu.

  3. Muỗi Enko

    Không dễ dàng để đọc được cuốn sách này. Mở đầu cuốn sách là một vụ án mạng, ngẫm tưởng đây là tiểu thuyết trinh thám thông thường, nhưng bạn đã nhầm. Một cuốn sách với rất nhiều triết lý nhân sinh quan, về nghệ thuật, nhiều kiến thức văn hóa, mỹ thuật, đặc biệt là nền mỹ thuật Hồi giáo. Thông qua câu chuyện tưởng chừng về một vụ án mạng là tầng tầng lớp lớp ý nghĩa được đan xen. Là nỗi đau khi những lo toan của cuộc sống thường nhật đã làm mai mòn đi sáng tạo, tài năng và đam mê người nghệ sĩ; là nỗi đau khi nền văn hóa Hồi giáo đang dần bị những cái du nhập mới làm phai nhạt đi bản sắc riêng…

  4. Trần Tiên

    Truyện mở đầu bằng 1 vụ án mạng nhưng thực chất đây là 1 cuốn sách triết lý về nghệ thuật. Xuyên suốt cuốn sách là triết lý về 2 trường phái nghệ thuật phương Đông và phương Tây được tác giả đan cài khéo léo trong những đọan độc thoại, đối thoại, trong quá trình truy tìm hung thủ,… Truyện không có quá nhiều tình tiết nhưng vẫn đủ sức hấp dẫn. Mỗi nhân vật dù là chính hay phụ đều có đời sống riêng, mỗi chương sách là một câu chuyện nhỏ của từng nhân vật. Tuy nhiên, cuốn sách này có phần khó hiểu đối với những ai ít am hiểu về hội họa, về văn hóa, lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ. Điểm nhất lãng mạn làm cho truyện bớt nặng nề là chuyện tình của Shekure và Siyah. Tóm lại, đây là cuốn sách đáng đọc và suy ngẫm!

  5. Luong Le

    Tên tôi là đỏ – thật là một tên sách gây tò mò, cộng thêm là tác phẩm của tác giả đạt giải Nobel nên mình liền mua ngay lập tức. Cuốn sách vừa có yếu tố trinh thám- đi tìm kẻ sát nhân, vừa có yếu tố lịch sử- về những nhà tiểu họa Ottoman trong sự giằng xé giữa phong cách Đông –Tây. Điều mình thích nhất ở tác phẩm này mà mỗi nhân vật, đồ vật đều tự lên tiếng nói về bản thân, bào chữa cho mình như : Tôi là một cái cây, tôi là một con chó, tôi là thần chết, hay đơn giản một màu sắc lên tiếng tôi tên là đỏ,… Qua những phần tự bạch của các nhân vật mà ta dò xét, lần ra được kẻ sát nhân nhưng nói thật đến cuối cùng tôi vẫn đoán sai. Phần lịch sử chiếm ưu thế hơn vì đây chính là trọng tâm của toàn tác phẩm nói về một vấn đề quan trọng trong lịch sử hội họa thổ nhĩ kì nhưng nhờ cộng với yếu tố trinh thám đã giúp câu chuyện trở nên hấp dẫn, thu hút và tò mò hơn. Quả thật đây là một tác phẩm hoàn hảo, xứng đáng đạt Nobel!

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button