Sách nói về những điều trong cuộc sống hằng ngày tưởng chừng như hết sức đơn giản nhưng khi nhìn chúng dưới một khía cạnh khác thì nó lại hoàn toàn trở nên phức tạp và rất khó lý giải. Tác giả đã đưa ra những trường hợp cụ thể, nêu lân những quan điểm theo nhiều khía cạnh khác nhau để nhìn nhận một vấn đề. Để cho mọt người đọc cùng suy ngẫm và đặt mình vào trong những con người ở những vị trí khía cạnh đó để xem xét sự việc. Khi đọc xong mỗi người sẽ tự rút ra được những bài học khác nhau tùy vào cách cảm nhận và tiếp cận vấn đề của mỗi người.
Trong cuốn sách này, Michael J. Sandel đặt ra một trong những câu hỏi về đạo đức quan trọng nhất của thời đại chúng ta: Có vấn đề gì đang xảy ra với thế giới này khi mọi thứ đều có thể mua được bằng tiền? Làm sao chúng ta có thể ngăn các giá trị thị trường khỏi xâm nhập vào những lĩnh vực của đời sống vốn không bị chi phối bởi các giá trị thị trường? Đâu là giới hạn đạo đức của thị trường? Trong những thập niên gần đây, các giá trị thị trường ngày càng lấn át các chuẩn mực phi thị trường trong hầu hết các mặt đời sống.
Sandel lập luận rằng, nếu chúng ta không sớm nhận ra điều này, chúng ta sẽ biến từ có một nền kinh tế thị trường sang trở thành một nền kinh tế thị trường. Trong Phải trái đúng sai, Sandel đã cho thấy khả năng bậc thầy trong việc mô tả một cách sáng tỏ mà hùng hồn những vấn đề đạo đức hóc búa mà chúng ta phải đối mặt trong cuộc sống hàng ngày. Giờ đây, trong Tiền không mua được gì?, tác giả lại một lần nữa làm dấy lên cuộc tranh luận mà kỷ nguyên do thị trường định hướng của chúng ta chưa nghĩ tới, đó là: vai trò đích thực của thị trường trong một xã hội dân chủ là gì, và chúng ta phải làm gì để bảo vệ các giá trị đạo đức mà thị trường không coi trọng và tiền không thể mua được?
Đào Hưng –
Tiêu đề quyển sách có thể gây hiểu nhầm đối với những độc giả hiếu kỳ cũng như những người chỉ lướt quá. Có thứ gì mà tiền không thể mua được trên thế gian này chứ. Chương đầu dẫn nhập đem lại cho người đọc rất nhiều ví dụ về tiền có thể mua được gần như mọi thứ (từ quyền sinh con, quyền săn bắn tê giác, thậm chí mua được cả lá phiếu bầu cử…). Chương 2 tác giả giúp đưa ra 2 khái niệm đang còn nhiều tranh cãi hiện nay: “Tiền không mua được gì” và “Có thứ gì tiền mua được nhưng không nên mua” … Lối viết rõ ràng, cụ thể kèm theo chú thích chi tiết của tác giả giúp người đọc dễ dàng theo dõi. Một điểm nổi bật của quyển sách này với những quyển sách cũng loại đó chính là việc tác giả đưa ra từng luận điểm về từng vấn đề cụ thể và giải quyết ngay tại chỗ chứ không nợ hay né…
Minh Thư –
Tiền không mua được gì? Đừng hi vọng tác giả trả lời thẳng thắn cho bạn rằng đồng tiền thực sự không mua được gì. Triết lý là những gì bạn tự chiêm nghiệm được đi từ góc nhìn của tác giả đến góc nhìn của bạn. Đạo đức con người sẽ cho phép giới hạn của đồng tiền đi đến đâu. Cuốn sách này thật sự rất hay và cho ta nhiều kiến thức nhưng không phải đọc để giải trí , đọc để hiểu liền, để kể cho nhau nghe…mà đọc để suy nghĩ, góp nhặt thêm nhiều điều bổ ích cho trí tuệ mỗi người.
Anh Duy –
Một trong những biệt tài Michael Sandel là có thể biến những tranh luận cũng như những học thuyết triết học khô khan thành những câu chuyên hết sức “giật gân” kiểu Mĩ.
Sandel vẫn tiếp tục lối viết cũ . Nếu như bạn đã có dịp xem qua cuốn ” Phải trái đúng sai” . Thì Sandel vẫn “thả” người đọc vào thế lưỡng nan. Giưa 2 tình huống khó giải quyết. Ông không hề áp đặt một cách giải quyết nào khả dĩ cả mà buộc người đọc phải tự đưa ra nhận xét của mình dự vào “đạo đức” của mỗi người.
Một cuốn sách dễ đọc đối với hầu hết mọi người nhưng vẫn thực sự khó khăn với một số ít chưa đọc qua cuốn “Phải Trai Đúng Sai” của ông hoặc chưa có hình dung cụ thể nào về triết học (thuyết công lợi,…).
Một vấn đề nữa là tên cuốn sách là “What money can’t buy” nhưng lại được dịch với tựa đề khó hiểu “Tiền Không Mua Được Gì” đã biến cuốn sách theo một hướng hoàn toàn khác so với một tựa sách hoàn toàn theo hướng mở.
An Nhiên –
Trong một cuốn sách trước của tác giả Michael J. Sandel, cuốn “phải trái đúng sai”, tôi đã đọc, những cảm xúc đầu tiên của tôi về nó thật lạ lùng, tư duy của tôi được khai mở, tôi như kẻ cô độc trong chiếc bình đóng kín cho đến khi đọc nó, những gì cuốn sách mang lại là những góc nhìn dưới con mắt của đạo đức và kinh tế, rằng sự lên ngôi của đồng tiền luôn nằm trong những quy chuẩn đạo đức, ảnh hưởng của nó không thể đo lường bằng những công cụ mà bằng con mắt và trí tuệ của con người. Tôi tiếp tục tìm đọc những tác phẩm khác nhưng tạo thêm một ấn tượng mới đó là cuốn sách đồng tác giả, cuốn “Tiền không mua được gì?”, có những thứ người ta tìm cách gán cho nó một giá trị quy đổi, nhưng có những thứ khi gán cho nó một giá cả, nó dường như bị hạ thấp giá trị, và giá trị con người khi bị dán nhãn giá, con người không còn là chính mình, cuốn sách với tiêu đề triết lý nói lên điều tác giả muốn gửi gắm, đây thực sự là cuốn sách khiến nhân loại phải nhìn về những giá trị vĩnh hằng.
Khương Duy –
Cuốn sách này bàn về chuyện tiền bạc làm hủ bại nhiều giá trị tinh thần. Trong cuốn này, Sandel vẫn dùng phương pháp mà mọi người đã quen thuộc trong loạt bài giảng Justice: What’s the Right Thing to Do?: đưa ra vấn đề, sau đó đưa tiếp lập luận ủng hộ hoặc phản đối của người khác, và cuối cùng dùng lập luận chính mình để bẻ gãy lập luận trước.
Nói chung cuốn này đọc được, nhiều ví dụ thực tế nên đọc thấy gần gũi, thú vị, mà cũng nhờ nhiều ví dụ ngoài đời thực nên ta có thể thấy được thế giới lắm trò đến mức nào. Hơn nữa, đây là một cuốn dễ đọc cực kì, gần như chẳng có gì khiến người đọc (ở đây là tui) phải ngừng lại để băn khoăn này nọ, phải nói là dễ đọc hơn nhiều so với cuốn Justice kia (vốn đậm chất triết học hơn). Tuy nhiên, ý tưởng truyền tải trong sách lại quá sức ít ỏi. Toàn bộ cuốn sách dường như là một tập hợp các ví dụ được tác giả chọn lọc có chủ đích nhằm minh hoạ cho lập luận và ý tưởng của mình.
Tóm lại, nó chỉ đọc được, chớ không thoả mãn (ít nhứt là đối với tui).