Tôi Đúng, Bạn Sai – Giờ Thì Sao?

(5 đánh giá của khách hàng)

Đây là một quyến sách rất hay về cách xử lý những vấn đề trong giao tiếp đời thường và cả trong công việc. Điểm nổi bật của quyển sách này là ứng dụng linh hoạt mô hình LEAP trong nhiều tình huống thực tế. Không giống như nhiều quyển sách về kỹ năng khác thường nói về lý thuyết hoặc ví dụ không phù hợp với ngữ cảnh của văn hóa Á Đông như Việt Nam thì quyển sách được viết bới một tác giả phương Tây lại rất gần gũi. Điển hình như tình huống nói chuyện giữa cha và con trong việc lựa chọn trường đại học hay chuyện sinh viên nộp bài trễ cho giảng viên … thì cách giải quyết của tác giả rất hay.

Danh mục:

Giới thiệu

Có bao nhiêu lần bạn chiến thắng trong khi biết là mình đúng?

Trong rất nhiều tình huống của cuộc sống: trong gia đình, trường học, công sở và mọi nơi khác, chúng ta thường xuyên phải đối mặt với sự tranh luận. Vậy có bao nhiêu lần bạn chiến thắng trong khi biết là mình đúng?

Vấn đề là ở chỗ người kia cũng nghĩ rằng họ đúng còn bạn mới là người quá ngoan cố không chịu thừa nhận. Đến giờ bạn đã làm gì để có thể khiến đối phương cùng nhìn nhận mọi việc theo cách của bạn? Tranh luận một cách lý trí? Cố gắng làm cho người kia thấy có lỗi? Giận dỗi? La hét? Đe dọa? Có ích gì không? Bạn có được điều mình muốn không? Và quan trọng hơn – bạn có được điều bạn thực sự cần không?”

Với Tôi đúng, bạn sai, giờ thì sao? Tiến sĩ Amador đã cho độc giả những tình huống cụ thể, những lời khuyên về cách giao tiếp, cách lắng nghe và giải quyết những bế tắc. Ông phải mất đến hơn mười năm mới nghĩ ra được một phương pháp tin cậy cho mọi bế tắc, một bản đồ chỉ dẫn đường đi nước bước cho gần như mọi bất đồng thực sự tồn tại trong các mối quan hệ giữa con người với con người – đó là Lắng nghe – Đồng cảm – Đồng ý – Phối hợp, hay LEAP (Listen – Empathy – Agree – Partner).

LEAP không đơn thuần chỉ là một phương pháp giải quyết mâu thuẫn. Nó là tổng thể những nguyên tắc tâm lý cơ bản và kỹ năng cụ thể đã được nghiên cứu cẩn thận giúp bạn trở thành người chiến thắng trong cuộc tranh luận mà vẫn giữ được mối quan hệ tốt đẹp của bạn.

Đọc thử

Nghi ngờ không phải là một trạng thái dễ chịu, nhưng đinh ninh chắc chắn thì thật là lố bịch.

– Voltaire

Tôi có một người hàng xóm rất hay có ý kiến, đa phần là tiêu cực, về việc phát triển mối quan hệ láng giềng. Con đường ngoại ô nơi chúng tôi ở khá vắng vẻ nên tôi hay cho chú chó nhỏ Carli đi dạo mà không mang theo dây xích. Ông anh họ đến nhà tôi chơi dắt Carli đi và chạm trán người hàng xóm nọ – chúng tôi gọi bà là bà Kravitz – bà hét ầm lên: “Phải xích con chó này lại chứ!” và rồi bà nhắc đứa cháu nhỏ của bà phải “tránh xa con chó này ra nếu không nó cắn đấy!” Khi ông anh thuật lại chuyện này, tôi giận tím người. Carli chưa bao giờ cư xử như thế và tôi định gõ cửa nhà bà Kravitz để nói chuyện cho ra nhẽ.

Tôi phải giải thích một chút về Carli. Khi được tôi nhận nuôi thì Carli đang bị lạc, lang thang trên đường phố New York. Suốt bao nhiêu năm qua, nó đã liếm những giọt nước mắt của tôi khi những người thân yêu qua đời, quẩn quanh từng bước chân tôi khi tôi ở nhà, vật nhau đùa vui với lũ trẻ nhà tôi. Trước khi nuôi Carli, tôi không thể hiểu nổi vì sao người ta có thể yêu thương con chó của mình gần bằng những đứa con, nhưng giờ thì tôi đã hiểu.

Tuy nhiên, ông anh họ của tôi lại không cho rằng việc tôi định sang nhà hàng xóm để nói chuyện là một ý kiến hay. “Để làm gì chứ?”, ông ấy hỏi tôi. Tôi nghĩ một lúc và nhận ra rằng sẽ chỉ có một mục đích duy nhất là nói với Kravitz rằng bà đã nhầm lẫn chết người! Thực tế tôi chỉ cần trút được cơn giận đang bốc hỏa trong mình thôi. Tôi chẳng cần thay đổi suy nghĩ của người hàng xóm và cũng chẳng cần bà ấy cho phép mới được quyền dắt chó đi dạo không cần dây xích. Nếu tôi nói với bà ấy mà chẳng có mục đích nào khác ngoài để trút giận thì chỉ tổ đổ thêm dầu vào lửa. Tôi sẽ nói đại loại như: “Sao bà dám đặt điều trắng trợn như thế về Carli! Bà đã biết nó bảy năm nay và bà không thể moi ra được tên của bất kỳ người nào bị nó cắn. Bà bị cái quái gì vậy?” Thay vào đó, tôi bỏ qua lời buộc tội, tránh xa bà ta và cho qua chuyện này. Tôi biết là tôi đúng và bà ta sai, và tôi có thể làm mọi chuyện rành rẽ như thế. Tôi cũng biết rằng không phải mọi bất đồng đều dẫn đến tranh cãi, và không phải mọi cuộc tranh cãi đều lâm vào bế tắc. Một số bất đồng thuộc dạng “đừng bới rác ra mà ngửi”. Có ngõ cụt, nhưng sẽ chẳng được gì nếu cứ cố phá vỡ nó.

Những cuộc tranh luận lành mạnh

Tuy nhiên, không như chuyện với bà Kravitz, rất nhiều bất đồng khác đòi hỏi được giải quyết triệt để vì có những điều cần hoàn thành, hoặc có những quyết định cần được thực hiện. Chúng ta không thể bỏ qua chúng. Giả sử các cuộc tranh luận đều lành mạnh (nghĩa là hai bên có niềm tin, họ lắng nghe và tôn trọng đối phương), thì chúng không bao giờ kết thúc trong bế tắc. Nếu như thế, bế tắc này cũng sẽ không tồn tại lâu dài và không làm hại mối quan hệ. Chúng ta hãy cùng xem một ví dụ.

Tôi đã từng có bất đồng với một đồng nghiệp, một giảng viên dự bị ở Đại học Columbia về việc có nên cho một nghiên cứu sinh đang phân tích dữ liệu phục vụ cho luận văn của mình được phép nhờ tư vấn từ một chuyên viên thống kê hay không. Tôi gọi anh bạn đồng nghiệp này là Giáo sư David Holt. Giáo sư Holt là chuyên gia trong lĩnh vực thống kê còn tôi thì mù tịt. Thực tế là hơn hai mươi năm qua, khi tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Tâm lý học ở Đại học New York, giám đốc chương trình đã bảo rằng tôi thực sự là người khác biệt nhờ có điểm toán tệ hại nhất trong suốt lịch sử ba mươi năm tồn tại của chương trình này! Tôi cũng có chút an ủi vì tin rằng thực ra, ông ấy đang ngầm khen những tài năng khác của tôi đã vượt trội để bù đắp được hạn chế này. Nhưng sự thật đơn giản là tôi luôn gặp khó khăn với môn toán.

Trong suốt buổi gặp với nghiên cứu sinh Mary, cô ấy xin chúng tôi được phép thuê một chuyên viên thống kê để giúp cô những phần tính toán phức tạp. Vì bản thân tôi cũng nhờ những người tư vấn thế này nên tôi đồng ý ngay lập lức và hỏi cô định nhờ ai. Cô chuẩn bị trả lời thì Giáo sư Holt vào cuộc.

“Từ từ đã, Mary,” ông nói. “Tôi chưa nói là đồng ý để em thuê ai đó làm việc này.”

“Có vấn đề gì à?” Tôi hỏi.

“Đúng vậy. Một nghiên cứu sinh không nên thuê ai đó giúp hoàn thành luận án tiến sỹ của mình. Như thế không phải lẽ. Anh không nên gợi ý một việc như vậy.”

Mary nhìn tôi lo lắng, hiển nhiên nghĩ rằng tôi đã bị xúc phạm vì những lời buộc tội rằng tôi đã bảo cô ấy làm những việc không phải lẽ. Nhưng tôi đã biết David từ lâu và không cảm thấy tổn thương hay phải đề phòng gì vì chúng tôi tin tưởng lẫn nhau. Tuy nhiên, tôi đã mắc bẫy trong tinh thần thoải mái của một cuộc tranh luận khoa học.

“Anh nghĩ việc cô ấy có một chuyên viên thống kê thực hiện các phân tích và viết kết quả cho cô là một dạng đạo văn à?”, tôi hỏi, kiểm chứng lại những gì tôi hiểu.

“Tất nhiên là vậy.”

“Tôi nghĩ là mình phải đồng ý với anh thôi”, tôi nói.

Mỉm cười láu lỉnh vì biết là tôi đang bày một cái bẫy, David nói: “Vậy là chúng ta nhất trí. Mary sẽ không nhờ chuyên viên thống kê.”

Mary có vẻ chưng hửng, vậy là tôi nhảy ngay vào cuộc. “Ông ấy đùa đấy. Chúng tôi đã bàn bạc xong đâu. Giáo sư Holt này,” tôi tiếp tục, sử dụng chức danh của ông để bắt đầu cuộc tranh luận nghiêm túc: “Anh có hình dung được tình huống nào thích hợp cho một nhà nghiên cứu thuê một chuyên viên thống kê phân tích không?”

Ông mỉm cười và đáp: “Anh đã thuê tôi làm cùng anh trong nghiên cứu cho Viện sức khỏe Quốc gia. Tôi không thấy có gì là trái đạo đức ở đây cả vì tôi được in trên báo là đồng tác giả của nghiên cứu này mà.”

“Vậy thì có gì khác biệt?”

“Mary là tác giả duy nhất của luận án. Chuyên viên thống kê mà anh khuyên cô ấy thuê sẽ không phải là đồng tác giả, mà người đó sẽ viết một chút trong luận án để mô tả lại các tính toán. Đó chính là điểm khác biệt.”

“Có lẽ chúng ta bỏ ý tưởng này thôi ạ,” Mary ngắt lời chúng tôi, lo lắng vì không biết chuyện này sẽ đi tới đâu.

“Cứ bình tĩnh đã,” tôi trấn an cô và quay lại với David:

“Không phải anh đã giúp Mary tính toán những phần cuối à?”

“Đúng, tôi làm.”

“Ai ngồi ở bàn phím máy tính? Ai thiết kế các mẫu và thực hiện phân tích?”

“Tôi làm. Tôi biết là anh định nói gì, Xavier, nhưng chuyện này khác.”

“Vì sao?”

“Vì mọi bước thực hiện tôi đều dạy lại cho Mary, giải thích những gì chúng tôi cần làm và vì sao, sau đó – quan trọng nhất, tôi phải nói rõ, tôi yêu cầu cô giải thích lại điều đó cho tôi xem cô đã hiểu chưa.”

“Và đó chính xác là lý do vì sao chúng ta nên để một chuyên viên thống kê cáng đáng những việc này. Nếu Mary không thể tự giải thích với chúng ta những gì cô ấy đã làm và vì sao, thì tôi nghĩ là chúng ta có vấn đề đấy.”

“Thế còn phần viết thực tế thì sao?” David hỏi, định bắt đầu một hiệp đấu mới.

“Bảng kết quả của các tính toán – anh đã đưa cho cô ấy rồi chứ?”

“Tôi đã đưa các kết quả thô, nhưng cô ấy phải kết hợp các bảng lại với nhau và chắc chắn là tôi không viết một dòng nào trong phần kết quả của cô ấy.”

“Vậy thì đó chính là cách chúng ta để chuyên viên thống kê làm việc cho cô ấy, không được sao?”

“Tôi hiểu ý của anh rồi,” David xuống nước. Và rồi, ông mỉm cười với Mary và nói: “Được rồi, em có thể để tôi giúp, đó sẽ là mâu thuẫn đấy nhưng có thể tôi sẽ tiết kiệm được cho em một ít tiền và chúng ta có thể xem xét các tính toán này cùng nhau.”

Đó là cách Mary có được sự giúp đỡ mà cô ấy cần – hoàn toàn miễn phí. Tôi có được sự thỏa mãn vì đã thuyết phục được đồng nghiệp chấp nhận đề nghị của tôi, và giáo sư Holt tiếp tục tư vấn cho Mary. Tại sao bất đồng ban đầu của chúng tôi lại biến thành một cuộc tranh luận thân thiện và kết thúc tốt đẹp cho tất cả những bên liên quan? Bởi vì nó là một cuộc tranh luận lành mạnh. Chúng tôi tranh luận với sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Nhưng không phải tin tưởng chung chung; chúng tôi thể hiện sự tin tưởng cụ thể, đó là điều tiên quyết đảm bảo cho một cuộc tranh luận kết thúc tốt đẹp. Cả hai chúng tôi đều tin rằng, đầu tiên và trước nhất, chúng tôi sẽ được lắng nghe. Thứ hai, chúng tôi tin rằng đây không phải là công kích cá nhân, chúng ta thường gọi thế, hoặc bất đồng theo những cách khác. Thứ ba, và là điều quan trọng nhất, mỗi chúng tôi đều tin rằng chúng tôi được đối phương nếu không yêu mến thì cũng là quý trọng. David và tôi đều quý nhau thậm chí còn phát triển mối quan hệ này theo chiều hướng một loại tình yêu. Có thể lúc này bạn sẽ thấy khó mà chấp nhận được niềm tin ở dạng sau cùng đó và bạn sẽ phản đối đôi chút. Đó là dạng cảm xúc hơi nhạy cảm! – nhưng đến cuối cuốn sách, bạn sẽ có một ý niệm rõ ràng hơn về khái niệm tình yêu trong tình huống này của tôi và tại sao tôi lại nghĩ đó là kim chỉ nam cho mọi cuộc tranh luận. Khi bạn cảm thấy được tôn trọng, tin tưởng, quý mến và yêu thương, bạn sẽ trở nên cởi mở, ham hiểu biết, linh hoạt và sẵn sàng chia sẻ. Và khi bạn chia sẻ những điều này với tất cả sự chân thành của mình, bạn cũng sẽ nhận lại được đúng những điều tốt đẹp ấy. Khi ấy, chẳng có bế tắc nào là không thể giải quyết.

Khi bạn cảm thấy được tôn trọng, tin tưởng, quý mến và yêu thương, bạn sẽ cởi mở, ham hiểu biết, linh hoạt và sẵn sàng chia sẻ. Và khi bạn chia sẻ những điều này với tất cả sự chân thành của mình, bạn cũng sẽ nhận lại được đúng những điều tốt đẹp ấy. Khi ấy, chẳng có bế tắc nào là không thể giải quyết.

Tôi tham gia các cuộc tranh luận suốt ngày. Bạn cũng vậy. Luật sư nổi tiếng Gerry Spence đã viết trong cuốn sách bán chạy nhất của mình Làm cách nào để tranh luận và luôn chiến thắng rằng “Mọi người đều có nhu cầu tranh luận. Mọi người đều tranh luận. Mọi người đều cần làm thế… Chúng ta phải tranh luận – để giúp đỡ, để cảnh báo, để yêu thương, để sáng tạo, để học hỏi, để tận hưởng sự công bằng – để sống.” Vì hoàn toàn đồng ý với ông nên tôi tích cực làm theo lời khuyên đó. Spence đã chỉ ra cho độc giả thấy cách để chiến thắng những cuộc tranh luận lành mạnh như tôi đã miêu tả trong cuộc tranh luận của mình ở trên. Thực tế, trong phòng xử án – tôi tham gia khá nhiều vụ xử với tư cách là tư vấn pháp lý – có những điều luật được đặt ra để đảm bảo rằng những bên tham gia cãi đều lắng nghe đối phương (trong một thời điểm, chỉ một người được phép nói và từng câu từng chữ đều được ghi âm lại), đều cư xử tôn trọng và không được thóa mạ đối phương. Những cuộc tranh luận này vẫn trở nên độc hại, nhưng hiếm hơn rất nhiều so với bên ngoài phòng xử án, trong cuộc sống thường nhật. Và khi một người làm như vậy, thẩm phán sẽ ngừng phiên tòa và gọi các bên vi phạm vào khu vực dự bị để khiển trách họ.

Dù sao, trong các tình huống bình thường, bạn cũng không có một vị thẩm phán giúp bạn thay đổi cục diện khi cuộc tranh luận chệch hướng. Và bạn cũng chẳng cần đến một vị thẩm phán, vì với LEAP, bạn sẽ có công cụ cần thiết để thổi một luồng không khí lành mạnh vào cuộc tranh luận độc hại, đã bế tắc và phá hoại quan hệ của bạn. Nhưng trước khi có thể sử dụng những công cụ này, bạn phải biết làm cách nào để nhận ra tình huống bạn cần đến chúng. Bạn sử dụng chúng càng sớm thì mối quan hệ của bạn càng ít bị tổn hại và bế tắc của bạn càng sớm được giải quyết.

Trích dẫn

Đang cập nhật..

Thể loại

10 quyển sách hay về giải quyết vấn đề đầy hiệu quả và khoa học - Bạn đang phân vân không biết nên lựa chọn gì giữa hai phương án? Bạn không biết nên nên hành động như thế nào để đạt được mục đích sắp đến hay , mục tiêu đời mình? 10 quyển sách hay về giải quyết vấn đề sẽ hướng dẫn cho bạn từng bước rất cụ… Đọc thêm

Nơi bán

 

Nhận hàng ngay chỉ trong vài giờ với gói TIKINOW tại TP.HCM, HN, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy

Tới nơi bán

 

FREESHIP cho đơn hàng từ 140k tại TP.HCM và Hà Nội, từ 250k tại các tỉnh thành khác, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy.

Tới nơi bán

5 đánh giá cho Tôi Đúng, Bạn Sai – Giờ Thì Sao?

  1. Cao Hạnh

    Một cuốn sách đáng giá. Trong cuộc sống luôn đầy những mâu thuẫn, từ gia đình đến công việc, những mâu thuẫn đó khiến ta mất bình tĩnh, không thì ta lãng tránh nó. Cả 2 cách giải quyết đó đều không giúp ích được gi. Cuốn sách đã chỉ cho tôi hướng giải quyết vấn đề được tốt hơn, làm tôi thấy tranh cãi không phải là cái gì xấu mà tranh cãi còn giúp chúng ta hiểu về nhau hơn. Tôi rất thích cách tác giả diễn giải vấn đề và đưa ra những lý do để thuyết phục đối phương – nhẹ nhàng, mềm mỏng nhưng không kém phần cứng rắn.

  2. Ha Phuong

    Tuy mình chưa đọc cuốn sách này nhưng nhìn thấy cái bìa thôi là mình đã thấy thích rồi, nó khiến mình rất tò mò-Tôi đúng, Bạn sai giờ thì sao?
    Thật sự trong cuộc sống những vấn đề tranh luận là một chuyện rất bình thường xuất hiện mọi nơi từ gia đình đến nơi học tập nơi làm việc. Theo mình nghĩ tranh luận là tốt, bởi nó không những giúp mình hoàn thiện bản thân hơn mà còn giúp xã hội tiến bộ hơn. Nhưng đừng quá gay gắt ăn thua quá vào việc tranh luận, nó sẽ làm tổn hại đến tình cảm gia đình cũng như đồng nghiệp rất nhiều. Bởi vậy mình thấy cuốn sách này rất thích hợp cho tất cả mọi người. Nó sẽ giúp bạn trở thành một người biết điểm dừng, biết những lợi hại của việc quá bảo thủ ý kiến của mình….Một cuốn sách hay

  3. Nga Mul

    Đúng là rất khó để giữ đúng tính chất là một cuộc tranh luận. Có nhiều người nóng tính vội vàng, dễ dàng kết luận ngay ý của mình là đúng, còn người khác là hoàn toàn sai. Lại có những người nhu nhược mà sẵn sàng chấp nhận mình sai, ngay khi nghe ý khiến người khác đã lung lay lập trường. Khi phải tranh luận với những người như vậy, bạn sẽ làm gì? Bạn cũng sẽ cư xử như người ta, tự rút lui để vẫn đề chưa được giải quyết xác đáng hay cũng la hét, chửi bới cả những vấn đề không liên quan để dẫn đến kết cục là cả hai bên cùng bị tổn thương chăng? Vậy có lẽ bạn nên thử nghiên cứu về khái niệm “LEAP”. Bạn không thể là người nói tốt khi chưa là người lắng nghe tốt – bước đầu là lắng nghe, sau đó đặt mình vào vị trí của người đối diện, tại sao họ lại nghĩ vậy, chọn ra những điểm ta đồng ý trong ý kiến của họ, và cùng phối hợp để giải quyết vấn đề. Tác giả Amador đã đưa ra 4 bước hoàn hảo để cứu vớt bất kì cuộc tranh luận đáng sợ nào. LEAP nên được ghi nhớ như một trong những kĩ năng cần thiết nhất cho bất kì ai để bước vào cuộc sống.

  4. Phạm Thành Trung

    Ngay từ cái tên của cuốn sách này đã gợi cho mình rất nhiều sự tò mò và háo hức. Và chỉ khi đọc nó, mình mới thấy hết được sức hấp dẫn tuyệt vời mà tác giả đem đến trong cuốn sách này. Những bài học được đưa ra bàn luận một cách trực diện, giúp người đọc có cái nhìn đúng đắn nhất. Những phân tích sâu sắc đào sâu vào những vấn đề chúng ta quan tâm trong những mối quan hệ hàng ngày. Khái niệm “LEAP” giờ đây không còn là quá xa lạ, mà nó trở thành một kỹ năng quan trọng mà một khi nắm bắt được, con người sẽ giúp cuộc sống, công việc của mình trở nên thú vị và hào hứng hơn rất nhiều.
    Cuốn sách chính là chìa khóa của thành công và hạnh phúc.

  5. Mạc Trọng Tín

    Tôi đúng, bạn sai, giờ thì sao? Ấn tượng với tựa đề của quyển sách khiến mình tò mò tìm mua quyển sách này. Khi tranh luận thì ai cũng có lý để biện hộ cho lời nói của mình. Nhưng lời nói cũng cần phải có dẫn chứng cụ thể thì mới mang tính thuyết phục cao. Qua quyền sách này tác giả muốn đưa ra những kỹ thuật tinh xảo khi tranh luận. Đây là quyển cẩm nang sống cho những ai mới biết đến nghệ thuật hùng biện. Mình đã học hỏi rất nhiều kiến thức từ cuốn sách này và áp dụng thành công.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button