Tôi Tư Duy Tôi Thành Đạt

(6 đánh giá của khách hàng)

Cuốn sách này tuy mỏng nhưng giá thành hơi cao. Nhưng đó chỉ là hình thức bên ngoài, còn bên trong nó mới có giá trị. Cuốn sách hướng chúng ta đến 11 lối tư duy cần có trong cuộc sống để hướng đến sự thành đạt. Mỗi người đều có cách riêng để đi đến những thành công trong cuộc sống. Nhưng đa phần chúng ta đều có chung lối suy nghĩ, chỉ khác cách tư duy. Vì vậy cuốn sách này rất hữu ích cho những ai muốn tìm kiếm sự thành đạt hay đơn giản chỉ là muốn mình biết cách tư duy khéo léo hơn trong cuộc sống.

Danh mục:

Giới thiệu

Những người tư duy tốt luôn luôn có rất nhiều mong muốn và đòi hỏi. Những người biết đặt câu hỏi “làm thế nào” luôn tìm được một công việc hợp lý, còn những người biết đặt câu hỏi “tại sao” thì luôn luôn trở thành những nhà lãnh đạo. Những người có tư duy tốt có thể giải quyết các vấn đề một cách hiệu quả, họ luôn luôn dồi dào ý tưởng và luôn hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.

Và mặc dù mỗi người vươn tới thành công theo những cách khác nhau nhưng ta đều nhận ra rằng họ có một điểm chung: Đó là cách mà họ suy nghĩ! Đây cũng là điểm duy nhất phân biệt những người thành công và những người không thành công. Điều này cũng thật may mắn với chúng ta vì cách tư duy của những người thành công có thể được tiếp thu và học hỏi. Nếu bạn thay đổi suy nghĩ, cuộc sống của bạn cũng sẽ đổi thay!

Trong cuốn sách này, bạn sẽ học được tất cả những “mảnh ghép” tư duy cần thiết để có thể trở thành người có tư duy tốt. Những mảnh ghép đó bao gồm 11 kĩ năng sau đây:

– Thấy được sự thông thái của tư duy nhìn xa trông rộng
– Giải phóng tiềm năng của tư duy tập trung
– Khám phá sự thú vị của tư duy sáng tạo
– Nhận biết tầm quan trọng của tư duy thực tế
– Giải phóng năng lực của tư duy chiến lược
– Cảm nhận năng lượng của tư duy triển vọng
– Nắm bắt những bài học từ tư duy phản chiếu
– Đặt câu hỏi trước sự tồn tại của tư duy số đông
– Khuyến khích sự có mặt của tư duy chia sẻ
– Trải nghiệm sự sảng khoái của tư duy phóng khoáng
– Đón mừng sự trở lại của tư duy mấu chốt.

Khi bạn đọc đến những chương viết về mỗi kiểu tư duy, bạn sẽ phát hiện ra rằng, chúng không dạy bạn suy nghĩ về cái gì; chúng dạy bạn cách suy nghĩ. Khi đến với mỗi kĩ năng, bạn sẽ thấy có kĩ năng bạn làm tốt, có kĩ năng bạn làm chưa tốt. Hãy phát triển dần dần từng kĩ năng một và bạn sẽ trở thành một người có tư duy tốt. Bạn có khả năng làm chủ tất cả những kĩ năng nào mà bạn có thể – bao gồm cả quá trình chia sẽ ý tưởng giúp bạn khắc phục điểm yếu – và cuộc sống của bạn sẽ đổi thay.

Đọc thử

1. GẶT HÁI TỪ TƯ DUY NHÌN XA TRÔNG RỘNG

“Khi nói đến thành công, người ta không thể được đo đếm bởi chiều cao, cân nặng, bằng cấp hay lý lịch gia đình, họ được đo bằng thước đo chiều sâu của tư duy. ” – David Schwartz

Tư duy nhìn xa trông rộng có thể có lợi đối với tất cả mọi người từ mọi ngành nghề khác nhau. Khi một người nào đó như Jack Welch nói với một nhân viên của General Electric rằng quan hệ lâu dài với khách hàng quan trọng hơn doanh số của một mặt hàng nào đó, nghĩa là ông đang nhắc nhân viên đó về tư duy nhìn xa trông rộng. Khi cha mẹ nhận được thông tin về sự đình trệ trong học tập, bảng điểm thấp hoặc có hành vi gây lộn của con mình, có một người an ủi người kia rằng sự bê trễ này chỉ là do những lý do nhất thời, tức là họ có được lợi ích từ tư duy nhìn xa trông rộng. Nhà kinh doanh bất động sản Donald Trump nhận xét: “Đằng nào bạn cũng phải tư duy, vậy tại sao không tư duy một cách tổng hợp hơn?”. Tư duy nhìn xa trông rộng mang đến sự toàn vẹn và dày dặn trong suy nghĩ của mỗi người. Nó đem đến những cách nhìn khác nhau về một sự vật, sự việc. Nó giống như việc bạn nối khung của một bức tranh cho rộng hơn, quá trình đó không chỉ mở rộng những gì bạn có thể nhìn thấy mà còn mở rộng những gì bạn có thể làm được dù có nhìn thấy hay không.

Dành thời gian với những người có tư duy nhìn xa trông rộng và bạn sẽ thấy rằng họ:

Học hỏi không ngừng

Những người có tư duy nhìn xa trông rộng không bao giờ hài lòng với những gì họ có. Họ luôn luôn tìm kiếm những cái mới, đọc những cuốn sách mới, gặp những người mới và học những kĩ năng mới. Vì vậy, họ có thể kết nối những thứ không thể kết nối. Họ là những học giả suốt đời.

Để giúp mình giữ được thái độ ham học hỏi, tôi thường dành một vài phút mỗi sáng nghĩ về những cơ hội học tập của ngày hôm đó. Khi tôi kiểm tra lại lịch và danh sách những việc cần làm – biết về những người tôi sẽ gặp, những cuốn sách tôi sẽ đọc, những buổi họp tôi sẽ tham dự – tôi ghi chép lại những nơi có khả năng mình sẽ học hỏi được điều gì đó. Sau đó tự đưa ra những lời gợi ý cho mình về những gì có thể giúp tôi sẵn sàng đón nhận được nhiều kiến thức hơn trong những tình huống đó. Nếu bạn muốn học hỏi, tôi khuyên bạn hãy kiểm tra lịch của mình trong ngày và tìm kiếm những cơ hội để học hỏi.

Lắng nghe nhiệt thành

Một cách tuyệt vời để trải rộng vốn sống của bạn là lắng nghe những người hiểu biết nói về một lĩnh vực mới đối với bạn. Tôi cũng tìm kiếm những cơ hội như vậy. Có lần, tôi được dịp nói chuyện với khoảng 900 huấn luyện viên và cầu thủ của giải Senior Bowl, nơi mà những cầu thủ bóng bầu dục tốt nghiệp sẽ chơi trận đấu cuối cùng của mình ở trường đại học. Tôi, cùng với con rể của mình, đã có cơ hội được ăn tối cùng với huấn luyện viên trưởng Dave Wannstedt và Butch Davis. Đây là một cơ hội hiếm có, vì vậy tôi hỏi họ rất nhiều câu hỏi về tinh thần đồng đội và lắng nghe kĩ càng. Đến khuya, khi tôi về nhà, Steve hỏi: “Bố ơi, con nghĩ rằng bố đã hỏi những huấn luyện viên này phải đến hàng trăm câu hỏi vào buổi tối hôm nay”.

“Bố tiếp tục trưởng thành nếu bố hỏi được nhiều hơn”, tôi trả lời và nói tiếp: “Bố đã biết những câu hỏi mà mình nên hỏi và biết cách áp dụng những câu trả lời cho những câu hỏi đó vào thực tiễn. Lắng nghe đã dạy bố nhiều điều hơn nhiều so với nói”.

Khi bạn gặp mọi người, sẽ rất tốt nếu bạn có những đề mục và chương trình để học hỏi. Việc cộng tác với những người biết những thứ mà bạn không biết sẽ rất tuyệt vời. Những người có tư duy nhìn xa trông rộng có thể không biết đến nhiều thứ khác nhưng họ thường xuyên đặt ra những câu hỏi để mở rộng vốn kiến thức và hiểu biết xã hội của mình. Nếu bạn muốn trở thành một người có tư duy nhìn xa trông rộng, hãy trở thành một thính giả tốt.

Có tầm nhìn bao quát

Nhà văn Henry David Thoreau1 đã viết: “Đôi khi có những đồ vật không được nhìn thấy dù nó đã lọt vào tầm mắt của chúng ta nhưng nó không lọt được vào tầm suy nghĩ của chúng ta”. Mọi người thường hay suy nghĩ một cách bản năng về lợi ích riêng của mình và đặt suy nghĩ đó lên hàng đầu. Chẳng hạn khi họ tham gia một cuộc hội thảo về lãnh đạo tổ chức ở công ty chúng tôi, họ muốn biết họ sẽ đỗ xe ở đâu, họ có thể có chỗ ngồi tốt và thoải mái không, liệu người thuyết trình có đáp ứng được nhu cầu của họ không và những giờ nghỉ giải lao có được bố trí phù hợp không. Cùng một cuộc hội thảo, tôi muốn biết ánh sáng và âm thanh có tốt và hoạt động hiệu quả không, liệu bục thuyết trình có gần với người nghe để có một buổi thảo luận thành công không… Việc nhận thức mình là ai sẽ ảnh hưởng đến cách nhìn nhận và cách suy nghĩ của bạn.

Những người có tư duy nhìn xa trông rộng nhận biết được rằng thế giới không chỉ là của họ, vì vậy họ biết đặt cái tôi của mình sang một bên và nhìn nhận thế giới của mọi người bằng chình con mắt của những người đó. Sẽ rất khó để có thể nhìn được bức tranh nếu nó vẫn ở trong khung và chưa được treo lên. Để biết mọi người nhìn thấy gì, bạn phải biết họ nghĩ gì. Trở thành một người lắng nghe tốt sẽ giúp bạn làm được điều này. Cần thoát ra khỏi mình và nhìn thế giới ở góc độ tư duy của những người khác.

Sống toàn vẹn

Nhà văn nổi tiếng thời kỳ Phục Hưng Pháp Michel Eyquem de Montaigne đã viết: “Giá trị của cuộc đời không nằm ở số ngày mà bạn có thể sống, nhưng nằm ở cách chúng ta sử dụng nó, một người có thể có tuổi thọ rất cao nhưng thực ra lại sống rất ít”. Sự thật là bạn có thể dành nhiều thời gian trong cuộc đời làm bất cứ thứ gì bạn muốn, nhưng hãy nhớ bạn chỉ có một cuộc đời. Trở thành một người có tư duy nhìn xa trông rộng sẽ giúp bạn sống một cuộc đời trọn vẹn, tuyệt vời. Những người có tư duy tốt biết làm giàu những trải nghiệm để làm phong phú thế giới của chính mình. Vì vậy, họ đạt được nhiều thành tựu hơn những người có tư duy hạn hẹp. Và họ cũng ít gặp phải những trải nghiệm xấu hơn, bởi họ có thể nhìn nhận sự việc ở nhiều góc cạnh và phân tích những yếu tố cáu thành sự việc ở nhiều mặt: con người, những vấn đề, các mối quan hệ, thời gian và giá trị. Vì vậy họ cũng thường rất khoan dung cả trong hệ tư tưởng lẫn cách ứng xử đối với người khác.

TẠI SAO BẠN NÊN LĨNH HỘI TIỀM NĂNG CỦA TƯ DUY NHÌN XA TRÔNG RỘNG?

Có thể, bạn đã nhận ra được tầm quan trọng của tư duy nhìn xa trông rộng. Rất ít người muốn mình có một tư duy hẹp, nông cạn. Không một ai từ khi sinh ra đã có tư duy như vậy cả. Nhưng nếu bạn vẫn chưa thực sự “bị” thuyết phục, hãy xem xét những lý do cụ thể về việc tại sao bạn nên có một tư duy nhìn xa trông rộng sau đây:

1. Tư duy nhìn xa trông rộng giúp bạn có khả năng lãnh đạo

Có thể thấy rằng có rất nhiều người có tư duy nhìn xa trông rộng không phải là lãnh đạo, nhưng bạn sẽ tìm thấy rất ít những nhà lãnh đạo không có tư duy nhìn xa trông rộng. Những nhà lãnh đạo phải làm rất nhiều việc quan trọng cho cấp dưới của mình như:

• Nhìn nhận sự việc trước cấp dưới của mình. Họ cần phải có tầm nhìn rộng hơn. Việc này giúp họ…

• Ước lượng tình hình và tổng hợp cũng như xem xét tất cả các yếu tố. Những người lãnh đạo có thể nhìn được bức tranh toàn cảnh tổng hợp cả những cơ hội và các vấn đề để tạo nên tiền đề cho tầm nhìn. Một khi nhà lãnh đạo đã làm được việc này, họ có thể…

• Phác họa đường đi cho cấp dưới của mình bao gồm cả những nguy cơ và trở ngại tiềm tàng. Mục tiêu của nhà lãnh đạo không chỉ dừng lại ở việc tạo cho cấp dưới có được những cảm xúc tốt đẹp mà còn làm cho chính họ trở nên tốt đẹp hơn và luôn luôn theo đuổi những ước mơ của mình. Tầm nhìn, nếu sử dụng đúng cách sẽ…

Chỉ dẫn cách kết nối tương lai với quá khứ để giúp cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn. Khi người lãnh đạo nhận biết được sự cần thiết của việc kết nối này và tận dụng nó, họ có thể…

Biết cách sử dụng hợp lý thời gian. Trong lãnh đạo, chọn thời điểm phù hợp cho một việc gì đó cũng quan trọng như chính việc đó vậy. Như Winston Churchill đã nói:“Có một thời khắc vô cùng đặc biệt trong cuộc đời mỗi con người, đó là khoảnh khắc mà người đó được sinh ra đời… Khi người đó nắm bắt được khoảnh khắc ấy, đó sẽ là khoảnh khắc tuyệt vời nhất”.

Bạn đang làm một công trình, chuẩn bị cho một chuyến đi xa hay phải chuyển đến một nơi khác mà cần phải có khả năng tổ chức thì tư duy nhìn xa trông rộng giúp bạn đạt được thành công nhiều hơn nữa. Những người luôn luôn nhìn vào bức tranh toàn cảnh sẽ có cơ hội tốt nhất để thành công trong mọi việc.

2. Tư duy nhìn xa trông rộng giúp bạn đi những nước cờ đúng đắn

Thomas Fuller, giáo sĩ dưới thời vua Charles II ở Anh, đã quan sát thấy rằng: “Người đàn ông ở khắp mọi nơi là người đàn ông không ở nơi đâu cả.” Để làm được một việc gì đó cho trọn vẹn, bạn cần sự tập trung. Tuy vậy, để làm một việc đúng cách, bạn cần phải có cả tư duy nhìn xa trông rộng nữa. Bạn chỉ có thể đi đúng hướng nếu bạn đặt cả những hoạt động thường ngày vào khuôn khổ của tư duy nhìn xa trông rộng”. Tác giả Alvin Toffler đã nói: “Bạn phải nghĩ về những việc lớn khi bạn làm những việc nhỏ, vì như thế sẽ giúp cho tất cả những việc nhỏ đi đúng hướng”.

3. Tư duy nhìn xa trông rộng giúp bạn nhìn nhận sự việc bằng con mắt của người khác

Một trong những kĩ năng quan trọng nhất để phát triển quan hệ giữa người với người là khả năng nhìn nhận sự việc qua lăng kính của người khác. Đây là một trong những mấu chốt để làm việc với đối tác, làm hài lòng khách hàng, giữ vững một cuộc hôn nhân, nuôi dạy trẻ, giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình… Tất cả sự tương tác giữa người với người đều phải được đề cao bằng khả năng “đi guốc trong bụng người khác”. Nhưng làm thế nào để “đi guốc trong bụng người khác”? Hãy cho phép tầm nhìn của bạn vượt xa ra khỏi chính bản thân bạn, những sở thích của bạn, thế giới riêng của bạn. Khi bạn làm việc, hãy phân tích dữ kiện từ nhiều góc độ khác nhau, xem xét nó dưới lăng kính tư duy của người khác, tìm tòi và khám phá những sở thích và mối bận tâm của người khác, cũng như gạt bỏ cái tôi của mình sang một bên. Như thế, bạn sẽ bắt đầu có thể nhìn nhận sự việc bằng con mắt không chỉ của riêng mình. Và nó thực sự là một việc vô cùng quyền lực.

4. Tư duy nhìn xa trông rộng đề cao hoạt động nhóm

Nếu bạn tham gia vào bất kì hoạt động nhóm nào, bạn phải hiểu được tầm quan trọng của việc những thành viên trong nhóm nhìn thấy một bức tranh toàn cảnh về công việc chung, chứ không phải chỉ ở phần việc của mình. Khi một người không biết làm thế nào để công việc của mình khớp với công việc của các thành viên trong nhóm, cả nhóm sẽ gặp phải rắc rối rất lớn. Các thành viên trong nhóm phác họa bức tranh toàn cảnh càng tốt thì cả nhóm sẽ hoàn thành công việc càng suôn sẻ.

5. Tư duy nhìn xa trông rộng giúp bạn tránh dấn thân vào những việc trần tục

Hãy chấp nhận đi: Một số việc trong cuộc sống thường ngày, dù không thú vị chút nào, nhưng vẫn được mọi người thực hiện. Những người có tư duy nhìn xa trông rộng không để sỏi sạn, cặn bã lọt vào đầu họ, vì họ biết việc gì quan trọng, việc gì không. Họ biết rằng một người khi đã chối bỏ những việc trọng đại thì sẽ trở thành nô iệ cho những việc tủn mủn, ăn xổi ở thì.

6. Tư duy nhìn xa trông rộng giúp bạn khai phá những vùng đất chưa được khai phá

Bạn đã bao giờ nghe câu nói:“Chúng ta chỉ nghĩ đến việc qua cây cầu khi chúng ta đến cạnh cây cầu đó”? Câu nói đó chắc chắn là của một người không có tư duy nhìn xa trông rộng. Còn với những người có tư duy nhìn xa trông rộng thì cây cầu “đã được qua” trong đầu họ từ rất lâu trước khi họ đến cây cầu đó. Cách duy nhất để mở mang tầm mắt và khai phá những vùng đất chưa được khai phá là mở rộng tầm nhìn ra ngoài những suy nghĩ hạn hẹp để nhìn thấy bức tranh toàn cảnh.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ THỂ THU PHỤC TIỀM NĂNG CỦA TƯ DUY NHÌN XA TRÔNG RỘNG?

Nếu bạn muốn tận dụng những cơ hội mới và mở ra những chân trời mới, bạn sẽ phải thêm tư duy nhìn xa trông rộng vào danh sách những khả năng của mình. Để trở thành một người có tư duy nhìn xa trông rộng có thể nhìn nhận được bức tranh toàn cảnh, hãy hình thành trong đầu những bí quyết sau đây:

1. Đừng cố gắng với tới sự minh bạch khi chưa có thể

Những người có tư duy nhìn xa trông rộng đôi khi cảm thấy hài lòng với sự mơ hồ. Họ không cố gò ép các mảnh ghép lại với nhau để tạo thành một bức xếp hình không hoàn chỉnh. Họ tư duy một cách bao quát hơn và có thể bóc tách những mảng suy nghĩ trái ngược nhau trong đầu mình. Nếu bạn muốn thu hoạch kết quả từ tư duy nhìn xa trông rộng, bạn phải làm quen với việc nắm bắt và giải quyết những ý tưởng phức tạp và mang tính vĩ mô.

2. Học từ những kinh nghiệm

Những người có tư duy nhìn xa trông rộng mở mang tầm mắt của mình bằng cách học từ những kinh nghiệm. Họ không ngủ quên trên thành công mà họ có thể học từ chúng. Hơn thế nữa, họ học từ những sai lầm của chính mình. Họ có thể làm điều đó vì họ rất ham học hỏi.

Những kinh nghiệm khác nhau – cả tích cực và tiêu cực – giúp bạn nhìn thấy bức tranh toàn cảnh. Càng có nhiều kinh nghiệm bạn càng có nhiều cơ hội học hỏi. Nếu bạn mong muốn trở thành một người có tư duy nhìn xa trông rộng, hãy ra ngoài xã hội và thử những điều mới lạ, nắm bắt nhiều cơ hội và dành thời gian để học hỏi sau những vinh quang hay thất bại.

3. Học hỏi từ sự sáng suốt của người khác

Những người có tư duy nhìn xa trông rộng học được từ kinh nghiệm của chính bản thân mình, nhưng họ cũng biết học hỏi từ những kinh nghiệm mà mình chưa có. Đó là, họ học từ sự thông thái và sáng suốt của người khác – từ nhân viên, quản lý, đồng nghiệp hay những người lãnh đạo.

Nếu bạn mong muốn trải rộng suy nghĩ của mình và nhìn thấy bức tranh toàn cảnh rõ ràng hơn, hãy tìm những người tư vấn giúp bạn. Nhưng hãy cẩn thận trong việc lựa chọn những người sẽ đưa cho bạn lời khuyên. Học hỏi sự sáng suốt của mọi người không phải là việc chặn họ ở lối đi hay nơi tính tiền trong hiệu tạp hóa để hỏi họ về một chủ đề nào đó. Phải biết lựa chọn để nói chuyện với những người biết bạn và quan tâm đến bạn, những người có chuyên môn trong một lĩnh vực nào đó, hay những người mà kinh nghiệm của họ rộng hơn và sâu sắc hơn những trải nghiệm của chính bạn.

4. Cho phép bạn mở rộng thế giới của riêng mình

Nếu bạn muốn trở thành một người có tư duy nhìn xa trông rộng, bạn phải lội ngược dòng chảy của thế giới. Xã hội muốn giữ mọi người trong những cái hộp. Hầu hết mọi người đều phải tuân theo dòng chảy của xã hội. Họ hài lòng với những gì mình có, chứ không tiếp tục vươn lên. Họ tìm kiếm sự an toàn và những câu trả lời đơn giản. Để trở thành một người có tư duy nhìn xa trông rộng, bạn phải tự cho phép mình phá vỡ quy tắc của xã hội, khám phá những cái mới và tìm tòi những thế giới chưa biết để khai phá. Và khi thế giới của bạn đã được mở rộng ra nhờ sự đột phá của mình, bạn phải ăn mừng. Đừng bao giờ quên rằng thế giới đầy những điều kì diệu, hơn nhiều những trải nghiệm hay bất cứ những gì bạn có thể tưởng tượng được.

Hãy không ngừng học tập, không ngừng lớn khôn và không ngừng nhìn vào bức tranh toàn cảnh! Nếu bạn muốn trở thành một người có tư duy tốt, đó là những việc bạn cần phải làm.

CÂU HỎI SUY LUẬN

Liệu tôi có đang suy nghĩ vượt qua giới hạn của bản thân và thế giới cùa mình để xử lý các ý tưởng với cái nhìn toàn diện?

Trích dẫn

Đang cập nhật..

Thể loại

Những quyển sách hay nhất của John Maxwell khuyên đọc - Nếu bạn muốn trở thành lãnh đạo hay ít nhất muốn vượt lên chính bản thân mình thì hãy đọc những cuốn sách của John Maxwell. Nó vô cùng hữu ích và dễ liên hệ. Những câu nói gần gũi, những ví dụ dễ hiểu, những bài học đầy ý nghĩa sẽ khiến chúng ta… Đọc thêm
19 sách kỹ năng sống hay thay đổi cuộc sống của bạn - 19 sách kỹ năng sống hay được viết bằng một phong cách gần gũi và dí dỏm sẽ giúp bạn mạnh mẽ hơn, bản lĩnh hơn, dạy bạn cách vượt qua nghịch cảnh, trung thực với chính mình. Bài học diệu kỳ từ chiếc xe rác Bạn có dễ bị tác động bởi cách hành… Đọc thêm

Nơi bán

 

Nhận hàng ngay chỉ trong vài giờ với gói TIKINOW tại TP.HCM, HN, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy

Tới nơi bán

 

FREESHIP cho đơn hàng từ 140k tại TP.HCM và Hà Nội, từ 250k tại các tỉnh thành khác, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy.

Tới nơi bán

6 đánh giá cho Tôi Tư Duy Tôi Thành Đạt

  1. Nguyễn Hồng Anh

    Tác giả vốn là một người đã thành lập một Tập đoàn với mục đích giúp đỡ mọi người phát huy tiềm năng cá nhân và tố chất lãnh đạo, nên cuốn sách được viết không chỉ dựa trên lý thuyết suông mà còn có những kinh nghiệm được đúc kết trong quá trình đào tạo. Giọng văn của tác giả viết mạch lạc, thuyết phục, khiến cho những luận điểm về tư duy vốn trừu tượng trở nên dễ hiểu hơn.Cuốn sách ngoài việc đưa đến cho bạn cái nhìn mới về việc tư duy còn đưa ra những gợi ý để bạn phát triển tư duy của mình một cách toàn diện. Trước khi đọc cuốn sách này tôi không nghĩ rằng mình cần phải phát triển tư duy của mình ở nhiều mặt như thế.
    Thêm một điểm thú vị nữa là cuốn sách được dịch bởi dịch giả nhỏ tuổi Đỗ Nhật Nam, cậu bé được coi là thần đồng của Việt Nam. Lời dịch khá trau chuốt và thông mình. Rất đáng đọc

  2. Đinh Nguyễn Hồng Nhung

    11 chủ đề cuốn sách đề cập khá bao quát và đầy đủ. Tác giả đưa ra vấn đề, giải thích và quan trọng nhất là hướng dẫn người đọc cách áp dụng vào thực tế. Tuy nhiên, áp dụng đến đâu thì lại là vấn đề của mỗi người.
    Cá nhân tôi nhận thấy tôi có thể áp dụng nhiều điều trong sách vào cuộc sống hằng ngày chứ không phải chỉ ở trong công việc. Cuốn sách giúp tôi nhìn nhận vấn đề thấu đáo hơn, đa chiều hơn.
    Về bản dịch, tôi thật sự không nghĩ rằng đây là bản dịch của một đứa bé 11 tuổi, bởi lời lẽ, văn phong khá trau chuốt, chững chạc. Trước đây, tôi vẫn nghi ngờ về cậu thần đồng mà mọi người hay nói này, nhưng qua cuốn sách này, tôi nghĩ gọi cậu bé là thần đồng cũng không có gì quá đáng.

  3. Lưu Hoàng Bắc

    Tôi biết khi cầm cuốn sách này trên tay là tôi đã nhận được một tin nhắn từ John: Này anh bạn, thử tư duy để thành đạt xem nào!
    Thật sự tôi không có ham muốn thành đạt cho lắm, bằng chứng là tôi ít khi nào bỏ tiền ra để mua những cuốn sách như: dạy bạn cách thành đạt, sơ đồ tư duy logic, những người thành đạt nói gì,… Nhưng từ khi đọc “Tôi Tư Duy Tôi thành Đạt” nhận định của tôi thay đổi 180 độ. Trong tiềm thức của một thằng con trai, ham muốn được thành công, ham muốn được thành đạt bỗng trỗi dậy.
    Cuốn sách cho tôi 11 kĩ năng bổ ích mà cứ tìm đọc đi, rồi bạn sẽ thấy:
    – Thấy được sự thông thái của tư duy nhìn xa trông rộng
    – Giải phóng tiềm năng của tư duy tập trung
    – Khám phá sự thú vị của tư duy sáng tạo
    – Nhận biết tầm quan trọng của tư duy thực tế
    – Giải phóng năng lực của tư duy chiến lược
    – Cảm nhận năng lượng của tư duy triển vọng
    – Nắm bắt những bài học từ tư duy phản chiếu
    – Đặt câu hỏi trước sự tồn tại của tư duy số đông
    – Khuyến khích sự có mặt của tư duy chia sẻ
    – Trải nghiệm sự sảng khoái của tư duy phóng khoáng
    – Đón mừng sự trở lại của tư duy mấu chốt.
    Từng kĩ năng như từng mũi nhọn sẳn sàng lao theo mục tiêu mà bạn định trước.
    Giá trị của một cuốn sách nằm ở chỗ dù no có dày hay mỏng thì cuối cùng, khi gấp sách lại nó có làm bạn có hứng thú hay không, muốn làm theo những gì sách chỉ bảo hay không? Nếu có, cuốn sách đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Và Tôi Tư Duy Tôi Thành Đạt cũng thế.

  4. Ha Phuong

    Lại thêm một cuốn sách hay của Maxwell, mình thích nhất câu nói trong sách này là:”nó không dạy bạn suy nghĩ cái gì, mà nó dạy bạn cách suy nghĩ” mình thấy điều này rất đúng, người muốn có thành công thì phải có tư duy, nhưng đôi lúc tư duy nhiều quá thì lại không biết cái nào mới là chính yếu, cái nào mới là việc cần làm trước tiên. Đến với cuốn sách này nó sẽ giúp bạn có một tư duy tích cực và hợp lí, nó sẽ dạy bạn cách tư duy như thế nào, sắp xếp các tư duy đó ra sao để đạt được hiệu quả cao nhất cho công việc. Mình tin chắc nếu làm được như những gì trong sách dạy thì mình đã thành công một nửa rồi (nửa còn lại là sự cố gắng kiên trì theo đuổi mục tiêu 🙂

  5. Nguyen Phuc

    Đây là quyển sách viết về cách tư duy khá hay, nó không dạy ta cách làm thế nào hoặc nghĩ ra các giải pháp để giải quyết vấn đề, bởi vì theo tác giả đó là cách của người muốn tìm một công việc. Còn để thành ông chủ, lãnh đạo thì ta phải đi hỏi tại sao, tìm ra bản chất của vấn đề để giải quyết nó. Tuy quyển sách khá mỏng nhưng những điều chia sẻ trong sách khá cô đọng, gần gũi và dễ áp dụng. Cách dịch của cậu bé Nhật Nam khá hay, diễn giải dễ hiểu. Nếu muốn thoát khỏi cuộc sống hối hả, bộn bề những lo toan, bứt phá khỏi đám đông đang sống mà ít chịu tư duy thì đây là một lựa chọn tốt.

  6. Ninh Ninh

    Con người khác các loài động vật khác trên thế giới này là vì ta có bộ não,có khả năng tư duy suy nghĩ phải-trái ,đúng-sai.Và cuốn sách nhỏ này,đã giúp mình biết tư duy sao cho chuẩn,hợp lý.Bình thường chúng ta hay tự hào chúng ta luôn tư duy nhưng thật sự đôi lúc ta không tư duy,lười tư duy và nếu việc đó sẽ nguy hại thế nào.Đọc cuốn sách này mình mới cảm nhận tầm quan trọng của tư duy và đặt câu hỏi.Điều khiến mình càng trở lên thích thú với cuốn sách nhỏ,trông bìa có vẻ không đặc biệt này là dịch giả của cuốn sách là cậu bé chỉ mới 11 tuổi-Đỗ Nhật Nam-một dịch giả nhí-một người mình rât yêu quý.Hãy đọc cuốn sách nhỏ này,nó sẽ mang lại cho bạn những điều thú vị ,bất ngờ đó ^^

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button