Trà Hoa Nữ

(5 đánh giá của khách hàng)

Một cô kỹ nữ xinh đẹp tuyệt trần, oằn mình chịu đựng sự cay nghiệt, khinh miệt và coi thường của cả xã hội Pháp thời ấy với cái nghề tai tiếng kia. Kiêu kỳ, đỏng đảnh như một tiểu thư thật sự nhưng bên trong lại ẩn giấu một tâm hồn biết nói, một trái tim yêu thương đong đầy.  Chuyện tình được kể theo lối viết nhẹ nhàng nhưng cũng da diết, man mác xót xa của đại thi hào người Pháp Alexandre Dumas con, đưa ta về những năm tháng nơi phố phường diễm lệ của đất Pháp, những rung cảm rất con người, những niềm yêu thương còn ẩn giấu trong ta.

Danh mục:

Alexandre Dumas (1824 – 1895) còn gọi là Dumas con, con trai của người bố cùng tên Alexandre Dumas lừng danh, tác giả “Ba người lính ngự lâm” – nhà tiểu thuyết và viết kịch nổi tiếng của Pháp. Trà hoa nữ được viết khi ông hai mươi tư tuổi, là tác phẩm đầu tiên khẳng định tài năng và đã đem lại vinh quang rực rỡ cho Alexandre Dumas con.

Trà hoa nữ là câu chuyện đau thương về cuộc đời nàng kỹ nữ yêu hoa trà có tên là Marguerite Gautier. Nội dung kể về mối tình bất thành của anh nhà giàu Duval với cô kỹ nữ Marguerite, một đề tài tưởng đâu là quen thuộc, nhưng bằng ngòi bút sắc sảo cộng với tình cảm bao dung mà tác giả muốn truyền tải, truyện được độc giả đón nhận không ngần ngại, dù là giới quý tộc. Mặc dù Marguerite sống bằng nghề kỹ nữ nhưng trái với nghề của mình, Marguerite là người có tâm hồn và cá tính; nàng có lòng vị tha, biết hi sinh bản thân mình cho người mình yêu. Marguerite Gautier trong chuyện được viết dựa trên hình mẫu của Marie Duplessis, người yêu của chính tác giả.

Mặc dù không tránh khỏi những hạn chế tất yếu do đặc điểm thời đại Dumas quy định, tác phẩm giàu chất lãng mạn trữ tình đồng thời chứa đựng nhiều yếu tố hiện thực, thấm đượm tinh thần nhân đạo này đã chứng minh giá trị và sức sống lâu dài của nó. Không chỉ được dịch ra các thứ tiếng, Trà hoa nữ còn được dựng thành phim, kịch ở nhiều nước và bao giờ cũng được người xem ưu ái đón nhận.

5 đánh giá cho Trà Hoa Nữ

  1. Ngoc Anh

    Có lẽ vì nội dung câu chuyện mà mỗi khi nghe tới cái tên Trà Hoa Nữ mình lại thấy buồn mênh mang. Lại hình dung ra một người con gái phong sương, mỏng manh, và có cuộc đời đúng nghĩ với câu “Hồng nhan bạc phận”, mà không chỉ vậy, nàng còn bạc mệnh nữa. Kết thúc truyện lấy đi của độc giả bao nhiêu nước mắt, khi mà nhân vật nữ chết đi, nàng chết với con tim chứa chan yêu thương cũng như đau đớn cho người con trai nàng vô cùng yêu dấu; và khi sự hiểu lầm về nàng được xóa bỏ, thì người con trai ấy cũng đã vuột mất nàng mãi mãi rồi.

  2. Hang Phuong

    Câu chuyện đưa người đọc trở về nước Pháp lãng mạn, đầy thi vị của thế kỷ XIX. Mối tình giữa nàng kỹ nữ Marguerite và chàng luật sư trẻ tuổi Duval. Ở vào xã hội thời đó, mối quan hệ giữa họ khó mà được chấp nhận. Nàng đã vì tình cảm với chàng mà hy sinh hết mình. Tác giả đã sử dụng lời văn đầy lòng vị tha và cách nhìn nhân văn đối với Marguerite để đối mặt với định kiến xã hội thời bị trói buộc với nhiều khuôn phép thời bấy giờ. Vào thời điểm ra mắt tác phẩm, nàng đã trở thành nhân vật gây chú ý và là tâm điểm thu hút giới phê bình văn học.

  3. Lê Ngọc

    Chắc ai đọc qua Trà Hoa Nữ cũng ít nhiều cảm thương cho mối tình của Marguerite với Armand. Thế nhưng, đoạn khiến mình thấm thía nhất trong đó phải kể đến đoạn khi cha của Armand nói chuyện với Marguerite thế này:
    “Người ta sẽ không cần biết Armand yêu cô và cô cũng yêu nó, không cần biết tình yêu của hai người là hạnh phúc cho nó và là sự phục hồi cho cô. Người ta sẽ chỉ thấy một việc, đó là Armand đau khổ vì một cô gái điếm”,
    vì cảm thấy nực cười và đáng buồn khi người ta đã bị buộc phải từ bỏ đi tình yêu và ước vọng của mình chỉ vì cái đám người rỗi hơi mà đến mặt anh ta còn chẳng rõ.
    Nhưng, mình còn cảm thấy buồn hơn khi đọc tới đoạn này:
    “Cô có chắc rằng cuộc sống mà cô phải chia tay vì nó sẽ không lôi cuốn cô một lần nữa? Cô có bảo đảm rằng cô yêu nó và sẽ không yêu một ai khác nữa không?”,
    vì suy cho cùng, tác giả cũng đã phải dùng đến cái chết để bảo đảm cho sự không thay đổi đó.

    Mình có một sự thất vọng nho nhỏ đối với cuốn sách này của Nhã Nam. Vì sau khi nghe một loạt những lời khen ngợi có cánh, nào là ngòi bút đại tài, tiểu thuyết gia vĩ đại, mình đọc sách và cảm thấy bị hụt hẫng trước những câu văn dài thê dài thết và rời rạc, ý tứ lủng củng, nhiều câu hành văn rất khó hiểu. Ban đầu tưởng là do lỗi của người dịch, nhưng sau lại thấy bạn Trường Sơn bên dưới so với bản tiếng Anh và xác định đây là một bản dịch chính xác, có lẽ là do câu cú trong nguyên văn cũng lộn xộn y như vậy. May mắn là sau đó mình đã tình cờ tìm được bản dịch của dịch giả Hải Nguyên. Tuy rằng trong bản dịch này tên của nhân vật đã bị phiên âm sang tiếng Việt, nhiều chỗ so ra có vẻ không chính xác bằng bản của Nhã Nam, bìa cũng không đẹp bằng, thế nhưng dịch giả đã rất tài tình khi biết cách ngắt câu đúng mực, khiến câu văn trở nên gãy gọn, hành văn dễ hiểu, ngôn từ lại trau chuốt. Dạo này Nhã Nam có vẻ khá nổi khi đang cho tái bản lại hàng loạt các tác phẩm kinh điển, nhưng đừng vì thấy bìa đẹp mà nghĩ rằng cái ruột bên trong là chuẩn mực. Một ví dụ khác là bản dịch cuốn Liêu trai chí dị gần đây của Nhã Nam đã bị không ít người đánh giá là hành văn không sang, không tạo được không khí liêu trai cổ điển, nên mình đã thà bỏ ra gấp mấy lần chỗ đấy để tậu về một bộ mà được đánh giá tốt một chút. Tóm lại, có một lời khuyên dành cho những ai đến với Trà Hoa Nữ cũng muộn màng như mình, đó là có mua thì hãy tìm mua bản dịch của dịch giả Hải Nguyên. Khoan bàn đến chuyện nó có chuẩn xác hay không, chỉ riêng việc người dịch đã thổi một cái hồn mới vào trong câu chuyện đã đủ khiến mọi người cảm nhận được tinh thần của một tác phẩm kinh điển thật sự.

  4. Trần Ngọc Linh

    Tình yêu của hai nhân vật chính đã vượt qua mọi định kiến về thân phận trong xã hội . Ta thấy xúc động vì tình yêu của người kĩ nữ thích hoa trà và bị cuốn theo mạch truyện . Giá trị nhân văn của tác phẩm là phản ánh đúng hiện thực cuộc sống, đồng thời thể hiện sự tiến bộ , tài giỏi của tác giả trong việc sáng tạo nhậ vật , bối cảnh xưa cũ , ngôn ngữ điện ảnh đẹp và giàu biểu cảm . Rất yêu câu chuyện này . Yêu cả bi thương của nó nữa

  5. Phạm Ngọc Anh

    Ban đầu đọc Trà hoa nữ mình cảm thấy khá khó hiểu, có thể do văn phong của thế kỷ 19 hơi khó hiểu so với bây giờ. Nhưng càng đọc về sau lại càng cảm thấy thích thú và bị cuốn theo mạch truyện. Sách cho ta 1 cách nhìn khác về người phụ nữ bán hoa, không phải là cách nhìn coi thường, cũng không phải là niềm thương cảm cho số cảnh mà là sự tôn trọng tuyệt đối của tác giả với cô. Cảm giác ông chính là 1 nhân vật trong tiểu thuyết, đã gặp gỡ và có những trải nghiệm với 1 cô gái như thế và viết nên cuốn sách này

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button