Trắc Nghiệm Ước Mơ

(2 đánh giá của khách hàng)

Ước mơ của bạn như thế nào? Bạn có đạt được nó trong cuộc đời mình không? Tôi tin chắc là bạn mong muốn đạt được. Tôi tin chắc là bạn hy vọng rằng bạn sẽ đạt được. Nhưng bạn sẽ thật sự thực hiện ước mơ đó chứ? Bạn sẽ tạo ra cho chính bạn bao nhiêu phần cơ hội? Một phần năm? Một phần trăm? Một phần triệu? Làm thế nào mà bạn có thể khẳng định là bạn có những cơ hội tốt, hoặc ước mơ của bạn sẽ luôn luôn chính xác là một ước mơ? Và bạn có sẵn sàng trắc nghiệm ước mơ đó không?

Danh mục:

Giới thiệu

Trên đời này, hiếm có ai chưa từng mơ ước hoặc không có ít nhất một ước mơ. Nhưng không phải ai cũng có thể biến ước mơ của mình thành hiện thực. Bởi vì, nhiều người đã nhầm lẫn giữa ước mơ và những mộng tưởng hão huyền. Cũng bởi vì, ước mơ không bao giờ tự đến với bạn, mà bạn phải tự đến với nó. Hành trình đến với ước mơ thật dài và thật gian lao, nhưng cũng có bao điều thú vị.

Đã có nhiều cuốn sách, nhiều tác giả bàn về ước mơ và mơ ước, nhưng tôi cho rằng Trắc nghiệm ước mơ (Put Your Dream to the Test) của John C. Maxwell là cuốn hay nhất, vì định nghĩa của ông về ước mơ thật mới mẻ và độc đáo. Không chỉ dừng lại ở những lập luận mang tính lý thuyết, tác giả còn giúp đư¬a ước mơ của bạn vào trắc nghiệm, rồi đánh giá xem liệu ước mơ đó có khả năng trở thành hiện thực hay không. Sau đó, chính bạn sẽ suy xét và trả lời 10 câu hỏi – cũng là 10 chương của cuốn sách – giúp bạn hiểu rõ và biến ước mơ của bạn thành hiện thực.

Vốn là một doanh nhân bình thường như bao người khác, tôi đã từng mơ ước có được những thành công vượt trội trong kinh doanh. Tôi đã làm việc cật lực, và đến nay đã trở thành một doanh nhân thành đạt. Có lẽ, thành công lớn nhất trong cuộc đời doanh nhân của tôi là đã đưa Công ty Wrigley Asia Pacific Ltd. Với các nhãn hàng sing-gum Cool Air, Doublemint, Extra Xylitol, Sugus… đến gần với mọi người Việt Nam hơn, đặc biệt nhãn hàng sing−gum Cool Air giúp các ban trẻ có được những cảm hứng lành mạnh, đó là sự sảng khoái tinh thần và sự tập trung cao độ khi làm việc và học tập.

Trong nhiều năm qua, tôi đã đi khắp Việt Nam, đã đến nhiều quốc gia có sự hiện diện của Wrigley. Tôi đã gặp rất nhiều người khác nhau về màu da, ngôn ngữ, tôn giáo… nhưng tất cả đều có chung một điểm: ai cũng có ước mơ của riêng mình, ai cũng suy nghĩ và hành động hướng tới ước mơ, hướng tới thành công.

Tôi đã đọc cuốn sách Trắc nghiệm ước mơ và phát hiện ra rằng, phải dám ước mơ và tập trung làm việc để thực hiện ước mơ đó thì mới có được thành công. Do đó, tôi rất vui khi hợp tác với Công ty Sách Alpha giới thiệu cuốn sách này với các bạn. Và tôi tin rằng, những lời khuyên thật sự giá trị trong cuốn sách sẽ giúp bạn đến với ước mơ, đến với thành công của bạn bằng con đường ngắn nhất.

Tháng 12 năm 2009
NGUYỄN HỮU TUẤN ANH
Trưởng đại diện Giám đốc Phát triển Kinh doanh
WRIGLEY ASIA PACIFIC LIMITED

Đọc thử

CÂU HỎI VỀ QUYỀN SỞ HỮU – LIỆU ĐÂY CÓ THỰC SỰ LÀ ƯỚC MƠ CỦA CHÍNH TÔI?

Dù nghĩ bất cứ điều gì, hãy chắc chắn đó là điều bạn nghĩ;

Dù muốn bất cứ điều gì, hãy chắc chắn đó là điều bạn muốn;

Dù cảm thấy bất cứ điều gì, hãy chắc chắn đó là điều chính bạn cảm thấy

–T.S.ELIOT

Bố Arnord muốn cậu trở thành một chính trị gia. Rốt cục, bố là trưởng phòng cảnh sát tại một thị trấn nhỏ nơi cậu sinh ra và lớn lên. Mẹ Arnord lại có ý nghĩ khác. Bà tin rằng cậu nên làm thợ mộc, vì nhận ra rằng cậu không say mê và không có năng khiếu về các môn học ở trường. Mẹ muốn cậu học một nghề thực tế. Theo đề nghị của mẹ, Arnord nghiêm túc đăng ký vào một chương trình học nghề mộc khi đang học cấp ba, nhưng thực lòng, cậu chưa bao giờ thích điều này cả.

ƯỚC MƠ CỦA AI?

Rất nhiều bạn trẻ gặp phải tình huống này khi đang ở tuổi vị thành niên. Họ không biết họ giỏi cái gì. Họ không biết họ muốn điều gì. Thế nên, họ lắng nghe bố mẹ, bạn bè, và bắt đầu tìm một hướng đi cho cuộc đời phản ánh ước mơ và mong muốn của một người nào đó, chứ không phải của bản thân họ. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Ban đầu, con cái nhìn chính mình qua đôi mắt của các bậc phụ huynh và những hình mẫu khác. Họ không có điểm tham chiếu. Chuyên gia tư vấn, Cecil G. Osborne, trong cuốn The Art of Understanding Yourself (Nghệ thuật hiểu chính mình), nhận xét, “Đứa trẻ không hiểu về bản thân. Và tự nhận ra chính mình qua cách đánh giá của các bậc phụ huynh về nó… Một đứa trẻ bị nói đi nói lại rằng nó là một đứa hư, hoặc lười, hoặc không tốt, hoặc ngu, hoặc đáng xấu hổ, hoặc vụng về, sẽ có xu hướng thể hiện đúng như những gì bố mẹ hoăc những người có thẩm quyền khác đánh giá về nó.” Rất nhiều bạn trẻ đã không xác định được tính cách của bản thân – họ đang làm theo ước mơ và mong muốn của người khác bởi vì họ muốn được chấp nhận và không biết phải làm gì khác.

Bất cứ khi nào bạn thấy ai đó đổi nghề khi đang ở quãng giữa cuộc đời, bạn có thể hầu như chắc chắn rằng họ đã từng sống vì ước mơ của người khác và lạc lối.

Có bao nhiêu người đã học trường luật bởi vì đó là những gì bố mẹ họ mong muốn? Có bao nhiêu người kết hôn để làm hài lòng bố mẹ? Có bao nhiêu người kiếm một “công việc thực sự” thay vì theo đuổi một nghề nghiệp trong các bộ phim hoặc vở kịch? Bất cứ khi nào bạn thấy ai đó đổi nghề khi đang ở quãng giữa cuộc đời, bạn có thể hầu như chắc chắn rằng họ đã từng sống vì ước mơ của người khác và lạc lối.

Nếu sự chuyển đổi có tính chất đột phá như vậy có thể xảy ra, họ may mắn hơn những người không bao giờ khám phá ra và theo đuổi ước mơ của riêng mình.

Thậm chí, những bậc phụ huynh quá hiểu biết, quyết đoán, luôn khích lệ lại dẫn con cái họ sai hướng. Tôi biết điều này vì đã từng gặp phải trường hợp này khi tôi lên bảy. Bố mẹ đã thuyết phục rằng, tôi có tài năng âm nhạc. Họ mua một chiếc đàn piano và đăng ký học cho tôi. Hai năm đầu, tôi rất thích học và tập đàn. Tôi không đam mê nhưng vẫn tiếp tục chơi vì điều này khiến bố mẹ tôi vui.

Vào lớp năm, bố mẹ quyết định mở rộng con đường âm nhạc của tôi, họ mua cho tôi một cây kèn trumpet. Thầy dạy nhạc nói với họ rằng, miệng tôi không hợp với nhạc cụ này và thế là họ chuyển tôi sang thổi clarinet. Ted Lewis, một nhạc công clarinet nổi tiếng là người quê tôi, Circleville, bang Ohio, và thế là bạn bè bắt đầu nói với tôi, “Cậu có thể là Ted Lewis tiếp theo đấy!”

Không đúng. Tôi thậm chí còn không đủ khả năng để ngồi vào cái ghế đầu tiên của ban nhạc ở trường tiểu học. Tôi là nhạc công clarinet hạng bét!

Ở tuổi đó, tôi muốn chơi bóng chày. Tôi vẫn nhớ, cuối cùng, tôi đã cảm thấy áp lực và ăn năn như thế nào khi ngồi với bố mẹ và nói rằng tôi không muốn chơi nhạc mà thích chơi bóng chày. Tôi cũng nhớ tôi đã cảm thấy phấn khích khi bố mẹ trao cho tôi cái ước mơ trở thành một nhạc sĩ vĩ đại. Thật tuyệt, vì tôi đã đóng gói chiếc clarinet đó lại và tóm lấy quả bóng chày.

ƯỚC MƠ CỦA ARNORD

Arnord không biết bản thân thực sự muốn gì, nhưng cậu bé biết mình không muốn trở thành luật sư hay thợ mộc. Không phải vì cậu thiếu cố gắng để tìm ra ước mơ. Cậu bé có tham vọng. Thực tế, cậu biết rằng mình muốn trở thành số một thế giới dù làm gì đi chăng nữa. Thích thể thao, nhưng ở tuổi dậy thì, nên cậu vẫn chưa chọn đúng môn thể thao. Arnord đã chơi thử rất nhiều môn thể thao như: khúc côn cầu trên băng, đấm bốc, các loại điền kinh (chạy, ném lao, ném bóng sắt). Cậu chơi bóng đá trong 5 năm nhưng không đam mê môn thể thao này. Một ngày nọ, huấn luyện viên môn bóng đá yêu cầu các thành viên trong đội bóng bắt đầu đẩy tạ mỗi tuần một lần để nâng cao thể lực. Từ đó, ước mơ của cậu bắt đầu hình thành.

Arnord hồi tưởng lại, “Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên vào phòng tập thể hình” Tôi chưa từng nâng tạ trước đó. Những gã ở đây trông… thật cơ bắp, như Héc-quyn vậy. Vậy đấy, nó ở trước mặt tôi – câu trả lời cho cuộc đời. Nó là một thứ gì đó đột nhiên tôi muốn và tìm thấy, cứ như thể tôi đang băng qua một chiếc cầu lơ lửng rồi đặt chân xuống đất vậy.”

Mười bốn tuổi, Arnord Schwarzenegger đã tìm thấy niềm đam mê của anh trong phòng tập thể hình. Vài tháng sau, ước mơ xuất hiện khi anh chú ý đến một tờ tạp chí. Trang bìa là hình một vận động viên thể hình đóng vai Héc-quyn trong một bộ phim cùng tên. Arnord nhớ lại những gì đã xảy ra tiếp theo:

Tôi vét nốt đồng xu cuối cùng để mua tờ tạp chí đó. Hóa ra Héc-quyn là một gã người Anh (tên là Reg Park) đã dành giải Quý ông hoàn vũ (Mr. Universe) trong cuộc thi thể hình không chuyên và đặt cược điều đó vào sự nghiệp điện ảnh – sau đó lấy tiền để tạo nên một đế chế thể dục thể hình. Bingo! Tôi đã có hình mẫu lý tưởng rồi! Nếu anh ta có thể làm vậy, thì tôi cũng có thể. Tôi sẽ giành giải Mr. Universe. Tôi sẽ trở thành ngôi sao màn bạc. Tôi sẽ giàu có. Một, hai, ba – bing, bang, boom! Tôi đã tìm ra niềm đam mê. Tôi đã tìm ra mục tiêu.

Không phải ai cũng hiểu ước mơ của Arnord – đương nhiên không phải là bố mẹ và bạn bè của anh. Bố anh hy vọng đó chỉ là một mong muốn thoáng qua.

“Arnord này, thế con muốn làm gì?” Bố hỏi.

“Bố, con muốn trở thành một vận động viên thể hình chuyên nghiệp. Con sẽ làm nghề đó.” Arnord trả lời.

“Bố thấy là con nghiêm túc đấy, thế con đã dự định làm thế nào để đăng ký chưa?”

Không ai hiểu lựa chọn, nhiệt huyết và tầm nhìn của Arnord.

“Tôi không thể chọn một môn ít phổ biến hơn được.” Arnord giải thích. “Bạn bè ở trường nghĩ là tôi điên. Nhưng tôi không quan tâm… Tôi đã tìm thấy điều mà tôi muốn cống hiến toàn bộ sức lực và không gì ngăn cản tôi được. Động lực của tôi thật khác thường. Tôi nói chuyện khác bạn bè mình; tôi khao khát thành công hơn bất cứ ai tôi biết.” Đó là sức mạnh của một ước mơ tuyệt vời. Ước mơ là một bức tranh đầy cảm hứng về tương lai tiếp sức cho ý định, còn cảm xúc khiến bạn có khả năng làm mọi thứ có thể đạt được.”

Kể từ khi tìm ra ước mơ của bản thân, Arnord đã không ngừng theo đuổi nó. Anh bắt đầu luyện tập nhiều giờ liền, sáu ngày mỗi tuần. Ước mơ của anh là trở thành vận động viên thể hình số một thế giới. Mười tám tuổi, khi đang thực hiện nghĩa vụ quân sự cho quân đội Áo, Arnord đã giành giải Quý ông trẻ châu Âu (Junior Mr. Europe), cuộc thi lớn đầu tiên của anh. Năm tiếp theo, anh giành giải Quý ông châu Âu (Mr. Europe). Sau đó, Arnord tới Munich và tiếp tục luyện tập. Anh đồng sở hữu một phòng tập thể hình ở đây. Năm 1967, anh giành giải Mr. Universe trong cuộc thi thể hình không chuyên tại London. Khi đó anh chỉ mới 21 tuổi, chiến thắng của anh khiến mọi người sửng sốt. Khi anh gọi điện cho bố mẹ để kể về chiến thắng này, họ đã không vui vẻ lắm.

“Nếu một tờ báo địa phương của Graz viết rằng tôi đã tốt nghiệp đại học, điều đó sẽ có ý nghĩa với bố mẹ tôi hơn.” Arnord nhấn mạnh. “Ở một khía cạnh nào đó, tôi để ý rằng họ không hiểu ước mơ của tôi. Tôi cảm thấy ít nhất họ cũng nên nhận ra điều gì có ý nghĩa với tôi. Họ biết tôi đã phải phấn đấu như thế nào… Tôi nghĩ các bạn luôn làm mọi thứ có sự đồng ý của bố mẹ.”

Mặc dù thiếu sự ủng hộ của bố mẹ khi lựa chọn sự nghiệp của mình, nhưng Arnord vẫn tiếp tục chiến thắng trong mọi cuộc thi thể hình lớn trên thế giới, bao gồm cả bảy lần giành chiến thắng trong cuộc thi uy tín Mr. Olympia, lần cuối là vào năm 1980. Nhưng trở thành vận động viên thể hình số một thế giới – một thành tích đáng nể – vẫn chưa phải là ước mơ của Arnord. Nhiều người đã bị sốc khi anh biến kỹ năng thể hình thành sự nghiệp điện ảnh thành công. Những năm về sau, Arnord đã làm cho mọi người sửng sốt khi tranh cử thống đốc bang California và đắc cử. Có một điều mọi người không biết, đó là Arnord đã mong muốn thực hiện tất cả những điều này từ khi còn ở Áo. Năm 20 tuổi, anh nói với một người bạn, “Tớ muốn giành giải Mr. Universe nhiều lần như Reg Park (thần tượng của Arnord). Tớ muốn đóng phim như Reg. Tớ muốn trở thành tỷ phú. Tớ muốn làm chính trị.”

Arnord đã thực hiện được ước mơ. Anh chiến thắng nhiều lần trong các cuộc thi thể hình Mr. Universe và Mr. Olympia. Arnord đã tham gia vào nhiều bộ phim với tổng số doanh thu đạt được là 1,6 tỷ đô-la. Anh là một doanh nhân thành đạt. Kể từ những ngày đầu đặt chân lên nước Mỹ, anh đã trở thành một người tiết kiệm cần mẫn và một nhà đầu tư thông minh trong các lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, kinh doanh. (Tuy chưa phải là tỷ phú; nhưng tài sản ròng của Arnord ước tính vào khoảng 800 triệu đô-la). Anh đã trở thành một chính trị gia. Arnord Schwarzenegger có ước mơ của riêng anh; và kết quả là, anh đã cực kỳ thành đạt.

“Ngay từ đầu, tôi đã biết thể hình là lựa chọn hoàn hảo cho sự nghiệp của tôi.” Arnord nói. “Dường như không ai đồng ý với ý kiến này – chí ít thì đó là bố mẹ và các thầy cô giáo của tôi. Với họ, chỉ có một cách để được chấp nhận đó là trở thành chủ ngân hàng, thư ký, bác sỹ, hoặc doanh nhân – lập nghiệp theo cách thông thường, kiếm một công việc đều đặn trong một công ty nào đó – một nghề nào đó chính thống. Ước mơ trở thành vận động viên thể hình và trở thành Mr. Universe hoàn toàn không nằm trong nhận thức của họ.” Nhưng điều mà Arnord ý thức được – đó là khả năng đạt được ước mơ, bởi vì anh có thể trả lời Câu hỏi về Quyền sở hữu một cách quả quyết.

ƯỚC MƠ CÓ THỂ TRỞ THÀNH HIỆN THỰC NẾU BẠN DÁM MƠ ƯỚC

Bạn trả lời Câu hỏi về Quyền sở hữu như thế nào? Liệu đây có thực sự là điều bạn mơ ước? Bạn có sẵn sàng trắc nghiệm nó không? Vì biết vâng lời, nên nhiều người đã bỏ qua ước mơ của bản thân. Họ theo đuổi nghề nghiệp để làm hài lòng bố mẹ, vợ chồng, hoặc những người khác. Điều đó có thể khiến họ là người có trách nhiệm, nhưng không thành công. Không thể đạt được ước mơ nếu bạn không mơ ước.

Không thể đạt được ước mơ nếu bạn không mơ ước.

Hãy thử hồi tưởng lại xem những người khác đã gây ảnh hưởng như thế nào tới kế hoạch, mục tiêu, và mong ước của bạn? Bạn có nhận ra rằng tầm nhìn của mình đã bị ảnh hưởng? Liệu có phải ước mơ của bạn là kết quả của…

Bố mẹ nghĩ bạn là ai?

Những người khác nghĩ bạn là ai?

Bạn muốn bạn là ai?

Hay chúng là kết quả của…

Bạn thực sự là ai, và điều đó có nghĩa là gì?

Trách nhiệm của mỗi người là tự khám phá ra bản thân mình. Thực tế, bạn sẽ hoàn thành ước mơ và sống cuộc sống mà Chúa đã ban tặng chỉ sau khi bạn xác định được nó là gì. Joseph Brodsky, người từng giành giải Nobel nhận xét, “Nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta khi làm chủ cuộc đời là: Hãy là chính bản thân mình, không bị áp đặt hay bắt buộc dù những biểu hiện bề ngoài của bạn có vẻ xuất sắc thế nào đi chăng nữa. Mỗi chúng ta chỉ được sinh ra một lần, và chúng ta đều biết rõ nó sẽ kết thúc ra sao. Thật đáng tiếc nếu lãng phí cơ hội duy nhất này vì cái biểu hiện bề ngoài của ai đó hay kinh nghiệm của ai đó.”

Làm thế nào để biết rằng bạn đang theo đuổi một ước mơ không thực sự là của mình? Đây là một số mẹo để giúp bạn tìm ra câu trả lời:

KHI NGƯỜI KHÁC SỞ HỮU ƯỚC MƠ CỦA BẠN KHI BẠN SỞ HỮU ƯỚC MƠ CỦA CHÍNH MÌNH

Nó sẽ không phù hợp với bạn

Nó sẽ là gánh nặng đối với bạn

Nó sẽ khiến bạn cạn kiệt năng lượng / nghị lực

Nó sẽ khiến bạn cảm thấy buồn ngủ

Nó không phải là thế mạnh của bạn

Nó sẽ đáp ứng mong muốn của những người khác

Người khác yêu cầu bạn làm việc đó Nó sẽ phù hợp với bạn

Nó sẽ khiến nhiệt huyết ngập tràn trong bạn

Nó sẽ đốt cháy bạn

Nó sẽ khiến bạn thức đêm

Bạn sẽ không cảm thấy an nhàn

Nó sẽ phát huy hết năg lực của bạn

Bạn sẽ cảm thấy bạn sinh ra để làm việc này

Khi ước mơ phù hợp với một người, và người đó cũng phù hợp với ước mơ đó, hai điều này không thể tách rời.

Khi ước mơ phù hợp với một người, và người đó cũng phù hợp với ước mơ đó, hai điều này không thể tách rời. Nếu đó thực sự là điều bạn mơ ước, bạn cần phải nhìn thấy khả năng nó xảy ra – và cần sở hữu nó. Triết gia, Soren Kierkegaard đã nhấn mạnh, “Khả năng là lời chỉ dẫn của Chúa, con người phải tuân theo.”

Quyền sở hữu là bước quan trọng tiếp theo để thực hiện ước mơ. Nó chính là chiếc chìa khóa mở cửa ước mơ tới mọi thứ khác. Khi có ước mơ, chẳng phải bạn nhìn rõ nó hơn sao? Khi có ước mơ, chẳng phải bạn dựa vào những điều có thể kiểm soát để đạt được nó sao? Chẳng phải khi niềm đam mê tăng lên, bạn sẽ phát triển chiến lược để đạt được nó hay sao? Chẳng phải trong ước mơ của bạn không có những người khác, và bạn phải trả giá để đạt được nó? Có ước mơ, chẳng phải bạn có thể phát huy năng lực và trở nên kiên cường hơn để theo đuổi nó? Chẳng phải tầm quan trọng của ước mơ tăng lên? Bạn có thể trả lời chắc chắn tất cả những câu hỏi về ước mơ của mình khi đã nắm quyền sở hữu nó.

TÔI CÓ ƯỚC MƠ, NHƯNG…

Hầu hết mọi người không thực hiện ước mơ của họ. Họ ước và chờ đợi. Rồi hối tiếc. Họ hy vọng những điều tốt đẹp nhất. Nhưng thời gian cứ dần trôi đi và ước mơ không thành hiện thực. Một số người cảm thấy nản lòng và cay đắng, số khác từ bỏ. Tôi và nhà tư tưởng Henry David Thoreau đều cho rằng, “Đa số chúng ta im lặng sống trong tuyệt vọng.” Tôi tin rằng một trong những lý do có quá ít người nhận ra ước mơ của bản thân là do vô trách nhiệm với chính mình.

Anh trai tôi, Larry, thường gợi tôi nhớ về tầm quan trọng của việc đặt cược vào cuộc chơi và nỗ lực hết mức có thể. Bằng cách đặt cược vào cuộc chơi, Larry muốn đầu tư vào thứ có giá trị. Bất cứ khi nào việc đặt cược xảy ra, mức độ cam kết của một người bỗng tăng lên. Tại sao? Bởi vì nếu sở hữu thứ gì đó, bạn phải đầu tư năng lượng, tiền bạc, thời gian và cam kết mạnh mẽ. Khi đặt cược vào cuộc chơi, bạn không còn tâm lý từ bỏ dễ dàng nữa. Bạn đầu tư vào nó. Bất cứ khi nào thỏa thuận với ai đó, Larry luôn đảm bảo cả hai đều đã đặt cược vào trò chơi, nếu không anh sẽ lùi lại.

Bạn cần có thái độ tương tự như vậy đối với ước mơ của chính mình. Để có thể sở hữu ước mơ bạn cần phải kiên định với nó. Khi đó, bạn sẽ được trao sức mạnh để vượt lên những điều đáng tiếc mà những người không có ước mơ đưa ra để từ bỏ không theo đuổi ước mơ, chẳng hạn như ba điều mà tôi thường nghe:

ĐIỀU ĐÁNG TIẾC #1: NGƯỜI BÌNH THƯỜNG KHÔNG THỂ BIẾN ƯỚC MƠ THÀNH HIỆN THỰC

Nhiều người tin rằng ước mơ chỉ dành cho những người đặc biệt, và những người khác phải biết thân biết phận. Nhưng tôi không đồng ý với tư tưởng này. Quả thật là những vĩ nhân làm nên lịch sử đều có mơ ước. Anh em nhà Wright muốn bay. Winston Churchill hình dung một Châu Âu tự do. Martin Luther King mơ ước về sự bình đẳng giữa các chủng tộc. Tuy nhiên, không cần phải là một vĩ nhân tầm cỡ thế giới, bạn mới có thể mơ ước. Mỗi người đều có một ước mơ để theo đuổi. Thực tế, dám theo đuổi ước mơ tạo nên sự khác biệt giữa một người bình thường và một vĩ nhân. Người bình thường có thể sống một cuộc sống phi thường khi họ làm theo những gì mình mơ ước. Tại sao tôi lại nói như vậy? Bởi vì ước mơ là một chất xúc tác để giúp con người thực hiện những thay đổi quan trọng trong cuộc sống. Bạn không chỉ thay đổi bản thân để đạt được ước mơ. Theo đuổi ước mơ, chính quá trình này sẽ thay đổi con người bạn và những gì bạn có thể đạt được. Ước mơ vừa là mục tiêu vừa là chất xúc tác.

ĐIỀU ĐÁNG TIẾC #2: NẾU ƯỚC MƠ KHÔNG LỚN, THÌ CHẲNG XỨNG ĐÁNG ĐỂ THEO ĐUỔI

Không nên đánh giá ước mơ bằng độ lớn vì độ lớn không quyết định giá trị của nó. Một ước mơ không nhất thiết phải lớn. Chỉ cần nó lớn hơn bạn mà thôi.

Dan Reiland, một người bạn kể với tôi về một nhân viên của anh ta, người đã nói với các đồng nghiệp của mình rằng, “Tất cả những gì tôi muốn là trở thành một ông bố vĩ đại.” Họ không chỉ trích vì anh này không mơ tưởng viển vông. Và khi kể về mong muốn chân thành này, anh nhân viên đã khiến mọi người bật khóc. Nó không lớn, nhưng là một ước mơ mạnh mẽ. Lớn hơn chưa hẳn đã tốt hơn. Kích thước không quyết định tầm quan trọng.

ĐIỀU ĐÁNG TIẾC #3: GIỜ KHÔNG PHẢI LÚC ĐỂ TÔI THEO ĐUỔI ƯỚC MƠ CỦA MÌNH

Điều đáng tiếc phổ biến nhất vì đã không sở hữu và theo đuổi một ước mơ là việc tính toán thời gian. Một số người nói, nó quá sớm. Cần phải đợi điều kiện cho phép thì mới có thể theo đuổi ước mơ – sự cho phép có thể từ chính bản thân họ. Trong khi đó, một số ít những người khác, như Arnord Schwarzenegger chẳng hạn, tìm ra ước mơ của mình và theo đuổi nó. Điều này khẳng định lời nói của nhà văn nổi tiếng, Pearl S. Buck: “Những người trẻ tuổi thường thiếu hiểu biết để có thể cẩn trọng, và bởi vậy, họ nỗ lực vì những điều không thể, và đạt được nó, thế hệ này qua thế hệ khác.”

Những người trẻ tuổi thường thiếu hiểu biết để có thể cẩn trọng, và bởi vậy, họ nỗ lực vì những điều không thể, và đạt được nó, thế hệ này qua thế hệ khác.

— PEARL S. BUCK

Những người khác sợ rằng đã quá muộn để họ thực hiện ước mơ của mình. Kết quả là, họ từ bỏ. Nhưng tôi tin rằng tiểu thuyết gia George Eliot đã đúng khi nói, “Không bao giờ quá muộn để là chính mình.”

Ngôi sao điện ảnh Jim Carrey gặp nhiều thách thức và sự phản đối khi bắt đầu sự nghiệp tấu hài. Anh ta giải thích rằng, khi muốn từ bỏ ước mơ trở thành diễn viên hài nổi tiếng trong ngành giải trí, anh đã nghĩ về Rodney Dangerfield, người đã tranh đấu hàng thập kỷ trước khi lên tới đỉnh cao sự nghiệp. “Tôi đã biểu diễn trong các câu lạc bộ trong 15 năm” Carrey hồi tưởng lại, “và đôi lúc điều duy nhất giúp tôi tiếp tục diễn xuất là nghĩ đến Rodney, anh đã bỏ nghề khi 30 tuổi, nhưng đã quay lại và thành công rực rỡ ở tuổi 40. Thành công rực rỡ. Trong một ngành mà tuổi trẻ có giá trị hơn tài năng, ông đã… chứng tỏ một điều là không bao giờ quá muộn để tỏa sáng. Bạn có thể từ bỏ một thời gian và đi bán tấm lợp bằng nhôm, nhưng không thể từ bỏ ước mơ của mình.” Việc xác định thời gian sẽ không bao giờ là hoàn hảo đối với bạn để theo đuổi ước mơ, thế nên bạn hãy bắt đầu ngay bây giờ. Nếu không, năm tới bạn sẽ già thêm một tuổi và cách xa ước mơ thêm một bước.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ SỞ HỮU ƯỚC MƠ CỦA BẠN

Nếu bạn đã sẵn sàng thực hiện bước đó – để bắt đầu sở hữu ước mơ của chính mình – vậy thì hãy bắt đầu quá trình này bằng cách làm như sau:

1. HÃY SẴN SÀNG ĐÁNH CƯỢC BẢN THÂN

Bạn có thể thành công nếu không ai tin tưởng bạn, nhưng không thể thành công nếu bạn không tin tưởng chính mình. Thực tế, nếu không tin tưởng chính mình, bạn sẽ thấy khó có thể tin vào bất kỳ điều gì khác. Bạn sẽ trở thành một kẻ vất vưởng trong một thế giới không có gì cuốn hút bạn tiến lên phía trước. Tuy nhiên, những người sở hữu ước mơ tin vào bản thân họ, khi tin vào chính mình, họ sẵn sàng đánh cược bản thân.

Bạn có thể thành công nếu không ai tin tưởng bạn, nhưng không thể thành công nếu bạn không tin tưởng chính mình.

Sở hữu ước mơ có nghĩa là bạn tin vào chính bản thân hơn là tin vào nỗi sợ hãi. Một cảnh trong bộ phim Akeelah and the Bee (Akeelah và chú Ong) minh họa sức mạnh của việc tin vào chính bản thân mình và những điều bạn có thể làm. Câu chuyện kể về một cô gái tên là Akeelah đến từ miền nam Los Angeles đã vượt qua nhiều khó khăn để ganh đua trong cuộc thi cấp quốc gia “Ong mật đánh vần”. Khi huấn luyện viên đánh vần của cô gái, Dr. Darabee (do diễn viên Laurence Fishburrne đóng) hỏi, “Cháu có mục tiêu nào không? Cháu muốn làm gì khi lớn lên? Bác sĩ, luật sư, hay diễn viên hài?” Cô bé trả lời, “Cháu không biết, thứ duy nhất cháu giỏi là đánh vần.”

“Đi lại đằng kia,” ông nói, ra hiệu về phía tấm bảng, “và đọc câu trích dẫn trên bức tường kia. Đọc thật to nhé.”

Cô bé đọc, “Nỗi sợ hãi lớn nhất của chúng ta không phải là chúng ta không đủ khả năng. Nỗi sợ hãi lớn nhất là chúng ta vô cùng mạnh mẽ. Chúng ta tự hỏi bản thân, ‘Mình có thông minh, xinh đẹp, tài năng, hay hoang tưởng?’ Thực tế, bạn không thể là ai? Chúng ta được sinh ra là để chứng tỏ sự hiện diện của Chúa ở bên trong mỗi người. Và khi cho phép bản thân tỏa sáng, chúng ta vô tình cho phép những người khác cũng làm như vậy.”

“Điều đó có nghĩa gì với cháu không?” Larabee hỏi, “Nó có nghĩa là gì?”

“Nó có nghĩa là cháu không nên sợ hãi” cô bé trả lời.

“Sợ điều gì?”

“Sợ … chính mình?”

Bạn sẽ không tin vào ước mơ của bạn nếu trước hết bạn không tin vào chính mình. Tôi có thể diễn đạt lại lời bình luận này để rút ra ý sau:

Tôi tạo ra những ý tưởng lớn vì tin rằng mình có thể làm được chứ không phải vì tôi là người sáng tạo. Trên đỉnh kim tự tháp, một người có sức mạnh để tạo ra bất cứ thứ gì và tạo ra giá trị cho mọi thứ đã được tạo ra. Tôi đã bắt đầu leo dốc từ khi còn là một đứa trẻ, với sự giúp đỡ của bố mẹ và các thầy cô giáo, tiếp đó là của những người tư vấn của tôi, vợ và các con tôi. Tất cả họ đều ủng hộ và giúp đỡ tôi về mặt tâm lý. Nói tóm lại: Lòng tự tôn lành mạnh tạo ra sự giàu có.

Nếu muốn thành công, bạn cần tin rằng mình có thể thành công. Bạn phải đánh cược bản thân nếu muốn biến ước mơ thành hiện thực.

2. HÃY LÃNH ĐẠO CUỘC ĐỜI BẠN THAY VÌ CHỈ CHẤP NHẬN NÓ

Quyền lựa chọn là quyền lớn nhất của con người. Không may, nhiều người chỉ chấp nhận cuộc sống – họ không muốn lãnh đạo chính mình. Hậu quả là, họ đi chệch hướng.

Điều quan trọng để có thể sở hữu ước mơ là lựa chọn dẫn dắt cuộc đời thay vì chỉ chấp nhận nó. Elie Wiesel, nạn nhân của một vụ thảm sát đã viết trong Souls on fire (Những linh hồn bị thiêu đốt) rằng khi bạn chết đi và tới gặp Đấng Toàn Năng, bạn sẽ không được hỏi tại sao mình không trở thành vị cứu tinh hay không tìm ra cách chữa bệnh ung thư. Tất cả những gì bạn được hỏi đó là, “Tại sao con không là con? Tại sao con không là chính bản thân mình?” Để đạt đến tiềm năng mà Chúa ban tặng, bạn phải chịu trách nhiệm với chính bạn và cuộc sống của bạn. Điều đó có nghĩa là bạn đóng vai trò chủ động trong việc dẫn dắt chính mình.

Bằng cách nào? Hãy tự đánh giá cao bản thân, hy vọng và ước mơ của bạn. Như vậy, bạn tự mở ra cánh cửa dẫn tới tiềm năng của bản thân và những khả năng lớn sẽ xảy ra. Nếu không, bạn có thể gặp khó khăn. Nếu điều đó là đúng trong trường hợp của bạn, thì ít nhất hãy sẵn sàng nói với chính bản thân rằng bạn có đủ khả năng. Đừng bao giờ quên rằng bạn là một điều kì diệu, rằng bạn là duy nhất, bạn có tài năng, kinh nghiệm và những cơ hội mà không ai đã có hoặc sẽ có. Trách nhiệm của bạn là trở thành chính mình, không phải vì riêng bạn mà còn là vì những người khác nữa.

3. HÃY YÊU QUÝ NHỮNG GÌ BẠN LÀM VÀ LÀM NHỮNG GÌ BẠN THÍCH

Irving Berlin là một trong những những nhạc sĩ thành công và sáng tác nhiều nhất trong lịch sử nước Mỹ. Các bài hát của ông, chẳng hạn như, “God Bless America”, “Easter Parade”, và “I’m dreaming of a White Christmas,” vẫn được xếp hạng là những bản nhạc bất hủ bán chạy nhất. Trong một cuộc phỏng vấn trên tờ San Diego Union, Don Freeman hỏi Berlin, “Có câu hỏi nào anh chưa được hỏi và muốn người khác hỏi không?”

“Có một câu,” Berlin trả lời. “Anh nghĩ gì về những bài hát từng viết nhưng không trở thành bài hát thành công?” Câu trả lời sẽ là tôi vẫn nghĩ chúng thật tuyệt vời.”

Những người thành công – nhìn thấy và đạt được ước mơ của mình – yêu quý những gì họ làm và làm những gì họ thích. Họ để tài năng và niềm đam mê dẫn dắt bản thân. Tại sao? Bởi vì tài năng, mục tiêu, và tiềm năng luôn đi cùng với nhau. Tôi không tin rằng Chúa mắc sai lầm. Người không tạo ra những nhân tài trong lĩnh vực này mà không tạo ra nhân tài trong những lĩnh vực khác. Luôn có sự liên kết giữa tài năng và niềm đam mê nếu chúng ta dũng cảm theo đuổi mục tiêu và chấp nhận rủi ro.

Po Bronson, tác giả cuốn What Should I Do with My Life? (Tôi nên làm gì với cuộc đời mình?) từng viết:

Tôi tin rằng kinh doanh thành công trong tương lai bắt đầu bằng câu hỏi, ”Tôi nên làm gì với cuộc đời mình?” Vâng, đúng vậy…Người ta không thành công vì đã gia nhập vào một ngành ”hot” (như: dotcom) hay làm theo một câu thần chú hướng nghiệp đặc biệt (bạn có nhớ thuật ngữ ”nghề”?) Họ phát triển tập trung vào câu hỏi tôi thực sự là ai – và liên hệ tới công việc họ thực sự thích (và, sử dụng và để cho sức mạnh sáng tạo và hữu ích tự do hành động, điều chưa từng tưởng tượng.)

Nhiều người thành công lặp lại lời khẳng định của Bronson. Carly Fiorina, cựu chủ tịch hội đồng quản trị kiêm CEO của Hewlett-Packard, khuyên, “Hãy yêu những gì bạn làm, không thì đừng làm nó. Đừng lựa chọn giữa cuộc đời hay sự nghiệp do muốn làm hài lòng người khác hoặc giúp người khác thành đạt cao… Mà hãy lựa chọn bởi vì điều đó ràng buộc trái tim và tâm trí của bạn. Hãy lựa chọn vì điều đó ràng buộc cả con người bạn.” Đừng trở thành nô lệ cho ước mơ của một ai đó. Tại sao? Bởi vì bạn từng sở hữu một ước mơ, và nó cũng sở hữu bạn. Trở thành nô lệ cho ước mơ của người khác sẽ trở thành ác mộng đối với bất kỳ ai.

4. ĐỪNG SO SÁNH BẠN (ƯỚC MƠ CỦA BẠN) VỚI NGƯỜI KHÁC

Tất cả những người tôi biết đều mong muốn thành công, nhưng mỗi người định nghĩa thành công khác nhau. Bạn định nghĩa nó như thế nào? Bạn có đồng ý với định nghĩa của từ điển Webster “Thành công là những lợi ích của sự giàu có, danh tiếng, địa vị,…”? Nếu thế, giàu bao nhiêu là đủ để thành công? Bao nhiêu danh tiếng? Liệu bạn có nên chọn một mục tiêu tùy hứng? Có nên so sánh mình với người khác? Và giả sử bạn quyết định dành hết tâm huyết để dạy bảo con cái, hay phục vụ cộng đồng? Liệu điều đó có nghĩa là bạn ít thành công hơn những người có chức vụ cao hoặc nhiều tiền hay không? Tôi không cho là vậy.

Thành công là làm tốt nhất những điều bạn có thể bằng tất cả những gì bạn có bất cứ khi nào trong đời. Đừng nên để người khác đặt tiêu chuẩn cho mình, cũng như không bao giờ nên sống vì ước mơ của người khác. So sánh bản thân với người khác không mang lại lợi ích gì cho chúng ta, cũng chẳng giúp chúng ta lại gần hơn ước mơ của mình. Khi chơi trò so sánh, chúng ta giống như những con bò trên bãi cỏ nhìn thấy xe chở sữa đi qua với hình quảng cáo “tiệt trùng, thuần hóa, chuẩn hóa, bổ sung Vitamin A.” Một con bò nói với những con khác, “Nó làm cậu cảm thấy không đủ tiêu chuẩn, phải không?”

Thành công là làm tốt nhất những điều bạn có thể bằng tất cả những gì bạn có bất cứ khi nào trong đời.

Tác giả và một người bạn tên là Joyce Meyer đều khẳng định, “Chúa sẽ giúp bạn là chính bản thân mình, nhưng Ngài không bao giờ giúp bạn là người khác.” Nếu tập trung quá nhiều vào việc bạn chẳng là ai vì mải so sánh bản thân với những người khác, bạn sẽ mất đi dấu hiệu nhận biết bản thân mình cần trở thành người nào. Nếu bây giờ bạn đã qua tuổi sáu mươi, tôi có thể nói với bạn một điều chắc chắn rằng có sự thông thái tuyệt vời trong quy luật 18/40/60. Khi 18 tuổi, bạn lo lắng người khác nghĩ thế nào về mình. Khi 40 tuổi, bạn không quan tâm tới những gì người ta nghĩ về mình. Khi 60 tuổi, bạn nhận ra rằng chẳng có ai nghĩ gì về mình!

5. HÃY TIN VÀO TẦM NHÌN CỦA BẠN VỀ TƯƠNG LAI CHO DÙ NHỮNG NGƯỜI KHÁC KHÔNG HIỂU BẠN

Bạn không phải là một sự tình cờ. Bạn ở đây là có lý do. Ralph Waldo Emerson khẳng định, “tự tin là bí quyết đầu tin để thành công, với niềm tin – bạn có mặt ở trên đời này là do một quyền năng tối cao đưa tới vì một nguyên nhân nào đó, hoặc được chỉ định để làm một nhiệm vụ nào đó, chắc chắn bạn sẽ thực hiện tốt và thành công.”

Mặc dù bạn có tiềm năng lớn và mục tiêu để hướng tới, song những người khác sẽ không cần hiểu bạn. Giống như Arnord Schwarzenegger, bạn có thể nhìn thấy hình ảnh trong tương lai của mình, nhưng người khác có thể coi bạn là một kẻ hợm hĩnh hoặc một người khôn ngoan. Đừng để lời can ngăn đó lấy đi quyền sở hữu ước mơ của bạn, hãy tiến lên phía trước.

Anna Quindlen, nhà báo đoạt giải Pulitzer năm 1992, luôn có một ước mơ cháy bỏng trong tim và nhìn thấy tương lai, cô sẽ xuống đường, điều mà mọi người khác không hiểu. Trong một lần họp lớp năm 2002 tại trường Đai học Sarah Lawrence, Quindlen giải thích, “Khi tôi rời tờ New York Times để làm một bà nội trợ, cả thế giới nói rằng tôi thật là điên rồi. Lần thứ hai khi tôi bỏ việc để trở thành một tiểu thuyết gia, họ nói rằng tôi gàn dở. Nhưng nếu thành công không theo đúng định nghĩa của bạn, nếu nó làm hài lòng cả thế giới, nhưng không khiến bạn hạnh phúc, thì đó chẳng phải là thành công.”

Nếu ước mơ thực sự là của bạn, thì đó lại là điều viển vông đối với nhiều người. Tôi không nói rằng ước mơ của bạn có thể bỏ qua thực tại, điều mà tôi đã đề cập trong Chương 3. Điều mà tôi muốn nói đó là đương nhiên bạn sẽ phải vượt qua những kẻ bi quan để đạt được ước mơ của mình. Nếu ai đó cố gắng dập tắt hy vọng hay phủ nhận sự tiến bộ để theo đuổi ước mơ của bạn, thì có thể người đó không phải là một người bạn chân thành.

Nhưng nếu thành công không theo đúng định nghĩa của bạn, nếu nó làm hài lòng cả thế giới, nhưng không khiến bạn hạnh phúc, thì đó chẳng phải là thành công.

Mọi người đều có tiềm năng để sống khác thường. Như Robert Kriegel và Louis Patler viết trong cuốn If It Ain’t Broke…Break it, “Chúng ta không biết giới hạn của con người. Tất cả những bài kiểm tra, đồng hồ tính giờ, và vạch đích trên thế giới đều không để tính toán tiềm năng của con người. Khi ai đó theo đuổi ước mơ, họ đã tiến xa hơn giới hạn của chính bản thân. Tiềm năn tồn tại trong mỗi chúng ta là vô hạn và vẫn chưa được khai thác… khi nghĩ về giới hạn, bạn tự tạo ra chúng.”

HÃY NẮM BẮT ƯỚC MƠ CỦA BẠN

Mơ ước có một sức mạnh lớn lao. Mary Shelley, tác giả cuốn Frankenstein nhận xét: “Những ước mơ là của riêng tôi. Tôi không giải thích chúng cho ai cả. Chúng là nơi ẩn náu khi bị quấy rầy – niềm hạnh phúc tuyệt vời nhất của tôi khi tự do.”Nếu có một ước mơ nhưng không thực hiện, thì nơi đầu tiên bạn cần nhìn để khám phá ra lý do là ở trong chính mình. Bạn đang nuôi dưỡng một ước mơ không thực sự là của mình, hoặc không nhận quyền sở hữu ước mơ mà bạn có.

Chúa trao cho bạn một ước mơ. Nó là của bạn, không phải của người khác. Nó khẳng định sự duy nhất của bạn. Chứa đựng tiềm năng của bạn. Chỉ có bạn mới có thể sinh ra nó. Chỉ có bạn mới có thể thực hiện nó. Đừng chỉ khám phá, hãy chịu trách nhiệm với ước mơ của bạn, hãy hành động vì nó tác động tới bản thân, và những người sẽ có lợi nhờ ước mơ đó.

Nhà thơ, John Greenleaf Whittier đã viết: “Lúc về già, bạn hồi tưởng lại cuộc đời, liệu bạn có thấy rằng mình đã sống đúng nghĩa nhất, phấn đấu để hoàn thành mục tiêu, và nhận ra ước mơ của bạn? Hay bạn thấy rằng mình sống chỉ để thực hiện những kỳ vọng của bố mẹ, vợ chồng, hoặc bạn bè? Bạn sẽ làm gì với món quà của cuộc sống? Nếu cho rằng câu hỏi đó quan trọng, thì nó đúng là quan trọng với bạn hiện nay. Bước đầu tiên để trả lời nó là sở hữu ước mơ của chính mình và chuẩn bị tiến lên phía trước.”

Bạn có thể trả lời “có” khi nghe Câu hỏi về Quyền sở hữu:

LIỆU ĐÂY CÓ THỰC SỰ LÀ ƯỚC MƠ CỦA TÔI?

Nếu không thể trả lời rõ ràng là “có” sau khi nghe câu hỏi sở hữu, thì bạn cần làm hai điều: (1) hãy kết nối tốt hơn tới bản thân hoặc với ước mơ của bạn, (2) tăng sự tự tin để nắm lấy quyền sở hữu ước mơ. Để hiểu chính mình, bạn hãy trả lời những câu hỏi sau:

• Tôi sẽ làm gì nếu không có giới hạn?

• Tôi sẽ làm gì nếu chỉ còn sống năm năm nữa?

• Tôi sẽ làm gì nếu có nguồn lực vô hạn?

• Tôi sẽ làm gì nếu biết mình không thể thất bại?

Một khi đã có các câu trả lời chắc chắn và trung thực cho những câu hỏi này, hãy sử dụng thời gian suy ngẫm lặng lẽ để hiểu thêm về ước mơ của bạn. Khi tin rằng mình đã khám phá ra ước mơ, hãy xác nhận với người bạn thực sự tin tưởng rằng ước mơ đó phù hợp với tài năng, kỹ năng, và kinh nghiệm của bạn. Nhưng lưu ý! Nếu xung quanh bạn là những người có tư tưởng tiêu cực, thì họ sẽ không thể nhìn ra tiềm năng của bạn, và không phải là những vị quan tòa công minh để có thể đánh giá ước mơ của bạn.
Nếu tự tin là vấn đề của bạn, hãy làm theo lời khuyên của Les Brown, diễn giả kiêm cựu thành viên cơ quan lập pháp của bang Ohio trong cuốn sách của ông Live Your Dream (Hãy hiện thực hóa ước mơ của mình.) Les Brown khuyên bạn tự hỏi mình,

• Tài năng của tôi là gì?

• Năm điều gì tôi thích ở bản thân?

• Ai khiến tôi cảm thấy đặc biệt?

• Lúc nào tôi nhớ mình cảm thấy hạnh phúc?

Ông tin rằng khi hỏi những câu hỏi này sẽ làm tăng sự tự ủng hộ của mỗi người. “Hãy tìm ra thứ bạn muốn là gì và thực hiện nó như thể cuộc đời bạn phụ thuộc vào điều này.” Brown tuyên bố. “Tại sao? Bởi vì, nó đúng.”

Trích dẫn

Đang cập nhật..

Thể loại

Những quyển sách hay nhất của John Maxwell khuyên đọc - Nếu bạn muốn trở thành lãnh đạo hay ít nhất muốn vượt lên chính bản thân mình thì hãy đọc những cuốn sách của John Maxwell. Nó vô cùng hữu ích và dễ liên hệ. Những câu nói gần gũi, những ví dụ dễ hiểu, những bài học đầy ý nghĩa sẽ khiến chúng ta… Đọc thêm

Nơi bán

 

Nhận hàng ngay chỉ trong vài giờ với gói TIKINOW tại TP.HCM, HN, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy

Tới nơi bán

 

FREESHIP cho đơn hàng từ 140k tại TP.HCM và Hà Nội, từ 250k tại các tỉnh thành khác, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy.

Tới nơi bán

2 đánh giá cho Trắc Nghiệm Ước Mơ

  1. Lưu Hoàng Bắc

    Học 12 rồi, áp lực tâm lí, áp lực thi cử, áp lực tương lai dồn dập ập đến và việc chọn nghành, chọn ước mơ lại là một vấn đề còn lớn hơn gấp bội
    Tôi biết đến trắc nghiệm ước mơ qua lời giới thiệu của một người chị quen trên facebook. Việc chưa định hướng được ước mơ đích thực của mình mà gặp được cuốn sách này đối với tôi như là bắt được vàng. Tôi thử làm trắc nghiệm thử và hình như nó đúng, khá nhiều.
    CUốn sách dạy tôi rất nhiều điều không chỉ đơn giản là trắc nghiệm ước mơ:
    – Cài đầu tiên và quan trọng nhất là việc xác định được ước mơ của mình thực chất là gì?
    – Cuốn sách còn không chỉ cho tôi biết ước mơ mà còn cho tôi biết các ước mơ phụ có khả năng thành công cao hơn
    – Dạy tôi không thực hiện mà chỉ ước mơ không gọi là ước mơ mà là ảo tưởng
    – Ước mơ không tự tìm đến bạn mà bạn mới là người tìm đến nó
    Hi vọng những bạn chưa có ước mơ thực sự hay còn đang phân vân về các ước mơ sẽ tìm được ước mơ thực sự của mình từ sớm để có thể định hướng ngành học nhanh nhất khi đọc được cuốn sách này. Mong các bạn nhận được những bài học từ cuốn sách nhiều hơn cả tôi.

  2. Nguyen Phuong

    Quyển sách này chính là lí do đầu tiên khiến tôi thường tìm đến JohnC Maxwell mỗi khi cần lời khuyên về điều gì đó. Đúng vào lúc tôi tốt nghiệp và đang băn khoăn với những con đường trước mắt, nó đã xuất hiện thật đúng lúc và giúp tôi hiểu ước mơ thực sự của mình là gì, hiện giờ mình đang đứng đâu, và có khả năng thực hiện nó hay chưa. Càng đọc, tôi càng cảm thấy giữa mình và “ước mơ” có một sự tương tác đặc biệt, nghĩa là nếu bạn chỉ mơ ước mà không làm gì, thì ước mơ của bạn sẽ không thành hiện thực. Đôi khi bạn còn lầm tưởng đó là ước mơ, nhưng thật ra đó chỉ là ảo tưởng. Còn nếu bạn không ngừng hành động và tìm ra những mục đích của đời mình, thì không chừng sẽ có lúc ước mơ tìm đến bạn. Tôi nói nghe có vẻ triết lý và hơi phức tạp, nhưng đó là những gì tôi nhận ra từ quyển sách này. Hy vọng bạn sẽ thích nó và học hỏi được nhiều từ nó như tôi.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button