Trai Nước Nam Làm Gì?

(4 đánh giá của khách hàng)

Một cuốn sách mỏng nhưng chứa đựng những giá trị sâu sắc. Trong bối cảnh nước ta đang bị Pháp đô hộ, tầng lớp thanh niên, trí thức đang bị bủa vây bởi thuốc phiện và những thú hưởng lạc từ phương Tây, tổ quốc đang lâm nguy. Bằng giọng văn giản dị mà cứng rắn, tác giả làm cho người đọc từ cảm giác tự hào đến xấu hổ rồi cuối cùng là nhận ra đâu mới là giá trị thật, đâu chỉ là phù phiếm nhất thời rồi quyết tâm, lập chí cho mình. Ngày nay – 70 năm sau, những lời đó vẫn giữ nguyên giá trị. Nếu không lập chí, không đủ kiên định thì tuổi trẻ thường hay phung phí thời gian và tâm trí cho những giá trị tầm thường rồi ngẩn ngơ, nuối tiếc khi tuổi trẻ đã qua đi còn mình thì vẫn chẳng có gì.  Một cuốn sách mà ai cũng nên đọc.

Danh mục:

‘Việc quan trọng của một đời ta không phải là ở chỗ nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn. Nếu chúng ta tìm được một việc mà làm, một tôn chỉ mà theo, một mục đích mà đi tới, thì cái đời chúng ta có ý nghĩa, cái đời đáng sống…’ – Trích Trai nước Nam làm gì?

Hoàng Đạo Thúy (1900-1994) là nhà giáo dục, nhà biên khảo, nhà hoạt động văn hóa xã hội nổi tiếng ở Việt Nam. Ông sinh ra trong một gia đình nhà Nho ở làng Kim Lũ, xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Hoàng Đạo Thúy tốt nghiệp trường Bưởi, sau đó dạy học và tích cực tham gia các phong trào cứu tế xã hội, truyền bá quốc ngữ và là thủ lĩnh của phong trào Hướng đạo sinh Việt Nam. Sau năm 1945, ông gia nhập quân đội và lần lượt đảm đương nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền đương thời cho đến khi về hưu.

Hoàng Đạo Thúy hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau và trong lĩnh vực nào cũng để lại những dấu ấn đặc biệt. Ông đã viết nhiều tác phẩm về giáo dục, xã hội, chính trị, quân sự, lịch sử, văn hóa, đặc biệt là những tác phẩm nghiên cứu lịch sử văn hóa Hà Nội. Ông được mệnh danh là nhà Hà Nội học hàng đầu của Việt Nam. Các tác phẩm của Hoàng Đạo Thúy đã được Nhã Nam xuất bản: Phố phường Hà Nội xưa, Hà Nội thanh lịch, Trai nước Nam làm gì?

Trai nước Nam làm gì? được Hoàng Đạo Thúy viết năm 1943, như để trao cho thanh niên cùng thời một lời kêu gọi, một cương lĩnh sống. Nay sách được in ấn và phát hành đến tay bạn đọc.

Tư tưởng của Hoàng Đạo Thúy trong ‘Trai nước Nam làm gì?’

Tư tưởng và quan điểm của Hoàng Đạo Thúy thể hiện rõ ràng, xuyên suốt tác phẩm qua câu chữ dung dị mà sâu sắc. “Cái đời đáng sống” với ông là tìm được một việc mà làm, một tôn chỉ mà theo, một mục đích mà đi tới.

“Việc quan trọng của một đời ta không phải là ở chỗ nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn. Nếu chúng ta tìm được một việc mà làm, một tôn chỉ mà theo, một mục đích mà đi tới, thì cái đời chúng ta có ý nghĩa, cái đời đáng sống.

Như thế trên đời này, ngửa không thẹn với giời, cúi không thẹn với đất, mở mắt nhìn người không phải cúi đầu. Chúng ta để hết lòng, hết chí, ta làm việc ta, rồi ngày mai, hay một hôm nào đó, chết, ta có thể chết mà vẫn mỉm cười một cách thỏa mãn, chết không còn nuối tiếc gì nữa. Sống đã có nghĩa thì rồi chết cũng có nghĩa.”

Trai nước Nam làm gì?

Trong lời đề tựa cho cuốn sách, tác giả Bức xúc không làm ta vô can – Đặng Hoàng Giang không ngại bày tỏ: “Sẽ tốt hơn nếu chúng ta ngưng lại một chút cơn sốt học thành triệu phú, học thành thông minh kiểu Do Thái, hay chạy theo 28 bí quyết dạy con của người Nhật, nhìn lại và học hỏi từ những giá trị mà Hoàng Đạo Thúy đã đề xướng từ cách đây hơn 70 năm…”

Hơn 70 năm trôi qua, hoàn cảnh xã hội Việt Nam ngày nay đã khác rất nhiều so với thời Hoàng Đạo Thúy đặt bút viết Trai nước Nam làm gì?. Là thời đại của công nghệ, của mạng xã hội, thời đại thế giới trong tầm tay nhờ internet và google. Mọi người nói chung, đàn ông Việt nói riêng có muôn vàn cách tiếp cận văn hóa lịch sử, muôn vàn cách hưởng thụ cuộc sống và xác định tư tưởng cá nhân.

Do đó, nhìn từ khách quan, những giá trị Hoàng Đạo Thúy gửi gắm trong Trai nước Nam làm gì’ có thể phù hợp hoặc không phù hợp, được đồng tình hoặc không đồng tình với ‘trai nước Nam hiện tại’. Chỉ biết rằng hơn hết thảy, tác phẩm của ông đáng để đọc và suy ngẫm!

Việt Anh

4 đánh giá cho Trai Nước Nam Làm Gì?

  1. Lê Đức Toàn

    Cơ hội đọc được cuốn sách này là từ sự giới thiệu từ bạn bè. Nghe tên sách cũng hấp dẫn nhưng mỗi tội cái bìa xấu quá. Cái bìa như từ thế kỉ trước vậy. Nhưng mà nội dung sách cực kì ý nghĩa. Tác giả đã viết hơn 70 năm nhưng tính thời sự như được viết cho hôm qua hôm nay và tương lai. Cuốn sách đặc biệt cần phải đọc cho những ai đang hoang mang về ý nghĩa của cuộc đời, lối sống cách sinh hoạt. Những ai tự hỏi bản thân mình rằng cuộc đời tôi để làm gì? thành tưu của tôi ở đâu. Tôi nên làm gì là rèn luyện ra sao? Cuốn sách là lời tâm sự, lời khuyên của tác giả cũng là nỗi lo đau đấu của một người yêu nước, mong muốn cho một nước Nam cường thịnh. Hãy đọc, hãy trải nghiệm, hãy suy ngẫm, rút ra bài học cho bản thân.

  2. Vũ Đức Lộc

    Một cuốn sách mỏng nhưng chứa đựng những giá trị sâu sắc. Trong bối cảnh nước ta đang bị Pháp đô hộ, tầng lớp thanh niên, trí thức đang bị bủa vây bởi thuốc phiện và những thú hưởng lạc từ phương Tây, tổ quốc đang lâm nguy. Bằng giọng văn giản dị mà cứng rắn, tác giả làm cho người đọc từ cảm giác tự hào đến xấu hổ rồi cuối cùng là nhận ra đâu mới là giá trị thật, đâu chỉ là phù phiếm nhất thời rồi quyết tâm, lập chí cho mình.
    Ngày nay – 70 năm sau, những lời đó vẫn giữ nguyên giá trị. Nếu không lập chí, không đủ kiên định thì tuổi trẻ thường hay phung phí thời gian và tâm trí cho những giá trị tầm thường rồi ngẩn ngơ, nuối tiếc khi tuổi trẻ đã qua đi còn mình thì vẫn chẳng có gì.
    Một cuốn sách mà ai cũng nên đọc.

  3. Phan Giang

    Từ những khía cạnh khó định nghĩa như chí khí, đến trau dồi kiến thức, kiếm việc làm, hay việc tưởng chừng như đơn giản nhưng không giản đơn là lấy vợ đều được ông phân tích rất cặn kẽ, thấu tình đạt lý và vô cùng đúng đắn. Những câu chuyện lịch sử được xen kẽ trong từng lời nói dễ đi vào lòng người.
    Cuốn sách đúng như một kim chỉ nam cho mọi thanh niên Việt Nam khi đang chuẩn bị bước vào đường đời.

  4. Nguyen Ngoc

    Quyển này mình đọc từ khoảng đầu tháng 8, tức là khá lâu rồi. Cũng đã đọc lại 2 lần nhưng vẫn còn cảm thấy nên đọc thêm nhiều lần nữa các bạn ạ. Đọc xong quyển này tư duy thay đổi nhiều thật ấy. Trước gần như dị ứng với self-help một phần vì cái tựa của nó quá khoa trương, nào là X bí quyết để có cơ nghiệp bạc tỉ, Y bí quyết thành tỉ phú khi còn teen các kiểu. Mà đọc thì toàn theo 1 cái lối mòn =))
    À thôi lạc đề rồi, review một tí về quyển này đã
    Trai nước Nam làm gì, một quyển sách được viết cách đây gần 100 năm nhưng hầu như toàn bộ những giá trị của nó vẫn còn và cần được sử dụng đến tận ngày nay.
    Mở đầu nêu lên tình trạng bây giờ của thời cục ” đã ốm rồi”, ốm tinh thần! Thầy thuốc thì không y đức, mâm cơm toàn cao lương mĩ vị, ham tiết vui để thỏa lòng dục để cái thân xác được hưởng. Vì danh làm mê, vì lợi làm mê.
    Tiếp theo là những phân tích, những dẫn chứng từ thời đầu dựng nước và những giá trị xưa cũ cần được bảo tồn, những thói hư tật xấu tự phát, du nhập từ Tây. Và phần còn lại là những gì trai nước Nam cần làm!
    Xuyên suốt tác phẩm này là ” chí ”
    ” có tài mà không có chí khí thì tài năng làm gì?, không tài năng mà có chí khí thì rồi cũng có tài năng, cũng làm được. Bao nhiêu người tài năng, xét đến gốc là nhờ chí khí cả!”
    Hoàng Đạo Thúy luôn sử dụng Nho giáo đểdạy chúng ta, ông cho rằng giáo đường không chỉ là trường học, nó còn là gia đình và xã hội.
    Hơn nữa, tác giả còn lên án việc thờ để ” cầu”, cúng để ” cầu ” mà không nhằm tỏ lòng tôn kính với bậc tiên nhân, bậc đi trước, có phải chăng những con người tầm thường ấy đã quên đi cốt lõi của việc thờ cúng?
    Ở tác phẩm này, tác giả luôn đưa ra những cái ” dũng” , cái “chí” của bậc hào kiệt, tráng sĩ thời trước để nhắc nhở chúng ta về những trang sử vẻ vang của dân tộc.
    ” Đọc sử nước nhà thấy biết bao gian nan. Ruộng triều đã tưới bao nhiêu mồ hôi, cửa ải đã tưới bao nhiêu máu đỏ. Một trận Bạch Đằng, một thành Bình Lỗ cũng đủ làm vẻ vang cho cả một pho quốc sử huống hồ về chế độ, về văn chương, cái nền văn hóa. Chúng ta xem đến, đủ tự hào làm người”
    Ngoài cái ” dũng”, cái ” chí” . Trai nước Nam còn cần giữ ” tiết” cốt để lương tâm thanh thản thì dầu cho xác này tan rã cũng không màn!
    ” Dù cho còn có một người trong sạch, ta quyết làm người trong sạch ấy. Dù vì trong sạch mà thiệt thòi, dù trong sạch mà đói khổ cũng chỉ đói, chỉ thiệt cái xác ta thôi. Tâm hồn ta vẫn thảnh thơi, vẫn sung sướng được là tâm hồn trong sạch”
    Ngày nay, các tiểu thuyết tình cảm du nhập vào nước ta. Tạo nên một thế hệ bị liệt đi tâm hồn, đắm chìm vào ảo mộng tình cảm dẫn đến sự chán nản buồn bã. Trước vẫn đề đó Hoàng Đạo Thúy khuyên rằng ” đừng có những tư tưởng chán nản thì làm sao chán nản” ; ” Mỗi khi buồn lên, mỗi mầm mống chán nản nức mới ra, ta hãy tìm lấy một việc, gây lấy một hi vọng, để sức vào làm việc, để chí vào thành công, nỗi sầu tất phải tan tác. Đó chính là chuyện thắng mình”
    Hay ông cũng khuyên đừng đọc sách nhảm, đừng nghe nhạc ủy mị. Đừng nằm đệm êm, đừng ăn quá, đừng dùng nhiều đồ gia vị, tránh những bạn hư hỏng, sợ những lúc nhàn hạ quá hơn nữa phải xem thân xác này đã dày dặn gió sương chưa? Ra mưa có lạnh, ra nắng có bệnh hay không, hay khi làm việc nặng thì đành buông câu ” lực bất tòng tâm” mà xuôi bỏ.
    Ông còn cho biết sự nguy hiểm của chủ nghĩa độc thân đối với gia đình đất nước, thử nghĩ 50 năm nữa. Dưới gối không con, nhà không tiếng trẻ, khi bệnh không ai lo, tâm từ đó mà sinh cáu gắt, giống nòi gia đình từ đó mà đi đến chỗ diệt vong, chẳng phải là triệt gia phả, hại đất nước đấy sao?

    Tác phẩm này đối với cá nhân tôi nó ăn đứt mọi quyển self-help trước đây tôi từng đọc. Thay vì bạn đọc sách X dạy làm tỉ phú, sách Y nêu bí quyết gây cơ đồ bạc tỉ hay quyển Z dạy về thông minh kiểu Do Thái, thì hãy xem mình đã có đủ đức trước chưa, sức khỏe đã có chưa, có đủ cái ” nhân nghĩa” để làm việc lớn chưa. Hay rốt cuộc là thành công từ mưu mẹo lừa lộc?
    Một quyển sách tuy cũ nhưng đầy đủ những tinh hoa của mọi quyển sách, một quyển sách bao quát các vấn đề từ Tây đến Ta, từ lịch sử nghìn năm dựng nước giữ nước đến thời nay. Bao quát từ gia đình đến xã hội. ” Trai nước Nam làm gì” xứng đáng là một quyển sách cốt yếu nên đọc nhiều lần trong đời!
    Một quyển sách dạy đạo nghĩa, góp nhặt chắc lọc những tinh hoa của Nho giáo, của các bậc Thánh nhân, cốt lõi thanh niên Việt Nam cần là đây!
    ” sống đã có nghĩa rồi thì chết cũng có nghĩa”
    À thôi học bài đã ?

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button