Trái Tim Mách Bảo

(5 đánh giá của khách hàng)

Về nhiều khía cạnh, lời tự sự cũng là lời tự thú của người bà về những bí mật mà bà đã tưởng sẽ mang theo xuống mồ về ông ngoại thật sự, về ông bố vô danh và người mẹ đầy những hoang mang của cô bé. Trên hết, đây không chỉ là những chi tiết giật gân về những bí ẩn cuộc đời mà là những suy tưởng rất sâu sắc, đầy trải nghiệm và chan chứa yêu thương về tình yêu, về cái chết, về cả sự đúng đắn trong hành xử của con người…

Danh mục:

Giới thiệu

TRÁI TIM MÁCH BẢO là tự sự trong những ngày sống cuối cùng của một người bà thông qua những bức thư không gởi dành cho đứa cháu gái duy nhất đang ở rất xa mình. Về nhiều khía cạnh, lời tự sự cũng là lời tự thú của người bà về những bí mật mà bà đã tưởng sẽ mang theo xuống mồ về ông ngoại thật sự, về ông bố vô danh và người mẹ đầy những hoang mang của cô bé. Trên hết, đây không chỉ là những chi tiết giật gân về những bí ẩn cuộc đời mà là những suy tưởng rất sâu sắc, đầy trải nghiệm và chan chứa yêu thương về tình yêu, về cái chết, về cả sự đúng đắn trong hành xử của con người…

Bối cảnh của câu chuyện này là ở Opicina, Trieste, nước Ý.

Đọc thử

Opicina, Ngày 17 tháng Mười Một, 1992

Cháu đi đã được hai tháng rồi, và trong suốt hai tháng ấy bà chẳng nhận được tin tức gì ngoài tấm bưu thiếp vỏn vẹn lời nhắn rằng cháu vẫn còn sống. Sáng nay, lúc ở trong vườn, bà đứng trước cây hoa hồng của cháu rất lâu. Dù trời đã sang thu, cây hoa hồng vẫn trổ hoa đỏ rực, đứng ngạo nghễ giữa những bụi cây tàn úa khác. Cháu còn nhớ lúc bà cháu mình trồng nó chứ? Lúc đó cháu chỉ mới mười tuổi đầu và vừa đọc xong cuốn Hoàng Tử Bé, món quà bà tặng cháu nhân dịp học hết lớp Năm. Cháu đã yêu cuốn sách ấy biết nhường nào. Trong tất cả các nhân vật, cháu yêu nhất cây hoa hồng và con cáo; cháu không thích cây bao báp, con rắn, người phi công hay bất kỳ gã đàn ông rỗng tuếch và kiêu ngạo nào trên những tiểu hành tinh. Và rồi vào một buổi sáng nọ lúc đang ăn sáng, cháu bảo rằng, “Cháu muốn một cây hoa hồng.” Khi bà phản đối vì chúng ta đã có rất nhiều hoa hồng trong vườn, cháu vẫn cương quyết, “Cháu muốn một cây của riêng cháu cơ, cháu muốn chăm nó và giúp nó lớn thật cao.” Dĩ nhiên là ngoài cây hoa hồng, cháu còn muốn một con cáo. Cháu bé bỏng của bà thật ranh mãnh khi biết đề nghị thứ đơn giản trước một thứ khác hầu như không thể thực hiện được. Làm sao bà có thể từ chối con cáo khi đã đồng ý về cây hoa hồng chứ? Thế là chúng ta đã tranh luận thật lâu, và cuối cùng thỏa hiệp rằng cháu sẽ có một con chó.

Đêm trước khi đi gặp con chó cháu đã không hề chợp mắt. Cứ mỗi nửa tiếng đồng hồ cháu lại gõ cửa phòng bà và nói, “Cháu không ngủ được.” Trước bảy giờ sáng hôm sau, cháu đã tắm rửa, ăn mặc chỉnh tề, dùng xong bữa sáng, rồi mặc sẵn áo khoác và ngồi đợi bà trên chiếc ghế bành. Đúng tám giờ rưỡi bà cháu mình có mặt tại cổng Trại thú nuôi khi nó còn chưa mở cửa. Cháu liên tục ngó qua song sắt và hỏi, giọng đầy lo lắng, “Làm sao biết con nào là của cháu hở bà?” Bà cố gắng trấn an cháu rằng, đừng quá lo, cứ nhớ cách Hoàng Tử Bé thuần phục con cáo là được thôi mà.

Và rồi chúng ta đã trở lại Trại thú nuôi ấy liên tiếp trong ba ngày. Có tới hơn hai trăm con chó, mà cháu thì muốn xem hết tất cả chúng. Cháu dừng lại trước mỗi chuồng và đứng yên lặng như một người vô hồn, dửng dưng với tất cả mọi thứ xung quanh, trong khi những con chó dữ tợn lao vào lưới thép, nhảy chồm chồm và sủa váng lên, gắng sức xé toạc những mắt lưới với vuốt chân nhọn hoắt. Bà chủ trại đã ở đấy với chúng ta. Bà ta tưởng cháu cũng như mấy cô bé bình thường khác nên cứ cố làm cho cháu chú ý đến đám chó chỉ được cái mẽ ngoài. “Nhìn con Cocker Spaniel này này,” bà ta cất giọng, rồi lại hỏi “Cháu thích con Collie kia chứ?” Câu trả lời duy nhất của cháu chỉ là vài tiếng càu nhàu, rồi cháu tiếp tục đi đến những chuồng khác mà chẳng hề đoái hoài tới bà ta.

Vào ngày thứ ba của cuộc tìm kiếm đầy cam go này, chúng ta đã gặp Buck. Cậu ta ngồi tít mé sau một trong những chiếc cũi dành riêng cho các con chó đang dưỡng bệnh. Khi bà cháu mình đến đó, thay vì chạy tới đón chào cùng những con chó khác, cu cậu ngồi thừ ở đấy và thậm chí chẳng buồn ngẩng đầu lên. “Nó kìa!” cháu reo lên, chỉ tay vào cậu ta. “Cháu muốn con chó đó.” Cháu còn nhớ vẻ kinh ngạc trên khuôn mặt bà chủ trại chứ? Bà ta không thể hiểu nổi tại sao cháu lại chọn con chó lai tội nghiệp ấy. Tất nhiên là bà ta không thể hiểu rồi. Nom Buck cứ như thể đã gom mọi đặc điểm của loài chó trên thế giới này vào thân hình nhỏ bé của cậu, với cái đầu của chó sói, đôi tai mềm rủ của chó săn, móng vuốt của chó chồn, chiếc đuôi mịn mượt của chó phốc sóc và bộ lông đen pha đỏ của chó Doberman. Khi chúng ta vào văn phòng để ký kết giấy tờ, cô gái làm việc ở đây đã kể chuyện về Buck. Kẻ nào đó đã quẳng cậu đi trong lúc xe đang chạy vào đầu hè năm ấy, khiến cậu ta bị chấn thương nghiêm trọng đến nỗi một chân sau treo lủng lẳng không thể bước đi.

Buck đang nằm ngay bên cạnh bà đây. Cứ mỗi lần bà viết, cu cậu lại thở dài và cạ cạ chóp mũi lên chân bà. Mõm và đôi tai cậu đã dần chuyển sang trắng bệch, và gần đây đôi mắt còn phủ lên lớp màng đục như tất cả những con chó lớn tuổi khác. Mỗi lần nhìn cậu là bà không thể ngăn nổi xúc động. Cứ như thể là một phần của cháu đang ở đây với bà vậy, phần mà bà thương yêu nhất, phần mà nhiều năm trước đã chọn ra con chó buồn bã, xấu xí nhất trong số hai trăm con chó tại Trại thú nuôi ấy.

Suốt mấy tháng qua, mỗi lúc quẩn quanh đơn độc trong nhà, những năm tháng bất hòa và khó chịu khi bà cháu mình còn sống cùng nhau đã biến đi mất hút. Ký ức còn lại trong bà chỉ là quãng thời gian khi cháu còn bé, ngây thơ, mong manh và bối rối biết bao. Đó chính là cô bé mà bà đang viết cho đây, chứ không phải là cô gái kiêu căng, bảo thủ của những năm tháng sau này. Chính cây hoa hồng đã gợi ý cho bà đấy. Sáng nay khi lướt ngang qua nó, dường như bà nghe nó bảo “Lấy giấy bút ra và viết thư cho cô bé đi.” Bà biết rằng chúng ta đã thỏa thuận với nhau trước khi cháu đi là không thư từ gì cả, và bà vẫn cố giữ lời, dù miễn cưỡng lắm. Những dòng chữ này sẽ không bao giờ đến được Mỹ với cháu đâu.

Nếu bà không còn ở đây khi cháu quay trở lại thì chúng sẽ thay bà chờ cháu. Tại sao bà lại nói điều này? Bởi vì gần một tháng trước, lần đầu tiên trong đời bà đã trải qua trận ốm thập tử nhất sinh. Và giờ đây bà biết rằng, có một việc có thể sẽ xảy ra: Sáu hay bảy tháng tới có thể bà sẽ không còn ở đây để mở cửa và ôm chầm lấy cháu nữa. Trước đây một người bạn của bà nói rằng khi bệnh tật đến với những người vốn luôn khỏe mạnh, nó sẽ ập đến bất thình lình và vô cùng dữ dội. Đúng là nó đã xảy ra với bà: Buổi sáng nọ khi bà đang tưới cây hoa hồng, trời đất bỗng nhiên đóng sầm lại. Nếu cô Razman không nhìn thấy bà qua hàng rào ở giữa hai khu vườn thì chắc cháu đã mồ côi rồi. Mồ côi ư? Có phải cháu gọi ai đó như vậy khi bà họ mất? Bà cũng không chắc lắm. Có lẽ ông bà không được xem là quan trọng tới mức phải có một thuật ngữ đặc biệt nào đó để gọi khi không còn họ nữa. Đâu có ai là góa hay mồ côi khi mất đi ông bà đâu. Việc họ bị lãng quên cũng tự nhiên thôi, cứ như mấy chiếc ô bị ai đó đãng trí bỏ quên ấy mà.

Khi tỉnh dậy trong bệnh viện bà không nhớ gì cả. Lúc mắt vẫn còn nhắm, bà có cảm giác như có hai sợi ria mỏng, dài thượt mọc ra tựa như ria mèo. Nhưng đến khi mở mắt, bà nhận ra đó là hai ống dẫn nhỏ bằng nhựa được gắn vào bên trong mũi và chạy vắt qua môi. Xung quanh bà toàn là máy móc lạ lẫm. Vài ngày sau bà được chuyển sang một căn phòng bình thường, nơi có hai bệnh nhân khác nằm ở đó. Một buổi chiều nọ hai vợ chồng cô chú Razman đã đến thăm bà. Chú Razman bảo, “Con chó của bà đã sủa như điên như dại. Nhờ nó mà bà vẫn còn sống đấy.”

Khi bà bắt đầu đi lại được, một bác sĩ trẻ từng đến kiểm tra cho bà nhiều lần trước đây có ghé thăm. Anh ta lấy ghế ngồi bên cạnh giường bà và bảo, “Vì bà không có ai thân thích để săn sóc và ra quyết định giúp, cho nên tôi phải nói chuyện trực tiếp với bà. Tôi sẽ rất thẳng thắn.” Thế là anh ta nói, và trong lúc ấy bà quan sát anh ta hơn là nghe. Anh ta có đôi môi mỏng dính, mà cháu biết rồi đấy, bà có bao giờ thích người môi mỏng đâu. Theo anh ta thì tình trạng của bà tệ đến mức không thể về nhà được nữa. Anh ta nhắc đến tên hai hay ba trại dưỡng lão nào đấy mà bà có thể đến ở. Chắc hẳn đã đọc được phản ứng trên gương mặt bà cho nên anh ta liền nhanh nhảu thêm vào, “Bà đừng nghĩ những trung tâm dưỡng lão đều tệ như trước kia. Ngày nay mọi thứ thay đổi rồi – các căn phòng đều sáng sủa và tràn ngập ánh mặt trời, ngoài ra còn có các khu vườn rộng để mọi người đi dạo nữa đấy.” Bà liền lên tiếng, “Thưa bác sĩ, anh có biết tí gì về người Eskimo không?” “Dĩ nhiên là tôi biết,” anh ta trả lời và đứng lên. “Chuyện là thế này, tôi muốn được chết như họ,” bà nói, và bởi vì anh ta tỏ vẻ không hiểu gì sất nên bà lại tiếp tục, “Tôi thà nhắm mắt chết giữa luống bí ngòi trong vườn rau của mình còn hơn là sống thêm một năm bẹp dí trên giường trong một căn phòng quét vôi trắng toát.” Đến lúc đó thì anh ta đã ra tới cửa, và trước khi biến mất, anh ta còn nhếch mép cười khẩy. “Nhiều người cũng nói đại loại thế, rồi cuối cùng cũng chạy lại đây, run rẩy như tàu lá và tuyệt vọng nài xin được chăm sóc.”

Ba ngày sau đó bà phải ký vào một bản cam kết ngốc nghếch, tuyên bố rằng nếu có chết thì trách nhiệm hoàn toàn thuộc vào cái thân già này thôi. Bà đưa bản cam kết cho một cô y tá trẻ với cái đầu bé tẹo và đôi hoa tai to khủng rồi thu dọn mấy món đồ ít ỏi và đến trạm taxi.

Ngay khi nhìn thấy bà ngoài cổng, Buck đã chạy lòng vòng như một gã cuồng, và dường như để xóa bỏ hết mọi nghi ngờ của bà về mức độ vui mừng khôn xiết của cu cậu, Buck đã giẫm lên hai, ba luống hoa gì đấy và sủa mãi không thôi. Lúc ấy bà chẳng còn hơi sức nào để la rầy cu cậu nữa. Khi cậu ta đến chỗ bà với chiếc mũi dính đầy đất, bà đã thốt lên, “Thấy chưa, anh bạn già? Chúng ta lại sống cùng nhau nữa nhé,” và gãi gãi đằng sau tai cu cậu.

Những ngày sau đó hầu như bà chẳng làm được gì. Kể từ khi xảy ra chuyện, nửa người bên trái không còn nghe theo lệnh của bà như trước đây nữa. Nhất là tay trái của bà đã chậm hẳn đi. Bà không muốn nó thống trị mình nên ráng ép buộc bản thân phải dùng tay trái nhiều hơn tay phải. Bà cột một chiếc nơ hồng trên cổ tay để mỗi khi lấy cái gì đấy thì sẽ nhớ là dùng tay trái thay vì tay phải. Khi cơ thể còn hoạt động tốt, ta không nhận ra rằng sẽ đến ngày nó có thể biến thành kẻ thù lớn nhất của ta, và nếu ý chí của ta lung lay, nó sẽ tàn lụi đi chỉ trong tích tắc, và rồi ta sẽ bị đánh bại.

Có vẻ như khả năng tự chủ của bà kém hẳn rồi nên bà đã đưa chùm chìa khóa cho vợ chú Walter. Cô ấy ghé thăm mỗi ngày và mang cho bà những thứ cần thiết…

Trích dẫn

Đang cập nhật..

Thể loại

15 cuốn sách hay về tình yêu khuyên đọc trong đời - Tình yêu luôn là đề tài làm tốn kém bao nhiêu nước mắt và giấy mực của loài người từ thuở hồng hoang cho đến tận bây giờ. Người ta có thể vì tình yêu mà hi sinh mà chấp nhận, mà thay đổi mà không đòi hòi một sự đáp lại tương xứng nào… Đọc thêm

Nơi bán

 

Nhận hàng ngay chỉ trong vài giờ với gói TIKINOW tại TP.HCM, HN, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy

Tới nơi bán

 

FREESHIP cho đơn hàng từ 140k tại TP.HCM và Hà Nội, từ 250k tại các tỉnh thành khác, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy.

Tới nơi bán

5 đánh giá cho Trái Tim Mách Bảo

  1. My Luu

    Mình nghĩ đây là một tác phẩm khó đọc.
    Trước hết về hình thức: Cái tên nghe như 1 lời nhắn nhủ, rất hay, ý nghĩa nhưng bìa được thể hiện nhìn rất trầm tư, mang cảm giác hơi buồn.
    Về nội dung, mình nghĩ đến khi mình 20 tuổi hoặc hơn mình mới hiểu được những lời tác giả nói trong này. Dù tác giả chắp nối và thể hiện các câu chữ rất hay, đọc mình cảm nhận như mình đang sống trong ngôi nhà mà người bà thuật lại, nhưng nó rất khó nhớ và các chữ tưởng như hay mà nó cứ nhảy từ mặt này sang mặt khác, mình nghĩ đây là một tác phẩm mà những người trên 20 tuổi nên đọc, mình trẻ trâu như thế này, đọc chắc già hơn tuổi mất.
    Xuyên suốt cả câu chuyện là những lời kể của người bà, nhiều câu hỏi sẽ được đặt ra khi đọc tác phẩm này, đọc mãi, đọc mãi mới thấy ở phần cuối cái câu trọng tâm nhất”Trái tim mách bảo”.

  2. Lan Chi

    Trái tim mách bảo, ai mà chẳng có trái tim , ai mà chẳng có yêu thương, có khác chỉ là cách thể hiện tình yêu của mỗi người không giống nhau mà thôi. Người thì thể hiện bằng lời nói, người thì dùng hành động nhưng cũng có người lặng thầm quan tâm, lo lắng cho đối phương mà không nói ra. Cách thể hiện tình cảm của nhân vật trong truyện này lại thông qua những bức thư. Những lời lẽ chân thành chứa chan đầy tình cảm làm người đọc cảm thấy rất xúc động, ngợi nhớ biết bao kỉ niệm.

  3. Phạm Thành Trung

    “Tình yêu không dành cho những kẻ lười nhác, đôi khi nó đòi hỏi những hành động thật quyết liệt”, chỉ cần đọc những câu trên bìa sách thôi cũng đủ để bắt đầu khám phá cuốn sách này. Đây là một câu chuyện nhẹ nhàng, tinh tế, diễn tả những ngày cuối cùng trong đời của người bà. Những bí mật được hé mở, những sự việc không ngờ tới được bật mí qua những lời tâm sự của người bà. Người đọc phải theo dõi hết cuốn sách, đắm chìm trong những dòng cảm xúc mênh mang của tình yêu thương, sự sẻ chia. Cuốn sách như một sự hàn gắn những vết thương và xa cách, giúp mỗi người tìm lại ý nghĩa cuộc sống này. Với ngôn từ đẹp và chau chuốt, cùng những hình ảnh chân thực cùng những đoạn văn miêu tả tâm lý tinh tế, cuốn sách này thực sự chạm đến trái tim độc giả mọi lứa tuổi.

  4. Trần Thị Thu Phương

    Chiều vàng, gió heo may thổi. Ngoài Bắc đang trải qua những ngày thời tiết thu, se se lạnh và có nắng, không khí thoáng đãng, mát mẻ.

    Trên tầng cao nhất, ghế dựa và cacao nóng, chẳng muốn làm bất cứ việc gì. Đơn giản chỉ muốn hưởng thụ, muốn ngửi hương bưởi đâu đây trong gió, muốn hương cacao ấm nóng quẩn quanh, hay chỉ là mùi của quê hương ấm áp.
    Nhớ bà. Cùng với “Trái tim mách bảo”.

    Quyển sách hút mình vì cái bìa, đơn giản nhưng đẹp, một cây cổ thụ màu tối trên nền trắng, và cũng bị hút vì tiêu đề của quyển sách. Vốn nghĩ đó là một quyển sách tiểu thuyết về tình yêu, ngay cả đến mấy lời giới thiệu cũng không thèm đọc, cứ lấy như “trái tim mách bảo”, giờ đã biết là một lựa chọn đúng đắn.

    Ngôn từ đơn giản, mộc mạc và gần gũi. Mỗi trang sách như chứa đựng một biển tình cảm, một thứ tình cảm không thể đong đếm của một người bà – không chỉ là một người bà – với đứa cháu gái của mình. Câu chữ nhẹ nhàng nhưng cái nhẹ nhàng đó lại mang một sức ảnh hưởng lớn với những ai đã có một người bà mà giờ đã trở thành hồi ức, những kỷ niệm không thể tiếp tục kéo dài thêm, chỉ có thể nhớ về quá khứ. Một góc tâm hồn khi chạm đến sẽ thấy nhớ cồn cào.

    Kết cấu đơn giản, chỉ là những lá thư tràn đầy tình cảm, những con chữ chứa đựng sự quan tâm sâu sắc, những hành động, cảm xúc … nhưng thật đến nỗi mình có cảm giác bà hiện tại vẫn đang ngồi bên cạnh vuốt tóc, vẫn mắng yêu và vẫn cười đầy âu yếm trước mắt. Và khóc không tự chủ.

    ====
    Cả bộ hai tập “lắng nghe yêu thương” và “trái tim mách bảo” mình đều rất thích, cách hành văn của tác giả rất nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, cảm giác khi đọc xong cả hai quyển sách mỏng này đều rất dễ chịu. Hi vọng các bạn cũng sẽ thích. (firefly208)

  5. Nam An

    Một cuốn sách mỏng với lối hành văn nhẹ nhàng sâu lắng. Nhưng nó không tạo cảm giác dễ dãi cho người đọc. Cả cuốn sách là một cuộc hành trình Tamaro dẫn dắt chúng ta về với những điều sâu thẳm nhất trong trái tim. Đó là những yêu thương gửi gắm chân thành, là những chất chứa trong lòng của một người bà tỏ bày với người cháu của mình. Nghe đơn giản thật nhưng không thể đọc nhanh, cần phải có thời gian và trải nghiệm để thấu hết những tầng nghĩa mà tác giả gửi gắm. Qủa thật đây là quyển sách tinh tế và giàu tình cảm mà tôi đã từng đọc qua. Nó vừa tạo cảm giác bình yên, vừa vẽ lên trong lòng mỗi người những ý niệm đẹp về yêu thương.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button