Trò Chuyện Triết Học

Bùi Văn Nam Sơn chia sẻ: “Triết học có thể giúp ta có được những nhận thức để cải thiện chất lượng cuộc sống. Đồng thời, cuộc đời và phong cách tư duy của những đại triết gia cũng là những gương mẫu cho ta học hỏi trên nhiều lĩnh vực…”. Nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét, Bùi Văn Nam Sơn có “một lối viết triết học cho số đông công chúng thật tài hoa và duyên dáng”.

Danh mục:

“Ta không đến với triết học để tìm ra những giải pháp nhanh chóng, nhất thời mà để phát hiện những con đường xưa nay chưa biết để đi đến giải pháp.”

Trò chuyện triết học là tập hợp 92 bài viết của nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn, đăng trên báo Sài Gòn Tiếp Thị gần 2 năm (25.5.2010 – 16.4.2012).

Triết học là một môn học không khó nhưng để nói chuyện về triết học cho mọi người nghe, mọi người cùng hiểu thì không phải dễ. Nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn đã làm được điều ở vế thứ hai thông qua cuốn sách quý này. “Đây không phải là cuốn sách nhập môn triết học và cũng không hẳn là cuốn sách về lịch sử triết học, tuy nhiên nó có đủ các yếu tố của 2 loại sách đó.” (Huỳnh Như Phương)

Tinh hoa triết học 25 thế kỷ được gói ghém trong 4 phần của 434 trang sách: Đường vào triết học, Khoa học và giáo dục, Con người tự nhiên và văn hóa, Kỹ thuật và công nghệ. Các vấn đề hóc búa của triết học được tác giả giản dị hóa tối đa có thể, các thuật ngữ triết học hay khái niệm trừu tượng được thay thế bằng ngôn ngữ đời thường, bằng những ví dụ thực tế và hình tượng cụ thể: chuyện bán phở và quán phở, chuyện người thợ hớt tóc và máy gặt đập liên hợp, chuyện gai nhọn và hoa hồng,… hay những tiêu đề đầy chất thơ: Cổ thụ ngàn năm hay chậu kiểng một mùa? Sáng như tơ mà chiều đã như sương, Sáng mai xõa tóc thả thuyền ta chơi, Như ong ăn mật, Từ tiếng hát nhân ngư, Quà tặng của thánh thần…

Những người đọc không chuyên có thể dễ dàng tìm hiểu về triết học, các khái niệm cơ bản của triết học, các trào lưu và các triết gia kinh điển thông qua những lời văn nhẹ nhàng, cô đọng và hóm hỉnh. Qua cuốn sách, bạn đọc có thể hiểu được triết học là gì và lợi ích của nó đối với cuộc sống thường nhật. Tuy nhiên, tác giả không định nghĩa nó rõ ràng như cách thông thường người ta hay làm, việc hiểu được khái niệm là sản phẩm của quá trình tư duy biết – hiểu – cảm – ngộ mà tác giả là người thầy, người dẫn đường tin cậy và uyên thâm: cung cấp tư liệu, hướng dẫn phương pháp và giảng giải một cách dễ hiểu nhất. “Không thể có triết học nếu không có sự tự giải phóng tâm hồn. Điều ấy đòi hỏi sự dũng cảm, kể cả sự dũng cảm dấn mình vào chỗ bấp bênh, nghi ngờ, thất vọng.”

Đánh giá

Chưa có đánh giá nào.

Hãy là người đầu tiên nhận xét “Trò Chuyện Triết Học”

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button