Trời Vẫn Còn Xanh, Em Vẫn Còn Anh

(2 đánh giá của khách hàng)

Cuốn sách này rất đẹp. Đẹp từ nội dung những câu chuyện, đến bối cảnh nơi những chuyện tình ấy diễn ra và đẹp cả ở muôn cảm xúc mà nó mang lại cho người đọc. Thậm chí là cả những nỗi buồn cũng thật đẹp. Chính vì quá đẹp như vậy nên nó thích hợp để thi thoảng đọc một hai câu chuyện và nghiền ngẫm từng câu từ hơn là đọc một lèo hết tất cả.  Một lời khuyên nhỏ là hãy đọc nó ở một nơi thật yên tĩnh và mặc sức cho những cảm xúc mà cuốn sách mang đến lan tràn ra xung quanh!

Danh mục:

Trong Trời Vẫn Còn Xanh, Em Vẫn Còn Anh – tập truyện ngắn thứ hai của Anh Khang, được ví như phần tiếp theo của tập truyện Đường hai ngả, người thương thành lạ – Anh Khang vẫn viết về tình yêu với những câu chữ dịu dàng, suy tư. Tuy nhiên, Anh Khang của 2017 có lẽ đã trưởng thành hơn trong ngòi bút lẫn tâm tình khi anh chọn đối diện với nỗi buồn bằng thái độ bình thản, lạc quan và hướng người đọc tin tưởng vào chính sức mạnh ý chí của bản thân. Những nhân vật của anh điềm đạm hơn khi nghĩ về mất mát quá khứ và họ cố gắng để sống tích cực hơn ở hiện tại, những câu chuyện dù kết thúc vui hay buồn đều ươm mầm trong đó một tia sáng hi vọng.

Tinh thần này toát ra ngay từ tiêu đề của tác phẩm với lối văn biền ngẫu và điệp từ “vẫn còn” được nhấn mạnh hai lần như muốn khẳng định rằng những điều tốt đẹp “vẫn còn” tồn tại và sẽ luôn còn tồn tại. Nếu ví những tác phẩm trước đây của Anh Khang như những cơn mưa trĩu nặng nỗi niềm thì Trời Vẫn Còn Xanh, Em Vẫn Còn Anh chính là bầu trời trong xanh hơn, an lành hơn sau những cơn mưa ấy. Bởi như chính tác giả tự nhận xét về bản thân: “Trong mắt người ngoài, tôi là một nhà văn quẩn quanh bên sách vở. Trong mắt bạn bè, tôi là một kẻ khờ lắm điều mộng mơ. Trong mắt bố mẹ, tôi là một đứa trẻ không bao giờ chịu lớn. Trong mắt người tôi thương, tôi là một tiếng thở dài cũ kỹ. Trong mắt chính mình, tôi chỉ là một bầu trời xanh, luôn mong mình trở lại màu trong vắt và thanh tân – dẫu sau bao lần mưa giăng mây xám”. Và “bầu trời xanh” mang tên Anh Khang này đang từng bước soi chiếu thứ ánh sáng của niềm tin, lan toả những ước nguyện trong lành và gieo vào lòng người đọc những dư vị cảm xúc dễ chịu – bên cạnh nỗi buồn.

Nếu nỗi buồn trước đây trong trang sách của anh Khang là một thứ cảm xúc rất con người, rất nhân văn mà bất kỳ một người trẻ nào cũng phải trải qua trên hành trình trưởng thành, thì nỗi buồn trong Trời Vẫn Còn Xanh, Em Vẫn Còn Anh lại chính là sự cân bằng an nhiên của một người đã bước qua thăng trầm và đón nhận nỗi buồn như một cố nhân tri kỷ. Anh bảo: “Tôi xem nỗi buồn ngày cũ như một hành trang cần thiết để đến gặp niềm vui trong tương lai. Bởi phải làm lành với quá khứ, thì chúng ta mới có thể nhẹ nhõm tìm thấy hạnh phúc ở hiện tại”.

Bên cạnh những câu văn xuôi trầm bổng như thơ – thế mạnh đặc trưng trong văn của Anh Khang – thì Trời Vẫn Còn Xanh, Em Vẫn Còn Anh cho thấy rõ người viết trẻ này rất có ý thức trong việc xây dựng cấu trúc hình thức truyện. Anh Khang không vội vã để người đọc tiếp xúc ngay với nội dung chính trong các truyện ngắn của anh. Như một người bạn dẫn đường chân thành, anh chậm rãi hướng dẫn người đọc những bước chuẩn bị cần thiết trước khi thâm nhập vào tâm tình sâu kín của các nhân vật. Mười truyện ngắn trong tập truyện này đều bắt đầu bằng một đoạn trích dẫn ngắn thể hiện quan điểm nhất quán của câu chuyện, nó như một lời tự sự của chính tác giả để khởi nguồn suy nghĩ cho nhân vật chia sẻ về cuộc sống, về tình yêu. Sau khoảnh khắc lắng đọng súc tích ấy là phần “Dẫn đề” với những chia sẻ quan điểm của Anh Khang về câu chuyện, vừa dưới góc nhìn của người ngoài cuộc, vừa dưới góc nhìn của người trong cuộc đã từng trải. Qua hai bước chuẩn bị trên, cuối cùng độc giả mới chính thức bước vào câu chuyện anh kể. Có thể tạm chia cấu trúc một truyện ngắn của Anh Khang thành ba phần như sau: Lời tựa – Dẫn đề – Câu chuyện. Ba phần này như ba góc khác nhau của một “kim tự tháp cảm xúc”, chúng va đập vào nhau tạo ra vọng âm đa thanh cho câu chuyện. Có thể nói, Anh Khang là nhà văn trẻ hiếm hoi trên thị trường sách trẻ hiện nay có thể biến hóa ngòi bút đa dạng với nhiều thể loại khác nhau, chứ không đơn thuần chỉ viết sách tản văn để “chiều lòng” thị hiếu như nhiều cây bút trẻ đương thời.

Những câu chuyện trong Trời Vẫn Còn Xanh, Em Vẫn Còn Anh diễn ra dưới nhiều nơi chốn mà Anh Khang đã đi qua, thể hiện nhiều cảm thức văn hóa khác nhau: Trời vẫn còn xanh (Hy Lạp), Kinh thành ký ức (Pháp), Rồi sẽ có một ai đó thương em (Hàn Quốc), Khóc dưới chân Nguyệt Lão (Hong Kong), Đừng nhắc chuyện đã từng (Nhật Bản), Đôi lúc cũng nên hoang đường (Úc)… Nhưng những nhân vật của Anh Khang dù đi xa đến đâu cũng luôn giữ trong tim một bóng hình, một tình yêu. Vì vậy, không gian thay đổi liên tục trong truyện của Anh Khang không phải là để nhân vật khám phá những điều mới mẻ của ngoại cảnh, ngược lại, đi xa dường như là cách để họ nhìn lại bản thân mình trong sâu thẳm, là cách để họ gặp gỡ lại một-phần-đã-mất-của-mình và cũng là cơ hội để họ gặp gỡ những con người sẽ-là-một-phần-của-mình. Đó là cách họ vượt qua mất mát.

“Sau tất cả, màu trời trên đầu chúng ta vẫn mỗi ngày còn đó thanh tân, thì cũng sẽ luôn còn đó một người vì ta mà ở lại. Bởi đến cuối cùng, cho dù bất kỳ điều gì xảy ra, thì chỉ cần còn nhau là sẽ còn tất cả, có phải không?”

Anh Khang đã viết như thế ở phần lời tựa của tác phẩm này. Và dường như, những truyện ngắn anh viết trong Trời Vẫn Còn Xanh, Em Vẫn Còn Anh là để trả lời cho câu hỏi ấy. Đáp án ấy có thể sẽ khác nhau với mỗi người, nhưng có lẽ khi đọc xong Trời Vẫn Còn Xanh, Em Vẫn Còn Anh và gấp lại quyển sách này, vào khoảnh khắc ấy, bạn sẽ mỉm cười hạnh phúc với câu trả lời trong lòng mình. Chỉ cần còn nhau là sẽ còn tất cả.

2 đánh giá cho Trời Vẫn Còn Xanh, Em Vẫn Còn Anh

  1. Thúy Nga Nguyễn Thị

    Thật sự trước khi đọc quyển sách này, mình có chút lo sợ, bởi hồi trước tới giờ chưa đọc sách của Anh Khang bao giờ. Ấn tượng đầu tiên của mình đó là bìa sách rất đẹp, văn phong của AK cũng rất độc đáo. Anh ấy viết văn xuôi mà cứ như đang viết thơ vậy, ra vần ra điệu. Về nội dung của quyển sách – phần mà mình đòi hỏi nhiều nhất, thật sự thì tuyệt vời, đọc những câu đầu tiên của phần Thay lời tựa mình đã bị cuốn hút rồi, cho đến khi đi vào đọc các truyện ngắn thì mình bị mê mẩn luôn, cứ đọc mãi không dứt ra được, đọc một mạch hết quyển từ xế chiều đến tận tối. Cách sắp xếp các truyện ngắn cũng khá hay, khiến cảm xúc đi theo một sợi dây từ đầu đến cuối quuển sách, không vở ra một chút nào.

  2. Doan Bich Ngoc

    Như tác phẩm tiếp nối cho cuốn “Đường hai ngả, người thương thành lạ” những câu chuyện trong tập truyện ngắn này sẽ mở ra cho người đọc từng cái kết còn dang dở ở phần 1..dù là hạnh phúc hơn, hay sầu bi hơn thì đều mang đến những tia hi vọng. Lần lượt đi qua những vùng đất mới, những thành phố mới, những bầu trời mới mang đến cảm xúc tích cực hơn.Giọng văn câu từ cũng vì thế mà nhẹ nhàng, “bớt buồn hơn”. Mang lại 1 màu sắc tươi mới.. vì dẫu chuyện quá khứ có mất mát có đau thương thì ta cũng không thể buồn mãi được nó như cảm giác sau giông bão trời sẽ lại xanh, sẽ lại an nhiên như trước kia đã từng.
    “Suy cho cùng, mọi sự ở đời đều theo quy luật tịnh tiến ..chỉ khi nào chúng ta chịu làm lành với quá khứ, thì khi đó những nỗi đau mới chịu buông để nhường chỗ cho ban mai”

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button