Truyện Ngắn A.P. Chekhov

(5 đánh giá của khách hàng)

Chưa từng thấy ai đọc Chekhov mà bảo dễ hiểu cả. Mỗi truyện ngắn của ông là một trò chơi của tư duy và cảm xúc mà để hiểu được nó, mỗi người đọc cần phải suy ngẫm rất nhiều. Bạn cứ thử lật ra mà đọc thử xem. Sao Tseriviakhop lại chết trong ” Cái chết của một viên chức ” , cuộc gặp gỡ thú vị của ” Anh béo và anh gầy ” , rồi xem thử cái cách mà người ta nhổ cái răng cho ông Ephim Mikheit trong ” Phẫu thuật “, hay trò đùa tình yêu trong ” Một trò đùa “…..

Danh mục:

Với tập hợp 27 truyện ngắn, mỗi truyện đều mang một vẻ đẹp riêng có khi là sự chế giễu hóm hĩnh, cũng có khi là những giây phút lắng lòng về tình yêu.

Hình ảnh lớp viên chức, thị dân, nông dân, địa chủ… thường ta hay gặp ngoài đường phố, trong các rạp hát, bệnh viện, trường học hoặc trên các trại ấp đều được ngòi bút nhà văn khắc hoạ hết sức đậm nét. Không phải qua các chi tiết bề ngoài, mà đậm nét ở tâm trạng các nhân vật muôn hình nghìn vẻ.

Bên cạnh hình ảnh cái chết của một viên chức thì chuyện “Anh béo anh gầy” thật gần gũi với bao người, tạo nên tiếng cười hài hước không sao ngăn nổi đối với bạn đọc xuyên suốt hai thế kỷ.

Không chỉ nỗ lực “nặn cho hết những giọt nô lệ trong bản thân mình”, mà nhà văn mang ước nguyện cháy bỏng là làm sao cho “con người Nga trong tương lai đều phải đẹp, từ diện mạo, áo quần đến tâm hồn, tư tưởng”.

Không bị ràng buộc vào các giáo điều cũ kỹ, truyện ngắn Chekhov chứa bao điều lạ lẫm lấy từ sinh hoạt hàng ngày, kể cả “nước mắt mà người đời không thấy”, nhằm nhắn nhủ “Hãy nhìn lại mình, hãy nhìn xem chúng ta đang sống tồi, sống tẻ như thế nào?”.

5 đánh giá cho Truyện Ngắn A.P. Chekhov

  1. Trần Thị Thanh Loan

    Về đề tài châm biếm, Chekhov truyền tải nội dung đến người đọc rất hay, không lắt léo, khó hiểu nhưng vẫn rất ý nghĩa, sâu sắc, cùng với đó chính là giọng cười cay đắng về những kiểu người giả dối, cứng nhắc và bảo thủ của xã hội chuyên chế Nga lúc bấy giờ.
    Bên cạnh đó, những câu chuyện trữ tình của tấc giả Nga này lại được tôi chú ý hơn. Những lời nói yêu thương thường được bày tỏ một cách chân thành, giản dị nhưng vẫn làm tôi có cảm giác tình yêu lúc ấy thật nồng nhiệt và đắm say. Không cần đến những cuộc hẹn, những cái nắm tay hay những nụ hôn, chuyện tình mà Chekhov kể vẫn lôi cuối, vẫn hấp dẫn hơn cả.
    Tuy nhiên, truyện của ông thường có kết cục buồn, cậu bé Vanka viết thư cho ông nhưng lại quên ghi địa chỉ, Nadia chỉ nghe được lời yêu thương trong gió còn Vêrơska thì bị từ chối tinh yêu… Có lẽ tác giả đang phơi bày một sự thất, một sự thật đau đớn rằng cuộc sống đôi khi không như ta mong muốn. Đằng sau từng mẩu chuyện, dù là châm biếm hay là truyện trữ tình thì Chekhov đều để cho người đọc một khoảng lặng để suy tư và ngẫm nghĩ.
    Đối với tôi, được tiếp cận và đọc những truyện ngắn của Chekhov là một cơ hội tuyệt vời. Những câu chuyện của ông làm tâm hồn tôi có nhiều màu sắc hơn, giúp tôi bớt vô cảm hơn giữa nhịp độ cuộc sống nhanh như hiện nay.
    Nói tóm lại, tuyển tập Truyện ngắn A. P. Chekhov là một tuyển tập đáng đọc!

  2. Đặng Thái Hoàng

    Danh tiếng của Chekhov là không cần phải bàn cãi nữa. Ông là một nhà văn dưới thời Sa Hoàng nhưng các tác phẩm vẫn được xuất bản rộng rãi và đưa vào chương trình học thời Liên Xô. Chuyện “Người trong bao” nổi tiếng được đưa một phần vào sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 11 cũng nằm trong tập truyện ngắn này. Nhiều truyện hay, giàu cảm xúc, miêu tả tâm lý chân thực và sâu sắc, giá trị đến ngày nay nhưng cũng có truyện dở, một phần cũng do bản dịch đã quá cũ rồi. Dĩ nhiên, tác phẩm của Chekhov thì không thể bỏ qua với bất kì ai yêu văn học.

  3. Nguyễn Lan Anh

    Đọc xong tuyển tập mình có cảm giác về sự tương đồng của văn học hiện thực Việt Nam những năm 1930 với truyện của Chekov về giới công chức, trí thức. Cái xấu của mỗi xã hội đều được bộc lộ, nổi bật trên hết đó là sự ích kỷ,giả dối, luồn cúi, nịnh nọt…Những thói xấu đó được Chekhov diễn tả qua những câu chuyện: Người trong bao, Anh béo anh gầy, Cái chết của một viên chức, Mặt nạ, Con kỳ nhông… Ông dùng ngôn ngữ đơn giản nhưng lạnh lùng và đầy châm biếm để lột trần sự giả dối của tầng lớp trí thức, công chức trong xã hội bấy giờ. Chekhov không nói thẳng nói rõ qua câu chữ,ông để người đọc qua cảm nhận của mình hiểu về câu chuyện chính vì vậy câu chuyện nhiều tầng ý nghĩa và chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc đối với từng người đọc khác nhau.

  4. Nguyễn Mai Lan

    Mình đọc tuyển tập truyện ngắn của Chekhop đến lần thứ 3, (tất nhiên có bỏ qua một số truyện), tuy nhiên mỗi lẫn đọc là mỗi lúc thấy vỡ vạc được nhiều hơn. Ông miêu tả tình huống truyện thực đến nỗi người đọc thấy chính mình cũng run rẩy, và ông miêu tả tâm lí nhân vật tài tình đến mức mỗi suy nghĩ của nhân vật cứ ám ảnh mãi không thôi. Tôi rất thích truyện về một cậu bé vất vả lắm mới viết được thư cho ông nhưng cuối cùng lại quên địa chỉ. Đọc mà xót xa làm sao. Rồi truyện về căn phòng số 6 với những mảnh đời đầy ám ảnh. Rồi truyện về người cha bị đày nơi xa, vì cứu con gái mình mà chấp nhận hi sinh tất cả… Còn bao nhiêu truyện nữa khiến tôi yêu thích vô cùng. Đọc và thấy tâm hồn mình trong sáng hơn, nhân hậu và biết cảm thông hơn với mỗi mảnh đời bị đẩy ra rìa cuộc sống.

  5. Đỗ Lan

    Cuốn sách giống các tác phẩm văn học trong sách giáo khoa, nên thường không có những tình tiết lãng mạn, gay cấn mà là những mẩu truyện ngắn châm biếm nhẹ nhàng nhưng sâu sắc về xã hội bấy giờ về những thói xấu, nịnh bợ, luồn cúi trước quyền hành, những truyện đời và miêu tả tâm tính con người vẫn còn ích kỷ, hẹp hòi, hách dịch, cứng nhắc và bảo thủ. Truyện dịch có một số câu hơi tối nghĩa và những tên riêng bị phiên dịch ra, ví dụ Brigialốp, điều này giúp dễ đọc hơn nhưng mình nghĩ nếu tái bản lại thì nên để tên gốc, muốn phiên dịch thì mở ngoặc ghi tên phiên dịch sẽ tốt hơn.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button