Tư Duy Như Leonardo Da Vinci

(4 đánh giá của khách hàng)

Trong tư duy như Leonardo da Vinci, thông qua phân tích các tác phẩm nghệ thuật, những bản vẽ sáng chế của thiên tài lớn nhất mọi thời đại, Michael J. Gelb giới thiệu với bạn 7 nguyên tắc Da Vinci, những yếu tố cốt lõi và nền tảng của khả năng sáng tạo vô hạn đã giúp Leonardo trở thành hoạ sĩ đại tài, từ Curiosità (trí tò mò) – tiếp cận cuộc sống với trí tò mò vô hạn và nỗ lực học tập không mệt mỏi, đến Connessione (kết nối) – tư duy hệ thống, nhận ra và đánh giá đúng tính chất liên kết giữa sự vật và hiện tượng.

Danh mục:

Giới thiệu

Trong Tư duy như Leonardo da Vinci, thông qua phân tích các tác phẩm nghệ thuật, những bản vẽ sáng chế của thiên tài lớn nhất mọi thời đại, Michael J. Gelb giới thiệu với bạn 7 nguyên tắc Da Vinci, những yếu tố cốt lõi và nền tảng của khả năng sáng tạo vô hạn đã giúp Leonardo trở thành hoạ sĩ đại tài, từ Curiosità (trí tò mò) – tiếp cận cuộc sống với trí tò mò vô hạn và nỗ lực học tập không mệt mỏi, đến Connessione (kết nối) – tư duy hệ thống, nhận ra và đánh giá đúng tính chất liên kết giữa sự vật và hiện tượng.Với cuốn sách, bạn sẽ khám phá một cách tư duy hoàn toàn mới. Từng bước, thông qua các bài tập và bài học, bạn sẽ khai thác được thế mạnh và nhiều điều kỳ diệu khác trong con người mình, làm chủ cuộc đời và tận dụng khả năng để:

– Giải quyết vấn đề

– Suy nghĩ sáng tạo

-Biết cách thể hiện bản thân

– Thưởng thức thế giới xung quanh

– Đặt ra mục tiêu và cân bằng cuộc sống

– Hài hoà cơ thể và trí não.

Đọc thử

THỜI PHỤC HƯNG, QUÁ KHỨ VÀ HIỆN TẠI

Bức tranh “trục xuất” Adam và Eva của Masaccio là chủ đề cho cuộc tranh luận khôi hài, là bức tranh thật sự đầu tiên của thời kỳ Phục hưng. Cả Michelangelo và Leonardo đều đã dành nhiều thời gian nghiên cứu nó. Leonardo nhận xét: “Bằng sự hoàn hảo của tác phẩm, Masaccio chỉ cho thấy những người lấy cảm hứng từ một hình mẫu thay vì từ tự nhiên, bà chủ của tất cả các ông chủ, đang lao động trong vô vọng như thế nào.”

Chỉ ngang qua sông Arno, chệch đôi chút ra khỏi tuyến đường du lịch mà nhiều người thường lui tới của Florence, bạn sẽ thấy nhà thờ Santa Maria del Carmine. Khi vào trong, hãy rẽ trái rồi lại rẽ trái thêm lần nữa và bạn đã ở trong nhà nguyện Brancacci, bao quanh là các bức bích họa của Masolino và Masaccio. Bức đầu tiên, bên trái là sự gợi tả của Masaccio về cảnh Adam và Eva bị đuổi khỏi vườn địa đàng. Và đây chính là nơi thời Phục hưng bắt đầu: thay vì tiếp tục những bức vẽ trung cổ hai chiều về một thế giới khác, Adam và Eva của Masaccio là những con người thật. Dáng người trĩu nặng và vẻ mặt thất vọng của họ diễn tả những cảm xúc thật. Được vẽ trong không gian ba chiều, với những đôi bàn chân vững chắc trên mặt đất, hai nhân vật của Masaccio báo trước một kỷ nguyên mới của những hứa hẹn và tiềm năng con người.

Để đánh giá đúng kỷ nguyên mới này và thu được hiệu quả cao nhất từ nghiên cứu về Leonardo da Vinci, trước tiên, chúng ta cần có cái nhìn thấu đáo về giai đoạn trước đó. Trong A World Lit Only by Fire: The Medieval Mind and the Renaissance (Một thế giới chỉ có lửa thắp sáng: Tâm hồn thời Trung cổ và thời Phục hưng), William Manchester cho rằng đặc trưng của châu Âu trước thời kỳ Phục hưng là “sự pha trộn của chiến tranh liên miên, tham nhũng, không luật pháp, nỗi ám ảnh về những chuyện hoang đường kỳ lạ và tình trạng thiếu suy xét không thể vượt qua”. Khi miêu tả giai đoạn từ buổi hoàng hôn của Đế chế La Mã phương Tây tới buổi bình minh của thời Phục hưng, Manchester viết: “Trong suốt quãng thời gian đó, không điều gì quan trọng thật sự trở nên tốt hơn hoặc xấu đi. Ngoại trừ sự xuất hiện của bánh xe nước trong những năm 800 và cối xay gió trong những năm 1.100, không có một phát minh quan trọng nào ra đời. Không một ý tưởng mới mẻ gây chấn động nào đưa ra, không một lãnh thổ mới nào ngoài châu Âu được khám phá. Mọi thứ vẫn y nguyên như trước đó rất lâu, như trong tiềm thức của người châu Âu già nhất nhất có thể nhớ”. Chỉ một thế giới được biết đến mà theo Ptolemaic là trung tâm của vũ trụ – đó là châu Âu với Vùng Đất Thánh và Bắc Phi trên vùng rìa bao quanh. Mặt trời quay xung quanh thế giới đó mỗi ngày. Thiên Đường nằm đâu đó trong bầu trời hình vòm trên một Trái đất đứng yên; địa ngục đang sục sôi rất sâu dưới chân con người. Vua chúa cai trị với sự đồng ý của Đấng Toàn Năng; tất cả những người khác chỉ làm điều được sai bảo… Nhà thờ là không thể tách rời, cuộc sống sau cái chết là điều tất yếu; mọi tri thức đều đã được biết đến. Và không gì còn có thể thay đổi”.

Từ Phục hưng (Renaissance) là sự kết hợp động từ hồi sinh (renaitre) và danh từ sự ra đời (naissance) trong tiếng Pháp. Từ này trong tiếng Italia là Rinascimento. Sau nhiều thế kỷ của chế độ nông nô thời Trung cổ và mê tín, ý tưởng về sức mạnh và tiềm năng của con người lại xuất hiện trở lại. Sự hồi sinh ý tưởng cổ điển này đã được Giotto dự báo, được Brunelleschi, Alberti, Masaccio đề xướng và được Leonardo, Michelangelo, Raphael phát triển hoàn chỉnh. Sự chuyển biến nhanh chóng thế giới quan từ thời Trung cổ này diễn ra đồng thời với một loạt khám phá, cải tiến và phát minh, bao gồm:

• Công nghệ in ấn: đưa tri thức vượt ra ngoài sự cai trị của tầng lớp quý tộc và tăng lữ để đến với số đông. Vào năm 1456, mới có chưa đầy 60 cuốn kinh thánh – cuốn sách đầu tiên được in ở châu Âu bằng máy in của Gutenberg. Đến thế kỷ sau, đã có hơn 15 triệu cuốn sách in được lưu hành;

• Bút chì và giấy rẻ tiền: giúp người dân có thể viết lách, ghi chú và sao lưu nghiên cứu;

• Dụng cụ đo độ cao thiên thể, la bàn và thuyền buồm cỡ lớn: Kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của giao thông trên biển, thương mại quốc tế và trao đổi thông tin. Khi Columbus và Magellan chứng minh được Trái đất không phẳng, nhiều tri thức truyền thống đã bị đảo ngược;

• Súng thần công tầm xa: Mặc dù ná, máy bắn đá và súng thần công cỡ nhỏ đã được dùng nhiều năm song không phá vỡ được tường pháo đài. Loại súng thần công tầm xa cực mạnh do kỹ sư Urban người Hunggary thiết kế vào giữa những năm 1.400. Khi công nghệ này lan rộng, pháo đài phong kiến rồi sau đó là chế độ phong kiến đã nhanh chóng không còn là pháo đài bất khả xâm phạm nữa. Vũ đài mới được dựng lên để đón chào sự ra đời của các nhà nước quốc gia hiện đại;

• Đồng hồ cơ học: Thúc đẩy thương mại vì cho phép người ta thấy thời gian như một loại hàng hóa có thể kiểm soát. Trong thời Trung cổ, con người không có khái niệm về thời gian như chúng ta ngày nay. Đa số họ không biết mình đang sống ở năm nào hay thậm chí thế kỷ nào.

Những phát kiến này và phần lớn kiệt tác nghệ thuật của thời kỳ này đều được tiếp sức nhờ ý muốn kinh doanh, khát vọng trào dâng về hàng hóa tiêu dùng và mau chóng kiếm tiền. Trong cuốn Worldly Goods: A New History of the Renaissance (Của cải vật chất: Lịch sử mới của thời Phục hưng), tác giả Lisa Jardine, bằng những minh họa tuyệt vời và nội dung chi tiết, sắc sảo cho thấy những chuyển biến về văn hóa và học thức của thời Phục hưng bị chủ nghĩa tư bản đang bành trướng chi phối như thế nào. Bà cho rằng, “Những xung lực mà ngày nay ta gọi một cách coi thường là ‘chủ nghĩa tiêu dùng’” đã hiện hữu trong tâm trí con người thời Phục hưng, tạo ra những tác phẩm mà ngày nay chúng ta vẫn còn trân trọng, nâng niu. Ngay việc buôn bán cũng có vai trò: “Danh tiếng của một họa sĩ dựa trên khả năng người đó có thể tạo nên những lợi ích thương mại đối với tác phẩm nghệ thuật chứ không phải trên một vài tiêu chí bản chất về giá trị tri thức”.

Tuy vậy, vẫn còn câu hỏi tại sao thời Phục hưng lại diễn ra vào thời điểm như vậy. Một nghìn năm trước, những thành tựu trong lĩnh vực khoa học và thám hiểm của người châu Âu là không đáng kể. Trong suốt thời Trung cổ, phần lớn nỗ lực tìm kiếm tri thức của con người là trả lời câu hỏi về những điều vụn vặt mang tính học thuyết và chiến tranh “thần thánh”. Thay vì khám phá những vùng đất mới, những phát minh và ý tưởng mới, những bộ óc vĩ đại nhất chỉ chú tâm tranh luận xem nên có bao nhiêu thiên thần cho vừa đầu một chiếc ghim cài và nhà thờ không hề ngần ngại tra tấn những ai tỏ ra nghi ngờ giáo lý. Điều này dĩ nhiên đã kìm hãm những suy nghĩ độc lập.

Tôi và đồng nghiệp Raymond Keene tin rằng, Đại dịch cái chết đen (dịch hạch) diễn ra vào thế kỷ XIV, nhanh chóng cướp đi sinh mạng của gần một nửa dân số châu Âu là nguyên nhân sâu xa dẫn tới thời Phục hưng. Linh mục, giám mục, quý tộc và hiệp sĩ chết nhiều không kém tá điền, nông nô, gái bán hoa và thương nhân. Sự dâng hiến, lòng mộ đạo và lòng trung thành với nhà thờ đều không đem lại sự chở che nào, khiến lòng tin của mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội lung lay dữ dội. Hơn nữa, những gia đình giàu có thấy hao hụt tài sản nhanh chóng chỉ qua một đêm, của cải tập trung vào tay những người may mắn sống sót. Nếu như trước đây, họ sẽ dành số tài sản đó cho nhà thờ, thì giờ người giàu bắt đầu giữ cho chặt khoản kiếm được sau đại dịch và đầu tư vào học thuật độc lập. Từ ban đầu là sự biến chuyển nhận thức tinh tế tưởng như không thể cảm nhận được, người ta tìm kiếm lời giải đáp bên ngoài những lời cầu nguyện và giáo điều. Năng lượng tri thức sau một thiên niên kỷ bị kìm hãm trong lòng giáo hội giờ nổi sóng và bắt đầu tuôn ra từ lỗ thủng mà trận dịch hạch để lại.

Năm trăm năm sau thời Phục hưng, vào thời điểm các quốc gia và tập đoàn cạnh tranh với nhà thờ để giành lấy sự trung thành của con người, thế giới lại trải qua một đợt bùng nổ tri thức, chủ nghĩa tư bản và liên kết sâu sắc. Di chuyển bằng đường hàng không – sự hiện thực hóa giấc mơ và dự báo của Da Vinci – điện thoại, radio, truyền hình, điện ảnh, máy fax, máy tính cá nhân và giờ đây là mạng Internet liên kết lại với nhau thành một mạng lưới trao đổi thông tin toàn cầu ngày càng phức tạp. Những tiến bộ có tính cách mạng trong nông nghiệp, tự động hóa và y học là điều tất yếu. Chúng ta đã đưa con người lên mặt trăng và máy móc lên sao hỏa, giải phóng năng lượng nguyên tử, giải mã bản đồ gen và khám phá bí mật bộ não người. Những bước phát triển vượt bậc trong truyền thông và công nghệ này đã kích thích những năng lượng của chủ nghĩa tư bản, giải phóng xã hội và làm xói mòn chế độ độc tài.

Bạn không thể không nhận thấy sự thay đổi đang diễn ra ngày càng nhanh hơn. Những thay đổi này ảnh hưởng đến cuộc sống và nghề nghiệp của bạn thế nào, không ai biết. Nhưng cũng như những nhà tư tưởng ở cuối thời kỳ biến động lớn mà đại dịch cái chết đen tạo ra, chúng ta cần tự hỏi liệu có thể để những quyền thế trong thời đại này – nhà thờ, chính phủ hay tập đoàn – nghĩ hộ mình hay không.

Tuy nhiên, không sai khi nói sự thay đổi ngày càng nhanh chóng và mức độ phức tạp ngày càng tăng đã nhân lên gấp bội giá trị của tri thức. Khả năng học tập, thích nghi, suy nghĩ độc lập và sáng tạo của mỗi cá nhân được đánh giá cao. Trong thời Phục hưng, những cá nhân có lối suy nghĩ của thời Trung cổ bị tụt lại phía sau. Giờ đây, trong thời đại thông tin, những người suy nghĩ theo lối trung cổ và công nghiệp đang dần biến mất.

Thời Phục hưng được khơi nguồn cảm hứng từ những lý tưởng của cổ nhân thời trước đó – nhận thức về sức mạnh và tiềm năng con người, niềm đam mê khám phá – nhưng cũng biến đổi chúng để đối phó với những thách thức của thời đại. Giờ đây, chúng ta có thể lấy cảm hứng từ những lý tưởng Phục hưng, biến đổi chúng để đối phó với những thách thức của chính chúng ta.

Cũng giống như nhiều người, bạn thấy thách thức lớn nhất của mình là sống một cuộc sống cân bằng, trọn vẹn trong khi phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ mọi phía. Như chúng tôi đã nói, tổ tiên thời Trung cổ của chúng ta không có khái niệm về thời gian; trái lại, chúng ta đang có nguy cơ bị chiếc đồng hồ điều khiển. Trong thời Trung cổ, thông tin không đến được với dân thường và có một vài cuốn sách thời đó được viết bằng tiếng Latinh, ngôn ngữ vốn chỉ được dạy cho một nhóm ưu tú trong xã hội. Giờ chúng ta bị cuốn trôi trong một luồng dữ liệu lớn chưa từng có và không bao giờ ngừng. Trong vòng 500 năm, chúng ta đã chuyển từ một thế giới, nơi mọi thứ đều chắc chắn và không gì thay đổi sang một thế giới không có gì chắc chắn và mọi thứ đều thay đổi.

Những thay đổi với tốc độ ngày càng tăng đã thúc đẩy sự quan tâm tới phát triển bản thân, thức tỉnh tâm hồn và trải nghiệm tinh thần. Sự sẵn có thông tin về những phong tục bí truyền của thế giới đã tạo nên một đợt sóng tìm kiếm lớn (100 trước, chắc hẳn bạn sẽ phải trèo lên một ngọn núi ở Ấn Độ để học thiền; ngày nay, bạn có thể tham gia một khóa học ở chỗ X, tải thông tin từ mạng Internet, hay chọn lựa trong số hàng trăm cuốn sách ngay tại cửa hàng sách trong vùng). Cùng lúc đó, sự tràn ngập thông tin lại góp phần tạo nên thái độ hoài nghi tràn lan, sự đổ vỡ và cảm giác bơ vơ. Chúng ta có nhiều cơ hội hơn, nhiều tự do hơn, nhiều lựa chọn hơn bất kỳ người nào đã từng sống. Nhưng cũng có nhiều hơn bao giờ hết thứ tạp nham, tầm thường và phế thải cần phải phân loại.

Đối với những người mong muốn tìm ra con đường cho mình giữa vô vàn thứ phế thải, tìm tới tầng sâu hơn của ý nghĩa, cái đẹp và chất lượng cuộc sống, Leonardo da Vinci – vị thánh bảo hộ cho những người suy nghĩ độc lập – luôn vẫy chào bạn tiến tới.

ĐÀN ÔNG VÀ PHỤ NỮ PHỤC HƯNG HIỆN ĐẠI

Một người Phục hưng lý tưởng hay con người toàn năng, luôn biết cân bằng, có tầm hiểu biết bao quát cả nghệ thuật và khoa học. Chương trình giảng dạy môn khoa học nhân văn trong các trường đại học trên thế giới đều xuất phát từ việc phản ánh lý tưởng này. Trong thời đại chuyên môn hóa ngày càng cao, muốn đạt được sự cân bằng thì ta phải làm điều ngược lại với xu hướng này. Ngoài việc sở hữu kiến thức sâu sắc về khoa học nhân văn cổ điển, con người toàn năng hiện đại còn cần:

• Hiểu biết về máy tính: Mặc dù ngay cả Leonardo có lẽ cũng gặp rắc rối khi lập trình cho một đầu máy VCR, người Phục hưng hiện đại cũng dần quen với sự phát triển công nghệ thông tin và ngày càng ở nhà nhiều hơn bên chiếc máy tính nối mạng toàn cầu;

• Hiểu biết về tinh thần: Như đã đề cập trước đó, 95% những hiểu biết về não người mới được biết đến trong 20 năm trở lại đây. Hiểu biết về tinh thần là thuật ngữ do Tony Buzan đưa ra để diễn tả sự hiểu biết có tính thực tiễn về phương thức hoạt động của não người. Bắt đầu từ việc đánh giá đúng tiềm năng to lớn của não bộ và vô số thể loại trí thông minh, tới sự phát triển các kỹ năng học tập và tư duy sáng tạo được đẩy mạnh sẽ được giới thiệu ở phần sau;

• Hiểu biết về thế giới: Ngoài việc đánh giá được những mối liên hệ toàn cầu về truyền thông, kinh tế và hệ sinh thái, con người toàn năng hiện đại cũng cần phải hòa hợp với những nền văn hóa khác nhau. Phân biệt chủng tộc, phân biệt giới, ngược đãi tôn giáo, chứng sợ đồng tính và chủ nghĩa dân tộc được nhìn nhận như những vết tích của thời nguyên thủy trong quá trình tiến hóa. Những người Phục hưng hiện đại ở phương Tây đánh giá đặc biệt cao văn hóa phương Đông và ngược lại.

Trích dẫn

Đang cập nhật..

Thể loại

8 cuốn sách hay về Leonardo Da Vinci, thiên tài vĩ đại của thế giới - 8 cuốn sách hay về Leonardo Da Vinci giúp bạn đọc hiểu thêm về thiên tài toàn năng người Italia. Ông vừa là hoạ sĩ, kiến trúc sư, nhà điêu khắc, nhà khảo luận mỹ thuật, thiên tài của nền văn hoá và chủ nghĩa nhân đạo thời Phục hưng, xuất chúng trong mọi hình… Đọc thêm
Những Cuốn Sách Nên Đọc Để Phát Huy Khả Năng Sáng Tạo - Tư duy Sáng tạo giúp bạn có cái nhìn khái quát, rèn luyện lối tu duy và khám phá những tiềm năng nguồn sức mạnh của bản thân để phát triển và nuôi dưỡng sự sáng tạo bên trong bạn. Hãy cùng khám phá nhé các bạn! Sức mạnh của trí tuệ sáng tạo “Sức… Đọc thêm

Nơi bán

 

Nhận hàng ngay chỉ trong vài giờ với gói TIKINOW tại TP.HCM, HN, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy

Tới nơi bán

 

FREESHIP cho đơn hàng từ 140k tại TP.HCM và Hà Nội, từ 250k tại các tỉnh thành khác, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy.

Tới nơi bán

4 đánh giá cho Tư Duy Như Leonardo Da Vinci

  1. Ninh Ninh

    Phải công nhận là nhìn những bức tranh của Leo mà cứ nhìn mãi mê đắm cuốn hút đến kỳ lạ.Và Leo là một họa sĩ cực kỳ đa tài.Người ta thường nghĩ những nghệ sĩ thì não phải phát huy thường kém về logic khoa học trừu tượng này nọ nhưng đối với Leo thì khác.Những bức tranh đẹp mê hồn của ông cũng được tính toán rất Logic và khoa học.Tài năng của ông không bị giới hạn tẹo nào.Cuốn sách đã trình bày rất kỹ lưỡng ,giúp ta khám phá ra tại sao ông là Thiên Tài.Cuốn sách có những phần còn cho ta luyện tập tư duy nên nếu bạn nào muốn phát triển trí não thông minh lên thì hãy mua cuốn này.Hay lắm các bạn ^^.

  2. Xi Xup

    Cuốn sách giúp bạn hiểu rõ hơn cách thức mà Leonardo đã dùng để “sống cuộc đời” của mình. Dễ đọc, trình bày dễ hiểu. Nội dung thực tế, hấp dẫn và có thể áp dụng được qua những bài tập.
    Đọc cuốn sách này, cũng giúp mình sống đúng với sống hơn. Bạn đã bao giờ sống bằng cả trái tim, sống tràn đầy nhiệt huyết, sống bằng mọi năng lực mà bạn có? Michael J.Gelb sẽ giúp bạn làm được điều đó thông qua bảy nguyên tắc để trở thành thiên tài mà ông rút ra được khi nghiên cứu rất kĩ về Leonardo da Vinci –> Những nguyên tắc không hề cao siêu!

  3. Ngo Loc

    Đây là một cuốn sách không thể thiếu trong tủ sách tư duy của tôi. Với lối viết đầy lôi cuốn và thu hút, sách đã nêu rõ được các phương pháp tư duy với những ví dụ cụ thể trong thực tiễn, và đôi khi cách tư duy là rất lạ thường ví dụ như việc thay đổi cách nhìn nhận của một bức tranh bằng việc nhìn qua một tấm gương để có cái nhìn khách quan hơn, vân vân. Leonardo Da Vinci là một người vĩ đại trên nhiều phương diện, và chắc chắn đây sẽ là một cuốn sách hay để bạn đọc có thể hiểu rõ hơn con người này cũng như những gì diễn ra bên trong bộ não vĩ đại đó.

  4. An Quốc Nguyễn

    Mình không thể tin nổi là sách lại hay đến vậy mình rất hâm mộ leonardo da vinci vì vậy khi thấy sách mình đã quyết định mua ngay về để nghiên cứu học hỏi thêm kinh nghiệm cho bản thân cũng như để sau này có thể dạy cho thế hệ sau không những 1 thiên tài mà có rất nhiều thiên tài khác nữa thật sự sách rất hay khiến mình suy nghĩ để học hỏi theo cách của các thiên tài,tác giả giải thích rất rõ ràng và dễ hiểu càng đọc càng hay,thật là bài học bổ ích

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button