Tuổi 20 – Những Năm Tháng Quyết Định Cuộc Đời Bạn

(4 đánh giá của khách hàng)

Cuốn sách này thật sự rất hay, nội dung sách nói về những việc sẽ đến với các bạn tuổi 20 như hôn nhân, con cái,… Ở mỗi VIỆC là một câu chuyện của một nhân vật, tác giả phân tích mặt đúng, mặt sai rất logic, có dẫn chứng khoa học cụ thể nên rất thuyết phục. Tuy không phải vấn đề nào cũng phải theo hướng giải quyết như tác giả đề cập nhưng nó đáng để chúng ta tham khảo.

Danh mục:

Giới thiệu

Luôn chạy theo đám đông Không tiếp sức, cổ vũ những người xung quanh

Nghĩ rằng không phải học hỏi và trưởng thành nữa

Nghĩ rằng giúp đỡ ai đó rồi họ sẽ có ngày trả ơn mình

Đầu tư vào những mối quan hệ không có giá trị đúng đắn

Cặp kè với những người bạn ăn chơi lêu lổng và giết thời gian

Luôn tiêu đến đồng cuối cùng mình có được mà không chịu để dành

Hẹn hò một người chẳng ra gì

Quên rằng luật nhân quả là có thật trong cuộc sống

Tuổi thanh xuân giống như một cơn mưa rào mùa hạ chợt đến và rồi chợt đi lúc nào không hay. Đừng bỏ phí những năm tháng quyết định cuộc đời mình các bạn nhé!

Đọc thử

VỐN SỐNG

Con người không tự trưởng thành. Họ phải trải qua tôi luyện.

— Kay Hymowitz, nhà bình luận xã hội

Không phải từ lúc sinh ra ta đã có tất cả, mà phải nỗ lực từng chút để hoàn thiện mình.

— Mary Antin, nhà văn

Helen đến điều trị bởi cô đang “gặp khủng hoảng về danh tính”. Cô bỏ công việc trông trẻ, quay sang tập yoga rồi lại tiếp tục trông trẻ, chờ đợi cái mà cô gọi là “tia chớp trực giác”. Helen lúc nào cũng trông như đã mặc sẵn đồ đến lớp luyện tập dù không biết cô có thực sự sẽ đến đó hay không; có một thời gian lối sống tùy tiện của cô khiến bạn bè, những người đã bước vào “thế giới thật” hoặc đang học cao học, phải ghen tỵ. Trong một thời gian, cô đã tận hưởng cuộc sống một cách vô cùng thoải mái.

Nhưng chẳng lâu sau, công cuộc tìm kiếm danh tính nội tại của Helen khiến cô mệt mỏi. Ở tuổi 27, cô cảm thấy như chính những người bạn từng khát khao những chuyến phiêu lưu của cô đang thương hại cô. Họ đang thăng tiến, trong khi cô vẫn đang đẩy xe đưa những đứa trẻ của người khác đi dạo.

Bố mẹ của Helen đã tuyên bố cụ thể về mục tiêu Đại học Tri-Delt và dự bị y khoa. Họ quyết định như vậy dù Helen là một nhiếp ảnh gia tài năng mong muốn được theo học ngành nghệ thuật – và cũng không thích tham gia hội nữ sinh. Từ học kỳ đầu tiên, Helen đã ghét các lớp dự bị y khoa và đạt kết quả học tập không mấy khả quan. Cô ghen tỵ với những người bạn được đọc các tài liệu thú vị và tìm kiếm mọi cơ hội tham gia hoạt động nghệ thuật ngoại khóa. Sau 2 năm chật vật với môn sinh học và dành toàn bộ thời gian rảnh rỗi cho những gì mình thực sự yêu thích, Helen chuyển sang ngành nghệ thuật. Bố mẹ cô nói, “Con sẽ làm gì với ngành đó cơ chứ?”

Sau khi tốt nghiệp, Helen thử sức với công việc nhiếp ảnh tự do. Khi sự bấp bênh của công việc bắt đầu ảnh hưởng đến khả năng thanh toán hóa đơn điện thoại, cuộc đời nghệ sĩ dần mất đi ánh hào quang của nó. Không có bằng dự bị y khoa, không có tương lai rõ ràng trong công việc nhiếp ảnh, hay thậm chí là điểm số khả quan trong những năm đại học, Helen không biết phải bước tiếp ra sao. Cô muốn tiếp tục theo đuổi con đường nhiếp ảnh nhưng không biết phải làm thế nào. Cô bắt đầu trông trẻ, kiếm sống qua ngày. Năm tháng qua đi và bố mẹ cô thường nói, “Thấy chưa, bố mẹ đã bảo rồi.”

Hiện Helen hy vọng rằng một bước lùi thích hợp hay một cuộc nói chuyện đúng đắn khi trị liệu hoặc trao đổi với bạn bè có thể thực sự hé lộ về bản thân cô. Theo cô, sau đó cô có thể bắt đầu cuộc sống. Tôi nói với cô rằng tôi không chắc và một khoảng thời gian dài suy ngẫm về bản thân thường phản tác dụng cho những người trong độ tuổi 20.

“Nhưng ai ở tuổi này mà chẳng vậy ạ”, Helen nói.

“Như thế nào cơ?” Tôi hỏi.

“Bị khủng hoảng ấy ạ”, cô trả lời.

“Ai nói vậy?” Tôi hỏi.

“Cháu không biết. Ai chả nói vậy. Trong sách cũng viết thế”.

“Tôi nghĩ cháu đã hiểu nhầm về khủng hoảng danh tính và làm thế nào để thoát khỏi nó,” tôi nói. “Cháu đã nghe nói về Erik Erikson bao giờ chưa?”.

Erik Salomonsen là một anh chàng người Đức tóc vàng, mẹ cậu có tóc màu tối và cậu chưa từng biết mặt bố. Vào ngày sinh nhật thứ ba của Erik, mẹ cậu thành hôn với một bác sĩ khoa nhi. Ông nhận Erik làm con nuôi. Từ đó cậu có cái tên mới là Erik Homburger. Họ nuôi lớn cậu theo truyền thống của người Do Thái. Tại đền thờ, Erik bị trêu chọc vì làn da trắng của mình. Ở trường, cậu bị trêu chọc vì là người Do Thái. Erik thường cảm thấy bối rối khi không biết mình là ai.

Sau khi tốt nghiệp trung học, Erik mong muốn trở thành họa sĩ. Anh đi du lịch vòng quanh châu Âu, tham gia các lớp học vẽ và đôi khi phải ngủ dưới gầm cầu. Ở tuổi 25, anh quay lại Đức và trở thành một thầy giáo dạy mỹ thuật, học phương pháp dạy học Montessori, lấy vợ và lập gia đình. Sau khi dạy lũ trẻ những kiến thức rất cơ bản về phân tâm học, Erik được con gái của Sigmund Freud là Anna phân tích tâm lý và anh học tiếp để đạt được tấm bằng ngành Phân tâm học.

Ở tuổi 30, Erik và gia đình chuyển đến Mỹ. Ở đây, anh trở thành một nhà phân tích tâm lý và nhà lý luận phát triển nổi tiếng. Anh dạy ở Harvard, Yale, Berkeley; viết vài cuốn sách và đoạt một giải Pulitzer. Để ám chỉ cảm giác của một người không có cha và thành công bằng chính khả năng của mình, anh đổi tên thành Erik Erikson, nghĩa là “Erik, con trai của chính mình.” Erik Erikson được biết đến nhiều nhất nhờ đặt ra thuật ngữ “Khủng hoảng danh tính” vào năm 1950.

Tuy sinh ra ở thế kỷ XX nhưng Erik đã sống cuộc đời của một người đàn ông thế kỷ XXI. Anh lớn lên trong một gia đình có nhiều sự pha trộn. Anh phải đối mặt với những câu hỏi về danh tính văn hóa. Anh dành cả tuổi thanh niên để đi tìm chính mình. Vào thời điểm mà vai trò của người lớn cũng sẵn có như những bữa tối xem tivi, trải nghiệm của Erik cho phép anh hình dung rằng khủng hoảng danh tính là, hoặc ít nhất nên là, một điều thường gặp. Anh cảm thấy rằng không thể vội vã tìm kiếm danh tính thật sự và vì vậy anh ủng hộ một quãng thời gian trì hoãn để tuổi trẻ có thể khám phá một cách an toàn mà không gặp rủi ro hay cản trở nào. Với một số người, đó là quãng thời gian học đại học. Với số khác như Erikson, đó là một chuyến đi lang thang hoặc du lịch một mình. Dù là cách nào, anh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự lập. Erikson nghĩ rằng tất cả mọi người nên tạo ra cuộc đời của chính mình.

Helen và tôi trò chuyện về cách Erikson đi từ khủng hoảng danh tính đến giải Pulitzer. Đúng, anh đã đi du lịch khắp nơi và ngủ dưới chân cầu. Đó mới là một phần của câu chuyện. Anh còn làm gì nữa? Ở tuổi 25, anh dạy mỹ thuật và theo học các lớp giáo dục. Ở tuổi 26, anh bắt đầu theo học Phân tâm học và gặp những người có tầm ảnh hưởng. Đến năm 30 tuổi, anh đã lấy được bằng phân tích tâm lý và bắt đầu sự nghiệp làm giáo viên, một nhà phân tích, một nhà văn và một nhà lý luận. Erikson đã có một khoảng thời gian gặp phải khủng hoảng danh tính trong suốt tuổi trẻ. Nhưng trong quá trình đó, anh cũng đã thu được thứ mà các nhà xã hội học gọi là vốn sống.

Vốn sống là tập hợp những tài sản cá nhân. Đó là những khả năng cá nhân mà ta tích cóp theo thời gian. Đó là những gì ta đầu tư cho chính bản thân mình, những gì ta làm đủ tốt hoặc đủ lâu để chúng trở thành một phần của ta. Một phần vốn sống này được đưa vào sơ yếu lý lịch, chẳng hạn như bằng cấp, nghề nghiệp, điểm số và kinh nghiệm. Những vốn sống khác mang tính cá nhân hơn, chẳng hạn cách ta nói, hoàn cảnh xuất thân, cách ta giải quyết vấn đề, bề ngoài của ta. Vốn sống là cách ta phát triển bản thân, từng chút theo thời gian. Quan trọng nhất, vốn sống là thứ ta mang vào thương trường của người trưởng thành. Nói một cách ẩn dụ, đó là thứ tiền tệ ta sử dụng để mua công việc, các mối quan hệ và những gì ta muốn.

Những người trong độ tuổi 20 như Helen nghĩ rằng khủng hoảng là cái trước mắt cần đối phó còn vốn sống là chuyện sau này. Nhưng trên thực tế, khủng hoảng và vốn sống có thể – và cần – được xử lý song song, giống như với Erikson vậy. Các nhà nghiên cứu từng tìm hiểu cách con người xử lý khủng hoảng danh tính đã phát hiện ra rằng những cuộc đời chỉ để tích cóp vốn sống và không gặp khủng hoảng nào – chỉ làm việc mà không khám phá – đem lại cảm giác cứng nhắc và tầm thường. Mặt khác, nhiều khủng hoảng hơn vốn sống cũng là một vấn đề. Khi khái niệm khủng hoảng danh tính bắt đầu phổ biến tại Mỹ, bản thân Erikson đã cảnh báo việc dành quá nhiều thời gian vào những “nhầm lẫn xa vời”. Anh lo ngại rằng sẽ có nhiều người trẻ tuổi “có nguy cơ trở nên không phù hợp.”

Những người trong độ tuổi 20 dành thời gian để khám phá và đồng thời có can đảm đặt ra các cam kết trong cả quá trình sẽ hình thành cái tôi mạnh hơn. Họ có lòng tự trọng cao hơn, kiên nhẫn và thực tế hơn. Con đường tìm đến cái tôi này còn liên quan đến nhiều kết quả khả quan, bao gồm nhận thức rõ hơn về bản thân, hài lòng với cuộc sống hơn, kiểm soát căng thẳng tốt hơn, lập luận chặt chẽ hơn và giữ được cá tính riêng – những phẩm chất mà Helen muốn có.

Tôi khuyến khích Helen tìm kiếm một chút vốn sống. Tôi gợi ý rằng cô nên bắt đầu bằng cách tìm kiếm những công việc có thể ghi được vào sơ yếu lý lịch.

“Đây là cơ hội để cháu được vui vẻ,” cô phản đối. “Để cháu được tự do trước khi phải đối mặt với cuộc sống thực.”

“Vui vẻ ở chỗ nào? Cháu đến gặp tôi vì cháu đang cảm thấy khổ sở.”

“Nhưng cháu được tự do!”

“Cháu tự do như thế nào? Ban ngày cháu rảnh rỗi trong khi hầu hết những người cháu biết đều đang làm việc. Cháu đang sống trong túng thiếu. Cháu chẳng làm được gì với khoảng thời gian ấy.”

Helen trông có vẻ nghi ngờ, như thể tôi đang cố gắng thuyết phục cô rời khỏi tấm thảm tập yoga và nhét chiếc cặp tài liệu vào tay cô. Cô nói, “Chắc cô là một trong những người học xong đại học là lên thẳng cao học.”

“Không phải. Thực ra, tôi đã vào được một trường cao học tốt hơn rất nhiều nhờ những gì tôi từng làm sau khi học xong đại học.”

Helen cau mày.

Tôi suy nghĩ chốc lát rồi nói. “Cháu có muốn biết tôi đã làm gì sau khi học xong đại học không?”

“Có, cháu muốn biết,” cô nghi ngờ.

Helen đã sẵn sàng lắng nghe.

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi làm việc cho Outward Bound. Đó là một công việc hậu cần nhàm chán. Tôi sống ở một khu căn cứ trên dãy núi Blue Ridge và dành hơn nửa năm lái xe tải tới những vùng xa xôi hẻo lánh, mang theo món yến mạch trộn và nhiên liệu cho những nhóm sinh viên lấm lem, hốc hác trong những chuyến đi phượt. Tôi có những kỷ niệm cực kỳ vui vẻ khi lái những chiếc xe 15 chỗ dọc các đoạn đường đất gồ ghề với tiếng nhạc phát ra xập xình từ radio. Thường tôi là người ngoài duy nhất mà những nhóm này gặp trên đường trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần. Các sinh viên luôn tỏ ra vui vẻ khi thấy tôi vì tôi nhắc họ nhớ rằng cuộc sống vẫn đang tiếp diễn đâu đó ngoài kia.

Khi cơ hội được làm trợ giáo xuất hiện, tôi lập tức nắm lấy nó. Tôi đã đi qua khắp các ngọn núi ở Bắc Carolina, Maine và Colorado, khi cùng các cựu chiến binh, lúc cùng các CEO ở Phố Wall. Tôi đã dành cả một mùa hè dài nóng nực ở cảng Boston trên một chiếc thuyền buồm không mui dài hơn 9m với một nhóm nữ sinh trung học.

Chuyến đi yêu thích của tôi – chuyến đi tôi đã dẫn đầu hơn chục lần – là một chuyến thám hiểm bằng xuồng trong 28 ngày chạy dọc sông Suwannee, cách vùng nước đen và rừng cây bụt mọc ở đầm lầy Okefenokee ở Georgia hơn 560km, qua vùng phía Bắc Florida, tới bãi biển đầy cát ở Vịnh Mexico. Các sinh viên trong những chuyến đi xuồng này là những thanh niên phạm tội. Đó là cụm từ chính thức dành cho những đứa trẻ hay được gọi một cách không chức thức là “lưu manh”. Đây là những thanh thiếu niên hoặc ở thành thị hoặc ở các vùng nông thôn xa xôi đã từng phạm tội: trộm cướp, hành hung, quấy rối và buôn bán ma túy – tất cả chỉ trừ giết người. Họ đang thi hành án trên dòng sông này cùng với tôi.

Công việc này không những có ý nghĩa mà còn rất thú vị. Tôi đã học được cách chơi bài gian lận từ những đứa trẻ thường xuyên ra vào các trại giam. Mỗi tối, sau khi chúng đã chui vào túi ngủ, tôi ngồi bên ngoài lều và đọc to những câu chuyện kể lúc nửa đêm từ những cuốn sách nhiều chương, chẳng hạn như Đảo giấu vàng. Tôi thường được thấy những đứa trẻ này sống đúng với lứa tuổi của mình, nhảy xuống sông vui đùa, những phiền não trước đây dường như tan biến. Tuy nhiên, hiện thực cuộc sống cũng chẳng bao giờ rời xa. Khi chỉ mới khoảng 24 tuổi, tôi đã phải nói với một cô bé từng phạm tội – một bà mẹ 2 con mới 15 tuổi – rằng mẹ của cô bé đã mất vì AIDS trong khi cô bé đang chèo thuyền dọc sông Suwannee.

Tôi nghĩ rằng công việc của mình tại Outward Bound sẽ chỉ kéo dài một hoặc hai năm. Trước khi kịp nhận ra, tôi đã đánh mất gần 4 năm. Một lần, trong thời gian nghỉ, tôi đến thăm thành phố nơi có trường đại học của tôi trước đây và thấy cô giáo hướng dẫn của mình. Tôi vẫn nhớ cô đã nói, “Thế còn trường cao học thì sao?” Đó là liều thuốc thực tế cho chính tôi. Tôi thật sự muốn học cao học và đang dần chán cuộc sống ở Outward Bound. Cô giáo của tôi nói rằng nếu tôi muốn thì tôi phải làm điều đó. “Em đang chờ đợi gì kia chứ?” Cô hỏi. Có vẻ như tôi đang chờ ai đó thúc giục tôi phải tiến bước. Và tôi đã làm vậy.

Quang cảnh buổi phỏng vấn tâm lý học lâm sàng thường đầy những sinh viên sáng láng mới tốt nghiệp với những cặp tài liệu bằng da mới toanh và những bộ đồ thùng thình. Khi đến đó, tôi cũng mặc một bộ đồ như vậy và mang theo cặp tài liệu. Cảm thấy có phần lạc lõng do đã dành nhiều năm trong rừng, tôi nhét đầy trong cặp tài liệu những bài viết học thuật của khoa có thể sẽ phỏng vấn tôi. Tôi đã sẵn sàng để nói chuyện một cách đầy thông thái về những thử nghiệm lâm sàng của họ và giả vờ tỏ vẻ đam mê những nghiên cứu mà có thể tôi sẽ chẳng bao giờ làm.

Nhưng chẳng ai muốn nói về những điều ấy cả.

Hầu như lúc nào cũng vậy, những người phỏng vấn sẽ liếc qua lý lịch của tôi và bắt đầu một cách hào hứng “Hãy kể cho tôi nghe về Outward Bound!” Mọi người trong khoa sẽ giới thiệu bản thân với tôi bằng cách nói, “Vậy bạn là cô gái đến từ Outward Bound!” Những năm sau này, dù là trong những lần phỏng vấn tình trạng cư trú, tôi cũng dành phần lớn thời gian trả lời câu hỏi về những gì xảy ra khi những đứa trẻ chạy trốn ở nơi hoang dã, hoặc liệu có an toàn không khi bơi trong một dòng sông có cá sấu. Thật sự là phải đến khi lấy được bằng tiến sĩ từ trường Berkeley, tôi mới bắt đầu được biết đến vì một điều gì đó khác.

Tôi kể cho Helen vài câu chuyện về tôi. Tôi nói rằng những năm tháng tuổi 20 có tiềm lực khác với đại học. Với một số người, cuộc sống là chăm chỉ cố gắng vào nhóm sinh viên xuất sắc Phi Beta Kappa hoặc đạt được bằng Ivy League. Thông thường hơn thì cái tôi và sự nghiệp không được gây dựng từ ngành học đại học và điểm tổng kết, mà từ những mảnh ghép vốn sống – và tôi lo ngại rằng Helen không có được gì cả.

Sẽ chẳng có ai bắt đầu buổi phỏng vấn Helen cho công việc tiếp theo của cô bằng cách nói, “Hãy kể cho tôi nghe về việc làm bảo mẫu!” Điều này khiến tôi ngập ngừng. Nếu Helen không nhanh chóng kiếm chút vốn sống thì tôi biết rằng cô có thể sẽ có một cuộc sống không hạnh phúc và bán thất nghiệp.

Sau khi nghe tôi thuyết phục về việc tìm kiếm một công việc nghiêm chỉnh, Helen nói rằng chỉ vài ngày nữa cô sẽ bắt đầu làm việc ở một quán cà phê. Helen cũng nói rằng cô được mời phỏng vấn làm “nhân viên thời vụ” ở một xưởng làm phim hoạt hình công nghệ số và cô không có ý định tham gia buổi phỏng vấn đó. Làm việc ở một quán cà phê có vẻ “sành điệu và không bó buộc”. Bên cạnh đó, cô nói rằng cô không chắc chắn về việc “chỉ đi làm vì bắt buộc phải đi làm” và “về cơ bản là làm ở phòng văn thư” trong xưởng làm phim.

Khi Helen nói về kế hoạch làm việc tại quán cà phê, tôi cố không tỏ vẻ ngạc nhiên. Tôi đã từng chứng kiến cái mà một khách hàng khác của tôi gọi là “giai đoạn Starbucks” xuất hiện nhiều lần. Những gì tôi biết về tình trạng bán thất nghiệp của những người trong độ tuổi 20 và về vốn sống cho tôi biết rằng Helen chuẩn bị đưa ra một quyết định sai lầm.

Không lúc này thì lúc khác, hầu hết những người trong tuổi 20, bao gồm cả tôi hồi lái xe tải, cũng từng bán thất nghiệp. Họ làm những công việc quá đơn giản so với trình độ của mình hoặc chỉ làm bán thời gian. Một số những công việc này là sự thay thế hữu ích. Chúng giúp ta thanh toán hóa đơn khi ta đang học lấy bằng GMAT hoặc đang cố gắng học xong cao học. Giống như Outward Bound, một số trường hợp bán thất nghiệp có thể tạo ra vốn sống còn đáng quý hơn mọi thứ khác.

Nhưng bán thất nghiệp không phải phương tiện cứu cánh. Đôi khi nó chỉ là cách để ngụy tạo rằng ta đang không làm việc, chẳng hạn như điều khiển thang trượt tuyết hoặc chạy việc vặt cho một giám đốc. Mặc dù những công việc kiểu này có thể đem lại niềm vui nhưng chúng cũng là dấu hiệu để các nhà tuyển dụng tương lai nhận ra giai đoạn mất phương hướng của bạn. Mặc dù có bằng cấp đại học nhưng theo sau đó là quá nhiều những công việc tạm thời, khó giải thích được, tại các cửa hàng bán lẻ và quán cà phê. Tất cả khiến bạn có vẻ đang bước lùi. Những công việc như vậy có thể ảnh hưởng đến lý lịch của ta, thậm chí là cuộc đời của ta.

Càng mất nhiều thời gian để đặt chân vào một công việc chính thức, ta càng có nhiều khả năng trở nên “khác biệt và mất giá trị”, như một nhà báo từng viết. Nghiên cứu về thanh niên trong độ tuổi 20 bán thất nghiệp cho thấy những người bán thất nghiệp ít nhất trong vòng 9 tháng thường trở nên chán nản và mất động lực hơn so với bạn đồng trang lứa – thậm chí là so với những bạn đồng lứa thất nghiệp. Nhưng trước khi chúng ta quyết định liệu thất nghiệp có phải là lựa chọn thay thế tốt hơn so với bán thất nghiệp hay không, hãy xem xét điều này: Thất nghiệp trong độ tuổi 20 có liên quan đến nghiện rượu và chán nản ở tuổi trung niên, thậm chí ngay cả sau khi đã có việc làm đều đặn.

Tôi đã chứng kiến điều này xảy ra. Tôi đã thấy những người trong độ tuổi 20 thông minh và thú vị né tránh những công việc ở thế giới thực chỉ để vật vờ qua những năm tháng bán thất nghiệp. Trong suốt thời gian đó, họ trở nên quá mệt mỏi đồng thời xa lánh tất cả để tìm được thứ gì đó thực sự khiến họ hạnh phúc. Những ước mơ của họ ngày càng xa vời khi người khác bắt đầu đối xử với họ như với cái bảng tên họ đang đeo.

Các nhà kinh tế học và xã hội học tán thành rằng công việc trong độ tuổi 20 có ảnh hưởng lớn đến thành công trong sự nghiệp lâu dài của chúng ta. Khoảng 2/3 tăng trưởng tiền lương trong cuộc đời ta diễn ra trong 10 năm đầu tiên của sự nghiệp. Sau đó, gia đình và tài sản thế chấp cản đường ta đến với những bằng cấp cao hơn, quyết định chuyển nhà và lương sẽ tăng chậm hơn. Ở trong độ tuổi 20, ta cảm thấy còn nhiều thời gian phía trước để kiếm nhiều tiền hơn. Những dữ liệu mới nhất từ Cục Điều tra Dân số Mỹ cho thấy, tính trung bình, tiền lương đạt cao nhất – và sau đó ổn định – ở độ tuổi 40.

Trong khi thời gian trôi qua rất nhanh, những người trong độ tuổi 20 với suy nghĩ rằng họ vẫn còn thời gian để từ từ chấm dứt tình trạng thất nghiệp hay bán thất nghiệp đã bỏ lỡ cơ hội tiến lên. Dù tình hình có thuận lợi đến đâu, có lẽ những người thành đạt muộn vẫn sẽ không bao giờ có thể lấp đầy được khoảng trống giữa họ và những người bắt đầu sớm hơn. Điều này khiến nhiều người ở tuổi 30 và 40 cảm thấy như thể cuối cùng họ đã phải trả một cái giá khá đắt đến không ngờ cho chuỗi công việc tùy tiện ở độ tuổi 20. Trung niên là khi ta nhận ra rằng không thể thay đổi những lựa chọn ở tuổi 20 nữa. Rượu chè và trầm cảm có thể bắt đầu ở giai đoạn sau này.

Trong nền kinh tế hiện nay, rất ít người đến tuổi 30 mà chưa từng bị bán thất nghiệp. Vậy người trong độ tuổi 20 phải làm gì? May mắn là không phải tình trạng bán thất nghiệp nào cũng như nhau. Tôi luôn khuyên những người trong độ tuổi 20 hãy chọn công việc mang lại nhiều vốn sống nhất.

Tôi lắng nghe Helen từ đầu đến cuối. Sau đó, tôi bảo cô rằng làm việc ở một quán cà phê có thể có vài lợi ích, chẳng hạn như đồng nghiệp thoải mái hay được giảm giá đồ uống. Thậm chí công việc này còn có thể cho mức lương cao hơn nhân viên thời vụ. Nhưng nó chẳng đem lại cho cô chút vốn sống nào. Trên những quan điểm về vốn sống mà Helen cần, rõ ràng xưởng phim có lợi thế hơn cả. Tôi khuyến khích Helen đến buổi phỏng vấn và nghĩ công việc thời vụ này không phải là một công việc nhàm chán, mà là sự đầu tư cho giấc mơ của cô. Bằng cách học hỏi về thế giới nghệ thuật số và tạo các mối quan hệ trong ngành, cô có thể đầu tư vốn sống cho mình theo nhiều cách khác nhau.

“Có lẽ cháu nên chờ đợi một cơ hội tốt hơn xuất hiện?” Helen hỏi.

“Nhưng cơ hội tốt hơn không tự nhiên xuất hiện. Có vốn sống tốt là cách để cháu đạt được cơ hội tốt hơn,” tôi nói.

Chúng tôi dành những buổi tiếp theo để giúp Helen chuẩn bị cho buổi phỏng vấn. Điểm số không quá xuất sắc khi học dự bị y khoa, cùng với phản ứng gay gắt của cha mẹ đối với ngành nghệ thuật khiến cô cảm thấy bất an về sự nghiệp. Nhưng có một điều tôi vẫn chưa đề cập về Helen, đó là cô là một trong những khách hàng dễ mến nhất của tôi. Quá trình học đại học của cô không hoàn hảo, nhưng Helen có tất cả những ưu điểm không thể hiện được trên sơ yếu lý lịch. Cô rất hòa đồng. Cô giỏi truyền đạt và nhanh trí. Cô làm việc chăm chỉ. Tôi dám chắc rằng nếu Helen đến buổi phỏng vấn thì tính cách của cô có thể giúp cô tiến xa hơn.

Helen và giám đốc tuyển dụng đã có một buổi nói chuyện thoải mái về trường dự bị y khoa, nhiếp ảnh tự do và về việc vợ ông cũng theo học ngành nghệ thuật ở trường của Helen. Hai tuần sau, Helen bắt đầu làm việc tại xưởng phim. Sáu tháng sau, cô chuyển từ công việc làm thời vụ sang công việc bàn giấy. Sau đó, một đạo diễn đã dành vài tuần ở văn phòng của Helen, để quyết định rằng Helen sẽ là một trợ lý quay phim lý tưởng. Cô được cử đến Los Angeles, nơi cô đang làm phim điện ảnh. Đây là những điều cô kể về năm tháng tuổi 20 của mình, về những vốn sống hiện đang giúp đỡ cô:

Tôi sẽ chẳng bao giờ tin được và có lẽ đây không phải là điều hay nhất nên nói cho những người vẫn đang đi học. Nhưng thật sự là từ khi tốt nghiệp, chưa một ai hỏi về điểm trung bình của tôi cả. Trừ khi bạn đang muốn đi học cao học. Họ cũng không quan tâm bạn có chọn “nhầm” ngành học hay không.

Tôi đã suy nghĩ về câu hỏi của cha mẹ mình: “Con định làm gì với ngành nghệ thuật chứ?” Giờ đây, tôi thấy câu hỏi đó thật vô nghĩa. Trong số những người tôi quen biết, không ai thực sự biết họ muốn làm gì khi tốt nghiệp cả. Những gì mọi người đang làm hiện tại, thậm chí họ còn không biết đến khi còn học đại học. Một người bạn của tôi, một nhà nghiên cứu sinh học biển, đang làm việc tại một viện hải dương. Một người khác đang học cao học khoa nghiên cứu bệnh dịch. Còn tôi theo ngành kỹ thuật điện ảnh. Thậm chí, chúng tôi còn không biết đến sự tồn tại của những công việc này khi tốt nghiệp.

Tôi ước mình đã làm nhiều hơn trong những năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp đại học. Tôi ước mình đã nhảy việc hoặc tìm nhiều việc đa dạng hơn. Tôi ước mình đã thử nghiệm – với công việc – theo cách mà tôi cảm thấy giờ đây ở tuổi gần 30, tôi không thể làm được nữa. Tôi cảm thấy có nhiều áp lực bên trong muốn tôi phải tìm ra một cách nào đó, nhưng suy nghĩ về việc này khiến tôi mệt mỏi và chẳng đem lại kết quả gì. Điều tôi học được là bạn không thể lên kế hoạch cho cả cuộc đời. Cách duy nhất để tìm hiểu xem mình phải làm gì là phải làm – một điều gì đó.

Bất cứ khi nào nhận được tin tức về Helen, tôi lại băn khoăn không hiểu cuộc đời của cô hiện giờ sẽ khác đến thế nào nếu cô quyết định làm việc tại quán cà phê. Quãng thời gian bán thất nghiệp vui vẻ và vô lo của cô có lẽ sẽ nhanh chóng trở thành một trải nghiệm đáng buồn và xa lạ. Nó có thể sẽ kéo dài hơn cô nghĩ, khi những người trong độ tuổi 20 khác bắt đầu đi làm, tại một xưởng phim chẳng hạn.

Dĩ nhiên, cô sẽ không làm việc ở quán cà phê mãi mãi. Nhưng cô cũng sẽ không được một đạo diễn để mắt đến, vì bất kỳ đạo diễn nào đến uống cà phê cũng sẽ chỉ coi cô là một người bán hàng, chứ không phải là một người có liên quan đến ngành điện ảnh. Mọi thứ đều bắt đầu từ đó. 5 hay 10 năm sau, sự khác biệt giữa Helen tại quán cà phê và Helen trong ngành điện ảnh số sẽ trở nên rất rõ rệt. Rõ rệt một cách đáng buồn. Cuộc đời của Helen tiến triển khi cô sử dụng vốn sống mình đã có để đạt được vốn sống tiếp theo mà cô muốn – và chẳng hại gì khi cô và vợ của giám đốc tuyển dụng học cùng trường cả.

Đó gần như là cách mọi việc diễn ra.

Trích dẫn

Đang cập nhật..

Thể loại

11 quyển sách hay về tuổi 20 tạo tiền đề cho tương lai hạnh phúc - 11 quyển sách hay về tuổi 20 cho bạn trẻ thấy rằng cuộc đời vô cùng cao quý và tươi đẹp và hãy sống sao cho khỏi sống hoài, sống phí, để sức trẻ căng tràn sẽ hữu ích cho cuộc đời, cho thế gian và nhân loại. Tìm Đường Tuổi 20S Trong cuốn sách của… Đọc thêm
4 cuốn sách giúp bạn lấy lại cân bằng cuộc sống - Cuộc đời vốn dĩ không được trải thảm hoa hồng, đôi khi chúng ta buộc phải đối mặt với những thử thách, chông gai. Trong những lúc tưởng chừng như quá nản chí và không thể vượt qua những khó khăn trước mắt, hãy tĩnh tâm và đọc 4 cuốn sách này, chúng sẽ giúp… Đọc thêm

Nơi bán

 

Nhận hàng ngay chỉ trong vài giờ với gói TIKINOW tại TP.HCM, HN, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy

Tới nơi bán

 

FREESHIP cho đơn hàng từ 140k tại TP.HCM và Hà Nội, từ 250k tại các tỉnh thành khác, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy.

Tới nơi bán

4 đánh giá cho Tuổi 20 – Những Năm Tháng Quyết Định Cuộc Đời Bạn

  1. Duong Vu Minh Anh

    Mình được giới thiệu quyển sách này từ người bạn thân. Bản thân mình đã đọc và cảm nhận nội dụng sách hay và thiết thực. Tác giả là người có kinh nghiệm nhiều năm làm vịêc và tư vấn cho những khách hàng trong độ tuổi 20. Nội dung quyển sách được hình thành từ những trải nghiệm của bản thân cô và những khách hàng của mình.
    Cá nhân mình nhận ra nhiều điều hay và bổ ích khi đọc quyển sách này. Mình nhìn thấy bản thân trong những lo lắng, sợ hãi và tình huống mà tác giả nêu ra. Mình nhận ra những quan điểm sai lầm hay những khúc mắc đã có trong khỏang thời gian sau khi tốt nghiệp đại học và cảm thấy mất phương hướng với cuộc sống.
    Mình đánh giá cao giá trị mà tác phẩm mang lại cho người đọc trong việc giúp những bạn trẻ sắp và đang trải qua tuổi 20 của mình.
    Nếu lời dịch đựơc rõ ràng và thống nhất hơn thì mình nghĩ người đọc sẽ dễ hiểu và dễ liên kết nội dung hơn 🙂

  2. Hà Thang Viên

    Càng đọc bạn sẽ càng cảm thấy tuổi trẻ thời 20 như quy luật 80/20 vậy. Những năm tháng của tuổi 20 chiếm khoảng 20% nhưng quyết định cả một tương lai lâu dài về sau. Sách còn giúp tôi có những quyết tâm và không lạc lối hơn ở độ tuổi đầu đời. Có những quan niệm lối mòn dường như được dỡ bỏ về tình yêu, tuổi trẻ và gia đình. Tuy nhiên mục tiêu của sách này rất hạn chế người đọc. Khoảng gần 30 tuổi trở đi bó sẽ không còn tác dụng nữa vì tác giả chỉ hướng đến dẫn dắt cho những người nằm tầm trong khoảng 20.

  3. Alex Nguyễn

    Mình đọc quyển sách này khi đã gần 23 tuổi. Thời điểm đó mình đã đi làm được một năm, trải qua ba công ty khác nhau. Tuổi trẻ nhiều hoài bão và tham vọng, thật sự lúc đó mình cảm thấy khá lạc lõng, hoang mang về cuộc sống, công việc mình đang làm. Đọc những mẫu truyện của tác giả Meg Jay tư vấn cho các bạn trẻ, mình thấy đâu đó hình ảnh của bản thân mình – một người suy nghĩ khá hời hợt, thiếu kinh nghiệm, sống và quyết định dựa vào cảm nhận của người khác. Nhờ quyển sách này, mình đã can đảm rẽ hướng sự nghiệp, mở rộng các mối quan hệ, dám trải nghiệm và yêu tuổi trẻ của mình hơn. Nhìn chung, các bạn sinh viên (17- 20 tuổi) nên đọc quyển sách này sớm để thêm trân trọng tuổi trẻ vì mỗi người chỉ có một tuổi trẻ mà thôi!

  4. Nguyễn Liên

    Người ta thường nói 20 là tuổi đẹp nhất của con người. Đó là những năm tháng bạn mới bước ra cuộc đời với biết bao ước mơ, lí tưởng, khao khát được thể hiện bản thân, tự do bay nhảy. Nhưng đó cũng là độ tuổi của những khủng hoảng với một số bạn bị đẩy ra ngoài xã hội mà không xác định được mục tiêu, lí tưởng sống của mình là gì
    Cuốn sách mang tính chất giáo dục nhưng không hề khô khan mà ngược lại nó như một lời tâm sự, chia sẻ về tuổi hai mươi thông qua những câu chuyện nhỏ.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button