Về Từ Hành Tinh Ký Ức

(3 đánh giá của khách hàng)

Về từ hành tinh ký ức là tập ký sự về hồi ức của những nạn nhân, của những chứng nhân vụ thảm sát Ba Chúc kinh hoàng dạo đấy. Mời quý độc giả cùng đọc để những nạn nhân ấy không bị lãng quên, để cuộc thảm sát ấy không chìm vào dĩ vãng, và để nhớ rằng hòa bình không bao giờ miễn phí.

Danh mục:

Ngày 18 tháng Tư năm 1978, quân Khmer Đỏ tràn vào xã Ba Chúc (An Giang), chặn các ngả đường, dồn dân thường vào trường học và chùa chiền. Sau đó, chúng thẳng tay tàn sát dã man: thường dân bị chúng bắn, bị cắt họng hoặc bị đánh đập bằng gậy cho tới chết. Trẻ em bị tung bổng lên không sau đó bị chém bằng lưỡi lê. Phụ nữ bị hiếp dâm tập thể và đóng cọc vào cơ quan sinh dục cho tới chết. Những người sống sót nhanh chóng trốn vào chùa Tam Bửu và chùa Phi Lai ẩn náu, nghĩ rằng ở nơi cửa Phật thì bọn chúng sẽ tha. Nhiều người chạy lên núi Tượng để trốn, tuy nhiên không mấy ai thoát khỏi trận tàn sát của quân Khmer Đỏ.

Trong 11 ngày đêm chiếm đóng (18 đến 30 tháng Tư năm 1978), quân diệt chủng Khmer Đỏ đã dìm người dân Ba Chúc trong biển máu bằng vô số màn giết người dã man chẳng khác gì thời trung cổ. Cùng với việc diệt chủng, đám quân tàn ác ấy triệt để thực hiện khẩu hiệu “Đốt sạch, giết sạch, phá sạch”. Đi đến đâu, chúng cướp bóc tài sản đến đó và vận chuyển về bên kia biên giới. Chúng phá huỷ, đốt sạch, từ nhà dân đến các công trình công cộng. Sau cuộc thảm sát, không một ngôi nhà nào ở Ba Chúc còn nguyên vẹn. Theo tài liệu thống kê, chỉ trong vòng 11 ngày đêm, bọn Pol Pot đã giết chết 3.157 người trong vụ thảm sát Ba Chúc. Trên 100 hộ bị chúng giết sạch không người sống sót, hơn 200 người chết và bị thương, cụt tay chân do đạp nhằm mìn và lựu đạn của quân Pol Pot gài lại. Chỉ có ba người sống sót sau vụ thảm sát!

Về từ hành tinh ký ức là tập ký sự về hồi ức của những nạn nhân, của những chứng nhân vụ thảm sát Ba Chúc kinh hoàng dạo đấy. Mời quý độc giả cùng đọc để những nạn nhân ấy không bị lãng quên, để cuộc thảm sát ấy không chìm vào dĩ vãng, và để nhớ rằng hòa bình không bao giờ miễn phí.

3 đánh giá cho Về Từ Hành Tinh Ký Ức

  1. ĐẶNG THANH NHÂN

    1. Võ Diệu Thanh là một trong ba tác giả mà tôi yêu thích và mua hầu như đầy đủ các tác phẩm của họ đã xuất bản (2 tác giả còn lại là Nguyễn Ngọc Tư và Nguyễn Đình Tú). Một khi đã thích một tác giả nào đó bạn sẽ mong chờ tác phẩm mới của họ xuất bản để tìm đọc. Một khoảng thời gian ngắn không thấy sách mới của họ bạn sẽ cảm thấy lâu. Với tác giả Võ Diệu Thanh thì tôi thấy là quá lâu. Nhưng thật phấn khích khi thời gian dần về cuối 2018 chị lần lượt cho xuất bản 3 tác phẩm gồm 1 tập ký sự, 1 tập truyện ngắn và một tiểu thuyết. Quyển ký sự “Về từ hành tinh ký ức” là quyển mở đầu cho loạt tác phẩm của chị. Lúc đầu tôi nghĩ tựa sách ấy là một tập tản văn kiểu “Bờ vai cho cả bờ vai”, nhưng không, đó là một tập ký sự về chiến tranh, ghi lại lời kể của những nhân chứng (nạn nhân) chiến tranh, phần lớn là những người còn sống sót sau nạn diệt chủng Polpot ở vùng Ba Chúc, thuộc về tỉnh An Giang…
    2. Chiến tranh VN là đề tài mà tôi đã đọc khá nhiều ở mảng văn học qua các tác phẩm tiểu thuyết và truyện ngắn. Viết về biên giới Tây Nam NXB Trẻ có hẳn 2 tập truyện ngắn của nhiều tác giả. Tuy nhiên chất liệu và tình tiết có thể là không thật, có thể là hư cấu, nó không thật hoàn toàn như những câu chuyện trong sách chị Thanh. Họ đã trải qua và kể lại thì phải nói là trăm phần trăm sự thật. Trước khi đọc tác phẩm này, tôi đã đọc những nhận xét của những bạn trên facebook nào là kinh hoàng, khủng khiếp, có người còn khóc khi đang đọc. Nhưng thật lạ là khi tôi đọc tập sách này tôi không có cảm giác như họ, tôi trôi theo sự bình thản của từng lời kể lại của các nhân vật. Tôi có vô cảm không khi sự khốc liệt và khủng khiếp được kể lại như vậy mà không có cảm xúc gì? Tôi còn nghĩ làm như những người nhận xét ở trên chưa từng nghe về chiến tranh á. Trời ơi, phim ảnh về chiến tranh người ta tái hiện bằng kỹ xảo máu me giết chóc còn kinh hoàng hơn kia kìa, làm như chưa từng xem vậy đó. Nhưng mà… tôi nhớ lâu những câu chuyện ấy. Không phải nhớ kiểu như sự ám ảnh. Nhớ bình thường và nhẹ nhàng thôi… Vì tất cả đã qua hết rồi mà!!!
    3. Điện thoại của tôi có nhiều file ghi âm những buổi sáng uống trà trò chuyện với ba mình. Trước, hễ có dịp về quê và uống trà buổi sáng là tôi ghi âm. Tôi làm như vậy vì tôi biết một ngày nào đó tôi sẽ không còn có dịp nghe ông nói chuyện nữa (và giờ ông mất đã hơn bảy tháng). Phần lớn những câu chuyện là cả một phần đời của ba tôi trong chiến tranh. Có những khoảnh khắc sống chết mỏng hơn một sợi tóc. Có đoạn mà tôi thường nghe nhiều là ba tôi và chú năm tôi cùng nhiều người nữa bị lính bắt dẫn đi một hàng rồi chúng vừa đi vừa nả từng viên đạn vô người mà nó thấy muốn bắn trước. Hai anh em bị bắt mà chú tôi bị bắn chết và ba tôi còn sống, có lẽ nó ám ảnh ba tôi nhiều lắm nên kí ức của ông chẳng thể nào xoá nổi mặc dù gần những sáu mươi năm… Đó là một hành tinh ký ức kiểu như trong những câu chuyện trong tập sách của chị Thanh mà tôi đã từng tới…

  2. Bảo Vy

    xem các trích đoạn được đăng trên báo Thanh niên, tôi quyết phải tìm mua quyển sách này. tôi muốn xem về cuộc chiến này qua cái nhìn của các nhân chứng khác, những người chưa được kể (các tài liệu bài viết trước giờ chỉ đăng các câu chuyện “tiêu biểu”). Có người nói chị Thanh viết lối văn học quá, họ nghĩ sẽ đọc được các loại tư liệu … nhưng có sao đâu, tôi thích tiếp cận quá khứ thông qua suy nghĩ và cảm nhận của người trong cuộc, nhưng nhiều người không giỏi văn, không giỏi mô tả, thể hiện ý nghĩ của mình, họ nghĩ vậy nhưng ko tự viết ra được.
    Quyển sách nên xem nhân 40 năm chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới tây nam.

  3. Trần Anh Quân

    Đây là một cuốn sách tuyệt vời. Lần đầu tôi đọc kí sự. Những bộ phim cảm động dường như không lấy đi của tôi một giọt nước mắt nào. Nhưng tôi cũng không hiểu vì sao đọc đến những đoạn người dân Ba Chúc bị hành hạ, tra tấn một cách dã man thì tôi lại ngước lên trên trời, thở dài và nước mắt chảy ra lúc nào không biết. Từ nhỏ tôi đã nghe ba mẹ nhắc vài lần về Pol Pot, nhưng tôi không thể hình dung hết được tội ác của chúng tày trời như thế nào. Sau khi đọc xong cuốn sách này, tôi thấy nhiều bài học ý nghĩa:
    – Hy sinh bản thân mình để cứu hàng chục, hàng trăm người khác
    – Dù quá khứ có xấu thế nào thì cũng là kỉ niệm, đừng đau buồn vì nó quá nhiều, mà hãy cứ tiếp tục sống cho hiện tại, nghĩ cho tương lai, có một thái độ sống tích cực…

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button