Vĩnh Biệt Mùa Hè

(5 đánh giá của khách hàng)

Câu chuyện dẫn dắt người đọc đi qua năm tháng học trò, có những giây phút hồn nhiên đùa nghịch, và cũng có những nỗi buồn đau của đời thường. Và kết thúc với chút buồn man mác..

Danh mục:

Bộ tứ 4H (Hân, Hằng, Hoa, Hạ) của lớp 12A đã “làm mưa làm gió” không chỉ trên thị trường sách mà cả trong điện ảnh và âm nhạc trên dưới 20 năm. Ca khúc Vĩnh biệt mùa hè của nhạc sĩ Thanh Tùng viết năm 1992 một thời là ca khúc phổ biến của giới học sinh, sinh viên, nhất là các bạn năm cuối cấp với những ca từ thiết tha đầy nỗi nhớ: “Mùa hè bâng quơ, Bâng quơ nỗi nhớ, Những chiếc lá non vươn trên cành cây khô…Mùa hè đi qua rồi, Tình yêu cũng qua rồi…”

Không chỉ có vậy, tác phẩm đã được hãng phim Giải phóng dựng thành phim nhựa năm 1992 và sau đó đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chuyển thể thành phim truyền hình dài 4 tập 12A và 4H.

Câu chuyện về 4 cô học trò Hằng, Hân, Hoa và Hạ.

Hằng xuất thân là con nhà giáu, xinh đẹp, thông minh, học giỏi. Cứ ngỡ rằng cuộc sống sẽ trải thảm dưới chân cô. Thế nhưng việc người mẹ bỏ nhà đi theo tiếng gọi của tình yêu đã đẩy Hằng vào nỗi cô đơn đến tột độ. Và cô ngã vào vòng tay của thầy Minh – một người đàn ông đầy thủ đoạn. Để rồi khi cha cô đối mặt với vòng tù tội do có liên quan đến vụ án tiêu cực thì Hằng nhận ra mình chẳng còn gì: không mẹ, không cha, và người tình cũng cao chạy xa bay. Và nếu cô không may mắn gặp được Trần Hùng – người thanh niên xung phong năm xưa thì chưa biết cô sẽ trôi về đâu.

Hạ là con gái của gia đình có cha mẹ làm bác sĩ. Cô học trò giỏi văn, bí thư chi đoàn lớp có một mối tình đẹp đẽ và thơ mộng với Long – con trai một sĩ quan chế độ cũ. Vì sự không “môn đăng hộ đối” này mà mẹ Hạ đã quyết liệt ngăn cản. Mọi thứ trong Hạ dường như vụn vỡ khi cô phát hiện ra thủ đoạn mẹ mình đã dùng để chia rẽ hai người.

Hân giàu tình cảm, Hoa hồn nhiên. Chính vì vậy mà có lẽ cuộc đời đã dành cho hai cô gái này những ưu ái hơn. Hân tiếp tục học vào đại học, còn Hoa được mẹ giao lại cho gian hàng ở ngoài chợ.

Bên cạnh 4 cô gái là Thiện chính trực, dũng cảm bảo vệ lẽ phải, Long giàu nghị lực. Đối lập là Ngôn – một học sinh cá biệt, du côn và kết thúc đời học sinh của mình bằng những nằm tù dài đăng đẳng. Và thầy Minh – một kẻ thủ đoạn.

Câu chuyện dẫn dắt người đọc đi qua năm tháng học trò, có những giây phút hồn nhiên đùa nghịch, và cũng có những nỗi buồn đau của đời thường. Và kết thúc với chút buồn man mác. “Hân bước vào sân trường. Khoảng sân giờ đây bỗng rộng mênh mông, trống vắng đến lạnh lùng, đầy những lá rụng và hoa tàn.Mùa hè đang đi qua. Cái mùa hè cuối cùng của đời học sinh trong một năm học đầy biến động….Lần đầu tiên trong cuộc đời, Hân bắt đầu ý thức được sự tạm bợ và phù du của kiếp người. Cô cảm thấy buồn man mác. Tại sao người lớn cứ sống như vậy, khác hẳn những điều mà người trẻ được dạy dỗ, để cuối cùng không còn ai biết tin vào ai nữa.

Mùa hè đã vĩnh viễn đi qua”

5 đánh giá cho Vĩnh Biệt Mùa Hè

  1. Hoang Dung

    Mùa hè đã đi qua rồi, mình đã kiếm quyển sách này nhiều lần để mua lại tình cờ đi lang thang trên trang tiki mới thấy, liền đặt mua ngay. Mình yêu thích quyển sách này từ hồi còn đi học, và tác giả Nguyển Đông Thức. Tác giả viết rất nhiều truyện ngắn mà mình yêu thích trong tờ báo Mực Tím, và Áo Trắng. Tác giả viết về những cảm xúc đầu đời của tuổi mới lớn, khi đọc lại mình tìm lại cảm thấy những cảm xúc ban đầu của mình thời đi học, ôi thời gian trôi qua that là nhanh. Cầm trên tay quyển sách này biết bao nhiêu cảm xúc lại về

  2. Nguyễn Thanh

    Vì cuốn sách đã quá nổi tiếng nên mình cũng muốn tìm đọc thử và đã bị cuốn hút vào nó. Truyện không những gợi nhớ về những ngày tháng học trò đã đi qua mà còn khắc họa một khía cạnh cuộc sống “phù du” ở đời này. Mỗi người chúng ta đều trưởng thành và bỏ lại sau lưng tuổi học trò đầy hồn nhiên, con người hợp rồi tan, gặp nhau, yêu nhau rồi xa nhau, không ai biết trước được điều gì. Thời gian qua đi thì tất cả chỉ còn là kỷ niệm để mà gợi nhớ.
    Ngưỡng mộ tình bạn của nhóm 4H, tình cảm đầu đời của Hạ và Long hay sự nghĩa hiệp của Thiện. Bên cạnh đó vẫn có những “cái gai” Ngôn ngông cuồng hay thầy Minh đầy toan tính. Truyện khép lại mang theo nỗi buồn của những ngày qua rơi theo hoa phượng đỏ và cùng tất cả hướng về một ngày mai tươi sáng hơn.

  3. Dương Lê Tố Thư

    Đọc cuốn sách này mình thấy như bao kỷ niệm thời học trò ngây ngô, dễ thương hiện về, những buồn vui, những hoài bão, khát khao, sai lầm… Nếu không có thời học trò đó, không có những người bạn luôn gắn bó với mình hay không có những người thầy người cô dìu dắt thì không biết sẽ như thế nào nữa. Đọc đi đọc lại sách nhiều lần, và cảm xúc mình dạt dào trở lại, khóc rất nhiều khi cảm nhận được nỗi niềm của Hằng, cô gái sống trong sự giàu có nhưng không hạnh phúc và lỡ lầm, bế tắc khi đến với thầy giáo Minh, cảm nhận được nỗi đau đớn của Hạ và các bạn khi mà mất Long nữa. Bên cạnh đó phải ngưỡng mộ tình bạn của nhóm rất nhiều.

  4. Mai Thị Hường

    Vĩnh biệt mùa hè hay là vĩnh biệt tuổi học trò, một thời của những ngây thơ, ngông cuồng hay ngạo nghễ? Vĩnh biệt mùa hè, ôi sao mà buồn quá. Nếu ai đã từng xem phim hay nghe ca khúc viết cho tác phẩm này thì tôi nghĩ cũng sẽ có cảm xúc giống tôi lúc này, khi vừa đọc xong tác phẩm. Buồn!
    Thực sự là không có gì khó hiểu tại sao tác phẩm này lại nổi tiếng đến vậy. Tác giả Nguyễn Đông Thức đã khắc hoạ thành công cuộc đời, số phận của từng nhân vật với lối hành văn mạch lạc, logic trong từng diễn biến tâm lí của nhân vật. Không chỉ đơn giản là truyện, tôi thấy quyển truyện này như một lời khuyên bảo đến mọi thế hệ trong mọi thời đại, đặc biệt là các cô cậu học trò và các bậc làm cha mẹ. Rất có tính thời sự! Với mình thì đây là một tác phẩm không thể chê vào đâu được.

  5. Hải Phạm

    Tôi đã từng xem cả hai bộ phim được chuyển thể từ chính tác phẩm này, và bây giờ tôi mới được đọc cuốn sách này. Đọc xong cuốn sách này, dường như bao kỷ niệm, vui có, buồn có, về thời học trò, trở lại trong tôi. Dẫu rằng, mỗi một thời kỳ, mỗi một thế hệ, mọi thứ đều đổi khác, nhưng có những thứ vẫn mãi chẳng bao giờ thay đổi. Tình cảm học trò, những trò quậy phá, nghịch ngợm, những giờ học, những mùa hè đã qua, dù ở thế hệ nào, ở thời kỳ nào, cũng đều giống nhau. Làm sao có thể quên được những giờ học, những mùa hoa phượng đỏ, những dòng lưu bút học trò, những trò quậy phá tinh nghịch, những lúc bị ghi sổ đầu bài, những giờ kiểm tra của tuổi học trò! Một tác phẩm hay, luôn sống mãi trong lòng bạn đọc, dù ở thời kỳ nào, thế hệ nào đi chăng nữa!

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button