Xứ Con Người

(6 đánh giá của khách hàng)

Xứ con người không chỉ thuật lại những chuyến phiêu lưu trên máy bay của chính Saint-Exupéry và các đồng đội qua mọi miền thế giới, mà là nơi ông chiêm nghiệm những vấn đề khác như tình bạn, triết học, định mệnh, tiến bộ công nghệ, những mâu thuẫn của loài người.

Danh mục:

Giới thiệu

Xứ con người là tác phẩm thứ ba, được xuất bản của nhà văn người Pháp Antoine de Saint-Exupéry, sau Thư phương Nam và Bay đêm. Cuốn sách mang đậm tính tự truyện này trước hết là bản hùng ca dành tặng các phi công của hãng Không Bưu, đặc biệt là hai đồng nghiệp của tác giả, Jean Mermoz và Henri Guillaumet. Văn phong phóng khoáng và lãng mạn, Xứ con người không chỉ thuật lại những chuyến phiêu lưu trên máy bay của chính Saint-Exupéry và các đồng đội qua mọi miền thế giới, mà là nơi ông chiêm nghiệm những vấn đề khác như tình bạn, triết học, định mệnh, tiến bộ công nghệ, những mâu thuẫn của loài người.

Xứ con người đã đạt Giải Thưởng Lớn dành cho tiểu thuyết của Viện Hàn lâm Pháp, dù đây không phải là một cuốn tiểu thuyết. Tại Mỹ, dưới nhan đề Wind, Sand and Stars (Gió, cát và những vì sao), Xứ con người đã được Hiệp hội các nhà Sách nước này chào đón liệt nhiệt.

Đọc thử

Đất dạy ta rõ về ta nhiều hơn mọi sách vở. Vì đất cưỡng lại ta. Khi đọ sức với chướng ngại, con người tự tìm thấy mình. Nhưng muốn đạt tới tầm của chướng ngại, ta cần có một đồ dùng. Một cái bào, một cái cày. Trong khi cày bừa, người nông dân dần dà rút ra được ở thiên nhiên một ít điều bí mật, và cái sự thật anh ta rút ra có ý nghĩa phổ biến. Cũng vậy đấy, chiếc máy bay, dụng cụ của các hãng bay, nó đặt con người vào tất cả mọi vấn đề xưa cũ.

Tôi luôn luôn thấy trước mặt hình ảnh đêm bay đầu tiên của tôi ở Argentina, một đêm tối trời, trên đồng bằng chỉ nhấp nháy vài đốm sáng rải rác cô độc như những vì sao.

Mỗi đốm sáng ấy, trong biển bao la bóng tối này, là dấu hiệu cho sự kỳ diệu của lương tri. Dưới mái nhà này người ta đang đọc, đang ngẫm, đang dõi theo những điều tâm sự. Dưới mái nhà kia, có lẽ, người ta đang tìm cách thăm dò khoảng không vũ trụ, mỏi mòn với những con toán về tinh vân Tiên Nữ. Trong mái nhà khác, người ta yêu nhau. Đây đó trên cánh đồng, ánh lên những ngọn lửa đang đòi được nuôi dưỡng. Cho đến những ngọn lửa thầm kín nhất, của nhà thơ, của nhà giáo, của người thợ mộc. Nhưng giữa đám tinh tú sống đó, còn biết bao cánh cửa sổ đã khép, biết bao vì sao đã tắt, biết bao con người đã thiếp ngủ rồi…

Nhất thiết phải thử theo kịp nhau. Nhất thiết phải thử liên lạc với một vài ánh lửa đang cháy đây đó xa xa trên cánh đồng.

***

ĐƯỜNG BAY
 
Ấy là năm 1926. Tôi vừa vào nhận việc, là người lái trẻ đường dài ở hãng Latécoère, hãng này bấy giờ đảm nhiệm chặng Toulouse-Dakar, trước hãng Aéropostale và hãng Air France. Tôi học nghề là ở đây. Như các bạn bè, tôi đến lượt trải qua thời kỳ tập sự mà những người trẻ phải trải qua trước khi được vinh dự lái chiếc bưu cơ. Bay tập thử các loại máy bay. Đi, về Toulouse và Perpignan. Những buổi học buồn tẻ về khí tượng tận cuối một nhà vòm giá lạnh. Chúng tôi sống trong mối e ngại về những ngọn núi ở Tây Ban Nha mà chúng tôi chưa được thấy, và với sự nể phục các bậc đàn anh.

Các bậc đàn anh ấy, chúng tôi thấy họ trở về, thấy họ vào quán ăn, cau có, hơi cách biệt, rất kẻ cả ném cho chúng tôi những lời khuyên bảo. Và khi một người nào đó trong bọn họ, từ Alicante hay Casablanca mà về muộn, áo da sũng nước mưa, có trả lời ai trong bọn chúng tôi khi chúng tôi rụt rè hỏi về chuyến đi thì những câu trả lời ngắn ngủn của anh ta, vào những ngày bão tố, cũng dựng lên trong chúng tôi một thế giới y hệt trong thần thoại, đầy bẫy sập, đầy lưới bủa, đầy những ghềnh đá đột nhiên nhô ra, những xoáy nước có thể bứt vứt được những cây bách hương. Những con rồng đen canh gác lối ra vào các thung lũng, hàng bó chớp vây lấy các đỉnh núi như là vương miện. Các bậc đàn anh ấy biết nuôi giữ lòng kính trọng của chúng tôi. Nhưng lâu lâu lại có một người, trong bọn họ, trở thành thiên thu đáng kính trọng, không trở về.

Như vậy đấy, tôi nhớ một chuyến trở về của Bury, sau này chết trong dãy Corbières. Người lái già ấy vừa ngồi xuống giữa bọn tôi, ăn uống mệt nhọc, chẳng nói năng gì, hai vai còn sễ vì đã dụng sức. Ấy là vào cuối một trong những ngày xấu mà từ đầu chí cuối đường bay, vòm trời úa vỡ, tất cả các đỉnh núi, trước mắt người lái, như vầy trong bùn ghét, giống các khẩu đại bác cắn đứt được các dây chằng, cày nát sàn những chiếc thuyền buồm ngày trước. Tôi nhìn Bury và nuốt nước bọt trước khi đánh liều hỏi anh chuyến bay hôm nay có vất vả không. Không nghe thấy tôi hỏi, trán đầy nếp răn, Bury cúi gằm xuống đĩa. Trên những chiếc máy bay không mui, vào lúc trời xấu, phải nghiêng người ra ngoài kính chắn để thấy cho được rõ, những cái tát của gió còn rít mãi trong tai người lái. Một lúc lâu, anh mới ngẩng đầu, có vẻ đã nghe thấy, có vẻ nhớ lại và đột nhiên bật lên một tiếng cười khanh khách. Cái cười ấy khiến tôi kinh ngạc thán phục, vì Bury ít cười, và cái cười ngắn này làm cho nỗi mệt nhọc của anh như bừng sáng lên. Anh không giảng giải chút gì nữa về thắng lợi của mình, nghiêng đầu và tiếp tục yên lặng nhai. Nhưng trong không khí quán ăn mờ xám, giữa bọn công chức nhỏ không lấy gì làm mỏi mệt lắm đang ăn để lấy lại sức, người đồng nghiệp hai vai nặng trĩu kia bỗng nhiên đối với tôi có một vẻ cao quý khác thường: anh đã cho tôi thấy, qua cái vỏ ngoài cục mịch, vị thiên thần thắng được rồng tinh.

Rồi tới buổi chiều đến lượt tôi được gọi vào phòng chủ hãng. Ông ta điềm nhiên bảo tôi: “Mai anh đi.”

Tôi đứng yên, đợi ông cho tôi lui. Nhưng, sau một chốc lặng im, ông nói thêm:

“Anh biết rõ các điều lệnh chứ?”

Các động cơ, thuở ấy, không hề đảm bảo an toàn như các động cơ bây giờ. Thường khi không báo trước, chúng chơi khăm ném chúng tôi trong một thứ tiếng loảng xoảng dữ dội, như là bát đĩa vỡ. Thế rồi phải trả tay1 về phía dãy núi đá Tây Ban Nha, dãy núi này chẳng cho chỗ nào ẩn đậu. “Ở đây, chúng tôi thường nói, động cơ mà vỡ, thì chiếc máy bay, chao ôi, cũng sẽ vỡ theo trong chốc lát.” Nhưng một chiếc máy bay, mất chiếc này còn thay được chiếc khác. Điều quan trọng trước hết là chớ dại dột men theo rặng núi. Vì vậy, với những răn đe xử phạt rất nặng, người ta cấm chúng tôi bay trong biển mây mù bên trên các khu núi đá. Máy hỏng, người lái lún sâu trong đám bông trắng tất va vào các đỉnh núi mà không nhìn thấy.

Vì lẽ đó, chiều hôm ấy, một giọng nói chậm chạp nhay đi nhay lại lần cuối vẻ điều lệnh:

“Dùng la bàn để bay qua Tây Ban Nha, ở trên những biển mây, thật là rất đẹp, rất điệu, nhưng…”

Giọng nói còn chậm chạp hơn nữa:

“… nhưng anh nên nhớ: bên dưới các biển mây ấy là cõi vĩnh hằng.”

Như vậy đó, cái thế giới yên tịnh này, cái thế giới mịn màng thế, giản dị thế mà tôi khám phá thấy lúc từ trong mây trôi ra, bỗng nhiên đối với tôi có một cái giá chưa hề biết. Cái dịu dàng này đã trở nên một cạm bẫy. Tôi hình dung cái bẫy trắng bao la ấy trải ra đó, dưới chân tôi. Bên dưới không như người ta tưởng, chẳng có nỗi xôn xao của những con người, cũng chẳng có tiếng xe cộ ồn ào sinh động của các phố phường, chỉ là một nỗi lặng im còn tuyệt đối hơn, một sự quạnh quẽ còn tuyệt đối hơn. Cái thứ nhựa trắng ấy đối với tôi trở nên biên giới giữa thực và hư, giữa cái biết và cái không thể biết. Và tôi đã đoán biết rằng, không nhìn qua một nền văn hóa, một văn minh, một nghề nghiệp thì một cảnh trí chẳng có chút ý nghĩa gì. Người miền núi cũng biết những biển mây. Vậy mà nào họ có khám phá ra tấm màn hư ảo này.

Bước ra khỏi phòng giấy đó, tôi cảm thấy lòng tự hào một cách trẻ con. Đến lượt tôi, tôi sắp sửa, từ lúc rạng đông, đảm nhiệm một chuyến chở nhiều hành khách, đảm nhiệm một chuyến thư từ đi châu Phi. Nhưng đồng thời tôi cũng thấy cực kỳ hổ thẹn. Tồi thấy mình chưa chuẩn bị kỹ. Nước Tây Ban Nha nghèo nơi ẩn đậu, tôi e, nếu sự hư hỏng vẫn đe dọa kia xảy tới, sẽ không biết tìm đâu sự tiếp đón của một cánh đồng cứu trợ. Tôi chúi mũi không tìm thấy những điều giảng giải tôi cần trong các bản đồ khô khan; như vậy đó, lòng vừa đầy tự kiêu vừa đầy e ngại, tôi qua cái đêm thức trước ngày ra trận ở nhà bạn tôi, Guillaumet2. Guillaumet đã đi trước tôi trên con đường này. Guillaumet biết cách để có chiếc chìa khóa của Tây Ban Nha. Tôi phải được Guillaumet tập dượt.

Thấy tôi bước vào, anh mỉm cười:

“Tớ đã biết tin rồi. Cậu thích chứ?”

Anh đến tủ tìm chai rượu mạnh và hai cái cốc, rồi vẫn tươi cười, quay lại phía tôi:

“Ta uống mừng cậu. Cậu xem, sẽ trót lọt hoàn toàn thôi!”

Anh lan tỏa niềm tin như một ngọn đèn lan tỏa ánh sáng, người bạn này về sau chính là người phá kỷ lục những chuyến chở thư vượt dãy núi Andes, và vượt Nam Đại Tây Dương. Vài năm trước đó, buổi chiều ấy, áo sơ mi không khoác vest, vòng tay dưới ánh đèn, cười nụ cười nhân hậu nhất, anh bảo tôi thật giản dị: “Dông tố, mây mù, bão tuyết, đôi khi chúng cũng làm khổ cậu. Lúc ấy, cậu hãy nghĩ đến tất cả những ai cũng đã gặp những cái khổ đó trước mình, và cậu hãy nghĩ đơn giản: người khác thành công được thì ta cũng thành công được.” Tuy vậy, tôi vẫn mở các tấm bản đồ ra, tôi yêu cầu anh dù sao cũng cùng tôi xem lại một chút cuộc hành trình. Và, nghiêng đầu dưới ánh đèn, tựa vào vai người đồng nghiệp già dặn hơn, tôi bỗng gặp lại nỗi bình thản của truờng học ngày nhỏ.

Nhưng lạ lùng biết bao bài địa lý tôi được học hôm ấy! Guillaumet không dạy cho tôi về nước Tây Ban Nha; anh làm cho nước Tây Ban Nha trở thành bạn thân tôi. Anh chẳng nói với tôi về sông ngòi, cũng không nói về dân cư, hay về gia súc. Anh không nói về Guadix mà nói về ba cây cam, kề bên Guadix, trồng ven rìa một cánh đồng: “Phải cẩn thận với ba cây cam này, ghi chúng lên bản đồ của cậu đi…” Và trên bản đồ của tôi từ đấy, ba cây cam chiếm nhiều chỗ hơn là dãy Sierra Nevađa. Anh không nói với tôi về Lorca, mà nói về một cái ấp nhỏ gần Lorca. Về một cái ấp sống động. Và về người chủ ấp. Và về bà chủ ấp. Và đôi vợ chồng ấy, xa thẳm trong không gian, cách chúng tôi một nghìn năm trăm ki lô mét, trở nên quan trọng vô chừng. Sống vững vàng trên triền núi của họ, giống như những kẻ gác đèn biển, họ sẵn sàng, dưới ánh sáng những ngôi sao của mình, tiếp cứu cho những con người.

Như vậy đó, chúng tôi rút ra từ cõi lãng quên, từ cuộc sống tách biệt khó lòng tưởng tượng nổi của họ, những chi tiết mà tất cả các nhà địa lý trên đời không ai hay biết. Bởi vì chỉ sông Èbre, tắm tưới cho các thành phố lớn, là làm cho các nhà địa lý lưu ý. Các nhà địa lý đâu có lưu ý cái con suối nhỏ kia nấp dưới cỏ ở phía Tây Motril, nó là ông cha nuôi dưỡng cho chỉ độ ba chục bông hoa. “Hãy coi chừng con suối, nó làm hư hại cánh đồng… Cũng hãy ghi nó vào bản đồ của cậu đi…” Chao ơi! Rồi tôi sẽ nhớ con rắn Motril. Nó chẳng có nghĩa lý gì, họa chăng với tiếng rì rào nhè nhẹ của nó, nó có làm mê mẩn chút nào đó vài con ễnh ương, nhưng nó chỉ ngủ có một mắt thôi. Trên thiên đường của cánh đồng dự trữ, nó nằm dài trong cỏ, rình sẵn tôi từ cách đây hai nghìn ki lô mét. Có cơ hội đầu tiên, nó sẽ biến tôi thành bó lửa…

Trích dẫn

Đang cập nhật..

Thể loại

20 cuốn sách văn học nước ngoài hay không nên bỏ qua trong đời - Văn học nước ngoài là một trong những dòng sách có lượng đọc giả và giải thưởng văn chương nhiều nhất trên thế giới, điều đó chứng tỏ giá trị và sức truyền tải của thể loại này là vô cùng to lớn. Hãy cùng Vnwriter điểm qua 20 cuốn sách văn học nước ngoài hay… Đọc thêm

Nơi bán

 

Nhận hàng ngay chỉ trong vài giờ với gói TIKINOW tại TP.HCM, HN, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy

Tới nơi bán

 

FREESHIP cho đơn hàng từ 140k tại TP.HCM và Hà Nội, từ 250k tại các tỉnh thành khác, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy.

Tới nơi bán

6 đánh giá cho Xứ Con Người

  1. Đoàn Hồng Thủy

    Xứ con người là tác phẩm thứ ba, được tôi mua của nhà văn người Pháp Antoine de Saint-Exupéry do Nhã Nam xuất bản. Đây quả là một cuốn sách tuyệt vời cả về nội dung lẫn hình thức. Nó không dài (nên giá rất rẻ) nhưng lại mang vô cùng nhiều ý nghĩa. Chưa kể nội dung thì cuốn sách tuyệt đẹp về phần nhìn. Cái bìa đầy thơ mộng với ngàn ánh sao, cát sa mạc, máy bay, phi công và có lẽ là gió. Cái bìa đã thể hiện được tinh thần của truyện, một bản anh hùng ca của sao, gió, cát và con người.

  2. Hữu Nguyễn

    “Xứ con người” có thể xem như một tự truyện của Saint-Exupéry về công việc can trường của ông và những người đồng đội: không bưu – vận chuyển thư và vật phẩm bằng đường hàng không. Quyển sách hơn 200 trang này sẽ đưa ta bay qua những sa mạc rộng lớn, vùng biển bao la và những ngọn núi phủ đầy tuyết trắng. Ta sẽ có cảm tưởng rằng thiên nhiên trong “Xứ con người” là một tử thần đích thực với lớp áo ngoài kiêu sa đẹp đẽ, sẵn sàng cướp đi sinh mạng của những chàng không bưu dũng cảm một khi họ mất cảnh giác. Tự truyện đề cao vai trò con người, đặt người không bưu và công việc ý nghĩa của họ lên trên cả sự vô hạn của tự nhiên và hữu hạn của đời người. Bên cạnh đó, đọc tác phẩm, ta còn bắt gặp những câu văn trau chuốt mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc được đúc kết từ những trải nghiệm về cuộc đời của Exupéry. Đây thật sự là tác phẩm rất đáng đọc.

  3. Đồng Phúc Thảo

    Xứ Con Người là một quyển tự truyện rất hay. Nó mở ra cho ta rất nhiều suy nghĩ sâu sắc về con người và lý tưởng, ước mơ, những triết lí nhân sinh sâu sắc về tình yêu, tình bạn, tình đồng chí. Khép lại cuốn sách, ta có thể cảm nhận được ngay cả trong gian khổ, thiếu thốn vẫn có những nét đẹp, nét lãng mạn rất riêng, làm ta say mê qua từng câu chữ. Câu chuyện hi sinh trong tác phẩm không mang đậm sắc thái u ám hay buồn tủi, trái lại, nó cho ta cái nhìn rất khác, về những con người thầm lặng nhưng vĩ đại, ngày qua ngày chở những chuyến thư đi. Văn phong trong tác phẩm quả thật rất phóng khoáng, mở ra trong mắt người đọc nhiều chân trời, mới có, lạ có, cuốn hút người xem.

  4. Phạm Hương

    truyện khắc họa cuộc sống rất chân thực , khiến cho mình cảm thấy nhà văn có lối suy nghĩ về con người rất rõ ràng , tác giả hiểu con người như từng trải qua những điều trăn trở của con người nên thấu hiểu được họ và nếu có khó khăn thì tác giả cũng không mấy suy nghĩ về nó theo chiều hướng khó khăn gian khổ mà chỉ mong cuộc sống tốt đẹp hơn theo sự tiến triển của nó mà thôi . mình thích câu chuyện ông mang đến người đọc một sự sâu sắc

  5. Đỗ Phạm Thiên Trang

    Tôi mua và đọc cuốn này vì quá mê cuốn “Hoàng tử bé”, và thật là thất vọng vì dịch giả đã làm cho cuốn sách trở nên tối nghĩa và dùng một số từ khó hiểu. Cuốn sách như lời tự tình của tác giả về cuộc đời, và về ngành hàng không. Tưởng chừng đó chỉ là một ngành đơn giản như bao ngành nghề khác, nhưng không phải vậy nó đầy nguy hiểm nhưng cũng không kém phần nên thơ, cùng với bao kỷ niệm về đồng nghiệp về những lần gặp hiểm nguy và thoát chết. Vẫn là chất văn đầy ý nghĩa như cuốn “Hoàng tử bé”, nên ai đã thích nét đặc trưng đó, thì cũng sẽ say mê cuốn này y như vậy. Hy vọng nếu lần sau tái bản, thì sẽ hay hơn vì phần dịch quá kém ảnh hưởng đến nội dung.

  6. Vũ Huỳnh Khương Anh

    Nhận xét của mình theo hình thức là bìa đẹp, chất lượng tốt nhưng còn về nội dung thì không rõ là do dịch giả hay do biên tập mà lúc đọc, mình thấy câu cú rất lủng củng, như thể chỉ cần thêm vài chữ vào trong câu thì đọc sẽ rất xuôi. Mình xin trích một đoạn trong cuốn này, những chỗ như “chuyến tàu suốt”, “anh ta đang cuộc hành trình”… là gì? các bạn góp ý giúp mình với nhé.

    “Thời gian trôi đi, bình thường con người ta không nhận thấy. Con người sống là sống trong một sự hoà hoãn tạm thời. Một khi đến được trạm nghỉ, bấy giờ ta mới biết ra lúc nào thì đè nặng trên ta ngọn gió đông bao giờ cũng tiến bước. Chúng ta giống như những hành khách kia trên chuyến tàu suốt, trong đêm tối ầm ĩ bánh xe lăn, chốc chốc loé lên một đốm sáng, anh ta ngồi bên này cửa kính đoán bao nhiêu thôn làng ruộng nương, bao nhiêu vùng hạnh phúc đã chảy tuôn qua một cách phung phí, mà anh ta không tài nào níu giữ cái gì được, vì anh ta đang cuộc hành trình. Chúng tôi cũng vậy, bừng bừng một cơn sốt nhẹ, hai tai còn ầm ì tiếng động cuộc bay, chúng tôi cũng cảm giác là mình đang cuộc hành trình, bất chấp cái yên tĩnh của trạm nghỉ. Chúng tôi cũng vậy, được đưa tới một tương lai nào không biết, qua sự nghĩ suy của các luồng gió, bằng những nhịp đập của trái tim mình.”

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button