Xứ Tuyết

(4 đánh giá của khách hàng)

Là tác phẩm đỉnh cao của Kawabata, giúp ông giành giải Nobel Văn chương năm 1968, Xứ Tuyết đẩy đến cực hạn cái đẹp hư vô, cái đẹp thanh khiết và cái đẹp bi thiết bằng một bút pháp tinh tế, cô đọng, gợi ý, khó nắm bắt, tạo nên cuộc hội ngộ hoàn hảo giữa thể loại tiểu thuyết và thơ Haiku.

Danh mục:

Xứ Tuyết là tiểu thuyết dạng vừa đầu tiên của Kawabata Yasunari, cũng là tác phẩm đại diện cho chủ nghĩa duy mỹ ở ông. Trước khi chỉnh sửa và xuất bản thành sách vào năm 1948, Xứ Tuyết đã xuất hiện từng phần trên tạp chí trong rải rác mười hai năm, qua hình hài các truyện ngắn Kính chiều, Kính ngày… là thành quả sau nhiều lần lữ du như áng mây lang bạt sang miền tuyết trắng, nơi trước tiên là ông, rồi đến nhân vật của ông chìm đắm trong vẻ đẹp hoang sơ đầy ắp động-tĩnh-thanh-sắc của thiên nhiên, trong vẻ đẹp tương phản nhưng đều hút hồn của con người.

Nhân vật chính, Shimamura, là một người cơm áo không lo, dần dần thành ra mau chán và ì trệ. Vì muốn củng cố thái độ sống của mình, anh quyết định đi xa leo núi, lấy sự vất vả về thể xác làm phương pháp rèn tinh thần. Từ trên núi xuống, anh ghé vào làng suối nước nóng ngay cạnh đó để nghỉ ngơi, nào ngờ từ đây buông mình vào mối quan hệ khiến anh nhiều khi ân hận nhưng không dứt bỏ được với một geisha nồng nàn, giàu nhục cảm, cho đến ngày một ngọn lửa điêu tàn bùng lên thiêu rụi tất cả.

Là tác phẩm đỉnh cao của Kawabata, giúp ông giành giải Nobel Văn chương năm 1968, Xứ Tuyết đẩy đến cực hạn cái đẹp hư vô, cái đẹp thanh khiết và cái đẹp bi thiết bằng một bút pháp tinh tế, cô đọng, gợi ý, khó nắm bắt, tạo nên cuộc hội ngộ hoàn hảo giữa thể loại tiểu thuyết và thơ Haiku.

Kawabata có biệt danh là “bậc thầy tang lễ”. Thuở nhỏ chứng kiến liên miên sự ra đi của người thân, lớn lên làm chủ tế cho nhiều đám tang nổi tiếng, cuối cùng khi quyết định tự sát bằng khí đốt, đến lượt ông làm “chủ tế cho chính mình”, trở thành người lữ hành vĩnh cửu trong thế giới của hư ảo và chân không. Nhưng trước đó, nỗi niềm u uẩn, mờ sương của cuộc đời ông đã kịp soi chiếu vào cái đẹp chớp nhoáng rồi tan dần theo dòng chảy thời gian, như bông tuyết tan khi mùa xuân đến, mà ta sẽ thấy trong cuốn sách này.

4 đánh giá cho Xứ Tuyết

  1. Luân Tường Vy

    Đọc Xứ tuyết ắt ai cũng ấn tượng trước khả năng miêu tả phong cảnh vùng núi Nhật Bản rất chân thật, thuần túy, sâu sắc và nét đẹp của hai nhân vật Komako và Yoko, một người gần gũi, trong sáng, tràn trề sức sống như đại diện cho một Nhật Bản “mới” và Yoko, mỹ nhân với chất giọng trong trẻo, thanh khiết, nét đẹp xa vời chỉ có thể ngắm nhìn của một Nhật Bản xưa cũ. Mối tình của Shimamura với hai cô gái cùng kết thúc câu chuyện thực sự gây ấn tượng cho người đọc và đồng thời nói lên quan niệm của chính tác giả. Một tác phẩm tuyệt vời đậm chất Nhật Bản mà không mang hơi hướm Tây phương, xứng đáng cho thời gian 13 năm cô đọng tinh túy của một tài năng văn chương chắp bút viết nên.

  2. Nguyễn Trung HIếu

    Đọc xong cuốn tiểu thuyết mà mình vẫn phân vân không hiểu nổi nhiều vấn đề, nhất là về nhân vật Yoko. Đọc câu truyện mình rất tò mò về tiểu sử, về mối quan hệ không rõ ràng giữa Yoko và Komako. Rồi cuối cùng là đoạn kết, đoạn văn đầy hình ảnh nghệ thuật và vẻ đẹp thoát tục. Đọc xong phải ngẫm lại mới hiểu kết cục cuối cùng cho từng nhân vật.
    “Phải chăng những việc làm xuất phát từ tình yêu và được gửi gắm trọn vẹn tấm lòng sẽ khơi dậy tinh thần người khác vào một lúc nào đó, ở một nơi nào đó?”

  3. Lương Nguyễn Trường Sơn

    Quyển này là một trong 3 tác phẩm được nhắc đến khi Ủy ban Nobel quyết định trao giải cho Yasunari Kawabata năm 1968. Nobel văn chương là giải thưởng trao cho tác giả chứ không phải tác phẩm, nhưng nhiều sách vẫn hay cố tình đưa dòng “Nobel văn chương năm XXX” vào bìa sách.

    Tác giả nổi tiếng là người duy mỹ và ông đã vẽ lên Xứ tuyết đẹp đến siêu thực, và dường như đó mới là cái chính, còn chuyện tình cảm giữa nhân vật chính Shimamura và nàng geisha dường như chỉ là phụ.

    Có lẽ phải chờ một ngày đến xứ tuyết, bình tâm đọc quyển này thật chậm mới cảm nhận được hết vẻ đẹp của nó, còn khi đọc giữa cái bộn bề của xứ nhiệt đới thì thật khó rung cảm cùng Xứ Tuyết.

  4. Minh Phương

    Mình ít khi viết nhận xét về những cuốn sách mà mình mua nhưng mình viết đôi dòng này để hy vọng những ai yêu sách đừng bỏ lỡ tác phẩm này. Đầu tiên, là nó rất đẹp, thật đấy, đẹp từ bìa sách (bìa cứng hẳn hoi) và đẹp cả những trang sách, những câu chữ được trau chuốt và biên tập cẩn thận. Mình cảm nhận được cả tâm huyết của người dịch và biên tập của cuốn này, vô cùng tâm huyết và trân trọng.

    Thứ hai là về nội dung, mình là con gái nên mình chỉ cảm nhận được vẻ đẹp của khung cảnh xứ tuyết trắng tinh ấy, hơn là vẻ đẹp của một nàng Geisha ^^ nhưng tin mình đi, cuốn sách này rất được, và mình nghĩ bộ phận biên tập của IPM đã làm hết sức mình để đem cuốn sách tuyệt vời này đến với bạn.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button