Cảm nhận sách

10 trích dẫn được yêu thích nhất từ “Giáo dục & Ý nghĩa cuộc sống”

Giáo Dục Và Ý Nghĩa Cuộc Sống cuốn sách mang đến câu chuyện hoàn toàn mới về giáo dục. Theo đó, con người là một tổng thể hài hòa được tạo thành từ nhiều khía cạnh khác nhau. Nền giáo dục phải mang đến sự hợp nhất các khía cạnh riêng biệt này – vì nếu không có sự hợp nhất ấy, cuộc sống sẽ trở thành một chuỗi những cuộc xung đột và nỗi bất hạnh. Muốn tạo dựng một nền giáo dục đúng đắn, ta phải hiểu rõ ý nghĩa cuộc sống trong tính toàn thể của nó.

Sau đây là 10 trích dẫn được yêu thích nhất từ độc giả Goodreads

  1. Hiểu cuộc sống là hiểu chính mình, và đó vừa là khởi điểm vừa là đích đến của giáo dục.

(trang 13)

  1. Trí tuệ là năng lực nhận biết cái bản chất, cái vốn đang tồn tại; và việc đánh thức năng lực này, ở bản thân và ở mọi người, chính là giáo dục.

(trang 14)

  1. Từ vô vàn những cái phức tạp, ta phải phát triển lên thành sự đơn giản; ta phải trở nên đơn giản trong cuộc sống nội tâm và trong những nhu cầu bên ngoài.

(trang 49)

  1. Thời trẻ là quãng thời gian lý tưởng để người ta tìm tòi và trải nghiệm mọi thứ. Nhà trường nên giúp học sinh phát hiện ra những thiên hướng và trách nhiệm của mình, chứ không chỉ đơn thuần nhồi nhét các dữ kiện và kiến thức kỹ thuật vào đầu các em; nhà trường nên là mảnh đất để học sinh có thể trưởng thành một cách hạnh phúc, toàn diện và không có bóng dáng của nỗi sợ hãi.

(trang 49)

 

 

  1. Các hệ thống quản lý cấp cao lại muốn những “cỗ máy” giỏi việc, chứ không muốn những con người thực thụ, vì con người là mối nguy hiểm đối với họ. Đó là lý do tại sao các hệ thống, các tổ chức chuyên quyền luôn tìm cách kiểm soát và thao túng giáo dục.

(trang 26)

  1. Tuân theo uy quyền là phủ nhận trí tuệ. Chấp nhận uy quyền là tuân phục sự thống trị, là khuất phục trước một cá thể, một nhóm người trong xã hội hay trước một ý thức hệ; và khuất phục trước uy quyền là sự phủ nhận, không những trí tuệ mà còn cả sự tự do của cá nhân.

(trang 66)

  1. Để hiểu một đứa trẻ, chúng ta phải quan sát em chơi đùa, tìm hiểu em qua những biểu hiện khác nhau về tính tình; chúng ta không nên phóng chiếu lên em các thành kiến của chính mình, hay cố nhào nặn em sao cho hợp với hình mẫu ham muốn của ta. Nếu chúng ta lúc nào cũng xét đoán đứa trẻ dựa trên những ý thích hay không thích của mình, chúng ta không tránh khỏi việc dựng lên những rào cản ngăn cách quan hệ giữa ta với em và trong quan hệ giữa em với thế giới.

(trang 52)

  1. Tính hiệu quả được truyền cảm hứng bởi tình yêu thương thì vượt xa và vĩ đại hơn so với tính hiệu quả xuất phát từ tham vọng; và nếu thiếu vắng tình yêu thương, vốn là thứ giúp ta hiểu biết toàn diện về cuộc sống, thì tính hiệu quả ấy sẽ nuôi dưỡng sự nhẫn tâm. Đấy chẳng phải là điều đang diễn ra trên khắp thế giới đó sao? Hệ thống giáo dục hiện nay hướng tới quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và những cuộc chiến tranh, mục tiêu chính của nó là không ngừng phát triển tính hiệu quả; chúng ta bị vướng mắc vào cỗ máy đua tranh tàn bạo và hủy diệt lẫn nhau. Nếu nền giáo dục này dẫn đến chiến tranh, nếu nó dạy ta phải hủy diệt hay bị hủy diệt, thì chẳng phải là nó đã hoàn toàn thất bại rồi sao?

(Trang 12 – 13)

  1. Tôn giáo là tư tưởng đã bị đóng băng của con người, từ đó họ xây dựng đền đài, chùa chiền và nhà thờ; nó trở thành nơi giúp giải tỏa nỗi sợ hãi, một liều thuốc phiện cho những ai đang sầu khổ. Nhưng Thượng đế hay chân lý lại ở phía bên kia của những tư tưởng và những đòi hỏi đầy cảm xúc

(trang 43)

  1. Cái chúng ta gọi là tôn giáo thực chất chỉ là đức tin, cùng với các tín điều, nghi lễ, những điều huyền bí và cuồng tín của nó. Mỗi tôn giáo đều có kinh sách riêng, người sáng lập, các giáo sĩ và các phương cách đe dọa, chi phối mọi người. Hầu hết chúng ta đều bị định đặt bởi những thứ ấy, và đó là những gì mà người ta gọi là giáo dục tôn giáo; nhưng sự quy định này đặt con người vào thế chống lại nhau, gây ra sự đối kháng không chỉ giữa các tín đồ với nhau, mà còn giữa tín đồ tôn giáo này với tín đồ tôn giáo kia. Dù tất cả các tôn giáo đều khẳng định rằng họ thờ Thượng đế và nói rằng chúng ta phải yêu thương lẫn nhau, nhưng chính họ lại gieo rắc nỗi sợ bằng các giáo lý về sự thưởng phạt; và qua các tín điều cạnh tranh, họ truyền lưu mối hoài nghi và sự đối kháng.

(trang 41)

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button