Cảm nhận sách

‘Bà Bovary, đó là tôi’

“Bà Bovary” có thể xem là tiểu thuyết buồn nhất về số phận của một người đàn bà khi trở thành nạn nhân của các quan niệm đạo đức giả dối, tầm thường của xã hội tư sản.

Ngay từ khi được xuất bản lần đầu vào năm 1856, Bà Bovary đã bị chỉ gay gắt. Flaubert phải ra hầu tòa vì tác phẩm bị xem là vi phạm những giá trị đạo đức xã hội. Mặc dù vậy, Flaubert cuối cùng đã được thả tự do, và tác phẩm được độc giả đón nhận một cách rộng rãi. Emma Bovary cũng trở thành một nhân vật nữ điển hình, sống động trong đời sống văn học suốt hơn 150 năm qua.

Nhân vật nữ chính của tiểu thuyết là Emma, con của một nông dân tỉnh lẻ. Emma xuất thân từ một gia đình nông dân khá giả, được giáo dục tử tế. Nàng thông minh, xinh đẹp và có một niềm đam mê mãnh liệt với sách vở, đặc biệt là tiểu thuyết trữ tình.

Nàng đắm đuối trong bầu không khí quá đỗi thơ mộng và huyền diệu của những tiểu thuyết, thơ ca lãng mạn thời ấy. Nàng mơ về một cuộc sống diễm lệ đẹp đẽ, nhưng cả đời nàng chỉ mãi là theo đuổi một giấc mộng phù du. Nàng bị đẩy vào những cơn vỡ mộng liên tiếp nhau.

Emma lấy một người chồng hiền lành và tốt bụng đến mức trở nên tẻ nhạt và nhàm chán. Anh chồng thầy thuốc ấy khiến nàng ngạt thở, căm tức, và càng đẩy nàng trượt dài trong những mối tình với chàng luật sư trẻ tuổi Leon, hay gã Dodophole nhiều mưu mẹo.

Nàng trở nên phóng đãng, và trở thành một người đàn bà ngoại tình xấu xí. Nàng sẵn sàng bỏ chồng, bỏ cả người con gái bé nhỏ để lên kế hoạch chạy trốn cùng những người tình. Nhưng rồi, tất cả họ đều bạc nhược và phụ bạc tình yêu mãnh liệt của nàng. Họ bỏ rơi nàng, khiến nàng rơi mãi trong cơn tuyệt vọng, giấc mộng tan vỡ vĩnh viễn.

Tác phẩm Bà Bovary của Gustave Flaubert.

Ở một góc độ nào đó, nàng Emma là một cô gái dũng cảm. Nàng dám bước đi theo sự sai khiến của trái tim nàng. Nàng khao khát có được tình yêu, cảm giác được là người yêu. Khi Dodophole tỏ tình, nàng thốt lên “Em đã có một người yêu, một người yêu”. Nàng rưng rưng trong hạnh phúc, và sẵn sàng dâng hiến trọn vẹn con người nàng cho người yêu.

Nàng phải được yêu. Nếu không được yêu nàng chỉ là một thân xác vật vờ điên dại. Nhưng cái hiện thức nghiệt ngã đã xô đẩy nàng đến tận cùng tuyệt vọng. Và Flaubert đã đưa cho nàng một lối thoát duy nhất, ấy là cái chết.

Chỉ có cái chết mới giúp nàng thoát khỏi nỗi đau đớn của một bị kịch mà trái tim nhạy cảm và tâm hồn yêu đương mãnh liệt của nàng sẽ không bao giờ chịu giàn hòa với hiện thực nhiều khắc nghiệt.

Emma là người con gái đáng trách, đáng giận, nhưng cũng đáng ngưỡng mộ và mê đắm. Nàng là bi kịch của một tâm hồn khao khát yêu đương giữa hiện thực đời sống. Nàng Emma Bovary, “tính cách Bovary” (bovarysme) trở thành một thành ngữ trong ngôn ngữ Pháp nói về sự khập khiễng giữa ảo vọng lãng mạn và cái tầm thường, thô kệch của cuộc sống. Nàng Emma thực đã chết vì một giấc mộng ái tính suốt đời hư ảo và đau đớn.

Nhà văn Gustave Flaubert.

Flaubert cho nhân vật của mình nổi loạn, rồi để họ chết. Đó chính là quan điểm của ông khi viết các tác phẩm theo trường phái hiện thực lãng mạn. Khuynh hướng này đã có ảnh hưởng sâu sắc đến các thế hệ nhà văn sau này ở Pháp và toàn thế giới: Anton Chekhov, George Orrwell, Jean Paul Sarte…

Flaubert là người rất đỗi cầu toàn trong văn chương. Ông không phân biệt đề tài hay – dở, tất cả phụ thuộc vào phong cách, với những yếu tố cơ bản như ngôn ngữ, nghệ thuật, cấu trúc tác phẩm và khả năng tổ chức giọng điệu, chuỗi sự kiện chặt chẽ, khôn khéo

Dù ngày nay, tác phẩm của Flaubert sẽ có lẽ sẽ khó hấp dẫn người đọc ngay lần đầu tiếp cận vì những kiểu cách cầu kỳ của lối viết kinh điển, nhưng với một tác phẩm đỉnh cao như Bà Bovary, mọi độc giả rồi sẽ say mê, bởi tác phẩm chất chứa tâm sự mà bất kỳ ai cũng đều đôi lần bắt gặp trong đời sống này. Mỗi người khi đọc tác phẩm có lẽ cũng phải thốt lên rằng “Bà Bovary, đó là tôi” như Flaubert từng nói.

Gustave Flaubert là nhà văn danh tiếng người Pháp, được nhiều người biết tới vì các cuốn tiểu thuyết của ông viết theo trường phái hiện thực (realism). Bên cạnh Bà Bovary, ông còn nhiều tác phẩm nổi tiếng như: “Nhật ký người điên, Salammbo, Giáo dục tình cảm, Sự cám dỗ của Thánh Angtoan…

Thủy Nguyệt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button