Cảm nhận sách

‘Ban công lên trời’: Một cõi cười mê sảng thâm u về đàn bà

Một tập truyện ngắn hiện đại, văn phong tưng tửng, dễ dàng chọc cười độc giả, cười bật thành tiếng, đến mức chảy nước mắt.

Ban công lên trời của Tomasz Jastrun chính là những lát cắt rất sắc nhọn từ đời sống. Ông dùng đôi mắt nhìn sâu vào bên trong những mảnh đời đàn bà giữa đời sống đô thị, để phơi bày những tâm tư sâu kín của họ một cách trần trụi.

Trong tập truyện, những truyện ngắn của ông chủ yếu xoay quanh mối quan hệ của đàn ông và đàn bà, hai giống loài tồn tại bên cạnh nhau như định mệnh, bởi vì chúa đã tạo ra Adam và Eva. Những nhân vật của Tomasz Jastrun chủ yếu được kêu bằng gã, hắn, cô, em, anh, nàng, chàng…, họ là một người, là rất nhiều người sống trong đô thành phát triển của đất nước Ba Lan.

Là một người đàn ông, nhưng Tomasz Jastrun tỏ ra vô cùng thấu hiểu những tâm tư, suy nghĩ, khao khát của giới nữ. Trong truyện ngắn Cuộc hẹn hò với bóng tối, nương theo tâm tư của một người đàn bà trung niên mới ly dị chồng, đắm chìm trong một mối tình với chàng trai trẻ mà bà chưa từng gặp gỡ.

Chỉ bằng những tin nhắn ngọt ngào hàng đêm, bà bắt đầu rơi vào những cơn mộng tưởng của tình yêu và khoái cảm với những suy nghĩ về người đàn ông trẻ dù bà vẫn không thể nào thoát khỏi nỗi tự ti về mặt tuổi tác. Sự già nua theo đuổi như một bóng ma, khiến bà trở thành một tạo vật khốn khổ trong những khát vọng của mình, đẩy bà vào những tình huống eo le, xấu hổ.

Với ngòi bút sắc lẹm của mình, Tomasz Jastrun đã tạo ra một vùng bóng tối thâm u, bẽ bàng đối với người đàn bà luống tuổi, nhưng lại làm sáng lên những nỗi lòng vốn chôn chặt và hiếm ai hiểu được của một người đàn bà.

Có những nhà văn viết về khát khao thầm kín của phụ nữ một cách sắc sảo thấu hiểu đến nỗi chính những người phụ nữ khi đọc vào cũng cảm thấy hoảng sợ vì tâm tư bị phơi bày trần trụi.

Lúc trước, trong tập truyện ngắn Tình nhân, nhà văn Janusz Leon Wiśniewski đã thọc sâu vào từng ngõ ngách rối rắm như mê cung của người phụ nữ, để rồi lẩy ra những kín đáo nhất cho trang viết của mình, những bằng một giọng văn cảm động đẹp đẽ, thì ở đây, Tomasz Jastrun tóm lấy những sâu kín ấy, treo lủng lẳng trên trang viết của mình, bằng một thái độ tưng tửng, lạnh nhạt, ném vào đó cả một cõi cười như mê sảng, nhưng lại tạo nên một hiệu ứng thấu hiểu đồng cảm lạ kỳ.

Tiếp chuyện về khao khát của người đàn bà, nhân vật góa phụ trong Bức tranh thay đổi, là điển hình của cái khao khát bản năng không thể nào mất đi của những người đàn bà.

Khi mất đi người chồng, cuộc đời của người vợ trở nên vô vị, nhạt nhẽo, cho đến khi nàng nhìn thấy sự thay đổi trong bức tranh người đàn ông khỏa thân treo trong phòng khách của nhà mình. Cuộc gặp gỡ, trò chuyện với người họa sĩ đã vẽ bức tranh đã đánh thức trong nàng cái bản năng tưởng đã lạnh băng.

Chi tiết khi nàng nhìn xuống bụng, cảm thấy có cái gì vừa nóng lên ở bụng mình, là chi tiết thể hiện sự tinh quái mà thấu hiểu của tác giả. Sự hồi sinh của một người đàn bà bắt đầu từ chính cái bản năng khao khát thầm kín ấy. Một truyện ngắn được viết theo lối siêu thực, với nhiều những tình tiết phi lý, nhưng lại khiến người đọc phải kinh ngạc bởi lối tư duy khác biệt, và cách kể chuyện độc đáo của tác giả.

Tomasz Jastrun khẳng định rằng, đàn bà là giống loài có ham muốn tột cùng, nhưng họ giấu rất sâu, cho đến khi “bắt sóng” được với người đàn ông của mình, thì họ trở thành một tạo vật hoàn toàn khác. Họ cởi bỏ mọi e ngại, để quấn quýt với khoái cảm của mình.

Truyện ngắn Căn hộ số bảy khơi gợi hình ảnh một người đàn bà như thế. Hơn nữa, đây là một câu chuyện đặc biệt thú vị, bằng cách viết hóm hỉnh, cách tạo tình huống bất ngờ, vừa cười cợt, vừa ý nhị. Đặc biệt, ở truyện ngắn này, bộ mặt đám đông được tái hiện một cách rất sâu cay. Đám đông luôn là một bức tranh ngu ngốc, nguy hiểm, khoa trương và đểu giả.

Truyện ngắn của Tomasz Jastrun thường đi sâu vào những ngóc ngách của đời sống hàng ngày, với những vấn đề thường tình, xoay quanh tình yêu, tình dục muôn hình muôn vẻ của con người, bộc lộ đẩy đủ những trạng huống cảm xúc mà con người gặp phải, sự khao khát, hạnh phúc, sự cô độc, sự phản bội, ưu tư, trăn trở, thất vọng, đau đớn.

Nhà văn người Ba Lan Tomasz Jastrun.

Tomasz Jastrun viết nhiều về tình dục, hầu hết truyện ngắn của ông cũng xuất hiện yếu tố này một cách khá trực diện. Đọc những đoạn ông viết về tình dục, người đọc chắn chắn sẽ bật cười, vì nghĩ, ồ nó giống với những cảm giác mà đã từng trải qua.

Tình dục là khởi đầu, là bản năng, là khao khát của con người, và Tomasz Jastrun đi sâu vào khám phá cái bản năng ấy. Hiếm có nhà văn nào viết về tình dục tự nhiên, không chút e ngại, không chút khiên cưỡng như ông. Ông viết tự nhiên đến nỗi khiến chúng ta cảm giác như ông chỉ đang hít thở vậy.

Viết về tình dục, nếu không khéo, hẳn sẽ dễ biến câu chuyện trở nên lố bịch. Nhưng Tomasz Jastrun viết khéo, viết giỏi. Và bởi thế những chuyện tình dục ông viết khiến người đọc đi sâu hơn được vào cõi thẳm của lòng người. Và ở đó, con người va chạm vào nhau, bằng một nỗi đồng cảm thắm thiết khi cảm nhận được những nỗi đời riêng trong những tâm tư chung của loài người.

Tomasz Jastrun từng là tùy viên văn hóa Đại sứ quán Ba Lan, Giám đốc Viện Nghiên cứu Ba Lan tại Thụy Điển. Ông đã được nhận nhiều giải thưởng văn chương, như giải thưởng Văn bút, giải Robert Graves, giải thưởng văn học của tạp chí Văn hóa Paris, giải thưởng Quỹ Nhà thờ… Hiện ông làm việc tại tờ Tấm gương, cộng tác với tuần báo Newsweek và nhiều tờ báo quốc tế khác. Ông là hội viên Hội Nhà văn Ba Lan.

Phong Linh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button