Cảm nhận sách

Bản nguyên dục vọng trong “Kiên ngạnh như thủy”

Tiểu thuyết “Kiên ngạnh như thủy” của Diêm Liên Khoa (NXB Hội Nhà văn) đem lại cho dịch giả trẻ Minh Thương giải thưởng Văn học dịch của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2015.

“Kiên ngạnh như thủy” là tiểu thuyết từng gây tranh cãi nhiều nhất của Diêm Liên Khoa, về phương diện ngôn ngữ và tính dục. “Nó vừa ra đời, đã giống như đứa trẻ lạc đường lang thang trong mỏ hoang nơi hẻm núi, mang theo sự chát chúa và lỗ mãng mà người khác không thể hiểu nổi trong sáng tác tiểu thuyết.”

Phải sau năm 2001, “Kiên ngạnh như thủy” mới được nhìn nhận lại bằng cái nhìn cởi mở, bao dung hơn. Và năm 2014, với tiểu thuyết này, Diêm Liên Khoa trở thành tác giả đầu tiên của Trung Quốc nhận giải thưởng Văn học Kafka, là giải thưởng văn học danh giá do Chính phủ Tiệp Khắc và Hiệp hội Kafka Praha đồng tổ chức, bắt đầu từ năm 2001.

“Kiên ngạnh như thủy” có bối cảnh là thời đoạn Cách mạng văn hóa Trung Quốc. Hai nhân vật chính, Cao Ái Quân và Hạ Hồng Mai ở miền quê xa xôi có tên trấn Trình Cương, đắm chìm trong dục vọng, liều lĩnh bất chấp tất cả, phá đổ mọi tư tưởng cũ, văn hóa cũ, tập quán cũ và phong tục cũ. Điên cuồng làm tình ở mọi hoàn cảnh/ địa điểm khác nhau.

Đỉnh điểm là Cao Ái Quân bí mật đào “đường hầm tình yêu Cách mạng” dài 550m qua hai khu phố, nối thông hai nhà để “không ra khỏi nhà cũng có thể gặp nhau làm chuyện đó như vợ chồng”. Họ đã tạo ra/ vượt qua hoàn cảnh để làm tình với nhau trên cái nền là tư tưởng, đường lối, phương pháp cách mạng.

Bối cảnh Cách mạng văn hóa Trung Quốc là nguồn nguyên liệu dồi dào đưa văn học Trung Quốc nói chung và tiểu thuyết Trung Quốc nói riêng vào thời kỳ nở rộ, phát triển mới lạ về cả nội dung và hình thức với dòng Văn học vết thương và Văn học phản tư. Nhiều tác giả – tác phẩm lớn ra đời từ đây.

Diêm Liên Khoa là nhà văn quan trọng của nền văn học đương đại Trung Quốc, có tác phẩm được xuất bản trên 20 quốc gia, cùng gần 30 giải thưởng văn học uy tín trong và ngoài nước khác nhau.

Nhưng đến “Kiên ngạnh như thủy” của Diêm Liên Khoa thì yếu tố tính dục được khai thác, đặc tả đậm đặc, vượt ra ngoài sức tưởng tượng và khuôn phép thông thường. Cách mạng như là chất xúc tác, là mồi lửa, là xăng làm bùng lên tình dục. Đồng thời, tình dục như là dây dẫn cháy nổ của cách mạng. Tình dục và cách mạng xoắn quện, tương hỗ bền chặt, thúc đẩy nhau. Ở đấy, bản nguyên dục vọng của con người trở nên quay cuồng, cuốn trôi tất cả.

“Kiên ngạnh như thủy” là cuốn sách thứ 3 của Diêm Liên Khoa được chuyển ngữ qua tiếng Việt, sau “Phong nhã tụng” và “Người tình phu nhân sư trưởng”. Đây là nhà văn quan trọng của nền văn học đương đại Trung Quốc, có tác phẩm được xuất bản trên 20 quốc gia, cùng gần 30 giải thưởng văn học uy tín trong và ngoài nước khác nhau, như 2 lần giải thưởng Văn học Lỗ Tấn, giải thưởng Văn học Lão Xá, giải thưởng Văn học Kafka, đề cử giải thưởng văn học Pháp Femina (2012), đề cử giải thưởng văn học Man Booker (2013)…

Lê Hòa Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button