Cảm nhận sách

Bay cao những ước mơ thơ bé

Những câu chuyện vui nhộn thường ngày của lũ trò nhỏ đáng yêu được tác giả tái hiện một cách sinh động qua giọng văn hài hước đậm chất Nam Bộ.

Khi nhà văn Võ Diệu Thanh cho ra mắt Siêu nhân Cua, tập truyện dài dành cho thiếu nhi vào năm 2015, nhiều bạn đọc yêu quý chị đã rất ngạc nhiên.

Được biết đến như một cây bút nữ cá tính với giọng văn thâm trầm và gai góc, Võ Diệu Thanh bất ngờ chuyển hướng và viết rất “ngọt” cho độc giả nhí. Một thế giới hồn nhiên của con trẻ hiện lên sống động trong từng trang viết.

Chúng mình bay đầy trời là phần tiếp theo đầy thú vị của Siêu nhân Cua. Những người bạn đáng yêu như Hưng Mặt Bành, Nam Trán Dô và Mai Một Mí sẽ trở lại và kể cho các bạn nhỏ nghe những câu chuyện thú vị xảy ra hằng ngày ở lớp học. Sau những suy nghĩ rất ngô nghê của con trẻ là bài học sâu sắc về tình yêu thương.

Bộ ba Hưng, Mai, Nam vẫn là những người bạn thân thiết. Ba cô, cậu nhóc rất hào hứng vì trong lớp có thêm thành viên mới. Đó là Quý, một cậu bé hiền lành nhút nhát. Trước kia, Quý sống trong núi Cấm với bà nội, nhưng bây giờ để tiện cho việc học hai bà cháu phải xa nhau, xa núi Cấm. Điều này làm một đứa trẻ sống tình cảm như Quý luôn cảm thấy buồn.

Không chỉ buồn, Quý còn rất thương và nhớ bà nội. Cả đời bà sống trên núi Cấm, kể từ khi bị gãy chân bà phải chuyển xuống ở dưới núi. Quý luôn muốn giúp bà trở về núi Cấm để vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhưng câu bé chẳng tìm ra cách.

Biết được chuyện đó, nhóm bạn Hưng, Mai, Nam đã nghĩ ra một ý tưởng rất hay ho: Chế tạo một đôi cánh cho bà nội! Nếu bà biết bay thì dù đau chân vẫn có thể lên núi Cấm.

Bốn đứa trẻ loay hoay nghĩ đủ mọi cách để chế tạo một đôi cánh thật nhẹ, giúp bà nội Quý có thể bay lên núi. Từ việc làm một chiếc ghế bằng ống hút rồi gắn chong chóng giống trong truyện Doraemon, đến việc lấy lông gà làm đôi cánh, rất nhiều ý tưởng sáng tạo độc đáo đã được các “nhà phát minh” nhí đưa ra.

Tập truyện dài Chúng mình bay đầy trời.

Nhưng cuối cùng, chẳng có ý tưởng nào khả thi! Sau nhiều thất bại, bố bạn nhỏ vẫn không bỏ cuộc, bởi chúng tin rằng sẽ có cách giúp bà nội lên núi Cấm. Cảm động trước những hành động của lũ trò nhỏ nghịch ngợm, cô Thanh đã nhờ mọi người dùng một chiếc võng,cùng nhau khiêng bà nội lên núi Cấm. Điều mà các cô, cậu nhóc mong mỏi cuối cùng cũng thành hiện thực!

Ở bên nhau, cùng nghĩ cách giúp bà nội của Quý, bốn bạn nhỏ đã nhận được nhiều bài học quý báu về tình yêu thương, tình bạn và lòng tốt. Tình yêu và sự chân thành sẽ trở thành phép màu kì diệu giúp chúng ta vượt qua khó khăn. Bên trong sự hiếu động và huyên náo khiến người lớn phải đau đầu là những trái tim ấm áp, luôn biết yêu thương và san sẻ.

Chúng mình bay đầy trời được viết bằng giọng văn tự nhiên và đầy hóm hỉnh như chính cách mà những đứa trẻ kể lên câu chuyện của mình. Mỗi chương, là một lát cắt rất hồn nhiên về cuộc sống được thể hiện qua lăng kính hồn nhiên và trí tưởng tượng phong phú của các bạn nhỏ. Độc giả nhí sẽ tìm thấy bản thân mình qua những nhân vật hài hước của tác phẩm.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm làm cô giáo dạy vẽ ở cấp tiểu học, nhà văn Võ Diệu Thanh nắm bắt tâm lý trẻ nhỏ một cách tinh tế. Tác phẩm ra đời từ những kỉ niệm đáng yêu tác giả đã trải qua cùng các học trò của mình tại trường tiểu học Cồn Vàm B (An Giang). Những cô cậu học trò nghịch ngợm mà vô cùng đáng yêu với cả ngàn câu hỏi tại sao luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những trang viết.

Không khí của sông nước miền Tây Nam Bộ được hiện lên trong Chúng mình bay đầy trời một cách rất tự nhiên. Một điều đặc biệt nữa là toàn bộ tranh minh họa trong Chúng mình bay đầy trời đều do chính nhà văn Võ Diệu Thanh vẽ. Chúng hồn nhiên, ngộ nghĩnh mang đầy sắc màu tưởng tượng phong phú của tuổi thơ.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Một 25, 2017 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 2, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button