Cảm nhận sách

“Bên rặng Tuyết Sơn”: Hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc sống

Dù là cuốn sách khai thác đề tài tâm linh, nhưng “Bên rặng Tuyết Sơn” (*) được viết bởi lối văn nhẹ nhàng và dung dị. Nhờ đó, độc giả bình thường cũng có thể đọc và chiêm nghiệm theo những triết lý nhân sinh mà tác giả gửi gắm trong cuốn sách của mình.

Ngay trong phần đầu cuốn sách, tác giả Swami Amar Jyoti đã “khuyến cáo” rằng “Cuốn sách này không phải là hồi ký, vì các nhân vật đều không có thực. Tuy nhiên, đây cũng không phải một tiểu thuyết hư cấu vì nó tiêu biểu cho những giai đoạn đi tìm đạo vẫn thường xảy ra tại Ấn Độ suốt mấy ngàn năm nay”. Và tác giả hy vọng “cuốn sách nhỏ này sẽ giúp độc giả nhận thức được ý nghĩa của cuộc sống, thấy rõ con đường mà mỗi người đang đi, để tìm về nguồn gốc thiêng liêng cao quý mà chúng ta đã vô tình quên mất từ lâu”.

Chọn chàng trai Satyakam làm nhân vật trung tâm, tác giả đã lồng ghép những điều mà mình hy vọng vào trong hành trình đi tìm đạo của Satyakam từ lúc gặp sư phụ, gặp sư huynh Kapalak, gặp Bhairavi – người bạn đời của mình cho tới lúc nhìn thấy Thượng đế. Đó cũng chính là hành trình đi tìm mối liên hệ giữa con người và vũ trụ qua thuật yoga. Để đến khi cuộc tìm kiếm chấm dứt, khi đã “sống trọn vẹn trong chân lý” thì chàng trai Satyakam ngày nào nay đã thành Satyananda – người sống trong chân lý, lại chu du khắp nơi để giúp mọi người và truyền dạy cho họ những gì mà mình lĩnh hội được.

Khai thác về đề tài tâm linh nhưng ở cuốn sách “Bên rặng Tuyết Sơn” đã khai triển một cách khéo léo, giúp khoảng cách giữa “đạo” và “đời” được giãn mở và trở nên gần gũi với bạn đọc. Tác giả Swami Amar Jyoti bàn tới nhiều vấn đề, dù là về “đạo” hay “đời” thì tựu trung đó vẫn là những vấn đề nhân sinh cần thiết và ý nghĩa với tất cả mọi người.

Giống như ông đã mượn lời của sư phụ nói với Satyakam: “Ai bảo con rằng có sự khác biệt giữa đời và đạo? Con chớ tưởng người đi trên đường đạo sẽ có gì khác thường. Nếu người đời có những lúc thế này hay thế nọ, thì kẻ đi trên đường đạo cũng có những tâm trạng y hệt như thế, nhưng với họ, thử thách này lớn hơn nhiều. Nếu người đời buồn chán, thất vọng thì đã có những thú vui vật chất để tiêu sầu giải muộn; còn người đi trên đường đạo thì không. Họ sẽ không có được một sự an ủi nào hết cho đến khi họ thực sự chiến thắng bản ngã của mình, và chỉ đến khi đó, họ mới nếm được vị ngọt của sự giải thoát”.

Trong các vấn đề mà tác giả Swami Amar Jyoti đề cập, vấn đề tình thương được ông khai mở và soi chiếu trên nhiều góc độ khác nhau. Tình thương không đơn thuần chỉ là sợi dây nối kết trong mối quan hệ giữa người với người, mà đôi khi đó còn là một phương thuốc tinh thần hữu hiệu, nhất là trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Đặc biệt là ở những thành phố đông đúc ồn ào, thần kinh con người luôn bị căng ra bởi những rung động náo nhiệt, phức tạp. Chúng khiến tâm hồn chúng ta luôn ở thế bị động, lúc nào cũng lo phản ứng, dần dần mất đi sự nhạy cảm cần thiết.

Đó cũng là lý do xã hội càng phức tạp, con người càng thiếu đi sự cảm thông với nhau. Càng ngày tâm trí chúng ta càng mệt mỏi, xáo trộn, dễ bị kích thích bởi những cớ lặt vặt không đâu. Chính vì lẽ đó, chúng ta khó mà tránh được những bực dọc, giận tức hay nóng nảy.

Swami Amar Jyoti cho rằng, sự tức giận rất tai hại vì hậu quả của nó tồn tại lâu hơn ta tưởng. Và khi đó, “chỉ có tình thương là năng lượng duy nhất dập tắt được tư tưởng nóng giận mà không gây nên phản ứng trên xác thể hay tâm hồn. Đây là năng lượng màu nhiệm và có quyền năng mạnh mẽ. Một người giàu tình thương và lòng bác ái sẽ không khi nào nổi giận hay để cơn giận dữ ảnh hưởng đến mình”.

Tình thương được phát xuất từ đâu? Và làm như thế nào để tình thương bộc lộ? Tác giả Swami Amar Jyoti chỉ ra: “Tình thương là một năng lượng từ trong phát ra. Tình thương là ban trải chứ không phải là thu nạp. Thói thường, con người dồn năng lượng vào trong vì đối tượng của họ là bản ngã, do đó các năng lượng này dễ va đụng nhau, tạo thành các làn sóng rung động theo một nhịp độ trong tâm thức. Nhịp độ này gia tăng tạo thành lòng ích kỷ, do đó càng nghĩ đến mình bao nhiêu, con người càng trở nên ích kỷ bấy nhiêu. Khi biết ban trải năng lượng ra ngoài, tâm hồn con người sẽ mở rộng ra, thay vì thu hẹp lại”.

Cũng theo Swami Amar Jyoti, tình thương phát sinh từ trong gia đình dưới hình thức tình thương yêu giữa cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em. Trong không khí đầm ấm dịu dàng của gia đình, những đức tính tốt sẽ được nảy nở, vun bồi và mở đường cho cách xử thế cao thượng đẹp đẽ về sau. Đời sống gia đình chuẩn bị cho đời sống xã hội và gia đình là nền tảng của tình thương.

Tác giả Swami Amar Jyoti sinh trưởng tại Ấn Độ. Ông đã theo học với nhiều đạo sư đương thời nhưng vẫn chưa thỏa mãn với những gì học được, sau một thời gian tu học trong các đạo viện, ông lên Tuyết sơn tu nhập thất. Ông tu tập nội quán trong một hang đá suốt 12 năm ròng mới xuống núi dạy đạo và thu tập môn đệ. Ông đề cao việc thực hành và khuyên mọi người hãy cố gắng tìm sự hoàn hảo ngay trong chính con người mình thông qua công phu tu tập nội quán dù theo bất cứ một tôn giáo hay pháp môn nào, vì “chỉ có các nỗ lực thực hành mới đưa con người đến chân lý”.

(*): “Bên rặng Tuyết Sơn”, First News và NXB Hồng Đức ấn hành.

Huy Sơn

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Sáu 28, 2017 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 2, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button