Cảm nhận sách

“Bó hoa hành” gửi đến những tuổi thơ đồng nội

Một câu chuyện chứa đựng biết bao cảm xúc trong veo của những ai từng trải qua thuở ấu thơ nơi đồng quê nắng cháy, cho những ai lớn lên ở thành thị đi hết ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác, và muốn vác ba lô tìm đến một miền quê bình yên chưa hề tồn tại trong ký ức, để được một lần đội nắng, đội mưa đi giữa cánh đồng thơm mùi lúa mới.

“Bao giờ cho đến ngày xưa” viết về quãng thời gian êm đềm của cô bé Tuyền bên “xóm nhỏ ven sông”. Ba má đi làm ăn xa, Tuyền được đưa về nhà chú Sáu và ở tại đây cho đến khi tốt nghiệp tiểu học. Tác phẩm là sự hồi tưởng của tác giả trong những ngày tháng nơi đây, với những người bạn không thể nào quên của thời niên thiếu.

Tác phẩm là một miền ký ức trong veo, lấp lánh nụ cười của những người bạn thuở thiếu thời. Là những ngày để nhớ có nắng rơi trên sông, có những trái trâm mướt rượt, căng mọng, có những viên kẹo ú tan chảy ngọt đường những đậm đà, mộc mạc. Là những ngày nực dông bọn trẻ đi gánh nước, ngày mùa khô nứt nẻ thửa ruộng, ngày trời mưa đường làng trơn như bôi mỡ để ngọn tre lún phún lớp lá non. Tuổi thơ là gì, nếu không phải một khoảng thời gian được ủ say bằng bó hoa hành năm xưa nay đã lên men thành một thời miên viễn.

Cuốn sách của Tuyền Nguyễn không dài, mạch truyện không dày, nếu tách bạch từng chương, độc giả sẽ có một câu chuyện ngắn, mỗi câu chuyện là mảnh ghép một ngày xưa trong rất nhiều ngày xưa.

Không biết vô tình hay cố ý, mà trong những mảnh ghép “ngày xưa” ấy của Tuyền Nguyễn, thiên nhiên đóng giữ một vai trò rất quan trọng. Bên cạnh những cô bé, cậu bé Hận, Tú, Thắm, Thúy, Toàn, Kha,… “thiên nhiên” cũng là một nhân vật quan trọng trong trong tác phẩm, là một người bạn đặc biệt của ký ức tác giả.

Nếu thiên nhiên không giữ một ý nghĩa nào, vậy tại sao có đến 10 trên 15 chương truyện được tác giả mở đầu bằng cảm nhận của Tuyền về thời tiết, về phong cảnh miền quê. Đó là những “hàng keo, bụi chuối” đang “uốn mình đón nắng” trong “Ngày công đầu tiên”. Là những “Mùa nực dông” bắt đầu bằng “nắng tháng Ba cháy da cháy thịt”, là nắng “tung hoành ngoài đồng cỏ cháy” khi lũ trẻ “Đánh trận giả”, là “Những ngày mưa” khi “nước về ngập đồng, cua bắt đầu sinh sôi”, là “gốc cây sầu chiều […] tươi trẻ như ngày nào” trong “Ngày về” của tác giả – chương cuối.

Chính bởi những cảnh quan đặc biệt đó của miền quê, Tuyền Nguyễn đã tạo cho tác phẩm một cảm quan riêng biệt về thiên nhiên, về cỏ cây, đất trời miền thơ ấu. Những ngày xưa của tác giả hiện lên không chỉ với con người, không chỉ với đồ vật, mà còn là thiên nhiên với tất cả hiện tượng, sự vật, mùi hương, những lúc hiền hòa và cả khi dữ dội.

Điều này đã góp phần tạo nên sự thành công của tác phẩm, sự thành công trong việc phục dựng một quá khứ êm ả, thanh bình, sự thành công trong việc mở ra trước mắt chúng ta một “ngày xưa” thật thà đến thế.

“Bao giờ cho đến ngày xưa” – mỗi lần đọc tên truyện dài này, độc giả sẽ có một cảm nhận, đây chỉ là tên của tác phẩm mà thôi, hay là câu hỏi vừa da diết, băn khoăn, vừa tưởng nhớ, trân trọng gửi đến tuổi thơ của mỗi người.

Quỳnh Yên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button