Cảm nhận sách

Bột mì vĩnh cửu – Bài học đắt giá của sự lười biếng và tham lam

Là truyện tiêu biểu của thể loại viễn tưởng thời Xô Viết, Bột Mì Vĩnh Cửu gửi gắm những ý tưởng và những bài học đắt giá vẫn nguyên giá trị đến ngày nay.

Thời kì Xô Viết chứng kiến những tài năng văn học đỉnh cao như Maxim Gorki, Vladimir Vladimirovich Mayakovsky, Boris Leonidovich Pasternak,… Trong đó, Aleksandr Romanovich Belyaev cũng là tên tuổi đáng chú ý bởi những ý tưởng, những câu chuyện của ông rất đặc biệt.

Aleksandr là nhà văn theo đuổi và được xem là người đặt nền móng cho dòng tiểu thuyết viễn tưởng với các tác phẩm chủ yếu viết trong những năm 1920 và 1930.

Tác giả Aleksandr Romanovich Belyaev

Tác phẩm của ông là sự kết hợp tài tình giữa những vấn đề xã hội, lồng ghép những phát minh khoa học, sinh học, vật lý, y học… cùng với những yếu tố kỳ ảo khác. Ông vừa nghiêm túc phê phán những thói hư tật xấu vừa khắc họa một cách hài hước và vô cùng tài tình. Tiếp xúc với văn học của ông, người đọc dường như cảm giác được những phát minh đó sẽ xảy đến trong một tương lai không xa, khi con người bước những bước dài trên con đường khám phá tri thức.

Tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến là Bột Mì Vĩnh Cửu, Người Cá, Đầu Giáo Sư Dowell, Ngôi Sao KEZ, Người Bán Không Khí, Chúa Tể Thế Giới…

Trong đó, Bột Mì Vĩnh Cửu là cuốn tiểu thuyết rất đáng đọc, thích hợp với cả trẻ em và người lớn. Câu chuyện kể về một nhà khoa học tài năng và có tâm đã phát minh ra loại bột có khả năng… ăn mãi không hết. Chỉ cần mỗi ngày ăn một nửa số bột, hôm sau số bột sẽ lại nở đầy như cũ. Dù là “bột ăn nhanh” nhưng vẫn chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.

Nhà bác học đã tặng phát minh của mình cho một người đánh cá nghèo và yêu cầu ông hứa giữ bí mật. Nhưng bản tính tò mò của con người, tính hiếu kỳ, lòng tham và mong muốn có ăn mà không cần phải làm đã khiến bí mật đó bị bại lộ. Ai cũng muốn không cần lao động mà được ăn uống và hưởng thụ, ai cũng muốn trục lợi một cách nhanh nhất, ai cũng muốn làm lợi cho mình đầu tiên. Cuối cùng thứ bột kỳ diệu kia, thay vì có ích cho con người lại trở thành một thảm họa mà có “cho tiền cũng không ai dám nhận”.

Chỉ trong một cuốn sách mỏng, Aleksandr phê phán đủ mọi tính xấu của con người. Từ việc lười biếng nhưng luôn thích hưởng thụ, từ việc tham lợi mà hãm hại người bạn của mình, từ việc coi thường chữ tín và lời hứa, từ những mưu mô và toan tính… đã đưa con người đến vực thẳm, phá hủy hoàn toàn cuộc sống của họ.

Aleksandr còn vạch rõ bản chất hay thay đổi của con người. Khi thiếu thốn thì xem nhau như bạn nhưng mặt khác cũng sẵn sàng trở mặt, khi sung túc thừa mứa thì còn cầu cứu ai được nữa?

Câu chuyện còn là sự xót thương, cảm thông với những nhà khoa học. Họ là những con người luôn khao khát tìm tòi, phát minh những thứ giúp con người cải thiện cuộc sống, tất cả vì mục đích tốt đẹp. Nhưng họ nào biết đâu, thành quả của mình bị người ta sử dụng sai cách, bị bọn đầu cơ trục lợi… cuối cùng chính họ lại trở thành thủ phạm gián tiếp đe dọa cuộc sống và sự tồn vong của nhân loại. Hậu quả đó có lẽ họ chưa hoặc không bao giờ nghĩ tới.

Vỏn vẹn 124 trang nhưng Bột Mì Vĩnh Cửu của Aleksandr là một câu chuyện đáng đọc và suy ngẫm. Như một món ăn với những gia vị đặc biệt mà không gây “chán” hay khó hiểu, Aleksandr đặt ra những vấn đề mà khoa học và xã hội ngày nay đã, đang và tiếp tục đương đầu với chúng. Những câu hỏi hóc búa giữa khoa học và đạo đức con người liệu có tìm được tiếng nói chung, có tìm ra giải pháp hay câu trả lời? Điều đó có lẽ còn phụ thuộc vào tương lai và các thế hệ sau này.

Tiểu Chung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button