Cảm nhận sách

Bức thông điệp ý nghĩa cho những người con

“Hãy chăm sóc mẹ”, cuốn sách được xem như một thông điệp ý nghĩa dành cho những người con: Hãy yêu thương và chăm sóc mẹ; đừng để lúc mẹ đi lạc hay mất đi, mới nhận ra mẹ quan trọng như thế nào. Lúc đó thì đã quá muộn!

Chưa có quyển sách nào khiến tôi cảm thấy khó khăn khi đọc như vậy. Lý do không phải vì nó là một quyển sách khó đọc hay có bút pháp mang tính “đánh đố”; ngược lại, “Hãy chăm sóc mẹ” là một tác phẩm hoàn toàn dễ đọc, chỉ có điều câu chuyện về đức hy sinh, tình yêu thương chồng con đến quên cả bản thân mình của người mẹ trong tác phẩm mang lại cho tôi quá nhiều cảm xúc. Trong suốt quá trình đọc tác phẩm này, không ít lần tôi cảm thấy rưng rưng, từng câu từng chữ lại dẫn tới những liên tưởng trong tôi về chính người mẹ của mình.

Tác phẩm đã được xuất bản tại 19 nước, trong đó có Mỹ và giành được giải thưởng Văn học châu Á.

Câu chuyện được bắt đầu bằng một thông tin hết sức ngắn gọn: “Mẹ bị lạc đã một tuần”. Người mẹ ấy gần 70 tuổi, bị lạc ở ga tàu điện ngầm Seoul. Người mẹ ấy có mái tóc muối tiêu ngắn, gò má cao, và đặc biệt bà rất ít khi chụp ảnh. Chính vì vậy, khi bà đi lạc, các con không biết tìm đâu ra ảnh để dán vào tờ rơi. Và cũng chính sau khi mẹ mất tích, các con mới nhận thấy rằng những câu chuyện về mẹ đã chất đầy trong tâm hồn mình, không bao giờ vơi cạn. Cuốn tiểu thuyết sẽ khiến bạn nao lòng và rơi nước mắt trên suốt cuộc hành trình đi tìm mẹ.

Người mẹ ấy đã tảo tần, chẳng quản ngại vất vả cho bốn người con, hai gái hai trai trưởng thành, có một vị trí trong xã hội. Người mẹ ấy cũng tận tình chăm sóc chồng kể lúc cơ hàn hay đủ đầy. Tuyệt nhiên, người mẹ ấy chẳng bao giờ nghĩ tới lợi ích của mình. Bà xuất hiện rồi biến mất, nhẹ nhàng như thể đã hoàn thành một sứ mệnh thiêng liêng của thượng đế.

Xếp lại trang sách cuối cùng, tôi đã ngạc nhiên: “Sao người mẹ ở xứ sở Kim chi ấy lại giống mẹ mình đến thế!”. Mẹ tôi là một người phụ nữ nông thôn thuần chất. Suốt cả đời mình, tôi chưa bao giờ thấy mẹ nghĩ cho bản thân mình, mà giống như rất nhiều bà mẹ khác, mẹ luôn cặm cụi, chí chu lo cho chồng cho con. Tôi hồn nhiên đón nhận tình cảm ấy của mẹ, lớn lên rồi xa nhà. Từng có lúc, tôi nghĩ rằng hàng tháng gửi về cho mẹ một số tiền nào đó, vậy là hoàn thành xong bổn phận làm con của mình.

Nhà văn Shin Kyung Sook, tác giả của tiểu thuyết “Hãy chăm sóc mẹ” làm lay động nhiều người. Bà cũng là nhà văn nữ đầu tiên nhận giải thưởng Văn học châu Á.

Đến lúc đọc “Hãy chăm sóc mẹ”, tôi biết mình đã sai. Đặc biệt, đọc đến câu “Chính sự mất tích của mẹ đã khơi dậy trong ký ức của những người con những câu chuyện mà mọi người nghĩ mình đã quên hẳn” (Trang 134) tôi không khỏi giật mình. Tôi đi làm xa, mỗi năm chỉ về gặp mẹ được một lần vào dịp Tết. Mẹ tôi bây giờ cũng xấp xỉ 60, tôi bắt đầu hoang mang khi nghĩ tới số lần được gặp mẹ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Liệu số lần ấy có đủ 10 đầu ngón tay hay không, không ai có thể biết trước được! Bởi vậy, “Hãy chăm sóc mẹ” thức tỉnh tôi yêu mẹ nhiều hơn, quan tâm mẹ nhiều hơn, đừng để lúc mẹ mất tích hay lúc mẹ không còn trên cõi đời này nữa, lúc đó mới nhận ra cuộc đời mình đã trở nên vô nghĩa khi không còn mẹ.

Với kết cấu mỗi chương là một ngôi trần thuật, câu chuyện được mở ra với nhiều điểm nhìn, nhiều chiều hướng để độc giả thấm thía hơn tình cảm mà người mẹ trong tác phẩm đã dành cho các thành viên trong gia đình. “Hãy chăm sóc mẹ” – tên cuốn tiểu thuyết cũng là lời nhắn nhủ của tác giả dành cho những người còn mẹ hay những ai vô tâm làm mẹ phải buồn lòng: hạnh phúc là khi chúng ta vẫn còn có mẹ. Bởi vậy, hãy yêu thương và chăm sóc mẹ; đừng để lúc mẹ đi lạc hay mất đi, mới nhận ra mẹ quan trọng như thế nào. Lúc đó thì đã quá muộn!

Quỳnh Yên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button