Cảm nhận sách

‘Buổi vũ hội đêm hè’: Tập truyện ngắn tâm linh của Csath Geza

Văn phong của Csath Geza bí ẩn, giàu tình cảm, đầy nỗi bi ai, mang đượm phong vị của thi ca và âm nhạc, nên cuốn hút độc giả.

Csath Geza là nhà văn và nhà phê bình văn học Hungary. Ông là nhân vật hàng đầu trong việc khôi phục văn học hư cấu Hungary vào đầu thế kỷ 20, và cũng là một nhà phê bình âm nhạc xuất sắc, là một trong những người đầu tiên đánh giá cao tác phẩm của các nhà soạn nhạc Bela Bartok, Zoltan Kodaly và Igor Stravinsky.

Các tác phẩm đầu tiên của Csath xuất hiện vào năm 1906, và tư năm 1908 ông thường xuyên xuất bản các bài tiểu luận phê bình âm nhạc trong tạp chí Nyugat.

Csath Géza cũng thuộc lớp nhà văn nhà thơ “thế hệ phương Tây”, có những gắn bó với tờ tạp chí Nyugat, cùng lứa với Ady Endre (1977-1919), Krúdy Gyula (1878-1933), Kaffka Margit (1880-1918), Juhász Gyula (1883-1937), Kosztolányi Dezső (1885-1936), Babits Mihály (1883-1941)…, Họ đều đã trở thành những bậc thày của văn xuôi và thi ca hiện đại Hungary thế kỷ 20.

Dù nhận được bằng y khoa, chuyên ngành tâm thần học ở Budapest vào năm 1909, Csath Géza vẫn theo đuổi sự nghiệp viết lách. Những sáng tác của ông hòa quện chặt chẽ giữa chất thơ ca, âm nhạc và tâm thần.

Csath Geza – nhà văn và nhà phê bình văn học Hungary.

Buổi vũ hội đêm hè là tập sách gồm 20 truyện ngắn được chọn lọc từ các tập truyện ngắn trong các thời kỳ sáng tác khác nhau của Csath Geza. Đây là những truyện ngắn thể hiện rõ nhất phong cách văn chương Csath Geza

Trong những truyện ngắn chọn lọc này, tư chất thiên tài của Csath Geza được thể hiện rất rõ: cùng lúc ông vừa chịu ảnh hưởng của âm nhạc, thứ nghệ thuật siêu đẳng mà ông am hiểu, vừa ảnh hưởng chất lãng mạn của chủ nghĩa tượng trưng trong văn học mà ông yêu thích, vừa chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Đác – uyn, như một thầy thuốc.

Những hình ảnh thường thấy nhất trong các truyện ngắn của Csath Geza là hình ảnh người mẹ, một người đàn bà mang dáng vẻ xinh đẹp, xanh xao của tuổi trẻ. Người mẹ đã mất từ những ngày Csath Geza.

Trong truyện ngắn Tôi đã gặp mẹ, Csath Geza kể về mẹ bằng một nỗi dịu dàng xa xôi, nhưng đồng thời cũng từ ấy mà gợi nên một bầu không khí của mất mát và bi thương. Tác phẩm êm dịu chảy trôi như một bài thơ, vừa giấu kín, vừa kìm nén lại như phô bày cái u uẩn của đứa con không thể nào nhớ nổi hơi ấm của mẹ. Hình ảnh người mẹ trong giấc mơ là nỗi hoài vọng hay sự tưởng tượng xa xôi trong tiềm thức đầy mất mát và đau buồn.

Cách viết luyến láy của Csath Geza, như một làn khói của hơi thở, chuyện gợi ra vừa như thực như mơ, như một bức tranh nhòe khói. Âm vọng tạo ra mang đậm chất tượng trưng kỳ ảo, chịu ảnh hưởng của dòng nghệ thuật siệu thực phương Tây cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Truyện ngắn Cái lò sưởi ngay từ khi mới ra mắt đã nhận được sự đón nhận rất lớn của độc giả Hungary. Người ta ngỡ ngàng vì một tài năng văn học, người đã sử dụng từ ngữ như một người họa sĩ vẽ tranh, bằng những nét vẽ phác họa rất nhanh, rất đẹp về một mối tâm tư của con người.

Cái lò sưởi hiện lên như một con người, mang nặng tâm tư của sự gắn bó, trong sự nỗ lực thấu hiểu với người học trò nghèo, là người thuê trọ, và là chủ của cái lò sưởi.

Kỹ thuật viết tưởng chừng rất đơn giản, khi tác giả dùng phép nhân hóa cái lò sưởi, truyện ngắn mang dấu vết của văn học phi lý, nhưng đọc đến đoạn cuối của truyện thì thấy Csath Geza quả thực cao tay. Cái nhuần nhuyễn của lý thuyết và xúc cảm được bộc lộ đầy đặn khiến câu chuyện tưởng phi lý lại hóa ra có lý, tưởng rằng ảo ảnh mà lại hiện diện chân thực.

Truyện ngắn của Csath Geza còn mang một nỗi ám ảnh về cái chết. Cái chết lẩn khuất, lơ lửng giữa những không gian, lơ lửng trên số phận của nhân vật. Từ Tôi đã gặp mẹ, Cái chết của chàng phù thủy, Cái lò sưởi đến Thuốc phiện, Cái chết của một người mẹ… đều chứa đựng dấu ấn của cái chết.

Cái chết chính là một nhân vật xuyên suốt, một nhân vật đeo bám ngòi bút của Csath Geza, như một dạng chuẩn bị trước cho cuộc ra đi của mình. Csath Geza cũng chết khi còn rất trẻ, lúc 32 tuổi, như rất nhiều những nhân vật chết trẻ khác mà ông đã sáng tạo ra.

Văn phong của Csath Geza trong tập Buổi vũ hội đêm hè luôn bí ẩn, giàu tình cảm, đầy nỗi bi ai, mang đượm phong vị của thi ca và âm nhạc, vậy nên dễ cuốn hút độc giả.

Một nhà văn luôn bị dẫn dắt bởi trí tưởng tượng khôn cùng, một bác sĩ luôn đối diện với những ca bệnh tâm thần rối loạn, và một tâm hồn nhạy cảm bởi lòng si mê âm nhạc đã khiến Csath Geza rơi vào những cơn trầm cảm, buồn thảm giữa dòng đời và phải tìm đến thuốc phiện, để rồi sống trong cõi phù ảo đến nỗi phát điên, tự bắn vợ mình, rồi tự tử, nhưng tự tử không thành, bị bắt và rồi đi đến cõi chết khi dùng thuốc phiện quá liều lượng. Ông vừa 32 tuổi, mãi mãi trẻ.

Csath Geza là một tác giả nổi bật của văn chương Hungary, tuy nhiên ông lại chưa được biết đến nhiều ở Việt Nam. Tập truyện ngắn Buổi vũ hội đêm hè là tập sách đầu tiên của ông được dịch, qua bản chuyển ngữ của dịch giả Nguyễn Hồng Nhung, người đã từng dịch những tác phẩm rất nổi tiếng của Hungary ra tiếng Việt như Lời cỏ cây của Marai Sandor, Minh triết thiêng liêng của Hamvas Bela; Nếu tôi là người lớn của Yanikovszky Eva…

Phong Linh

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Năm 18, 2017 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 2, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button