Cảm nhận sách

Bưu thiếp của rừng: Tặng phẩm cho những năm tháng rất trẻ

Xuất hiện khá đều đặn bằng các tập truyện dài, mới đây, nhà văn Phan Hồn Nhiên vừa có cuộc trở lại với thể thoại truyện ngắn qua tập truyện Bưu thiếp của rừng.

Phan Hồn Nhiên là một tên tuổi quen thuộc với độc giả, đặc biệt là giới trẻ. Những năm gần đây, chị xuất hiện khá đều đặn bằng các tập truyện dài Dạt vòm, Chiếc vòng đồng đen, Những đôi mắt lạnh, Chuỗi hạt Azoth, Xuyên thấm, Máu hiếm, Cánh trái, Công ty, Ngựa thép… Chị cũng là nhà văn hiếm hoi theo đuổi và đạt được những thành công nhất định với thể loại Fantasy.

Với Bưu thiếp của rừng là sự trở lại với thể loại truyện ngắn mà vốn dĩ Phan Hồn Nhiên từng khẳng định tên tuổi của mình từ trước đó với các tập truyện ngắn viết cho tuổi trẻ rất được yêu mến như Người mưa (2008), Xúc cảm nguy hiểm (2010), Cánh trái (2009).

Bằng cách viết nhẹ nhàng, tinh tế và hóm hỉnh, mở rộng các không gian mới, nhà văn Phan Hồn Nhiên mang đến cho bạn đọc những câu chuyện cuộc sống đương đại, dành riêng cho độc giả trẻ và những ai chưa đánh mất sự tươi trẻ trong tâm hồn mình. Họ là những người trẻ, đang sống ở những khu độ thị nhiệt náo. Họ đã sống và đeo đuổi đam mê một cách quyết liệt. Họ khao khát tìm thấy cái Tôi của chính mình. Phan Hồn Nhiên gọi đó là “những năm tháng vô tư lự lẫn khắc khoải”.

Trong Bưu thiếp của rừng, Phan Hồn Nhiên đã khéo léo bắt chớp những khoảnh khắc như một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Chính từ những khoảnh khắc đó, bạn đọc nhận ra những chuyển biến về tâm lý của nhân vật, như một cách lý giải cho sự thay đổi về sau của họ. Đó là khoảnh khắc bối rối trước nụ hôn đầu đời khiến “trái tim rồ dại co thắt làm náo loạn cả lồng ngực” của chàng trai trong truyện “Nụ hôn”. Là khoảnh khắc “ngạc nhiên đờ đại” đến “choáng váng” của chàng trai trước “jacket đỏ” trong “Người chạy”. Đó còn là khoảnh khắc ngắn ngủi nhìn cậu em từ sau giúp Lam nhận diện bản thân một cách rõ rang. (“Khoảnh khắc”).

13 truyện ngắn về những người trẻ trong Bưu thiếp của rừng chuyển tải đến người đọc một thông điệp cổ điển, căn bản nhưng vẫn chính xác cho ngày hôm nay: Làm sao có thể là chính mình nếu chúng ta không biết mình là ai? Trong thế giới quá nhiều phương tiện giao tiếp của thời hiện đại, làm sao chúng ta có một kết nối thực sự? Vì thế, để sống, cần có cảm xúc người. Và cảm xúc người chính là nỗ lực của từng chúng ta, từ các ốc đảo riêng biệt, cố gắng kết nối đến một ai khác, vượt qua rào cản của chính mình.

Bưu thiếp của rừng, vì thế cũng được xem như một tặng phẩm cho những năm tháng rất trẻ mà Phan Hồn Nhiên gửi tới bạn đọc của mình. Những năm tháng ấy, không ít đớn đau nhưng vẫn đầy rực rỡ và bí mật, mà như một nhân vật trong truyện “Trang sách bí mật” chiêm nghiệm: “Qua làn khói mỏng nhẹ êm, tôi nhìn thấy những người đang trò chuyện, đang nhìn nhau, đang mỉm cười, để thấy cuộc sống này cất giữ vô vàn bí mật. Các bí mật được kể bằng những dòng chữ xanh thẳm. Những dòng chữ thì thầm, thì thầm…”

An Sơn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button