Cảm nhận sách

‘Cẩm nang phương pháp sư phạm’ và phương pháp giảng dạy hiện đại

Nói về giáo dục TOGO Nhà hiền triết và thi hào vĩ đại của Ấn Độ đã viết: 

“Giáo dục một người đàn ông thì được một con người, giáo dục một người đàn bà thì được một gia đình, giáo dục một người thầy giáo thì được một thế hệ”. 

Với những ai bắt đầu với sự nghiệp sư phạm, không phải là một điều dễ dàng. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”. 

Nhưng trong hoàn cảnh thực tế hiện nay, với sự đòi hỏi không ngừng về đảm bảo chất lượng đào tạo và giảng dạy theo tiêu chuẩn quốc tế, luôn là một thử thách lớn đối với mỗi người thầy. Một trong những mục tiêu quan trọng của ngành sư phạm trong thời gian tới đó là đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của người học, đây cũng là nội dung quan trọng nhằm cải cách căn bản, toàn diện nền giáo dục nước ta.

Trước đây, trong những giờ lên lớp, người thầy đóng vai trò là trung tâm, có trách nhiệm truyền tải toàn bộ nội dung kiến thức của bài giảng đã được định lượng sẵn đến với người học trong một khoảng thời gian bắt buộc. Quá trình này hầu như chỉ diễn ra một chiều, người học đôi khi sẽ cảm thấy chán nản vì có thể những kiến thức ấy quá nhiều và lại không phù hợp với cái họ muốn biết, và người thầy cũng không cần phải làm mới chính bản thân mình, tức là phương pháp giảng dạy không cần thay đổi nên người thầy cũng không học được gì mới từ quá trình giảng dạy. Bây giờ, khi quá trình dạy và học được xác định rõ là quá trình hai chiều, người học trở thành trung tâm của giờ học, lúc này người dạy cần phải áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, có như vậy mới tạo hứng thú cho người học và giờ học mới thực sự đạt hiệu quả cao. Điều này đồng nghĩa với việc người thầy phải luôn đổi mới nội dung bài giảng, khả năng chuyên môn của người thầy cũng phải tăng lên dưới đòi hỏi và áp lực liên tục cập nhật nội dung và kiến thức cho từng giờ giảng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày một cao của người học. Và khi giáo viên dạy học bằng phương pháp giảng dạy tích cực, người học sẽ cảm thấy họ “được học” chứ không phải “bị ép học”. Mọi thứ sẽ trở nên chủ động và người học sẽ cảm thấy hạnh phúc khi được học, được sáng tạo, được thể hiện, được thực hành. Chỉ khi người học chủ động tự khám phá kiến thức, tự học hỏi, tự thực hành và tự bổ sung hiểu biết cho nhau thì kiến thức họ học được mới trở thành tri thức của bản thân, mới chuyển thành hành động và thói quen hàng ngày của họ.

Chị Phạm Thị Thúy – Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia, cơ sở Tp.HCM chuyên lĩnh vực được đào tạo: Xã hội học, Phương pháp sư phạm, Tâm lý trị liệu – tác giả cuốn sách

Tôi cho rằng, đây là một định hướng đúng đắn của nền giáo dục tiên tiến hiện nay. Người học, có thể xem là một “khách hàng”, bỏ tiền để đến trường nhằm mục đích học được một điều gì đó có ích cho ngành nghề và công việc cũng như cuôc sống của họ; và người thầy, đại diện cho một “dịch vụ cao cấp” cung cấp những sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Và cải tiến chất lượng sản phẩm đó chính là một điểm quan trong của chuỗi cung ứng này.

Khi bắt đầu với sự nghiệp giảng dạy đại học, tôi cũng khá loay hoay trong việc tìm kiếm những phương pháp giảng dạy sao cho có thể mang đến một sự hiểu biết lớn nhất về kiến thức cho người học. Đa số những giáo viên khi bắt đầu đều dựa trên phương pháp giảng dạy truyền thống với sự hỗ trợ từ công nghệ, nhưng cũng vẫn chỉ là quá trình một chiều, nhất là với đại đa số các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông hiện nay, và thậm chí với cả những giáo viên giảng dạy lâu năm, không có nhiều thời gian và chấp nhận thay đổi để thích nghi với những phương pháp giảng dạy tích cực. Đối với các trường Đại học, nhờ vào các quá trình kiểm định chất lượng sao cho đảm bảo được các chuẩn kiếm định của khu vực và quốc tế nên có cơ hội tiếp cận và tham gia vào các đợt tập huấn phương pháp giảng dạy tích cực nhờ đó có thể áp dụng một cách hiệu quả trong quá trình giảng dạy và thực sự đã nâng chất được quá trình đạo tào.

Một cơ hội tuyệt vời khi tiếp cận với cuốn sách “Cẩm nang phương pháp sư phạm”, tôi thật sự đã bị lôi cuốn với những nội dung được trình bày trong cuốn sách. Một sự tổng hợp đơn giản, đầy đủ và chi tiết các phương pháp giảng dạy nhằm tạo nên một giờ học tích cực, hướng đến việc khai thác sự chủ động của người học. Cuốn sách thật hữu ích cho những ai mới bắt đầu với con đường sư phạm mà không được trải qua đào tạo trường lớp chính thống, cùng với 30 phương pháp bổ trợ và 10 kĩ năng hữu ích chắc chắn sẽ tạo cho người dạy một nền tảng cơ bản cho phương pháp giảng dạy tích cực, góp phần mang lại hiệu quả cao nhất cho quá trình giảng dạy của mỗi người.

Hùng Anh/ Giảng viên ĐH Bách Khoa

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Mười Một 15, 2017 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 2, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button