Cảm nhận sách

Chạy đường dài mới biết mình là ai

Tìm đường tuổi 20s từ dòng đầu đến dòng cuối dường như là nhịp thở gấp gáp của một cô gái trẻ luôn nỗ lực, phấn đấu không ngừng.

Trong nhiều năm vừa qua, những người trẻ dường như không còn lạ lẫm gì với những cuốn sách self-help, cẩm nang, bí quyết dành cho người trẻ được dịch ra tiếng Việt.

Giữa bộn bề những khó khăn của tuổi trẻ khi đối mặt với cuộc sống bên ngoài, giữa những lựa chọn giá trị cá nhân và con đường khẳng định bản thân, những cuốn sách, chia sẻ và chỉ dẫn có khi là nguồn động lực, có khi là một “tài liệu tham khảo”, hoặc chỉ là những khoảnh khắc để các bạn đơn thuần tìm một khoảng tĩnh lặng để suy nghĩ. Nhiều quá thành nhàm. “Mọi lời khuyên đều đúng, song chỉ không đúng với mình” là cảm nhận của nhiều bạn.

Cuốn sách Tìm đường tuổi 20s.

Tìm đường tuổi 20s của Trần Thị Thùy Trang là cuốn sách của một cá nhân người trẻ, không có bài học lớn lao, không có khái quát nào trong đó. Nó chỉ là con đường của chính tác giả. Song, chính cuốn sách lại mang đến sự chia sẻ cũng như nguồn động lực nhiều hơn hết thảy, vì đơn giản đó không phải là những lời sáo rỗng.

Bởi đã từng là một cô gái đầy tự ti với bản tính nhút nhát, hướng nội, tác giả ghi lại những câu chuyện về việc bản thân đã trải qua và vượt qua sự tự ti đó như thế nào và bằng cách nào.

Từ nỗi sợ phải nói tiếng Anh trước đám đông, nỗi sợ phải thuyết trình bằng tiếng Anh đến thất bại đầu tiên trong “sự nghiệp” dẫn chương trình bằng tiếng Anh, Thùy Trang đã vượt qua và không chỉ thành công trong vai trò MC của nhiều chương trình, mà còn có những bài thuyết trình tiếng Anh khiến nhiều bạn bè quốc tế và bản ngữ phải ngưỡng mộ.

Từ nỗi sợ mình nhút nhát, không phù hợp với các vị trí đứng đầu một nhóm, một tổ chức, Thùy Trang đã trải qua vai trò là leader của một câu lạc bộ lên đến hàng trăm người, liên tục giữ vai trò dẫn dắt của những nhóm thuyết trình trong quá trình du học nước ngoài. Và hiện giờ, cô gái trẻ đã-từng-nhút-nhát ấy là người điều hành một trung tâm tiếng Anh do chính mình lập ra.

Tác giả Thùy Trang đã vượt qua những thách thức của chính mình để xác định được vị trí trong cuộc sống.

Trong cuốn sách, cô không ngại ngần chia sẻ những thất bại, những điểm yếu của bản thân. Nhưng quan trọng hơn hết thảy, cô không tìm cách trốn tránh.

Bài học lớn nhất mà Thùy Trang chỉ ra là dám đối mặt với nỗi sợ hãi và những điểm yếu của chính mình, bình tĩnh suy nghĩ để tìm ra những điểm mạnh của bản thân, dùng những “vũ khí” ấy để chuẩn bị kỹ càng trước bất kì vấn đề gì.

Và quan trọng là cuối cùng đừng để nỗi sợ hãi nhấn chìm bạn, đừng để nỗi sợ hãi biến bạn thành bé nhỏ, thu mình vào một góc. Hãy dùng nỗi sợ hãi đó như một động lực để nỗ lực hết sức, hết mình và tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề.

“Sẽ thế nào nếu mình tiến lên? Mình sẽ cần nỗ lực những gì để vượt lên bản thân và nắm lấy những cơ hội đó?” Câu tự vấn cũng giống như một câu thần chú đã không ít lần thúc đẩy tác giả Tìm đường tuổi 20s cố gắng và thành công.

Từ trải nghiệm của bản thân và sự tiếp xúc sâu với những người cùng trang lứa, Thùy Trang tỏ ra thấu hiểu những suy nghĩ, tâm tư, ước vọng cũng như điểm yếu của các bạn trẻ.

“Hầu hết các vấn đề tinh thần người trẻ gặp phải xuất phát từ sự rối rắm, nhùng nhằng, không rõ ràng trong tư duy do bị cảm xúc tiêu cực phủ lên.”

Và tác giả khắng định: “Trên suốt chặng đường phát triển, sẽ còn nhiều việc xảy ra khiến ta tự hoài nghi về chính mình, không tin mình có thể thành công. Thách thức lại định kiến tiêu cực về bản thân, tìm cơ sở cho niềm tin tích cực mới chỉ là bước đầu. Buông được những nỗi lo không căn cứ để nghĩ đến giải pháp, sẵn sàng lao vào hành động mới là cách tốt nhất để vượt qua được giai đoạn thử thách ấy.”

Khi đã làm được điều đó, dù thành công hay thất bại, dù sẽ có lúc nản lòng vì những nỗ lực của mình không đem lại kết quả như mong muốn thì với cách suy nghĩ và hành động tích cực ấy, bạn mới có thể chạy đường dài, nói đúng hơn là tiếp tục chạy mà không gục ngã giữa đường.

Tuổi trẻ không dài, nhưng tuổi trẻ đủ rộng lớn để mỗi con người in dấu ấn của mình, để mỗi cá nhân tự tìm con đường cho mình và thành công trên con đường đó. Giá trị cuối cùng bạn đạt được không phải là một cái đích đã được định sẵn hay những gì bạn đạt được. Đó lại là những gì bạn đã trải qua trên hành trình và sự thay đổi nội tại đến từ bên trong bạn. Bạn không thể chiến thắng cả thế giới, nhưng bạn có thể chiến thắng chính mình. Cô gái trẻ Thùy Trang đã minh chứng điều đó bằng những năm tháng 20s tràn đẩy nhiệt huyết của mình.

Tìm đường tuổi 20s từ dòng đầu đến dòng cuối dường như là một hơi thở gấp gáp của một cô gái trẻ luôn nỗ lực, phấn đấu không ngừng.

Nhưng hãy khoan làm như cô ấy. Các bạn trước hết hãy dừng lại, suy nghĩ về chính mình như tác giả đã từng làm, sau đó hãy tiếp tục chặng đường của mình, khi đã hít thở sâu và chuẩn bị tinh thần đối mặt với thách thức.

Trang Huyền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button