Cảm nhận sách

Tác phẩm đầy bi tráng về Lý Thường Kiệt

“Chim ưng và chàng đan sọt” tiếp tục là cuộc chinh phục của nhà văn Bùi Việt Sỹ với nhân vật lịch sử mà ông tâm huyết, Lý Thường Kiệt.

Tôi có niềm vui khi tuổi đã cao là được làm người đọc đầu tiên của tiểu thuyết lịch sử Thái úy Lý Thường Kiệt của nhà văn Bùi Việt Sỹ khi còn là bản thảo vừa mới ra lò, còn nóng bỏng hơi thở văn chương và còn đầy dấu vết sơ khai của bản thảo như một đứa trẻ sơ sinh.

Nhưng đứa trẻ chưa kịp cắt rốn này đã vang lên tiếng khóc lạ thường, ánh ỏi một tiếng chuông buổi sớm, một tiếng sấm đầu mùa, báo hiệu đây sẽ là một tác phẩm để lại một dấu ấn son trong lòng bạn đọc.

Cuốn sách đã thu hút và lôi cuốn tôi một mạch từ đầu đến cuối, làm tôi nhớ lại những ấn tượng đẹp khi đọc những tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng, tôi không kể tên vì sợ làm bạn đọc cho là có sự so sánh vội vàng, khập khiễng, nhưng ít nhất không thể không đối chiếu với cái ấn tượng đọc Tam Quốc, hay là Đông Chu Liệt Quốc.

Quả thật, với cuốn sách này, tác giả Bùi Việt Sỹ, người có hậu vận Hà Lạc Địa Sơn Khiêm mà tượng quẻ là trái núi trong lòng đất, đã đi đến một đỉnh cao của trái núi.

Với Chim bằng và nghé hoa, tiểu thuyết lịch sử ra đời gần đây nhất, Bùi Việt Sỹ đã chiếm được một đỉnh cao trong văn chương thời nay nói chung và tiểu thuyết lịch sử nói riêng. Nay ông lại chiếm được một đỉnh cao nữa, vì ông đã đi đúng với vận mệnh của mình, như có giời xui đất khiến, đúng với ham thích của mình, mơ ước của mình, và quan trọng nhất với sở trường của mình.

Quả thật nhân vật Lý Thường Kiệt là một trái núi trong lòng đất, núi cao mà khiêm nhường, lấy đất làm nền cho vững, ông đi suốt đời mình với tâm thế hiền thảo, với năng lực siêu quần, trên đỉnh cao quyền lực, trên đỉnh cao của thành công, nhưng suốt đời ở trong lòng dân, trong lòng đất nước.

Tác giả đã cho nhân vật của mình xuất hiện giữa chợ, trong đám đông mãi võ, có tên tướng giang hồ đang trổ tài gậy gộc, ăn hiếp người. Và chàng trai trẻ mảnh dẻ đã cho tên vô lại một trận thư hùng, một bài học để đời. Hành động đó của chàng lọt vào mắt vua Lý Thái Tông đang “vi hành” trong chợ dưới mã thương nhân. Chàng trở thành người của nhà vua từ đấy.

Ngay khi còn trẻ tuổi, vừa mới thành hôn, chưa kịp hưởng thú vui ân ái với người đẹp Huệ Khanh, chàng đã theo lệnh vua thực hiện việc “tịnh thân” để hàng ngày được gần vua giúp nước. Khác với các hoạn quan, “tịnh thân” để hưởng thụ danh lợi, chàng chịu cái khổ nhục này, chỉ để có dịp phò vua trị nước, cho đến cuối đời, lịch sử đã cho thấy đó là một hành động anh hùng, trước đó chỉ mới thấy một Tư Mã Thiên tác giả bộ Sử ký nổi tiếng bên Trung Hoa.

Hành động đó cũng là một biểu hiện núi cao trong lòng đất. Núi cao là Lý thường Kiệt. Lòng đất ở đây là nhân vật Huệ Khanh. Tác giả đã tạo ra một cô gái xinh đẹp ở làng quê Việt tự hình thành bản lĩnh từ thuở mới thành thân.

Nàng đã dám cưỡi một con nghé hoa vượt qua con sông Cái đang mùa lũ để chiêm ngưỡng một cây tuồng tài hoa đóng vai Hạng Vũ trong đêm biệt Ngu Cơ. Chỉ riêng việc dám cưỡi nghé hoa vượt qua sông lũ đã làm siêu hồn người.

Nhưng Huệ Khanh còn làm kinh động người khi điều khiển Nghé hoa xông vào đâm thủng mắt con trâu hung dữ được mệnh danh là Ngưu Ma Vương của một phú ông.

Số phận đã xui khiến nàng gặp Lý Thường Kiệt và lâm cảnh bi tráng khi chàng báo tin đã tĩnh thân. Tác giả không tả nhiều những gì thuộc về tâm lý nhân vật trong cảnh đời đầy kịch tính này, hành động tuổi thơ với Nghé hoa đã nói lên tất cả, nó tạo nên bản lĩnh một người con gái, và tính hấp dẫn của thiên truyện là ở đây.

Tác giả Bùi Việt Sỹ có lẽ do mách bảo của mệnh giời dành cho mình, đã dừng lại rất lâu ở đoạn cuối sách, những đêm lẫm liệt bi hùng của Lý Thường Kiệt bên chiến tuyến sông Như Nguyệt đã thực sự ngăn bước chân xâm lược của quân Tống, giờ chỉ còn trận cuối cùng nữa thì hoàn toàn xóa sổ cuộc xâm lăng.

Nhưng đến lúc cuối cùng này tướng quân Lý đã suy tính: giặc phải chịu mối thù hận bằng hàng vạn sinh linh, ta cũng phải trả một giá không nhỏ bằng hàng nghìn binh sĩ con em của đồng quê, hương trang. Một lời kêu gọi âm thầm vang lên trong tâm tư người cầm quân: hãy biết dừng lại, cầu hòa, cho giặc rút lui, mang về một chiến công giả tạo, ta chịu tốn lễ vật và cái danh xưng (cũng là giả tạo), để vừa cứu được nước vừa cứu lấy muôn ngàn sinh linh của cả hai bên.

Bằng một thứ nghệ thuật của Tam Quốc, tác giả đã cho bạn đọc những trang kỳ thú của cuộc chiến tranh chính nghĩa trong giai đoạn cuối cùng, với một người anh hùng biểu tượng của Dịch học trái núi trong lòng đất.

Với một ngòi bút xuất thân từ mệnh Địa Sơn Khiêm, trái núi trong lòng đất. Và với riêng tôi, vừa đọc tiểu thuyết bằng con mắt đam mê sách kiếm hiệp, vừa với con mắt người đọc Dịch, có thú vui thưởng thức cái hay gấp đôi bình thường, có phải vậy không?

Tôi nghĩ không quá lời rằng tác giả Chim ưng và chàng đan sọt cho tác phẩm ra đời với tâm thế và nghệ thuật vì bạn đọc thời nay, những người đang cầm cuốn sách trong tay.

Nhà văn Xuân Cang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button