Cảm nhận sách

‘Chúng tôi’: Cuộc sống thiên đường hay địa ngục?

Nếu cuộc sống của bạn được lập trình sẵn, mọi nỗi lo về cơm áo, gạo tiền biến mất bạn có vui vẻ chấp nhận như phần lớn những công dân trong quốc gia Thống Nhất?

Đã bao giờ bạn hình dung tới một thế giới vận hành nhịp nhàng theo vòng quay của cỗ máy logic, trong sự chính xác tuyệt đối của toán học. Nơi con người cá nhân trở thành các mã số trong tổng đại số chung, hoạt động theo Bảng Giờ bất di bất dịch, nơi hạnh phúc hay tình yêu cũng chỉ là những bài toán có công thức tổng quát còn đạo đức được xây dựng bằng những phép tính.

Hay nơi cuộc sống là một hằng số bất biến – một phương trình cân bằng không ẩn số và cũng là nơi mà trí tưởng tượng là thứ cần phải cắt bỏ, tâm hồn là một căn bệnh… Đó sẽ là một thiên đàng trong mơ hay là địa ngục trá hình?

Lời giải đáp sẽ có trong Chúng tôi của Yevgeny Zamyatin. Đây cũng là tuyệt tác khởi nguồn cảm hứng cho nhiều cuốn truyện dystopia gây chấn động sau này như 1984 của George Orwell, Brave New World của Aldous Huxley hay Player Piano của Kurt Vonnegut.

Cuốn tiểu thuyết Chúng Tôi được Zamyatin hoàn thành năm 1921, xuất bản lần đầu tại Mỹ năm 1924 nhưng bởi nhiều lý do mãi đến tận năm 1988 mới được phép xuất hiện.

Chúng tôi lấy bối cảnh ở tương lai ở một quốc gia Thống Nhất giả tưởng, nơi cả thành phố được làm bằng kính, đặt trong bức Tường Xanh khép kín hoàn toàn, tia nắng mặt trời dịu nhẹ chiếu thành những đường song song, phản xạ theo những góc đều chằn chặn trên vỉa hè, không chim chóc, không cây cối, không hỗn loạn, không tự do.

Nơi đây con người cá nhân mất đi tên họ, trở thành những mã số hạnh phúc mặc đồng phục, sống trong căn phòng trong suốt không giấu diếm, ăn, ngủ, giải trí, làm việc… tất cả phải tuân thủ theo Bảng Giờ quy chuẩn đến từng phút. Mọi hoạt động của công dân luôn nằm trong tầm mắt của phòng bảo vệ – những thiên thần hộ mệnh.

Thơ ca, âm nhạc không còn vị nhân sinh, vị nghệ thuật mà là vị Quốc Gia. Đặc biệt ở đó không có tài sản tư hữu, tất cả là của chung kể cả những đứa trẻ.

Tuy nhiên ở đâu cũng có những trường hợp ngoại lệ – không phải tất cả mọi mã số đều vui vẻ hòa mình với toàn thể mọi người, đắm mình trong nhịp điệu toán học hoàn hảo. Họ muốn được tắm mình trong ánh nắng gắt gao, thoát khỏi bức tường chật hẹp, tự do yêu đương, tự do sinh hoạt, được mơ mộng và có cảm xúc, có tâm hồn.

Bởi thế MEFI – những con người muốn trở thành “tôi” thay vì “chúng tôi” nảy ra ý nghĩ, phá bức Tường Xanh, cướp tàu Tích Phân. Nhưng liệu cuộc cách mạng có thể thành công khi tai mắt của phòng bảo vệ ở khắp nơi, nhất cử nhất động đều bị theo dõi, kể cả thư từ đều bị kiểm soát.

Không chỉ vậy, trách nhiệm của một mã số trung thực là phải tố cáo những kẻ thù của hạnh phúc, liệu họ có dám chối bỏ quyền làm những viên gạch củng cố nền móng quốc gia Thống Nhất?

Bập bềnh trong thế giới viễn tưởng đầy khoa học nhưng cũng đầy thi vị, Chúng tôi họa lại chi tiết cơn ác mộng nơi nền văn minh hiện đại tưởng chừng vô khuyết đi tới bước đường bế tắc.

Theo tác giả, trong xã hội giả tưởng ấy xã hội càng được tổ chức chặt chẽ và phức tạp thì cá nhân càng mất đi tự do và cuối cùng sẽ biến mất vì lợi ích tập thể.

Đồng thời thông qua cuốn sách Chúng tôi, Yevgeny Zamyatin cũng đưa ra lời khẳng định đanh thép: Những giá trị nhân bản bất khả thay thế – quyền được sống, được tự do và được mưu cầu hạnh phúc – không thể bị chế độ toàn trị vùi lấp. Sẽ luôn có những cuộc cách mạng chống lại đàn áp, giống như vòng xoay vô tận của năng lượng và entropy, của âm và dương.

“Không có cuộc cách mạng cuối cùng – chúng là vô tận”.

Khi đọc xong cuống sách The Guardian đã thốt lên rằng “1000 cuốn tiểu thuyết mà ai cũng phải đọc: Tác phẩm dystopia số 1”.

Nguyên Phương

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Chín 4, 2017 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 2, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button