Cảm nhận sách

Cô gái đến từ hôm qua’ – nhớ một thời vẩy mực lên áo cô bạn học

Nhưng bù lại, nhà văn cũng thừa nhận ông viết nên câu chuyện về tình yêu tuổi mới lớn trong sáng nhường ấy là nhờ những chất liệu thực tế ngồn ngộn từ thời niên thiếu ở quê nhà Quảng Nam.

Nguyễn Nhật Ánh viết truyện dài Cô gái đến từ hôm qua vào năm 1988 (sách phát hành năm 1989). Đây là tác phẩm thứ hai của nhà văn viết về tuổi mới lớn, sau truyện dài Còn chút gì để nhớ. Sắp tròn 30 năm từ khi ra đời, cuốn sách lưu giữ mãi mãi một thời học trò hồn nhiên mà ngày nay đã ít nhiều phai nhạt.

Dường như Nguyễn Nhật Ánh viết gì cũng không “thoát khỏi” trong sáng. Trong sự nghiệp dài với hơn 100 tác phẩm của ông, người ta bắt gặp những bi kịch lớn nhất của tuổi thơ và tuổi mới lớn: mồ côi, lạc mất cha mẹ, hóa điên, tự tử, cháy nhà, tán gia bại sản phải bỏ đi nơi khác sinh sống, tình bạn tuổi thơ bị chia cắt, tình yêu không thành, mang thai ngoài ý muốn…

Đó là những chất liệu mà nếu vào tay một cây bút khác, rất có thể sẽ tạo thành một tác phẩm nghiệt ngã tăm tối, khiến người đọc đau như có gai trong tim. Nhưng vào tay Nguyễn Nhật Ánh, những câu chuyện buồn nhất cũng trở thành trong trẻo. Có vui, có buồn nhưng tất cả đều êm đềm, khiến người ta nhớ lại và nở nụ cười.

Cô gái đến từ hôm qua là như thế. Có buồn, có bi kịch nhưng không tăm tối, và trong trẻo như một dòng suối ở vùng quê.

Tác phẩm kể về mối tình học trò của chàng nam sinh cá biệt Anh Thư và cô bạn cùng lớp Việt An. Khi cô bạn xinh xắn từ thành phố chuyển về ngôi trường cấp ba ở miền quê, chàng Thư “Thơ Thẩn” nổi tiếng lãng mạn đã trúng tiếng sét ái tình. Tình yêu chớm nở như nắng ban mai. Thư ra sức theo đuổi cô bạn mới, nhưng trong lòng vẫn vương vấn kỷ niệm về tình bạn thời thơ ấu với cô bạn nhỏ Tiểu Li.

“Tôi viết từ những câu chuyện có thật của tuổi thơ tôi, của thời niên thiếu tôi ở Quảng Nam” – Nguyễn Nhật Ánh từng chia sẻ bên tách trà. Năm 1973, ở tuổi 18, ông chuyển vào học và sống ở Sài Gòn nhưng “sương khói quê nhà” (tên một tập tạp văn của ông) luôn lưu luyến trong tim. Không tác phẩm nào của Nguyễn Nhật Ánh là không đậm đặc hoặc phảng phất bóng hình Quảng Nam.

Từ năm 1984 đến 1988, ông vẫn nổi tiếng với các truyện dài dành cho thiếu nhi như Trước vòng chung kết, Chuyện cổ tích dành cho người lớn, Bàn có năm chỗ ngồi… Đến năm 1988, với truyện dài Còn chút gì để nhớ, ông chính thức bước sang địa hạt của tuổi mới lớn – lứa tuổi phức tạp bậc nhất ở phần đầu cuộc đời mỗi người. Để rồi sau này, ông ghi danh vào nền văn chương Việt Nam như một tác giả của tuổi mới lớn, chứ không phải tuổi thơ như người ta thường nhầm.

Cô gái đến từ hôm qua ra đời một năm sau Còn chút gì để nhớ. Khi đó, Nguyễn Nhật Ánh vừa bước sang tuổi 30. “Tức là chưa xa tuổi đôi mươi nhiều lắm” – ông tự nhận. Nhà văn không có ngoại hình trẻ hơn tuổi như… Miu Lê (cô diễn viên 26 tuổi mà vẫn vào vai nữ sinh cấp 3 khá ngọt), nhưng khi nói chuyện với ông, người ta lập tức nhận ra sự trong trẻo đến từ đâu. Tất cả toát ra từ âm sắc của giọng nói, phong thái, lối suy nghĩ và thái độ sống của một nhà văn “với ai cũng chơi được”.

Cô gái đến từ hôm qua có thể xem như một trong những tác phẩm ở buổi đầu sự nghiệp của tôi, khi trong ký ức tôi còn đầy ăm ắp những câu chuyện của tuổi học trò. Vì vậy tác phẩm ít nhiều phảng phất yếu tố tự truyện” – Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ với Zing.vn.

“Hiển nhiên nhân vật nam chính trong tác phẩm không phải là tôi, nhưng rất nhiều tình tiết trong cuốn sách này là những phân mảnh kỷ niệm của người viết. Chẳng hạn chi tiết chàng trai vẩy mực lên áo cô bạn học để kiếm cớ làm quen, hay leo lên xe đò hồi hộp rình xem đứa bạn đưa thư cho cô bạn gái giùm mình kết quả ra làm sao, và xui xẻo bị chiếc xe đò chở đi mất… là những chuyện có thật ngoài đời”.

Thời bây giờ, các nam sinh muốn làm quen với bạn gái thì kết bạn Facebook, kết bạn Zalo, chat chit trên mạng chán chê rồi có khi mới dám gặp ngoài đời (hoặc không). Trong Em chưa 18, một phim làm từ kịch bản gốc dành cho lứa học trò hiện tại, tình yêu diễn ra giữa các “hot boy”, ”hot girl” có ngoại hình như người mẫu, hàng ngày vui chơi ở bar, sàn và hôn nhau kiểu Pháp như cơm bữa (cặp nhân vật của Châu Bùi và Will cứ xuất hiện là hôn), lên giường là… chuyện bình thường.

Những thước phim như vậy hào nhoáng, hấp dẫn, nóng bỏng nhưng cảm giác như mất mát thứ gì to lớn lắm. Không còn cái gọi là “tình yêu học trò” nữa, mà là một tình yêu mang dáng dấp người lớn mất rồi.

Vậy nên khi nhắc đến “chàng trai vẩy mực lên áo bạn gái để làm quen”, tình tiết mà Ngô Kiến Huy đã diễn khá dễ thương trong tác phẩm điện ảnh Cô gái đến từ hôm qua, giống như đã thuộc về một thời xa lắm. Sao phải vẩy mực một cô bạn ngoài đời để kiếm cớ bắt chuyện khi có thể “thả tim” trên Facebook với hàng chục cô bạn?

Công nghệ thật tiện lợi, nhưng cũng làm cho mỗi lần “thả tim” mất dần ý nghĩa. Một chàng trai có thể run rẩy khi vẩy mực lên tà áo dài trắng tinh và vỡ òa hạnh phúc khi được cho bạn gái mượn áo khoác về nhà, chứ run rẩy và vỡ òa hạnh phúc theo từng lần “thả tim” hay chat chit thì không dễ.

Nguyễn Nhật Ánh tâm sự về thời của ông: “Học trò thời tôi đi học với học trò bây giờ tất nhiên có nhiều điểm khác biệt. Bây giờ muốn rủ một đứa bạn học đi chơi, chỉ cần gọi điện thoại di động hay nhắn tin. Hồi đó, điện thoại bàn cũng chưa có, chỉ có cách đạp xe tới tận nhà tìm, mà cũng chưa chắc gặp”.

Và khi yêu, chắc cũng chưa thể gọi đó là tình yêu. Tình cảm Anh Thư dành cho Việt An là vậy. Tình cảm của Thư thuở bé dành cho Tiểu Li cũng vậy. “Chuyện đang xảy ra là gì? Làm tôi buồn thêm nữa đi. Giờ tiếp tục hay rút lui hay là lặng im” – tình cảm này mơ hồ giống hệt ca từ trong bài hát Ngồi hát đỡ buồn được nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong viết riêng cho bộ phim.

“Tôi nghĩ hầu hết chúng ta khi ở lứa tuổi này đều trải qua những xúc cảm tương tự. Đó là thứ tình cảm chưa thể đặt tên” – nhà văn Nguyễn Nhật Ánh hồi tưởng – “Nó chưa rõ rệt là tình yêu theo kiểu chín chắn nhưng đã không còn là tình bạn đơn thuần”.

“Những cô bé cậu bé ở độ tuổi này không chỉ khát khao khám phá thế giới mà đã bắt đầu tò mò về bạn khác giới đồng thời có nhu cầu tự nhiên khám phá bản thân mình. Tuổi học trò theo tôi là quãng đời đẹp nhất của mỗi người và tình cảm ở lứa tuổi này bao giờ cũng trong trẻo, ngây ngô, vụng dại khiến mỗi khi nhớ lại ai trong chúng ta cũng cảm thấy bâng khuâng”.

Bằng ngòi bút của mình (“ngòi bút” nghĩa đen, không phải “bàn phím” như bây giờ), nhà văn đã chép lại trên trang giấy đúng những cảm xúc khó đặt tên ấy. Một Anh Thư lãng mạn quay quắt vì “yêu”, một Việt An cố lạnh lùng thờ ơ nhưng trong lòng cuộn sóng, một Hải gầy mọt sách suốt ngày trích dẫn những nhà văn nổi tiếng, một Hồng Hoa đanh đá nhưng là người bạn tuyệt vời…

Nguyễn Nhật Ánh viết như kéo về bên mình một khoảnh trời quá khứ trong veo. Những cảm xúc gì đi cùng trang viết, chỉ mình ông biết. Và mỗi người đọc tự sống với khoảnh trời quá khứ của riêng mình.

Nhiều người đọc yêu thương trang văn của ông đến mức trở nên khó tính với phim chuyển thể cùng tên, cho rằng Ngô Kiến Huy hay Miu Lê không đúng với hình dung của họ về nhân vật. Cũng có người vì yêu văn nên mở lòng với phim hơn, để các nhân vật và âm nhạc tuyệt vời trong phim đẩy đến những chân trời tưởng tượng xa xăm.

Mi Ly
Đồ hoạ: Sang Ngô

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button