Cảm nhận sách

‘Cổ học tinh hoa’: Lối cũ ta về…

Kể cả khi ngôi nhà mới đã xây xong (thậm chí là những cao ốc hiện đại) thì chúng ta vẫn cần một lối cũ để tìm về mảnh vườn xưa, nơi có ký ức của cá nhân và cả cộng đồng trong đó.

Trong một xã hội mà cái cũ chưa qua, cái mới chưa tới, những giá trị mới còn chưa được thiết lập, những giá trị cũ cơ hồ sẽ bị xóa bỏ trong nay mai.

Những người tâm huyết với vận mệnh văn hóa của cộng đồng hẳn không khỏi nóng lòng sốt ruột muốn làm một chuyện gì đó nhằm níu giữ những tinh hoa vốn cũ đã từng góp phần làm nên hồn cốt của dân tộc suốt cả nghìn năm. Cổ học tinh hoa của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc (1890 – 1942) và Tử An Trần Lê Nhân (1887 – 1975) là một cố gắng đầy hy vọng như thế.

Trong bối cảnh xã hội giao thời những năm 20 của thế kỉ XX, với vai trò là những nhà sư phạm, Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân cảm thấy lo lắng trước quy luật “có mới nới cũ” của lòng người, sợ rằng “cựu học phải lùi lại và (…) mai một đi mất” nên soạn Cổ học tinh hoa nhằm “mong các bạn thiếu niên ta nhớ đến nguồn gốc từ bao nhiêu nghìn năm trước”.

Hơn 90 năm trôi qua với nhiều lần tái bản, bộ sách này vẫn có một giá trị khó có thể thay thế trong đời sống tri thức nước nhà. Được xuất bản lần đầu năm 1925, gồm hai quyển, tổng cộng 250 mẩu chuyện nhỏ, Cổ học tinh hoa là một atlat bỏ túi về tinh hoa triết học – tư tưởng Trung Quốc cổ đại, đặc biệt là tinh hoa học thuật của bách gia thời Tiên Tần.

Cuối mỗi truyện, soạn giả còn viết thêm phần Lời bình mang tính gợi mở, dẫn dắt rất thuận tiện cho người đọc đương thời (những năm 1920) và đương đại (đầu thế kỉ XXI). Là những người có cả cựu học và tân học, Hán học và Tây học, Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân đã cài vào phần Lời bình của mỗi truyện cái nhìn khá mới mẻ so với đương thời dẫu cho đến nay không phải có những nhận xét, bình luận của hai ông đã trở thành xưa cũ.

Bộ sách Cổ học tinh hoa vừa được tái bản.

Đọc Cổ học tinh hoa, ta sẽ thấy ở đây những câu chuyện ta đã gặp đây đó trong sách vở, phim truyện như “nếm mật nằm gai”, “mâu thuẫn”, “tri kỷ”, “chính danh”, “tái ông mất ngựa”… thậm chí kể cả những chuyện khả thủ của một kẻ đáng ghét trong mắt người Việt như Mã Viện.

Khi viết Cổ học tinh hoa, cảm hứng giao thời của tác giả thể hiện khá đậm. Ta sẽ gặp đây đó trong bộ sách này những lời cảm thán về thế đạo nhân tâm, về thế thái nhân tình của tác giả như: “Thời buổi mạt tục”, “Thời đại phong hóa suy đồi này”,…

Điều tạo nên sự hấp dẫn ở bộ sách chính là tính hệ thống của các câu chuyện, lối hành văn mang đậm dấu ấn của văn chương quốc ngữ đầu thế kỉ XX, sơ khai mộc mạc mà vẫn giữ trong đó sự nhịp nhàng, uyển chuyển của văn học nhà nho, do chính những “người trong cuộc” viết ra và chia sẻ.

Khi nói về giai đoạn giao thời (1900 – 1930), mọi người vẫn hình dung đó là thời mà ngôi nhà cũ thì sắp đổ sập còn ngôi nhà mới thì chưa kịp xây, mà Cổ học tinh hoa là một cố gắng để chống đỡ cho ngôi nhà cũ kia khỏi sập.

Không phải ngẫu nhiên khi Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân mở đầu bộ sách bằng truyện Không quên được cái cũ. Truyện kể về một người đàn bà đi cắt cỏ thi tự dưng nhớ đến cái trâm cài đầu bằng cỏ thi bị mất trong lần đi cắt cỏ thi trước đó nên ngồi khóc vì cái trâm đó là một “vật cũ”, “dùng đã lâu, mà ngày nay không sao thấy lại được nữa”.

Cổ học tinh hoa là một bộ sách chạm vào tâm hồn ta, bởi ngay cả khi ngôi nhà mới đã xây xong (thậm chí đó là những cao ốc hiện đại) thì chúng ta vẫn cần một lối cũ để tìm về ngôi nhà xưa, mảnh vườn xưa, nơi có ký ức của cá nhân và cả cộng đồng trong đó.

Và phải chăng, trong mỗi chúng ta, ai cũng có một chút hoài cổ, yếu mềm của “người đàn bà cắt cỏ thi” ở trong sâu thẳm trái tim mình?

Văn Uyên

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Mười Hai 29, 2016 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 2, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button