Cảm nhận sách

‘Cuộc cách mạng một cọng rơm’: Quay về với tự nhiên

“Chỉ từ một cọng rơm này thôi một cuộc cách mạng có thể được khai mào”. Sau khoảng thời gian năm chục năm quay về làm nông nghiệp tự nhiên, Masanobu Fukuoka đã đi đến kết luận ấy.

Trong cuốn sách của mình ông cũng đã dùng cọng rơm để làm món quà trao cho những người trẻ tuổi đến tìm gặp mình tại căn lán giữa vườn cam như một sự khích lệ, tiếp nối.

Chàng trai trẻ Masanobu Fukuoka đã dành phần đầu sự nghiệp cho việc nghiên cứu và theo đuổi những kỹ thuật hiện đại trong nông nghiệp, cho đến khi sự hoài nghi đẩy anh vào khủng hoảng tinh thần, cuộc đời Masanobu thực sự đã thay đổi.

Nhà nông học Masanobu Fukuoka, tác giả cuốn sách Cuộc cách mạng một cọng rơm.

Masanobu Fukuoka viết: “Trong khoảnh khắc, toàn bộ nghi ngờ lẫn màn sương u tối trong tôi đều tan biến… Tâm trí tôi trở nên nhẹ nhàng, sáng sủa. Tôi nhảy nhót điên cuồng vì vui sướng. Tôi có thể nghe được tiếng những chú chim nhỏ chiêm chiếp trên cây, và thấy những con sóng lấp lánh phía xa dưới vầng thái dương đang lên. Những chiếc lá cây nhảy múa, xanh và lóng lánh.

Tôi cảm thấy rằng đây chính thực là thiên đường trên địa giới. Tất cả những thứ từng chiếm lấy tâm hồn tôi, mọi thống khổ, đều biến mất, tựa những giấc mơ, những ảo ảnh, và rồi một thứ gì đó mà người ta gọi là “bản tính thực” hiển lộ…”.

Và sau buổi sáng hôm ấy, ông đã “chọn một con đường vô lo quay về với tự nhiên, không bị ràng buộc bởi tri thức và sự nỗ lực của loài người”.

Trong cuốn sách của mình, Masanobu Fukuoka chia sẻ quá trình thực hành làm nông tự nhiên bằng lối viết đầy chất thơ và đượm tinh thần vô vi của đạo Lão và cả Thiền học.

Nhưng cụ thể nhất, ông trả cho đất đai sự sống tự nhiên của nó, trái ngược hẳn với quan điểm truyền thống lẫn khoa học cho rằng làm nông là tác động vào đất đai bằng các áp đặt thủ công hay biện pháp khoa học kỹ thuật để đất đai phục vụ tham vọng của mình.

Tiêu chí không can thiệp vào đất đai, không cày xới đất được xem là quan trọng đầu tiên trong bảng nguyên tắc về nông nghiệp tự nhiên (ba tiêu chí sau là: không dùng phân hóa học, không làm cỏ bằng việc cày xới và thuốc diệt cỏ, không phụ thuộc hóa chất).

Việc “không cày xới đất”, được ông giải quyết như sau: “Việc cày xới đất phải được dừng lại. Nếu thực hiện các phương pháp nhẹ nhàng hơn như việc trải rơm, trồng cỏ ba lá thay cho việc sử dụng hóa chất nhân tạo và máy móc để tiến hành cuộc chiến hủy diệt, môi trường sẽ quay lại sự cân bằng tự nhiên của nó và ngay cả những loài cỏ dại phiền toái cũng sẽ kiểm soát được.”

Trong cả đời làm nông, ông không cày xới đất, không dùng phân hóa học hoặc phân ủ, không làm cỏ bằng việc cày xới hay dùng thuốc diệt cỏ, hoàn toàn không phụ thuộc vào hóa chất.

Những người nông dân xung quanh hoài nghi ông, nhưng Masanobu Fukuoka đã miệt mài làm việc trên cánh đồng của mình, tận tụy với tự nhiên. Ông không can thiệp vào tự nhiên, ông chỉ tuân theo tự nhiên, và cuối cùng nông trại của ông đã có sản lượng vượt trội, so với những người nông dân đầu tắt mặt tối cải tạo đất đai, diệt sâu trừ cỏ, sử dụng chất hóa học kích thích tăng trưởng.

Quay trở về với tự nhiên, chính là con đường để tìm thấy sự bình yên.

Hài hòa với tự nhiên, chính là điều khiến con người trở nên hạnh phúc.

Đứng trước trang trại của mình, Masanobu Fukuoka nhẹ nhõm, hòa vào tự nhiên và viết nên một câu chuyện làm nông, nhưng lại mang đậm tính chất triết học đời sống vừa sâu sắc vừa gần gũi.

Đọc cuốn sách của ông không chỉ để biết thêm về kiến thức nông nghiệp tự nhiên mà độc giả còn được nhiều hơn thế nữa. Qua từng trang sách, ta có cơ hội dừng lại, nghĩ và ngẫm về chính những thực phẩm ta ăn uống hàng ngày, và mối tương quan của nó về những quan hệ xã hội, luật nhân quả. Sau suốt những trải nghiệm của mình, người đọc có lẽ phần nào sẽ đến gần và chia sẻ được với điều mà Fukuoka đã kết luận.

“Tự nhiên không bao giờ có thể được thấu hiểu hoặc cải tạo nhờ vào nỗ lực của con người. Cuối cùng thì, để hòa làm một với tự nhiên, để được sống cùng với thượng đế, người ta không thể giúp người khác, ngay cả nhận sự giúp đỡ từ họ cũng không. Chúng ta chỉ có thể mình đi con đường của mình”

Fukuoka đã đi con đường của mình, quay trở về với tự nhiên, chữa lành những vết thương đất đai và rồi tìm được “vườn địa đàng” cho chính bản thân mình. Phải chăng đó chính là hạt nhân triết lý của mọi thứ triết lý trong cuộc đời này.

Cuộc cách mạng một cọng rơm đã được dịch sang hơn 20 thứ tiếng và bán được một triệu bản sách. Fukouka cũng là tác giả của nhiều cuốn sách tiếng Nhật, bài báo khoa học và các ấn phẩm khác. Ông đã trở thành một nhân vật truyền cảm hứng cho mỗi cá nhân và cộng đồng trong việc tìm kiếm một lối sống tự nhiên. Ông cũng là một người ủng hộ thẳng thắn các giá trị quan sát được từ tự nhiên.

Phong Linh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button