Cảm nhận sách

Dân nhạc Việt: Tiếng vọng trăm năm

Cuốn sách là sự tái hiện sống động và bao quát kho tàng dân nhạc, một di sản vô giá của Việt Nam, cũng là nguồn chất liệu lớn cho những sáng tác về sau này của nhạc sĩ Phạm Duy.

Suốt 20 năm đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc của mình, cùng với việc trở thành ca sĩ trong gánh cải lương Đức Huy – Charlot Miều chuyên hát những ca khúc mới ra đời trong thời kỳ nở rộ của Tân nhạc, Phạm Duy đã có cơ hội rong ruổi đến rất nhiều nơi.

Bên cạnh việc tiếp xúc với nhiều tên tuổi lớn của nền văn nghệ lúc bấy giờ như nhạc sĩ Lê Thương, thi sĩ Lưu Trọng Lư… chàng nghệ sĩ trẻ còn có cơ hội tiếp cận trực tiếp với những nhạc điệu dân gian mang đặc trưng của mỗi vùng miền, mỗi sắc dân trên khắp đất nước.

Trong giai đoạn này, Phạm Duy đã sưu tầm được hơn 200 bài dân ca của nhiều dân tộc khác nhau ở Việt Nam, hệ thống thành một tuyển tập và giới thiệu đến công chúng vào năm 1960. Đây có thể coi là khởi điểm cho quá trình nghiên cứu về dân nhạc Việt Nam của Phạm Duy, cung cấp nguồn chất liệu, cảm hứng cho người nhạc sĩ tạo nên một dòng sáng tác mang nét riêng có trong sự nghiệp âm nhạc của ông về sau này: dân ca mới.

Tiếp đó, giai đoạn 1961 – 1965, với vai trò là giảng viên thỉnh giảng bộ môn Nhạc ngữ Việt Nam tại Trường Quốc gia Âm nhạc Saigon và sau đó là người phụ trách chương trình phát thanh Dẫn giải dân ca, tên tuổi và uy tín của Phạm Duy dần được định hình trong lĩnh vực nghiên cứu âm nhạc dân gian. Đồng thời, đây cũng là tiền đề ra đời công trình đặc sắc nhất của ông về mặt tư liệu: Đặc khảo về dân nhạc ở Việt Nam.

Ra mắt công chúng lần đầu vào năm 1966, cho đến tận hôm nay, sau hơn 50 năm, Đặc khảo về dân nhạc ở Việt Nam của nhạc sĩ Phạm Duy vẫn thể hiện giá trị, tính thực tiễn rất lớn trong việc cung cấp một hình dung toàn diện và khá đầy đủ về đặc điểm, sự vun bồi, phát triển qua thời gian và trong những không gian khác nhau của hệ thống dân nhạc Việt Nam.

Theo như đánh giá của nhạc sĩ Đức Trí, một điểm cộng lớn của công trình này là không hề sa vào những phân tích, nhận định mang nặng tính hàn lâm thường gặp ở nhiều công trình nghiên cứu khác mà chỉ trình bày một bức tranh về âm nhạc dân tộc một cách khái quát, toàn diện và gợi mở để “bất kỳ ai đọc cũng hiểu”.

Về tổng thể, Đặc khảo về dân nhạc Việt Nam được chia làm hai phần: Dân nhạc các dân tộc thiểu số và Dân nhạc Việt với những cảm nhận và hình dung về nhạc cụ, nhạc tính, sự chi phối của quan niệm, tư tưởng mang đặc điểm riêng biệt hay tương đồng tùy thuộc vào môi trường, hoàn cảnh sống của mỗi dân tộc.

Trong phần đầu, Phạm Duy phác họa bức tranh của bốn hệ thống dân nhạc lớn của các sắc tộc thiểu số phân bố từ Bắc đến Nam bao gồm dân nhạc của các bộ tộc sinh sống dọc theo dãy Trường Sơn, dân nhạc của các bộ tộc ở Thượng du Bắc Việt, dân nhạc của những người Chăm mang dư âm của một nền âm nhạc đồ sộ của một vương quốc lớn từng bao trùm cả vùng Duyên hải miền Trung và dân nhạc Khmer trên đất Nam Việt.

Dựa trên một số lượng phong phú dữ liệu tác giả cung cấp, người đọc vẫn có thể dễ dàng nhận ra bề dày phát triển cũng như những ảnh hưởng mang đậm tính lịch sử từ các nền âm nhạc đồ sộ trong bốn hệ thống dân nhạc lớn của các sắc tộc thiểu số này ở Việt Nam. Những hệ thống dân nhạc này, có thể nói là một phần quan trọng mà không một ai có thể bỏ qua khi muốn tìm hiểu về di sản văn hóa âm nhạc Việt.

Ngoài ra, với việc khởi đầu công trình nghiên cứu của mình từ hệ thống dân nhạc của các dân tộc thiểu số, Phạm Duy dường như cũng muốn minh chứng một điều rằng dân nhạc của các tộc người thiểu số này cũng có một vị trí và vai trò quan trọng không kém cạnh dân nhạc của tộc người Kinh vốn chiếm ưu thế về số lượng và sự phong phú trong vấn đề tạo lập một cấu trúc hoàn chỉnh của toàn bộ nền âm nhạc dân gian Việt Nam.

Tiếp đó, ở phần giới thiệu về dân nhạc Việt, tác giả lại tiếp tục thể hiện kiến văn rộng rãi của mình bằng việc tái hiện kho tàng âm nhạc dân gian phong phú của người Việt trải dài từ Bắc đến Nam. Ở mỗi vùng miền, với những sự phát triển khác biệt về địa lý, văn hóa và hoàn cảnh sống, dân nhạc của người Việt lại mang đặc điểm, sự biến thể về âm luật và đề tài khác nhau.

Nhạc sĩ Phạm Duy thời trẻ và vợ – danh ca Thái Hằng. Ảnh: tư liệu.

Từ những điệu lý sôi nổi, hăng say được cảm tác trong quá trình lao động; những âm giai êm ái của những điệu hát ru con, điệu hò lướt trên sông nước hay những cung bậc ai oán của những câu hò than thân trách phận; những điệu hát ví, hát ghẹo mộc mạc, tình cảm nhưng không kém phần dí dỏm cho đến sự hoàn thiện về âm luật, sự tao nhã ẩn sau từng câu chữ trong những thể loại ca nhạc phòng của giới văn nhân tài tử; sự hưng thịnh hay thoái trào của các thể loại ca kịch nghệ sản sinh trong môi trường hội hè dân gian như tuồng, chèo, cải lương,… Tất cả đều được Phạm Duy tái hiện một cách sống động và khá công phu trong công trình nghiên cứu của mình.

Tuy nhiên, cũng như lời tự bạch của ông, mặc dù đã xây dựng nên một dạng hình khá đầy đủ về tổng thể của kho tàng dân nhạc Việt Nam, nhưng với một tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt cũng sẽ có những khiếm khuyết nhất định.

Ngoài ra, công trình này mới chỉ đưa ra cho người đọc những điểm nhìn chung trên bề mặt về dân nhạc Việt. Để có thể thấy, hiểu một cách chi tiết và toàn vẹn hơn về di sản văn hóa đồ sộ này của dân tộc, bạn đọc hoặc những người có ý định nghiên cứu chuyên môn chắc chắn phải có sự đào sâu, đối chiếu về tư liệu và tiếp xúc trực quan với các loại hình âm nhạc dân gian được trình tấu trong thực tế hoặc thông qua các bản thu âm, ký âm đã được thực hiện.

Và cuối cùng, có lẽ mong muốn lớn nhất, cũng là động lực thúc đẩy để Phạm Duy nghiên cứu, dụng công xây dựng nên công trình đặc sắc này đã được chính ông nêu lên một cách rõ ràng trong lời đề tựa của cuốn sách đó là “thông qua nội dung, hình thức của các ngành dân ca, ca nhạc phòng, ca kịch nghệ mà người xưa đã đưa ra để phảnh ánh xã hội thời qua, có thể gợi hứng cho người hôm nay sáng tạo cho thời này, để cho người thời sau sẽ phải công nhận và nghiên cứu”.

Cường Nguyễn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button