Cảm nhận sách

Để nhân vật tìm lại chính mình

Tác giả Phạm Tử Văn khai thác trực diện nhiều vấn đề nổi cộm trong cuộc sống cùng với đó là những thử nghiệm với nhiều phương ngữ khác nhau.

“Cát nổi, khói vẫn bay” là tập truyện ngắn đầu tay của tác giả Phạm Tử Văn viết về các đề tài nổi cộm trong cuộc sống hiện nay như nạn khai thác cát trái phép, thân phận người đồng tính, bạo lực gia đình, sự thờ ơ, tắc trách của một bộ phận người trong xã hội đã gây nên những hậu quả thương tâm…

Nếu như ở Cát nổi, người đọc thấy một cuộc sống lênh đênh với tương lai vô định của anh em Câm, miếng đất cắm dùi chẳng có, bươn chải bằng nghề cào cát thì bị cạnh tranh đến nỗi cát nằm dưới mộ người đã khuất cũng bị người ta tìm cách “nuốt trộm”. Nhưng vượt lên trên tất cả là sự vị tha của tình người cao đẹp xuất hiện trong phiên tòa ở cuối truyện.

Đến Khói vẫn bay lên, độc giả lại thấy xót xa cho một chàng Xầm bị tòa xử oan trong vụ án thứ nhất để rồi khi ra vành móng ngựa trong vụ án thực sự do mình là hung thủ, chàng đã lạnh lùng: “Bị cáo đã từng kêu oan nhưng có ai điều tra để trả lại sự trong sạch cho bị cáo đâu. Bị cáo không còn muốn tin ai nữa”. Niềm tin đã bị đánh cắp bởi những kẻ vô trách nhiệm, khi bị đẩy vào đường cùng, con người ta buộc phải tự hành động để bảo vệ bản thân.

Cũng ở truyện ngắn này, người đọc còn bắt gặp nửa câu chuyện thứ hai với hình ảnh tần tảo của người chị tên Sương đã phải bán máu để có tiền chạy thận cho em trai. Là người chứng kiến những bi kịch, những đắng cay đời người của Xầm và Sương, nữ nhà báo trong truyện đã phải thốt lên một cách cay đắng: “Con người chẳng thể che giấu được mình trong cái vỏ bọc của bản thân khi bước chân vào nhà tù và đến bệnh viện. Sự nhẫn tâm của số phận cứ bị phơi bày một cách thản nhiên đến lạnh lùng”. Và đó, dường như đang là hiện thực của cuộc sống hiện đại.

Hay như ở Sóng lặng – một truyện ngắn về đề tài đồng tính – không hề có những hình ảnh ướt át như những truyện ngắn cùng đề tài, người đọc chỉ thấy hình ảnh anh chàng bác sỹ thú y với nghị lực vươn lên mọi định kiến, kì thị của gia đình, xã hội, dấn thân về nơi heo hút để sống và làm việc.

Tác giả Phạm Tử Văn

Tất cả các nhân vật trong các truyện ngắn được tác giả đặt tên với những Đất, Câm, Xầm, Sương, Bường… khiến người đọc cũng như đoán định cho cuộc đời của họ. Mỗi người trong họ đều mang hình hài riêng biệt được tác giả nhào nặn và tô vẽ. Tựu chung trong đó, thấp thoáng những nỗi buồn chưa được thể hiện thành tên mà đa phần thân phận người phụ nữ từng bước cứ thế được vén sau mỗi bức màn.

Họ không phải kiểu người ủy mị, nhu nhược. Họ khóc than trong thứ tình yêu bị bội bạc nhưng sau đó biết vùng lên để tìm lại giá trị của bản thân – “giữ gìn truyền thống không có nghĩa là phải nhẫn nhục để cho người ta chà đạp gia đạo của nhà mình”. Người đọc như đồng cảm với số phận, với khó khăn, với những nỗi tủi nhục của nàng Phụng Loan trong Nước mắt nàng Nguyệt Cô không những bị chồng phụ bạc mà còn bị chính mẹ mình cấm “ly hôn” để giữ thể diện hai chữ “gia phong” cho dòng tộc.

Tập truyện được thử nghiệm với nhiều phương ngữ khác nhau. Lúc thì giọng miền Nam đặc sệt, lúc lại giọng miền Bắc sắc sảo hay mang giọng miền Trung chân chất. Cốt truyện không đánh đố người đọc nhưng do biết cách biến hóa, linh hoạt trong cách hành văn nên có thể dẫn dắt người đọc đi từ cảm xúc này sang cảm xúc khác. Với những đoạn cao trào, kịch tính được đẩy lên dữ dội, lắm lúc như muốn đẩy người ta vào bước đường cùng trong tâm trạng âu lo để rồi thả phanh thật nhẹ nhàng trong những lối rẽ hẹp.

Mỗi truyện đôi dòng gây cảm giác gần gũi cho người đọc. Cũng chỉ với vài hình ảnh quen thuộc: con đò, bãi cát, làng quê, những đêm trăng thanh tịnh,… bình dị, hiền hòa như chính nơi tác giả sinh ra giúp làm nền cho những số phận bất hạnh đang từng bước tìm lại chính mình.

Cuộc sống này, ai cũng có những hoàn cảnh, những nỗi đau của riêng mình nhưng trên hết họ vẫn luôn khát khao được sống, khát khao vượt qua bi kịch cuộc đời mình để tiếp tục tồn tại. Đọc “Cát nổi, khói vẫn bay” để thấy mình vẫn còn may mắn, để chia sẻ, cảm thông và thương cho những kiếp người trôi nổi như Xầm, Sương. Và đọc để hiểu: “Sống mà không thể yêu thương và đùm bọc được nhau thì cuộc đời này ngắn đến nhường nào”…

Hoàng Bích Ngọc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button