Cảm nhận sách

‘Đêm trắng’: Tình yêu trong sáng thế

“Đêm trắng” ấy khiến một đại văn hào lừng lững trở nên gần gũi. Và “Đêm trắng” ấy, làm đầy thêm biển ái tình của con người.

Năm nào cũng vậy, ở Saint Peterburg khoảng thời gian từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 7 được gọi là những đêm trắng. Đó là khoảng thời gian mặt trời có mặt trên bầu trời lâu nhất trong năm, và đêm chỉ là một ranh giới rất mỏng, rất mơ hồ giữa hai khoảng khắc hoàng hôn và bình minh đan xen vào nhau.

Trong câu chuyện của Đêm trắng, người đọc được cùng dạo bước trong đêm với hai nhân vật. Một người đàn ông 26 tuổi, một công chức bình thường, thích đi dạo vào ban đêm tại Saint Petersburg. Ông tự nhận mình là người thơ mộng, yêu thích khung cảnh mây nước mênh mang hữu tình. Trong đêm trắng ấy, ông đã tình cờ gặp Naxtenca, mười bảy tuổi, là một thiếu nữ mới lớn, đầy những cảm xúc ngọt ngào, tự do và thơ mộng.

Giữa khung cảnh dễ sinh tình ấy, họ đã bắt đầu cởi mở tâm hồn với nhau, cùng chia sẻ những cảm xúc tâm tư, đầy chân thành và tha thiết. Họ vụt thoát khỏi những mỏi mệt vụn vặt trong đời sống tầm thường hàng ngày để đắm chìm trong không gian hư ảo của màn đêm phương Bắc, và từ khung cảnh ấy, những rung động cũng nảy nở, lớn dần. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi của năm đêm trắng cùng nhau, họ đã yêu nhau, tình yêu trong sáng và say đắm.

Nhưng Naxtenca đã có người yêu, và cuối cùng cô đã quay trở về với người yêu của mình, chối bỏ cả xúc cảm của bản thân. Phải chăng, tình yêu ấy cũng tan đi như hư ảo của những đêm trắng. Không, đó chỉ là chuyện hai người yêu nhau lìa xa nhau, còn tình yêu vẫn là điều ở lại, lẩn mình sâu vào trong tâm trí của con người, lặng yên.

Những đêm trắng của người đàn ông kết thúc bằng một buổi sáng, một ngày mới thật tồi tệ. Ông nhận được thư xin tha thứ của Naxtenca. Mọi chuyện chỉ là một cơn mơ, một ảo ảnh… Sự thật rằng, Naxtenca đã nói rằng yêu ông và bây giờ vẫn thế, còn hơn cả yêu! “Ôi lạy Chúa! Giá như em có thể yêu cả hai người cùng một lúc! Ôi, giá như anh ấy là anh!”

Tình yêu là một bí ẩn mà ta không bao giờ giải đáp được, chính là như thế.

Trong ngày cuối cùng ấy, người đàn ông đứng đó, nhìn theo cặp tình nhân, rất lâu, rất lâu… Ông đứng mãi trong không khí còn vương lại mùi của người yêu, đã trở thành một “đóa hương bay”, bay mãi vào cõi lòng ông.

Đêm trắng của Dostoyevsky là câu chuyện tình trong sáng mà đứa trẻ lớn lên nào ở Nga cũng đã từng đọc qua, cũng đã từng say mê, và những đêm trắng ở Saint Peterburg không còn đơn giản là chuyện của mặt trời và sóng nước, nó đã trở thành những kỷ niệm thật khó quên của biết bao nhiêu thế hệ, trở thành biểu tượng của những câu chuyện về tình yêu, tình bạn thật đẹp đẽ.

Dostoyevsky cho công bố Đêm trắng vào năm 1848, khi ông mới 27 tuổi. Đây là thời kỳ Dostoyevsky còn chưa bị bắt, và chưa bị nỗi kinh hoàng vì chết hụt đầy đọa. Giọng văn của ông còn ngọt ngào, nhẹ nhõm, và tươi mới; những nhân vật của ông nhiều mơ mộng và cuộc sống thì thực thanh bình, êm ả.

Những mối tình dang dở thật kỳ lạ, nó khiến người ta hụt hẫng, đau đớn, và hơn hết, nó lưu giữ lại rất lâu trong tâm tư như những minh chứng đẹp nhất của tuổi thanh xuân. Những khoảnh khắc tình yêu đẹp nhất của cô gái 17 tuổi, trong vỏn vẹn năm đêm trắng ấy, nhưng nó là khoảnh khắc suốt đời, là những ảnh hình cô sẽ còn nhớ mãi về sau.

“Những đêm trắng ở Saint Petersburg, luôn luôn được kỷ niệm với những cuộc dạo đêm đầy chất thơ và tràn đầy tiếng hát”. Dostoyevsky có lẽ đã bắt gặp bao nhiêu những cuộc dạo đêm như vậy để rồi viết nên Đêm trắng, một tiểu thuyết ngắn đẹp đẽ lãng du về tuổi trẻ, tình yêu, bằng những lớp ngôn từ dặt dìu, mê đắm.

Nhắc đến tên Dostoyevsky, nhiều độc giả trẻ hôm nay hẳn sẽ có đôi chút dè dặt bởi sự khắc nghiệt đau đớn và tầm triết lý chặt chẽ sâu sắc trong văn chương ông, nhưng Đêm trắng của Dostoyevsky thật lạ lẫm với những tội ác và hình phạt, ở đó chỉ có sự thơ trẻ và mộng mị của ái tình, cái thứ ái tình rất lặng lẽ mà rất sâu đậm.

Đọc Đêm trắng để thấy một Dostoyevsky thơ mộng, một Dostoyevsky khao khát yêu đương, khao khát được thả hồn mình chiêm ngưỡng, san sẻ những điều đẹp đẽ. Đêm trắng gợi nhắc cho tôi nhớ về Kẻ lãng du, Chó hoang Dingo hay Mối tình đầu… Những ký ức của một thời mười tám đôi mươi. Dostoyevsky, lúc 27 tuổi ấy, có lẽ cũng đã đầy những rung cảm, và những mối tình thơ dại.

Phong Linh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button