Cảm nhận sách

Đi ở nhớ về: Lắng nghe nhà báo luận chuyện

Có thể xem Đi ở nhớ về là cuốn sách của những khoảnh khắc. Những khoảnh khắc xoáng qua, rất vội; nhưng qua ngòi bút của Ngô Kinh Luân thì dư âm của nó vẫn còn mãi.

Trong cuốn sách của mình, Ngô Kinh Luân luận bàn trên nhiều phương diện đề tài. Lúc là về Sài Gòn náo nhiệt đầy màu sắc, về dòng nhạc Boléro thịnh hành một thời, hay đơn giản là những chuyện “lăng nhăng” của cuộc sống thường nhật. Có lúc lại là những xúc cảm trong một đêm mưa, một chút bâng khuâng trong những ngày cuối năm. Ngô Kinh Luân cũng cất lên tiếng nói của những thị dân trẻ, những người đang quay cuồng với kiếp phận tha phương để đôi khi bất lực với nỗi nhớ nhà nhớ quê triền miên.

Ngô Kinh Luân khai tuổi Quý Hợi, nghĩa là cũng mới chỉ hơn ba mươi một chút nhưng những gì anh mang đến trong Đi ở nhớ về khiến bạn đọc không khỏi bất ngờ. Luân biết và hiểu nhiều chuyện quá, từ chuyện Đông Tây kim cổ, đến chuyện đời chuyện người. Thế rồi mà bận lòng! Sức hấp dẫn của cuốn sách cũng đến từ đó.

Ngoài những kiến thức được luận bàn một cách hóm hỉnh, duyên dáng; bạn đọc còn nhận ra ở Luân một tấm lòng đầy thơm thảo với những người quanh mình, dù đôi khi họ chỉ là người dưng nước lã. Như lúc anh mua giúp người phụ nữ 5 tờ vé số, thì được dúi vào tay… 40 tờ; đã thế còn phải “bù” thêm ly cà phê sữa đá. Vậy mà anh vẫn chỉ “cười cười”. Cái cười ấy đủ sức bao dung và thân thuộc, cho không chỉ với người phụ nữ bán vé số kia! Như khi anh nói với đạo diễn thân: “Có vai diễn nào hợp, vai diễn nhỏ thôi. Anh cho em gửi cô em, để có thêm thu nhập”. Mà cô em tên Giàu kia cũng đâu phải thân sơ gì, chỉ là cô bé bán vé số tình cờ gặp trong cuộc sống tất bật vậy thôi!

Đi ở nhớ về còn tái hiện lên những cuộc gặp gỡ, đôi khi chỉ là khoảnh khắc ngắn ngủi, với bằng hữu hay những người mà vì một lý do nào đó đã cùng hội ngộ với nhau. Trong số những bằng hữu mà Ngô Kinh Luân nhắc đến trong cuốn sách của mình, đa phần đều là dân văn nghệ. Những là thi sĩ Du Tử Lê, Đoàn Thạch Hãn, nhà phê bình Nguyễn Hòa, nhà thơ Lê Minh Quốc rồi nghệ sĩ Thương Tín… Chỉ với vài dòng ngắn ngủi, nhưng anh đã kịp mang đến cho bạn đọc thêm một góc nhìn mới về những người mà ít nhiều được biết mặt biết tên.

Ngô Kinh Luân là nhà báo, anh có rất nhiều độc giả yêu quý và dõi theo qua từng bài viết. Có lẽ, nghề báo đã giúp anh được đi nhiều, được gặp gỡ với nhiều người, nhiều thành phần trong xã hội. Điều đặc biệt là những cuộc gặp gỡ ấy không hẳn đã dừng lại sau khi bài báo ra mà được nối dài sau đó. Và vì thế, độc giả có cơ hội được gặp lại họ trong cuốn sách Đi ở nhớ về. Là An. Là Kiều. Là Vương… Những nhân vật ấy, phần đông là những thân phận nhỏ bé, với tiếng nói yếu ớt trong cuộc đời đầy rẫy cạm bẫy, phản trắc. Vậy nên, với họ, Ngô Kinh Luân là một điều may mắn. Ít nhất, anh mang đến cho họ nguồn ủi an, một chỗ dựa về tinh thần quý giá mà không dễ dàng tìm thấy dù xã hội có không ít nhà báo.

Nhưng trên tất cả, tạo nên nhiều đồng điệu nơi bạn đọc có lẽ là nỗi nhớ cố hương mà Ngô Kinh Luân chưa bao giờ ngừng khắc khoải cho dẫu anh đã có mười năm ở phố. Mười năm trôi qua, biết bao nhiêu chớp tắt của phận người, biết bao hư vinh trong đục nhưng Luân vẫn thừa nhận “không quen được sự vội vã ở Sài Gòn, vẫn cảm thấy xa lạ khi lang thang trên con phố ít bóng cây, dài hun hút. Vẫn thảng thốt khi nghe tiếng sẻ nâu líu ríu trước sân nhà. Vẫn ngơ ngác khi nhìn màu tím nhạt của cây hoa súng ta trồng trong chậu bùn trước hàng hiên…”

Cái tâm trạng ấy, cái bồn chồn ấy thực ra không chỉ của một mình Luân. Anh đang nói hộ cho nhiều người, lớp thị dân trẻ đang đổ xô về đô thị từ trăm nẻo chốn quê. Ai cũng hăm hở đi, mặc nỗi nhớ làm cho suy kiệt. “Mười năm rồi có thể thêm mười năm nữa, tôi vẫn cứ hoang hoải giấc mơ về gốc rạ cụt trơ mình ở cánh đồng quê…”

Huy Sơn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button