Cảm nhận sách

Đọc sách quan trọng như thế nào?

Will Schwalbe là một nhà báo, chủ bút NXB, tác giả của những đầu sách best-seller về chủ đề văn hóa đọc.

Ngày 27/12 tới đây, NXB Knopf (Mỹ) sẽ chính thức phát hành cuốn sách Books for Living của Will Schwalbe. Cuốn sách nói về tầm quan trọng của việc đọc sách và những giá trị mà sách mang lại cho con người.

Đây là phần lược dịch và trích đăng một phần trong cuốn sách.

Đọc sách là một trong những phương thức quan trọng để kết nối với thế giới, hoàn thiện bản thân và thấu hiểu những câu hỏi của câu cuộc đời.

Chúng ta hỏi nhau rất nhiều trong cuộc sống nhưng lại quên đi câu hỏi “Chúng ta đang đọc gì?” Câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng lại vô cùng quan trọng vì có thể thay đổi cuộc sống của mỗi người.

Chúng ta thử đưa ra một tình huống ví dụ. Trong một lần ở hiệu sách, tôi bắt gặp một người phụ nữ lớn tuổi. Bà buồn bã kể cho tôi nghe chuyện mất liên lạc với người cháu trai yêu quý. Bà thì sống ở Floria trong khi người cháu thì sống cùng bố mẹ ở một nơi khác. Hàng ngày, bà gọi điện hỏi hạn tình hình học tập và cuộc sống của cậu và lúc nào cũng chỉ nhận được những lời đáp vỏn vẹn: “Ổn ạ”, “Chẳng có gì đặc biệt”, “Không có gì mới”.

Bộ ba tác phẩm Đấu trường sinh tử của tác giả Suzanne Collins

Một ngày nọ, bà hỏi cháu trai về thứ cậu đang đọc. Người cháu nói mới đọc Đấu trường sinh tử (The Hunger Game), bộ truyện đầy ám ảnh với lứa tuổi mới lớn của tác giả Suzanne Collins. Bà định đọc thử bộ truyện với mong muốn có thể trò chuyện với cậu cháu trai nhưng thực sự đã bị lôi cuốn ngay khi vừa mới lật giở những trang đầu.

Cuốn sách giúp hai bà cháu xích lại gần nhau hơn qua những câu hỏi quan trọng trong cuộc đời mỗi người, về sự tồn tại, suy vong, lòng trung thành hay sự phản bội, cái tốt – xấu và cả về chính trị. Người cháu không còn đợi đến khi bà gọi mà đã chủ động liên lạc để kể về mọi thứ.

Nếu không nhờ việc đọc, họ sẽ không bao giờ tìm ra nhiều điểm chung đến vậy cho dù là người trong cùng một gia đình.

Chúng ta cần phải đọc và trở thành người biết đọc sách hơn nữa.

Chúng ta kêu ca vì bận rộn cả ngày. Chúng ta mua sắm vô độ những gì mình không cần và sau đó bối rối với cả đống đồ đó. Chúng ta hiếm khi ngủ ngon hoặc đủ giấc. Chúng ta đem cơ thể mình ra so với những nhân vật trên tạp chí, trên màn ảnh. Chúng ta xem những chương trình nấu ăn và rồi vẫn chọn đồ ăn nhanh.

Chúng ta lo mình gầy yếu và đăng ký lớp tập gym nhưng chẳng bao giờ tham gia. Chúng ta lo làm thân với hàng trăm người lạ nhưng lại hiếm khi ngó ngàng đến những người bạn thân nhất của mình. Chúng ta ngập ngụa với những email, video và tin nhắn dài lê thê. Chúng ta thậm chí đã lao vào làm những điều đó mà không dứt ra được.

Chúng ta cần phải đọc và trở thành người biết đọc sách hơn nữa. Ảnh minh họa.

Vấn đề ở đây là nhiều người sợ bỏ lỡ một điều gì đó nếu như ngừng lại, sợ rằng ở đâu đó, ai đó đang làm hay trông thấy điều gì mới, nghe thấy hay ăn được thứ gì đó tốt hơn chúng ta.

Tôi thực sự muốn thoát khỏi lối sống như vậy. Và nếu nhiều người cùng chung suy nghĩ như tôi, thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

Kết nối là một trong những ưu điểm vượt trội của thời đại internet, giúp tạo nên những điều phi thường. Tuy nhiên, việc liên tục kết nối qua internet không phải là điều hoàn toàn vô hại, chúng khiến con người giảm dần những kết nối tự nhiên, thiếu kiên nhẫn và mất tập trung.

Sách là công cụ thích hợp duy nhất để chúng ta đưa các mối quan hệ của mình về đúng nhịp độ và thói quen trong cuộc sống hàng ngày giữa thế giới kết nối vô tận kia.

Mai Anh (dịch)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button